Sartre và Beauvoir - Tình yêu và triết lý.

Thứ hai - 24/10/2016 23:38

Sartre và Beauvoir - Tình yêu và triết lý.

Jean-Paul Sartre có lẽ không xa lạ với thế hệ sinh viên học sinh miền Nam Việt Nam thời thập niên 1960. Ông là người sáng lập Triết Thuyết Hiện Sinh, ảnh hưởng rộng lớn với xã hội Tây phương từ hai thập niên trước đó. Simone de Beauvoir, không được biết nhiều như Sartre, nhưng cũng không xa lạ lắm với những ai thích văn chương và triết.


Từ trái qua phải: Beauvoir, Sartre và Sylvie Le Bon (con gái nuôi của Beauvoir). (Hình chụp lại từ Tête-à-tête, phần hình ảnh)
Trần Doãn Nho
 
Jean-Paul Sartre có lẽ không xa lạ với thế hệ sinh viên học sinh miền Nam Việt Nam thời thập niên 1960. Ông là người sáng lập Triết Thuyết Hiện Sinh, ảnh hưởng rộng lớn với xã hội Tây phương từ hai thập niên trước đó. Simone de Beauvoir, không được biết nhiều như Sartre, nhưng cũng không xa lạ lắm với những ai thích văn chương và triết. Mặc dù không nhận mình thuộc phong trào nữ quyền như được hiểu về sau này, tác phẩm quan trọng nhất của bà, “Le deuxième sexe” (Giới Tính Thứ Hai) được hầu hết giới nghiên cứu xem như văn bản sáng lập ra phong trào nữ quyền (feminist movement) hiện đại.
 
