Dinh dưỡng cho người cao tuổi.

Thứ tư - 26/10/2016 10:23

Dinh dưỡng cho người cao tuổi.

LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health
Người già hạnh phúc (Hình minh họa: Getty Images)
 
. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com
 
 
Định nghĩa “cao tuổi” trong thời đại hiện nay rất khó phân biệt biên giới rõ rệt.
Ngày xưa, trên 50 đã gọi là cao tuổi, là “cụ”, thế mới có câu: “ngũ thập tri thiên mệnh”. Ngày nay, 60 tuổi được cho là còn trẻ như 50 của thế kỷ trước. Tuổi thọ trung bình của con người cũng tăng cao hơn so với thế kỷ trước: ở Mỹ là 77 cho đàn ông, và 81 cho đàn bà, còn ở Việt Nam thì 72 cho đàn ông bà 80 cho đàn bà. Sống trên 90 được cho là quá thọ. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây cho biết, tuổi thọ tối đa của con người là 121 tuổi, chỉ trừ một vài trường hợp hiếm có thì có thể kéo dài thêm một hai năm nữa mà thôi.
Vì mức độ già cỗi thay đổi theo mỗi cá nhân tùy theo điều kiện sống, môi trường, và yếu tố di truyền, có thể nói, “cao tuổi” hay không tùy theo mỗi người. Có khi trên 50 được kể là cao tuổi, nhưng nói chung chung, trước tuổi thọ trung bình độ 5, 10 năm thì được kể là cao tuổi, không còn chối cãi được.
Khi còn trẻ chúng ta được dạy, phải ăn nhiều rau cải, nhiều trái cây, giữ cân bằng trong tất cả các loại thực phẩm, và nhất là không quên uống nước. Tuy nhiên, đối với người cao tuổi, chế độ dinh dưỡng cần phải thay đổi. Người cao tuổi có khi cần nhiều thành phần thức ăn hơn, thí dụ như chất vôi calcium, và cần ít số lượng calories hơn. Sự thay đổi còn tùy theo mỗi cá nhân, và tình trạng sức khoẻ của mỗi người.
Trên mạng internet, bạn đọc có thể tham khảo nhiều nơi để tìm hiểu thêm chi tiết về chế độ dinh dưỡng cần thiết cho người cao tuổi, thí dụ như, https://www.caring.com/ healthy-eating-nutrition. Ở đây, bạn có thể tham khảo thêm cách ăn uống để sống lâu, sống khoẻ, sống minh mẫn.
Một cách tổng quát, người cao tuổi nên:
Ăn nhiều trái cây, tương đương khoảng 2, hay 3 nắm tay trái cây đủ loại mỗi ngày.
Ăn khoảng 2, hay 3 nắm tay rau tươi mỗi ngày
Tiêu thụ khoảng 1,200 mg calcium mỗi ngày. Nguồn của calcium nên đến từ sữa tươi, hay nước cốt xương. Nghiên cứu mới cho biết, uống thuốc bổ xương không có lợi mà có thể làm tăng nguy cơ bị đau tim.
Ăn cơm, tốt nhất là cơm gạo lứt thay vì ăn nhiều tinh bột và đường.
Ăn khoảng 1 gram protein cho mỗi pound cân sức nặng, tối thiểu là 1 gram protein cho mỗi kilo sức nặng. Nguồn protein có thể đến từ sữa, thịt cá, trứng gà, các loại đậu… Thí dụ, trung bình một con cá thu nhỏ bằng cổ tay đã có đủ 80 gram protein, hay một lát thịt bằng ½ bàn tay có đủ 40 gram protein. Nếu ăn không đủ thì có thể uống thêm sữa Ensure. Tuy nhiên vì trong sữa Ensure có nhiều đường, bạn có thể thay bằng whey protein và pha với sữa tươi hay sữa đậu nành. Một muỗng bột whey protein có chứa khoảng 23 gram protein.
Ở đây cũng cần nêu lên một số quan niệm nhầm lẫn về nhu cầu dinh dưỡng cho người già
1. Người trên 60 tuổi không cần nhiều chất bổ – Sai
