(Ebola Virus Disease)
Anh Thomas Duncan ở Dallas, người đầu tiên mắc bệnh Ebola ở Hoa Kỳ vừa chết vì bệnh này.
Ở Hoa Kỳ, một người đàn ông ở Dallas, tên Thoma Duncan, từ Liberia về nước cách đây khoảng hai tuần lễ. Trên máy bay anh ta không có triệu chứng, nhưng khi về đến nhà vài ngày thì thấy sốt cao, đi khám bệnh chỉ cho thuốc trụ sinh thông thường, vài ngày sau trở nặng, thí nghiệm máu xác định anh ta mắc bệnh Ebola, anh được cách ly và điều trị chu đáo, nhưng anh đã qua đời ngày 8 tháng 10, 2014. Đây là trường hợp nhiễm bệnh Ebola đầu tiên tại Hoa Kỳ và đã qua đời khiến cho nước Mỹ, kể cả tổng thống Obama lo ngại, đang tìm những biện pháp ngăn ngừa thích đáng. Sự thiếu sót trong việc điều trị bệnh nhân này là đã không tìm ra bệnh sớm và điều trị sớm mặc dù anh đã có đủ yếu tố có thể nghĩ đến bị virus Ebola (trở về từ Liberia nơi có dịch bệnh, có sốt).
Để quý vị biết về bệnh nguy hiểm này, chúng tôi xin được trình bày tổng quát về nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng, cách điều trị, cách đề phòng... Dưới cùng có các danh từ y học để tham khảo.
Nếu quý vị muốn biết thêm chi tiết xin liên lạc với các các cơ quan y tế hoặc bác sĩ gia đình, hoặc vào các website của cơ quan CDC, Webmd, Mayo Clinic...
Định nghĩa:
Siêu vi khuẩn Ebola
Bệnh Ebola, trước đây còn được gọi là bệnh “sốt xuất huyết Ebola”, là một bệnh hiếm, nhưng rất nguy hiểm, có nguồn gốc từ Phi Châu do một loại siêu vi khuẩn (virus) có tên là Ebola gây ra. Virus này gây xuất huyết cơ thể (chảy máu trong người), các chức năng bộ phận cơ thể bị suy kiệt trầm trọng đưa đến cái chết rất nhanh. Bệnh có thể lây từ người này sang người khác.
Hiện nay vẫn chưa có thuốc trị bệnh hữu hiệu, hoặc thuốc ngừa, tỷ lệ tử vong rất cao có thể lên đến 90%.
Nguyên nhân và cách lây bệnh
Nguyên nhân gây bệnh là do siêu vi khuẩn có tên Ebola (tên một con sông của nước Congo, nơi người ta tìm thấy bệnh lần đầu tiên vào năm 1976), có trên xác thú vật như loài khỉ, dã nhân, dơi trái cây… ở Phi Châu. Một siêu vi khác có tên Marbug cũng gây ra bệnh tương tự.
Địa điểm đang có dịch bệnh tại Phi Châu
Bệnh có thể lây từ súc vật qua người khi người tiếp cận với chất dịch từ con bệnh, thường thường từ xác thú vật có bệnh như qua đường máu, chất thải như phân, nước tiểu của thú vật hoặc dơi mắc bệnh. Bệnh có thể lây từ người qua người cùng một cách thức như nhau.
Vòng lây bệnh:
Từ thú vật hoang dã ở Phi Châu như khỉ, dơi, thú hoang lây sang người, từ người sang người hoặc thú vật, rồi lại sang cho người…
Những người chôn xác bệnh nhân nếu không mặc quần áo đặc biệt có thể lây bệnh. Chuyên viên ý tế nếu không mang vải che miệng (mask), găng tay, hoặc bị kim tiêm đã dùng cho người bệnh đâm trúng phải có thể lây bệnh. Bệnh không lây qua côn trùng như muỗi..
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Những trường hợp sau đây làm người ta dễ có cơ hội nhiễm bệnh:
- Du lịch đến vùng có dịch bệnh (hiện nay một số nước Phi Châu đang có dịch như Liberia, Guinea, Sierra Leone, Nigeria…
- Những chuyên viên nghiên cứu các loại thú vật đã kể trên.
- Các chuyên viên ngành y tế trực tiếp săn sóc bệnh nhân.
- Những người chôn xác thú vật hoặc xác người mắc bệnh.
- Thân nhân trong gia đình có người mắc bệnh..
- Người có sự đề kháng kém.
- Nếu định bệnh chậm và điều trị bắt đầu chậm, người bệnh có nguy cơ chết rất cao.
Triệu chứng:
Triệu chứng ban đầu của bệnh rất giống như các bệnh thông thường như cảm, cúm, sốt rét.., nên rất khó nhận dạng.
- Triệu chứng sở khởi của bệnh Ebola bao gồm: Nóng sốt, ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức bắp thịt, đau khớp xương, cơ thể suy yếu...
- Khi bệnh trở nặng hơn, người bệnh có triệu chứng: nôn, ói, tiêu chảy, mắt đỏ, nổi sẩy ngoài da, tức ngực, ho, đau bụng, sụt cân mau lẹ, xuất huyết ở mắt, mũi, tai, tím bầm ngoài da, nội xuất huyết...
Biến chứng
Bệnh có thể gây ra biến chứng rất nặng, là nguyên nhân đưa đến tử vong như: nhiễm trùng các bộ phận cơ thể, bệnh nhân suy kiệt; xuất huyết trầm trọng bên ngoài cũng như trong nội tạng (nội xuất huyết); vàng da (do xuất huyết); mê man; co giật; bị sốc (trụy tim mạch).. và dĩ nhiên là “chết”, rất khó cứu chữa.
Một biến chứng nguy hiểm khác là suy giảm hệ miễn nhiễm khiến cho cơ thể không đủ khả năng đề kháng chống với siêu vi Ebola cũng như với các loại vi trùng khác.
Một số người may mắn được bình phục có thể vì hệ miễn nhiễm của họ không bị mất, sức đề kháng cao nên sống sót, nhưng số này rất ít, đa số đều chết vì suy hệ miễn nhiễm và hởi sự điều trị quá trễ.
Người thoát chết sẽ phục hồi rất chậm, có thể nhiều tháng, trong lúc đó siêu vi khuẩn vẫn còn tồn tại trong cơ thể. Những dư chứng của những người này là suy nhược, rụng tóc, viêm gan, mệt nhọc, nhức đầu, sung dịch hoàn, sưng mắt..
Chẩn đoán bệnh (diagnosis)
Việc chẩn đoán bệnh rất khó khăn vào lúc ban đầu, như đã nói ở trên, vì triệu chứng rất giống các bệnh thông thường như cảm, cúm, sốt rét. Chỉ thử máu mới tìm ra được siêu vi Ebola.
Vì thế, một người ở trong hoàn cảnh dễ lây bệnh như vừa du lịch nơi có dịch, có cơ hội tiếp xúc với người mắc bệnh, khi có triệu chứng như sốt, nhức đầu, bác sĩ sẽ cho thử máu ngay để xác định có mắc virus Ebola hay không.
Điều trị
Hiện chưa có thuốc điều trị hoặc tiêu diệt vi khuẩn. Thường thường kết quả điều trị khả quan khi các nguyên tắc như sau được áp dụng:
- Điều trị thật sớm. Vì vậy nên tìm ra bệnh càng sớm càng tốt
- Người bệnh có hệ miễn nhiễm cao.
- Điều trị “chống đỡ” và điều trị những biến chứng
Người ta chỉ có thể giúp người bệnh ở tình trạng đủ sức chống cự với siêu vi và biến chứng như: truyền nước biển, huyết tương, máu tươi (nếu mất máu), giữ huyết áp bình thường, cho thở dưỡng khí đầy đủ, điều trị những biến chứng nhiễm trùng khác… Phương pháp này được gọi là “điều trị chống đỡ” (supportive treatment).
Cơ thể người mắc bệnh có thể tự tạo ra chất kháng thể (antibody) sau 10 ngày và kéo dài trong 10 năm.
Phòng bệnh (prevention)
Đề phòng là phương pháp tốt nhất và quan trọng để tránh bệnh nhiễm vi khuẩn Ebola và Marburg bằng những cách sau đây:
- Tránh không đến những vùng đang có dịch bệnh. Nếu có phải đến thì nên có những biện pháp đề phòng thích nghi.
- Tránh tiếp xúc với người bệnh hoặc nếu phải tiếp xúc thì nên mặc quần áo đặc biệt chống nhiễm trùng.
- Rửa tay bằng xa phòng thường xuyên. Làm sạch tay bằng dung dịch diệt trùng được gọi là “hand sanitizer” (vệ sinh tay); hoặc rửa bằng cồn mạnh.
- Tránh ăn thịt thú rừng, thú đi rong (nhất là thịt khỉ), vì các loại thú này dễ mang virus bệnh.
- Không tiếp xúc với xác người chết hoặc xác thú vật mắc bệnh mà không có biện pháp an toàn. Việc chôn cất xác người bệnh phải được chuyên viên vệ sinh phụ trách.
- Không để người măc bệnh sống chung trong nhà. Người có bệnh phải được cách ly đặc biệt.
- Khi nghi là có bệnh nên đi khám bác sĩ ngay, đặc biệt nên khai rõ mình đã đến nơi nào, đã tiếp xúc với người hoặc thú vật có bệnh hay không. Nếu tìm ra bệnh sớm và được điều trị sớm, cơ may khỏi bệnh khá cao nếu bệnh nhân có miễn nhiễm tốt.
- Chuyên viên y tế cần áp dụng những phương pháp khử trùng hiệu quả (đeo khẩu trang, mặt nạ, bao tay, hoặc các dụng cụ cách trùng..)
- Những người vừa từ các vùng nghi ngờ có bệnh như ở Phi châu, hoặc có dịp tiếp xúc với người hoặc thú mắc bệnh, nếu có sốt cần phải được thử máu siêu vi ngay, hoặc cách ly.
Bệnh này không dễ lây như bệnh cúm, sởi, tiêu chảy.., do đó nếu biết cách đề phòng, người ta có thể tránh được việc lây bệnh và kiểm soát được bệnh dịch.
***
Tóm lại, bênh Ebola do một siêu vi trùng đặc biệt có tên Ebola (hoặc Marbug), triệu chứng ban đầu gồm sốt, nhức đầu, nôn, mửa, tiêu chảy, sau đó có các biến chứng nặng như xuất huyết, suy nhược toàn thân, tỷ lệ chết rất cao. Thử máu mới có thể xác định được bệnh. Chưa có cách điều trị và thuốc ngừa hữu hiệu, việc phòng bệnh rất quan trọng. Không nên tiếp xúc với xác thú vật hoặc người mắc bệnh. Khi có triệu chứng nghi ngờ nên gặp nhân viên y tế ngay để được thử máu và điều trị càng sớm càng tốt.
BS Đỗ Văn Hội
Tài liệu tham khảo:
- Ebola disease: Mayo Clinic, WHO, CDC, Wikipedia…
Danh từ y học cần biết:
- Siêu vi khuẩn (virus): là loại vi trùng cực nhỏ, cần phải có kính hiển vi tối tân mới nhìn thấy được.
- Miễn nhiễm (immunity): là sự đề kháng của cơ thể chống lại một loại bệnh. Miễn nhiễm có được do đã tiếp xúc với bệnh, hoặc chính ngừa tạo ra kháng thể (antibody) có khả năng chống lại vi trùng khi nó xâm nhập vào cơ thể như bệnh sởi (measles), quai bị (mump), thủy đậu (rubella); tê liệt trẻ em (polio), phong đòn gánh hay sài uốn ván (tetanus), bệnh lao, bệnh cúm (flu), đậu mùa, viêm gan A, B (không có thuốc ngừa viêm gan C)…
- Xuất huyết (hemorrhagia): chảy máu do thiếu tố chất giúp đông máu vì suy gan.
- Viêm gan (hepatitis): các siêu vi trùng có thể làm cho tế bào gan tổn thương, nếu nặng gan không tạo được những chất cần thiết giúp ích cho cơ thể. Viêm gan như viêm gan A, B, C… hoặc do rượu làm chai gan, hoặc chất hóa học gây ung thư gan..
- Thử máu: có nhiều kỹ thuật thử máu để xác định một số bệnh khi tìm thấy có siêu vi, nhưEnzyme-linked immunosorbent assay (ELISA); Reverse transcriptase polymerase chain reaction (PCR). Chỉ một số phòng thí nghiệm lớn mới có các loại thử nghiệm này.
- Chẩn đoán (diagnosis): phương pháp xác định chính xác là có bệnh, không “đoán mò”, thường thường do kết quả của phòng thí nghiệm như phim X ray, MRI, CT Scan, thử máu, nước tiểu..
- Phòng bệnh; phòng ngừa (prevention): là phương pháp phòng ngừa không mắc bệnh, hoặc nếu đã mắc bệnh đề phòng những biến chứng có thể làm giảm thiểu sự bất khiển dụng của cơ thể. Ta gọi là y khoa phòng ngừa hay phòng bệnh (Preventive Medicine).
Nếu quý vị muốn biết thêm chi tiết xin gọi:
Hoặc bác sĩ gia đình của quý vị.