Lâu quá, không có dịp đọc lại Sartre. Mới đây, tình cờ bắt gặp cuốn sách có cái tựa đề là lạ, Tête-à-Tête, (tạm dịch là “Chuyện Riêng Tư”) đề cập đến cả Sartre lẫn Beauvoir. Sách khá dày, hơn 400 trang, tác giả là Hazel Rowley.
Tưởng là đọc được một cuốn sách mới bàn về triết lý, hóa ra, không phải. Cuốn sách thuộc loại kể chuyện “trong nhà ngoài phố” (soap opera) của cặp tình nhân này. Toàn là chuyện linh tinh, lỉnh kỉnh: gặp gỡ, chuyện trò, hẹn hò, làm việc, đi đây đi đó, cà phê cà pháo rồi chuyện dan díu nhau, chuyện ngoại tình, chuyện phòng the, chuyện giận hờn, ghen tuông, vân vân và vân vân. Chúng được ghi lại qua phỏng vấn những người còn sống và qua hàng trăm lá thư trao đổi nhau giữa họ và bạn bè của họ, vốn chưa hề được công bố trước đó, khi họ còn sống. (1)
Beauvoir xuất thân từ gia đình trưởng giả nề nếp. Về thể hình, bà đẹp đẽ, lúc nào cũng ăn mặc đúng mực. Còn Sartre, là người Âu Châu nhưng thấp nhỏ, chỉ cao cỡ 1 mét 5, mặt mày tròn trĩnh, răng thì vàng, mắt lé (wall-eyed). Đã thế, Sartre ăn mặc cẩu thả, không thời trang, mẫu mã. Ông dường như chẳng thèm quan tâm săn sóc thân thể mình. Bù vào đó, ông là loại người thông minh, nhiệt tình, tham vọng, hài hước, rộng rãi. Ông thích uống và trò chuyện, có khi suốt đêm. Tài năng đã biến con người xấu xí đó thành hấp dẫn. Tài năng gặp tài năng!
Do gắn bó nhau về mặt tư tưởng, hai người cùng sống và cùng làm việc với nhau cả cuộc đời, kể cả khi chết cũng được chôn cạnh nhau. Nhưng họ bài bác hôn nhân, vì hôn nhân chỉ là chứng tỏ sự ràng buộc, là mất tự do, là bị giới hạn. Họ yêu nhau, nhưng không là của nhau, không sở hữu nhau. Thậm chí, còn chia người yêu với nhau. Hai người chấp nhận một “hợp đồng yêu:” tình yêu giữa hai người là tình yêu thật (essential love), nhưng ai trong họ cũng có quyền ngoại tình, có quyền kinh qua những mối tình qua đường (contingent love), nhưng phải nói cho nhau biết. Đồng thời, là người đồng tính luyến ái (lesbian), Beauvoir không chỉ có bạn tình đàn ông mà còn có cả bạn tình đàn bà. Họ cam kết không ghen tuông.
Ghen tuông, theo Sartre, sẽ kiểm soát mình; do đó, ghen tuông là kẻ thù của tự do.
Sartre chết năm 1980, Beauvoir chết năm 1986. Họ không tiêu hủy tất cả những bức thư, nhật ký của họ với ý định rất rõ ràng: muốn chúng được công bố tất cả sau khi chết. Một số thư của Sartre được công bố vào năm 1983, và của Beauvoir vào năm 1990 cho thấy họ đã nói với nhau hết về quan hệ tình ái của họ, kể cả những điều vô cùng riêng tư, bí mật.
“Tôi muốn vẽ lại chân dung của hai người bằng những chi tiết riêng tư nhất, thân mật nhất giữa hai người,” Rowley viết. Nhiều chi tiết gây “sốc,” khiến cho người hâm mộ nhất hai nhà tư tưởng này cũng phải sửng sốt. Cặp tình nhân trí thức với những tác phẩm vĩ đại hóa ra, trong chốn riêng tư, đầy dẫy những điều không ai tưởng tượng nỗi. Suốt đời, họ sống như những kẻ lang chạ.
Hai người gặp nhau từ năm 1929. Beauvoir yêu Sartre, nhưng đồng thời cũng yêu René Maheu và hiến thân cho anh này, một bạn học của cả hai người và đã có vợ con. “Tôi yêu Sartre và cũng yêu Maheu. Tôi yêu Sartre vì những gì anh ấy mang lại cho tôi còn tôi yêu Maheu vì con người của anh ấy,” theo lời Beauvoir. Sau khi Beauvoir dan díu với Olga Kosakiewicz, nữ sinh viên 17 tuổi của mình, thì Sartre cũng quyến rũ cô này. Olga không chịu, Sartre lại tán tỉnh chị của Olga, Wanda. Khi Beauvoir dan díu với một nữ sinh viên khác, Bianca Bienenfeld, Sartre cũng tìm cách dan díu với Bianca. Trong lúc Beauvoir dan díu với anh chàng Jacques Laurent Bost thì đồng thời cũng tiếp tục dan díu với Bianca, và Sartre cũng tán tỉnh Bianca. Sartre đồng thời cũng tán tỉnh một cựu học sinh của Beauvoir, Nathalie Sorokine; cô này cũng đã từng là bạn tình của Beauvoir. Khi Beauvoir dan díu với Claude Lanzmann, Sartre lại dan díu với chị của anh này, Evelyn. Vân vân và vân vân.
Rốt cuộc, không biết ai là tình nhân của ai. Họ “chia tình” với nhau như thể là một “gia đình,” chữ của Sartre. Tóm lại, Sartre và Beauvoir và bạn bè và học trò vừa trung thành với nhau lại vừa phản bội nhau. Đúng là một thứ quan hệ “vô luân.” Nhưng vô luân đối với họ, cũng là một thứ luân lý.
Luân lý gì vậy? Tự do.
Sartre cho rằng tự do chính là bản chất của con người, của hiện hữu cá nhân. Tại sao? Theo Sartre, cá nhân sống trong một tình trạng phi lý cùng cực: ngẫu nhiên. Không ai biết khi nào thì chết, khi nào thì gặp tai nạn, khi nào thì gặp may, vân vân. Trong cái thế giới đầy ngẫu nhiên ấy, chẳng có Thượng Đế nào, cũng chẳng có một số mệnh tất định nào chi phối hết. Mỗi một cá nhân tự đảm trách số phận đời mình, bằng tự do của mình. Thành thử, một cá nhân chẳng khác gì là tổng số những hành động mà mình thực hiện trong cuộc đời. Con người không chỉ tự do muốn làm gì thì làm mà còn không thể thoát khỏi nó. Nói theo kiểu của Sartre, trong tác phẩm triết lý quan trọng nhất của mình, “ L’Etre et le Néant” (Hiệu Hữu và Hư Vô), “Con người bị bắt buộc phải tự do” (L’homme est condamné à être libre). Tự do, như thế, có tính áp đặt. Anh không muốn tự do cũng không được, vì hiện hữu của một cá nhân chẳng có gì khác ngoài… tự do cả. Mình làm và mình chịu. Quan điểm này hoàn toàn trái ngược với quan niệm cũ, cho rằng con người có số phận và số phận là tất định. Chính vì thế, hiện hữu có trước/tạo nên bản chất, chứ bản chất không tạo nên hiện hữu (L’existence précède l’essence).
Beauvoir, cũng như Sartre, quan niệm hiện sinh con người là tự do. Bà giải thích khái niệm này qua hình ảnh của người đàn bà. Người ta vẫn cho rằng đàn bà là thụ động, là sinh ra chỉ để làm vợ, làm mẹ, là bộ máy đẻ, vân vân và vân vân. Điều đó hoàn toàn sai, theo bà. Những cái quy cho đàn bà như vừa kể, thực ra, xuất phát từ sự xã hội hóa, một xã hội do đàn ông thống trị. Đàn bà là một con người, một cá nhân, không khác gì đàn ông. Và cá nhân là tự do. Là đàn bà, nhưng Beauvoir, bằng tự do, tìm cách thoát ra khỏi cái tính cách đàn bà mà xưa nay xã hội vẫn quy cho. Beauvoir quả quyết rằng “người ta không sinh ra như là, mà trở nên, đàn bà” (On ne nait pas femme: on le devient). Nghĩa là, đàn bà không phải là bản chất mà là sự áp đặt. Trong thân thể của một người đàn bà, Beauvoir sống như một con người. Như một tự do. Như Sartre. Bà không muốn “trở nên” đàn bà.
Trong lời tựa, Hazel Rowley cho biết chuyện tình của họ là một trong những truyện tình vĩ đại của mọi thời. Bà chỉ muốn ghi lại sự thật của chuyện tình đó và sự thật, theo bà, “không hề khớp với bất cứ tiêu chuẩn nào.” Riêng tôi, qua “Tête-à-tête,” nhận ra một điều: Sartre và Beauvoir đã tự bóc trần chính họ, đã sống và đã yêu bằng, yêu với và yêu trong triết lý của mình. Một tình yêu đượm mùi hiện sinh. Dường như họ không quan tâm đến chuyện đúng hay sai. Vì họ đã sống “đúng như như những gì họ muốn sống,” theo Rowley.
(1) Nguồn tài liệu được tác giả ghi rõ ở phần cuối sách, từ trang 391-394.
Tham khảo:
-Tête-à-tête, Simone de Beauvoir and Jean-Paul Sartre, nxb Harper Collins, New York, 2005.
-Beauvoir and Sartre, and a Book in Dispute, The New York Times.
-The strange liaison of Sartre and Beauvoir, The New Yorker.

Tác giả bài viết: vanthanhng1180@yahoo.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập176
  • Hôm nay9,084
  • Tháng hiện tại272,246
  • Tổng lượt truy cập35,918,591
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây