Hiểu được tình cảnh của người có khuynh hướng đồng tính, hiểu được trăn trở của họ khi họ tìm đến nhau để được thông cảm, tìm đến dao kéo y tế để trở nên mình hơn, chúng ta sẽ thương họ hơn, chúng ta sẽ dễ dàng thông cảm hơn với những phản ứng thái quá của họ.
Giáo lý Hội Thánh Công Giáo nhắc nhở chúng ta “Ðối với đa số những người này, khuynh hướng lệch lạc ấy là một thử thách. Chúng ta phải đón nhận họ với lòng tôn trọng, thông cảm và tế nhị, tránh đối xử bất công. Cả những người này cũng được mời gọi thực hiện ý Chúa trong cuộc sống và, nếu là Kitô hữu, họ nên kết hợp với các khó khăn gặp phải do hoàn cảnh đặc biệt của mình với hy tế thập giá của Chúa”[2].
Khuynh hướng và hành vi
Tuy vậy, chúng ta phải luôn rạch ròi phân biệt giữa người có khuynh hướng tình dục đồng giới và hành vi đồng tính luyến ái. Cá nhân có khuynh hướng này và hành vi tính dục của họ là hai điều hoàn toàn khác nhau. Nói như Đức Thánh Cha Phanxicô: “nếu một người đồng tính tìm kiếm Thiên Chúa và luôn có thiện ý, thì tôi là ai mà dám phê phán người ấy”. Yêu thương họ không có nghĩa là cổ vũ hành vi luyến ái, hay chấp nhận hôn nhân đồng tính. Dù hết lòng cảm thông tình cảnh đáng thương của họ, Giáo Hội vẫn khẳng định: “Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là thác loạn”[3].
Không chỉ Công Giáo có nhãn quan như thế, Phật Giáo qua câu trả lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo Phật Giáo tối cao Tây Tạng, cho các lãnh tụ phong trào đồng tính tại San Francisco rằng: đồng tính luyến ái là “tà hạnh”, nguyên văn bản tiếng Anh là “sexual misconduct”[4] của nhà báo James Shaheen, nghĩa là sự rối loạn hay phi luân dục tình.
Nếu nhìn nhận đồng tính luyến ái là bất thường, là rối loạn tính dục, sự bất bình thường trong tự nhiên, vậy thì nó cần được điều chỉnh, chứ không được hợp thức nó qua luật lệ như đòi hỏi của các phong trào đồng tính. Cho dù các trường hợp riêng lẻ cách nào đó là rất đáng thương. Nhưng nguyên tắc luân lý của Giáo Hội là không bao giờ phổ quát hóa luân lý các trường hợp cá biệt.
Chẳng có sự trân trọng nào đúng nghĩa nếu chỉ dựa vào cảm xúc tội nghiệp chóng qua hay sự dễ dãi mang tính phi luân, từ lối sống buông thả. Lòng bao dung cho hành vi đồng tính luyến ái cách hời hợt dựa trên kiến thức giáo lý vụng về sẽ dẫn đến các tai họa khôn lường như thảm cảnh tan vỡ cơ chế gia đình, đồng thời làm mất đi bản chất cao thượng hay tính thánh thiêng của hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Sự yêu thương trân trọng đích thật cần dựa trên nền tảng nhân học kitô giáo, trong đó nhân vị được đề cao và được kỳ vọng hướng tới siêu việt. Dù cho cá nhân có khiếm khuyết như thế nào chăng nữa, nó vẫn được yêu thương và được kỳ vọng để sống cho những điều cao quý hơn. Theo đó, quyền của người có khuynh hướng đồng tính đích thực là quyền được hòa nhập, được tôn trọng, được sống đúng phẩm giá nhân vị, được cộng đồng giúp đỡ để vượt qua sự căng thẳng nội tại về giới tính, để có được một cuộc sống triển nở, tròn đầy.