Sự thật là nhu cầu calories khi lớn tuổi không nhiều so với thanh niên trai trẻ, nhưng ngược lại, người lớn tuổi cần nhiều chất bổ hơn vì khả năng hấp thụ từ đồ ăn kém đi, thí dụ như vitamin D và vitamin B12. Người lớn tuổi nên uống thuốc đa sinh tố multivitamin nhưng không nên uống những loại vitamin với nồng độ cao, lại độc cho cơ thể.
2. Người lớn tuổi không lo sợ béo phì, trên cân – Sai
Trên cân hay béo phì là vấn nạn cho dân Mỹ, kể cả người Việt ở Mỹ. Đừng lầm tưởng là người Việt mình nhỏ con, không thấy béo. Thật ra có tình trạng gọi là “ốm mà béo” (skinny fat), có nghĩa là nhỏ con, nhẹ cân nhưng tỉ lệ mỡ so với thịt bắp rất cao, nhất là kích thước vòng bụng. Ai cũng biết, trên cân, càng ít hoạt động, càng dễ bị bệnh tật kinh niên như bệnh tim mạch, tiểu đường, mất trí nhớ. Như thế, người cao tuổi lại càng nên bớt ngồi yên một chỗ.
3. Người cao tuổi không cần ăn nhiều, và nên nhịn đói – Sai
Tôi vẫn thường khuyên bạn đọc thỉnh thoảng nên nhịn đói. Tuy nhiên, người cao tuổi nên cẩn thận. Người già có thể biếng ăn, vì ăn không ngon miệng, tuy nhiên không nên viện cớ này mà bỏ bữa ăn. Càng thường xuyên bỏ ăn càng làm cho người cao tuổi thành thói quen biếng ăn, và như thế, ăn không đủ dinh dưỡng. Cho dù không ăn được nhiều cũng nên ráng ăn chút đỉnh cho mỗi bữa ăn.
4. Người cao tuổi không cần uống nước nhiều, chỉ khi nào khát mới uống, sợ són tiểu – Sai
Cảm nhận khát nước của người cao tuổi thường ít bén nhạy, vì thế khi biết khát thì có thể đã cạn khô. Thí dụ như bà Hillary Clinton chẳng hạn, bi xỉu vì không uống nước đầy đủ khiến huyết áp giảm tuột cấp kỳ. Sự khát nước còn gây ra bới các loại thuốc men đang uống, và trái thận đã suy. Vì thế, nên uống nước thường xuyên, nước trà, nước lạnh, ít ít suốt ngày.
5. Người già không cần ăn nhiều, uống thuốc bổ là đủ – Sai
Thuốc bổ không thể thay thế cho đồ ăn. Uống thuốc bổ nhiều chỉ là thuốc độc, có hại cho lá gan, trái thận, gây ra táo bón hay đi tiêu chảy bất thường. Bất kỳ ở lứa tuổi nào, chỉ có thức ăn thật mới cung cấp đủ chất bổ dinh dưỡng cho cơ thể. Cho dù bạn đang có bệnh như cao huyết áp, hay tiểu đường cũng không nên kiêng cử. Theo ý tôi, nếu đã trên 70 tuổi thì cũng không nên kiêng cử một cách tuyệt đối, thái quá.
Một điều cuối cùng không kém phần quan trọng là người già không nên ăn một mình. Ăn uống phải có bạn, nên ăn chung với gia đình hay con cháu. Ngược lại con cháu cũng không nên để cho cha mẹ mình ăn uống trong cô đơn buồn tẻ. Khi ăn một mình, các cụ sẽ kém vui, và kém ăn đi, không tốt cho sức khoẻ. Sự cô đơn sẽ làm miếng ăn thêm cay đắng.
Gần đây, một số bệnh nhân của tôi, độ tuổi 30, đã bắt đầu xưng “con” với tôi. Hóa ra mình đã già? Tôi than thở với các cô thư ký, và được nhắc nhở: “Bộ bác sĩ không nghĩ là bác sĩ già rồi hay sao?”
Hình như tôi đang viết những lời khuyên về cách ăn uống cho chính mình thì phải?

Tác giả bài viết: BS. Hồ Ngọc Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập36
  • Hôm nay16,867
  • Tháng hiện tại329,218
  • Tổng lượt truy cập35,975,563
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây