Cả một tuổi thơ của Thắng đã trôi đi cùng âm nhạc. Ở vùng quê ấy, một tỉnh nghèo miền Trung, một đứa bé không phải lao động, chỉ được học theo đam mê như Thắng, không phải nhiều. Mẹ anh, người đã vượt qua mọi ngăn cản, kể cả định kiến, kiểu như “gạo còn chưa đủ ăn còn đàn với nhạc”, đưa con mình chạm đến giấc mơ ấy.
Giấc mơ của Thắng quyết định sự làm lụng nhiều hơn của người mẹ. Đi làm đồng, người ta về hết, mẹ vẫn còn lầm lũi cho đến lúc trời tối mịt. Mẹ phải xong việc sớm để ngày mai làm việc khác kiếm tiền. Ngoài làm nông, mẹ chạy chợ, để con có thể có được cây đàn, được đi học nhạc.
Sẵn đam mê, Thắng làm quen rất nhanh với âm nhạc. Hiểu sự hy sinh của mẹ, nên những năm trung học, Thắng đã có thể đi đánh đàn đám cưới, hội hè để kiếm tiền.
Trong thời gian chờ thi vào trường nhạc, trong làng Thắng có đám cưới. Ngoài đảm nhận phần nhạc công, anh còn xung phong đi dựng rạp đám cưới giúp nhà người ta. Hôm ấy, Thắng trèo lên trên để dựng khung rạp.
Ở dưới, người ta chuyền cho Thắng những thanh kim loại để dựng khung. “Xoẹt”, một thanh kim loại rất dài chạm vào dây điện trần bên trên. Thắng bất tỉnh.
Anh tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong bệnh viện, hai tay bất động. Bên ngoài, bác sĩ nói với mẹ anh rằng, anh sẽ phải cắt cả hai tay. Chúng đã hoại tử hẳn.
Giây phút đó, Thắng tự mặc định rằng, mình đã chết. Chết đi cùng giấc mơ lướt phím của đứa trẻ năm nào.
“Đến khi chuyển vào phòng cắt tay, tôi gần như vô cảm. Tôi không quan tâm gì nữa, chỉ là không muốn mẹ tôi đau lòng nên tôi không cắn lưỡi chết. Tôi phải tồn tại để mẹ thấy mẹ chưa mất tôi”
“Bạn không tưởng tượng được tôi yêu đôi tay của mình đến mức nào. Nhưng, sau khi tỉnh dậy, tôi nhìn mẹ mà cắn răng: Không phải cái gì mình yêu quý nhất cũng đều có thể giữ được. Con đã không giữ được đôi tay mình. Và mẹ nói rằng: Mẹ sẽ là đôi tay của con…”
Với Thắng, đôi tay là 90% cuộc đời anh.
Anh sống với 10% còn lại của đời mình, vật vờ, bất lực. 2 năm anh trói mình trong 4 bức tường. Một vòng mặc định giữa ăn và ngủ. Anh không thể làm được bất cứ việc gì ngoài việc gọi mẹ giúp đỡ trong tất cả mọi việc.
Anh nhìn cuộc sống cũng đầy khắc nghiệt. Không hy vọng hoặc không muốn thấy hy vọng. Mọi thứ đóng khung trong hai từ “mất” và “chết”
Rằng mất, là bất cứ cái gì cũng có thể mất. Kể cả mẹ, người đã là đôi tay của anh, cũng có thể mất.
Rằng chết, một ngày nào đó mẹ anh cũng chết theo quy luật. Và anh sẽ làm gì ngay sau đó.
Nhưng có một thứ anh không muốn nó mất khi tất cả mọi thứ đã mất hết: cây đàn. Mẹ đã bán hết mọi thứ trong nhà từ trâu bò, thậm chí cả ruộng vườn để chạy chữa cho anh. Nhưng cây đàn thì không.
Ngày đầu tiên bước chân từ bệnh viện về, anh đi lùng sục cây đàn. Mẹ đã giấu nó đi vì sợ anh nhìn thấy nó mà đau. Nhưng anh vẫn tìm được.
Anh tập bật đàn, không thể. Lúc này, anh thấy mình tức giận. Anh hét lên, và nện tay liên hồi xuống cây đàn đến sưng cả tay. Cái thứ âm thanh chát chúa ấy càng làm anh cảm thấy mình bất lực.
Từ đó, anh càng nghĩ rằng mình đã không còn sống trên cuộc đời. Mình chỉ tồn tại ở đây thôi, vô vị, vô dụng, và sẵn sàng nổi cáu bất cứ lúc nào, với bất cứ ai, kể cả không cần lý do.
Lại thêm một năm nữa qua đi, anh nướng mình vào những cuộc vui với bạn bè, vào những cơn say.
Thông thường, mỗi lần anh đi uống rượu về, dù khuya đến mấy, mẹ vẫn chờ cửa. Anh cứ thế đi vào, mẹ sẽ làm một món gì đó cho anh ăn. Mẹ sẽ trông chừng đến khi anh ngủ, mẹ mới đi ngủ.
Một lần, cũng như bao lần, anh uống rượu về trễ. Nhưng, mẹ không đứng ở cửa nữa. Anh bước vào, thấy mẹ ngủ gật trên ghế. Anh đứng yên một chỗ nhìn mẹ. Nhìn rất kỹ vào mái tóc đã bạc đi nhiều suốt 3 năm. Nếp nhăn hằn sâu hơn. Sự mệt mỏi và đau buồn như giấu hẳn dưới lớp da đã đốm đồi mồi.
Anh khẽ khàng xuống bếp đứng khóc. Lúc đó, như chợt bừng tỉnh, anh tự nói với lòng mình: “Mẹ ơi, con sẽ sống lại. Con sẽ không làm mẹ đau lòng thêm nữa”
Anh bắt đầu bằng việc tự tay lấy mì trong tủ bếp ra bát, dùng răng xé gói mì, dùng cùi tay đập vỡ quả trứng trong bát. Anh với lấy phíc nước sôi mẹ để sẵn, chiếc phích rơi xuống. Mẹ tỉnh dậy.
Anh nói với mẹ rằng để anh tập làm, để anh tự làm. Anh cũng tập làm, tự làm nhiều thứ từ thời điểm đó.
Thắng tự tập làm những việc cá nhân từ đánh răng, rửa mặt, tắm rửa, vệ sinh. Thắng tập nấu ăn: hai tay ôm lấy đũa đảo cơm, xào rau, rồi lau bếp, quét nhà…
Thắng tập chơi đàn lại. Nhưng hai cánh tay thì khó có thể lướt những phím dưới mà chỉ có thể đánh được những phím thăng giáng.
Anh bắt đầu bằng những phím đó. Thỉnh thoảng anh chơi phím dưới. Những kiến thức âm nhạc năm xưa như thức dậy. Niềm đam mê ngày xưa cũng thức dậy.
Một thời gian ngắn, Thắng đã tự chơi lại được những bản nhạc ngày trước, với một gam khác, một sắc màu khác. Với anh, bức tường cuộc đời anh đã vượt qua được kể từ ngày anh thầm hứa với mẹ.
Nhưng những bức tường khác lại được dựng ra. Người ta không muốn trong ngày vui lại phải mời một người tàn phế ngồi trên sân khấu để chơi nhạc. Thi thoảng có đám nào thân mời mọc thì anh mới có được một show nhỏ.
“Bức tường lớn nhất với người tàn tật bao giờ cũng là sự tự ái. Tự ái cao lắm. Một lời lẽ nghe không thuận tai, cũng khiến chúng tôi phản ứng. Nhưng, tôi muốn vượt qua bức tường này mới đến được nơi mình cần đến” – anh nghĩ như thế để bắt mình phải vượt qua những kỳ thị. Bằng cách nào?
Anh nói với mọi người, anh chỉ cần việc làm, không cần sự thương hại, hãy tạo cơ hội để anh làm việc như một người có tay chân lành lặn. Và gạt qua tất cả những gì người ta có thể làm mình tổn thương bằng cách nghĩ rằng, người ta sẽ có thể nói với mình thế này, hành động với mình thế kia, để rồi nhẫn nhịn xử lý mọi thứ ổn thoả.
Anh đã có công việc đều dần lên từ suy nghĩ đó.
Khi cô nào phải lòng anh, và anh phải lòng họ, anh cũng chuẩn bị trước cho họ suy nghĩ rằng “không phải cái gì ta yêu thì cũng có thể còn mãi”
Anh chuẩn bị cho họ phương án: “Em sẽ thế nào nếu gia đình em kiên quyết phản đối, không muốn em khổ vì lấy phải một người chồng không có đôi tay?”
“Em sẽ làm gì nếu sau này, đến cả một số việc em cần anh cũng khó có thể mà giúp được? Em sẽ như thế nào khi mà anh chỉ làm được một số việc hữu hạn, còn làm giàu thì vô cùng khó?”
Và rồi rất nhiều cô, say mê tiếng nhạc cung đàn là thế, nhưng rồi cũng tỉnh ra như tỉnh một cơn say rượu. Họ không đến với anh vì họ không vượt qua được chính những bức tường mà anh đã đặt sẵn.
Duy chỉ có một cô gái trong đám đông nghe anh nói chuyện về nghị lực tại Giáo phận Vinh. Họ làm quen với nhau, tìm hiểu nhau trong 2 năm và cô gái ấy đã vượt qua được những câu hỏi đó.
Đến phút cuối, những người anh trai của cô gái, dù chấp nhận theo ý Chúa nhưng vẫn không thấy thuận lòng. Cô gái ấy chỉ nói: “Đời người chỉ nên thương có một người. Đã thương thì sướng hay khổ cũng đều thương. Số phận đã sắp đặt thế thì hãy lấy tình thương làm trọng”
Câu chuyện cổ tích ấy đã có một cái kết có hậu, nhưng những bức tường cuộc đời thì vẫn được dựng sừng sững ra đó để bắt họ phải vượt qua mỗi ngày.
Quyết định vào Nam là một quyết định dũng cảm của Thắng, theo cách nghĩ của những người thân của anh. Nhưng anh quyết đi, để tìm tương lai cho mình.
Cô gái đó cùng đi với anh. Giờ họ là vợ chồng, có một đứa con nhỏ, sống trong một căn phòng trọ tầm 10 m2 ở quận 2, Sài Gòn.
Theo chồng vào Nam, cô giáo viên dạy tiếng Hàn Quốc ấy đang thất nghiệp. Thắng không mu ốn vợ vất vả, chỉ muốn vợ chăm con, còn việc kiếm tiền, để đó anh lo.
Nhiều người cảm cảnh đưa tiền cho Thắng, Thắng không nhận. Anh nói rằng anh không xin tiền ai, anh chỉ cần công việc. Anh mất đôi tay chứ không mất đi khả năng làm việc.
Nhờ anh em nghệ sĩ giúp đỡ, Thắng có khá nhiều show diễn; rồi đi biểu diễn nước ngoài. Cuộc sống mưu sinh của cả gia đình, nhờ vào tiếng đàn tiếng hát của người đàn ông không có đôi tay ấy.
Bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được cuộc sống trong ngôi nhà trọ bé nhỏ của họ, một cuộc sống chỉ có tiếng cười. Anh vui vẻ chơi với con, nhiệt tình giúp đỡ vợ. Ngoài công việc biểu diễn, ở nhà, anh giúp vợ làm việc nhà, đón con. Anh muốn con anh và vợ anh mỗi ngày trôi qua đều được sống là một ngày vui trọn vẹn.
Trong câu chuyện đời mình, Thắng rút ra rằng, không phải cứ cái gì mình yêu quý mất đi, kể cả hy vọng cuối cùng mất đi, thì có nghĩa là cuộc sống chấm hết.
Tôi có hỏi anh, anh nghĩ sao khi ngoài cuộc đời có nhiều người tay chân đầy đủ mà không chịu lao động? Tay chân đầy đủ mà suốt ngày làm những việc phi nhân phi nghĩa? Tay chân đầy đủ mà suốt ngày rượu chè cờ bạc đánh vợ đánh con, bạo hành đồng loại?
Anh không trả lời vào câu hỏi. Anh chỉ nói: “Bạn hãy tự trói tay mình lại trong một ngày, rồi bạn sẽ thấy đôi tay nó ý nghĩa như thế nào. Tôi dù có thể làm được nhiều thứ mà không cần đến đôi tay, nhưng hỏi điều cuối cùng tôi ước ao là gì, tôi cũng chỉ ước mình có đôi tay lành lặn trở lại, chứ cũng chẳng tự hào khi mình đã tự để mất của mình đôi tay”
Anh nói, anh ước có đôi tay trở lại để anh trân trọng chúng nhiều hơn nữa, để anh sống ý nghĩa hơn nữa.
Điều mà anh nhắn nhủ là: mỗi người khi dành sự yêu quý cho tất cả những gì mình có, họ sẽ sống có trách nhiệm với cuộc đời hơn. Tất cả những gì mình yêu quý có thể mất nhưng cuộc đời mình thì không thể mất.
Hãy yêu quý tất cả những gì mình đang còn và sống thật ý nghĩa với những gì mà tạo hoá đã tặng cho ta.
Tác giả bài viết: Hoàng Nguyên Vũ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn