Sáu điều tâm huyết của một nhà giáo gửi Chính phủ về chất lượng Đại học

Thứ bảy - 29/10/2016 23:30

Sáu điều tâm huyết của một nhà giáo gửi Chính phủ về chất lượng Đại học

TS.Nguyễn Tiến Luận – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Nguyễn Trãi chia sẻ, nền giáo dục chất lượng cao là tiền đề quan trọng để xây dựng đất nước hưng thịnh.

Chất lượng đào tạo đại học đang là vấn đề bức bối của toàn xã hội. Ở buổi hội thảo Tự chủ đại học và trách nhiệm xã hội, rất nhiều các ý kiến tâm huyết đã nêu ra thực trạng yếu kém ở nhiều trường đại học công lập, từ tổ chức quản lý cho tới đào tạo.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, loại bỏ những yếu kém cố hữu nhiều năm qua thì biện pháp cần thiết là phải thúc đẩy nhanh quá trình tự chủ của các trường đại học, cao đẳng. 

TS.Nguyễn Tiến Luận – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Nguyễn Trãi chia sẻ, có 6 nhóm vấn đề mà ông mong rằng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lưu tâm trong tiến trình đổi mới, để Việt Nam thực sự có một nền giáo dục mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu, như điều mà Bác Hồ mong muốn, gửi lại cho các lớp cháu con.

Thứ nhất, cần xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, thống nhất về quản lý nhà nước. Quyền quản lý giáo dục đại học chỉ thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các trường không còn thuộc, trực thuộc Chính phủ, bộ ngành và các tổ chức thuộc khu vực nhà nước nữa.

Trong một buổi làm việc với Hiệp hội các trường Đại học Cao đẳng Việt Nam vào đầu tháng 8/2016, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ “Ngày xưa thời bao cấp, thời kinh tế tập trung thì bộ nào, địa phương nào cũng có một trường, nhưng bây giờ kinh tế thị trường thì phải chuyên nghiệp.

Do đó, không có lý do gì mà mỗi bộ ôm một trường, thậm chí nhiều trường. Bây giờ để giải quyết vấn đề này thì phải bằng cách áp dụng các tiêu chí kiểm định, công khai minh bạch, để từ đó phân tầng, xếp hạng”.

Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm này! Rõ ràng, cơ chế bộ, ngành, địa phương quản lý trực tiếp đối với các trường đại học là không còn phù hợp.

Sớm giải quyết vấn đề này, tức là gỡ được một nút thắt quan trọng ở khâu tổ chức quản lý. Những người được bổ nhiệm ở vị trí quản lý phải thực sự xứng đáng, có năng lực chuyên môn và tư duy quản lý giỏi, nhận được sự tín nhiệm cao của Hội đồng nhà trường.

Một Hiệu trưởng giỏi sẽ có nhiều biện pháp để tuyển được những giảng viên giỏi, phục vụ thực chất cho công tác đào tạo, mà không còn bị ảnh hưởng bởi những tác động từ cơ quan quản lý như hiện nay.

TS.Nguyễn Tiến Luận cho rằng, cần có một lộ trình cụ thể để trong khoảng 5 năm nữa chỉ giữ lại 15% trường đại học công lập thực hiện các nhiệm vụ của nhà nước. ảnh: Ngọc Quang.

Thứ hai, Chính phủ cần sớm đề ra một lộ trình cụ thể hơn để trong khoảng 5 năm nữa chỉ giữ lại 15% các trường đại học công lập thực hiện các nhiệm vụ chính trị của nhà nước; một số ngành nghiên cứu khoa học cơ bản; một số ngành đặc biệt mang tính đặc thù như nông, lâm, ngư nghiệp, khai thác, công nghệ cao.

Đối với những ngành nghề đào tạo thiên về các sản phẩm thị trường thì cần phải tự chủ hoàn toàn giống như các trường đại học ngoài công lập. Khi nhà nước cần sử dụng cán bộ đối với những ngành này, hoàn toàn có thể "đặt hàng" các trường.

Như vậy, mỗi năm nhà nước tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng và như chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì nhà nước vẫn đồng hành cùng các trường nhưng chi phí ấy sẽ được dành cho nghiên cứu khoa học. Đây là một điểm yếu của nhiều trường đại học công lập.

"Cử nhân phải ra cử nhân, Tiến sĩ phải ra tiến sĩ"

(GDVN) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gây bất ngờ bằng một bài tham luận hết sức sâu sắc về vấn đề tự chủ đại học.

Thứ ba, trong khoảng 20 năm trở lại đây, nhiều trường Cao đẳng chuyển lên Đại học dẫn đến chuyện vơ vét thí sinh, nhưng đào tạo yếu kém và không chịu trách nhiệm đối với kết quả đào tạo.

Khi đã thực hiện tự chủ, những trường không đảm bảo các yêu cầu đào tạo Đại học phải sáp nhập hoặc trở về với chức năng cũ của một trường Cao đẳng.

Đào tạo hệ Cao đẳng và Cao đẳng cộng đồng là để thực hiện chủ trương, chính sách phát triển quốc gia về đào tạo nghề, giúp các gia đình khó khăn, thực hiện chính sách phát triển xã hội. Vì vậy, không có lý do gì lại nâng cấp một trường Cao đẳng lên thành Đại học.

Thứ tư, chấn chỉnh tình trạng đào tạo tràn lan xảy ra liên tục nhiều năm qua, khi một số trường đại học bỗng nhiên biến thành đào tạo đa ngành nhằm lấy được nhiều thí sinh.

Tuy nhiên, chất lượng đào tạo của một số ngành yếu kém do không thể cạnh tranh nổi với những trường đã có truyền thống đào tạo chuyên nghành đó.

Ở Việt Nam, có thể nói rằng, trong những năm trước mắt cũng chưa thể có đủ điều kiện xây dựng những trường đại học đa ngành mà ngành nào cũng đạt chất lượng tốt.

Vì vậy, biện pháp tốt nhất và gần nhất là phải tập trung sâu vào những ngành chủ chốt mà trường đã đào tạo nhiều năm. Tức là tập trung sâu vào chất lượng, chứ không còn là số lượng nữa.

Nhiều trường đại học dành quá nhiều thời lượng đào tạo lý thuyết, nhưng không chú trọng tới những năng lực cốt lõi khiến tỷ lệ cử nhân thất nghiệp tăng nhanh. ảnh: GDVN.

Thứ năm, khi đã thực hiện tự chủ, Chính phủ cần có tổng kết đánh giá và điều chỉnh những gì chưa phù hợp. Thí dụ, trong Luật Giáo dục vẫn có những quy định hạn chế quyền tự chủ của cơ sở giáo dục như: Về học thuật, cơ sở giáo dục đại học không được tự quyết định chương trình đào tạo mà phải theo chương trình khung do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định (Điều 41).

Bộ, ngành, tỉnh còn "ôm" các trường đại học đến bao giờ?

(GDVN) - GS.Nguyễn Minh Thuyết nhận định, cần phải chấm dứt tình trạng các bộ, UBND các tỉnh quản lý trực tiếp đối với giáo dục đại học, cao đẳng.

Về chế độ đãi ngộ, nhà giáo và viên chức của cơ sở giáo dục đại học được trả lương theo quy định về ngạch bậc và lương, phụ cấp của Chính phủ (Điều 81).

Điều này là một rào cản đối với yêu cầu tự chủ, vì khi đó các trường phải chủ động ký hợp đồng với giảng viên.

Thù lao được trả dựa trên thỏa thuận của giảng viên với nhà trường, căn cứ vào trình độ, năng lực và những đóng góp thực tế khi giảng dạy tại trường.

Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước cũng không nên can thiệp vào vấn đề phân tầng đại học, mà nên để cho các tổ chức kiểm định độc lập đánh giá, trong đó có vai trò của Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam.

Thứ sáu, nhân chuyện bàn về đổi mới chương trình – sách giáo khoa phổ thông, tôi mong rằng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nghiên cứu triển khai thư viện điện tử, sách giáo khoa điện tử và bài giảng điện tử.

Biện pháp này hoàn toàn có thể áp dụng đối với học sinh phổ thông và đào tạo Đại học, Cao đẳng.

Nếu thực hiện được như vậy thì vừa thuận tiện cho học sinh, sinh viên nghiên cứu, học tập; đồng thời cũng sẽ tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng để tái đầu tư, nhập khẩu công nghệ giáo dục hiện đại.

Song song với quá trình đẩy nhanh hơn nữa yêu cầu tự chủ đối với các trường Đại học công lập, tôi cũng mong rằng Chính phủ lưu tâm để sớm xây dựng được một trường đại học chất lượng ngang tầm khu vực và dần tiệm cận với những quốc gia có nền giáo dục mạnh như Mỹ, Anh, Đức, Pháp.

Tôi tin rằng, chỉ khi nào giáo dục Đại học Việt Nam thực sự có chất lượng cao (được thế giới công nhận), tạo nên những công dân toàn cầu, thì khi đó các mặt khác về kinh tế - xã hội mới vững mạnh.

Đó là tiền đề quan trọng mang tính then chốt tạo nên một đất nước hưng thịnh bền vững.


Tác giả bài viết: Thanh Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập212
  • Hôm nay18,676
  • Tháng hiện tại242,663
  • Tổng lượt truy cập35,508,944
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây