Vì đâu "một người Singapore làm việc bằng 15 người Việt"?

Thứ bảy - 04/10/2014 05:56

Vì đâu "một người Singapore làm việc bằng 15 người Việt"?

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: “Người Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc trong các doanh nghiệp Hàn Quốc, năng suất cũng không thua gì so với lao động Hàn Quốc”.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, với trình độ thấp và vốn đầu tư theo chiều rộng nên năng suất lao động cũng không thể cao.

 
Trong một báo cáo mới phát hành gần đây, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tính toán rằng, năng suất lao động của người Việt Nam hiện đang ở mức thấp so với các nước ASEAN - 6 (các nước phát triển hơn trong ASEAN) và mức bét bảng so với các nước Châu Á - Thái Bình Dương. 
 
Theo đó, năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/5 lao động Malaysia, 2/5 Thái Lan và 1/15 Singapore. 
 
Vì đâu một người Singapore làm việc bằng 15 người Việt?
 
Theo Bộ LĐTBXH, cách tính GDP/tổng số người lao động và “không phản ánh chính xác về năng suất lao động”
 
Vấn đề này một lần nữa được đặt ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều nay (30/9/2014). Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội Doãn Mậu Diệp, ASEAN có 10 nước thì có 4 nước là Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar thuộc nhóm lạc hậu hơn so với các nước còn lại nên “năng suất lao động thấp hơn cũng là đúng thôi”. 
 
Tuy nhiên, ông Diệp cũng lưu ý rằng, con số năng suất lao động thấp không phải do bất cứ cơ quan nào của Việt Nam đưa ra. Ở đây, năng suất lao động chỉ được tính rất đơn giản: GDP/tổng số người lao động và “không phản ánh chính xác về năng suất của người lao động”.
 
Theo đại diện của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, GDP ít nhất phải do 3 thành tố tạo ra: lao động, vốn đầu tư và trình độ công nghệ. Do đó, cần phải xem đóng góp của yếu tố lao động trong GDP, phải tính được giá trị gia tăng thì mới phản ánh được chính xác hơn về năng suất lao động.
 
Trước báo giới, ông Diệp nói: “Người Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc trong các doanh nghiệp Hàn Quốc, năng suất cũng không thua gì so với lao động Hàn Quốc cả”. 
 
Mặc dù vậy, ông Diệp cũng chia sẻ rằng, dù muốn hay không, chúng ta cũng phải thừa nhận: Với trình độ như hiện nay, với nguồn vốn đầu tư theo chiều rộng như hiện nay, thì năng suất lao động như vậy là khá chính xác.
 
Do vậy, nhiệm vụ đặt ra trong tái cơ cấu là phải phát triển kinh tế theo chiều sâu, chú trọng công nghệ, như vậy mới hy vọng sớm cải thiện được năng suất lao động của Việt Nam.
 
Hiện Chính phủ đang giao Bộ Lao động Thương binh & Xã hội thống kê, điều tra con số chính xác về năng suất lao động. 
 
Chỉ số thất nghiệp thấp: Đừng mừng quá vội!
 
Liên quan đến chỉ số thất nghiệp 1,84% vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố gần đây, nhiều ý kiến trái chiều đã hoài nghi về độ chính xác của con số thống kê.
 
Giải thích với báo giới, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, trong bộ luật lao động của Việt Nam có định nghĩa: bất cứ công việc nào không bị pháp luật ngăn cấm, được trả công đều được hiểu là việc làm. 
 
Ông Diệp cũng “đính chính” rằng, cuộc điều tra vừa rồi là do Tổng cục Thống kê tiến hành. Tất cả các định nghĩa về việc làm hay thất nghiệp đều tuân thủ theo định nghĩa quốc tế và của cơ quan chức năng. 
 
Tuy nhiên, ông Diệp cũng lưu ý, để đo sức khỏe của thị trường lao động không chỉ có tỷ lệ thất nghiệp, mà có tới 18 chỉ tiêu chính (thời gian làm việc, khu vực làm việc, bảo hiểm xã hội hay không...) 
 
“Chúng ta thấy vui khi chỉ số 1,84%, nhưng 2/3 lao động Việt Nam lại đang làm việc trong khu vực “dễ bị tổn thương”, do vậy, đừng lạc quan quá về con số 1,84% này”, theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp.
 
 
Đã kiểm soát chặt dầu bẩn từ Đài Loan “tràn” vào
 
Tại cuộc họp báo chiều nay, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cũng cho biết, ngay sau khi có thông tin về dầu bẩn ở Đài Loan, lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan nắm rất chắc thông tin này. 
 
Các cơ quan Hải quan cửa khẩu được chỉ đạo thực hiện kiểm tra chặt chẽ chất lượng các lô dầu nhập từ Đài Loan. Những trường hợp hàng hóa có xuất xứ từ Đài Loan, có nguyên liệu là dầu đều được kiểm tra chất lượng trước khi cho phép thông quan. 
 
Vì vậy, có thể khẳng định cơ quan Hải quan nắm rất rõ, đã và đang triển khai các biện pháp kiểm soát chặt chẽ vấn đề này – theo ông Trung.
 
Bích Diệp
 

Những chính sách mới về lao động, tiền lương có hiệu lực trong tháng 10-2014

 

Người giúp việc được hưởng lương làm ngoài giờ; tuyển dụng, xin việc; chính sách trợ cấp công việc; khen thưởng quá trình cống hiến... là những quy định nổi bật về lao động, tiền lương sẽ có hiệu lực thi hành trong tháng 10.

Người giúp việc được hưởng lương làm ngoài giờ đến 300% lương 
Từ ngày 5-10, người giúp việc làm việc ngoài thời gian ghi trong hợp đồng lao động vào ngày thường được trả lương ít nhất bằng 150% tiền lương tính theo giờ làm việc.
Đối với người giúp việc làm vào ngày nghỉ hàng tuần và ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, mức lương được trả ít nhất bằng 200% và 300% tiền lương tính theo ngày làm việc, chưa kể tiền lương của ngày lễ, tết. Ngoài ra, người giúp việc làm việc ngoài thời gian ghi trong hợp đồng lao động vào ban đêm còn được hưởng thêm 20% tiền lương tính theo giờ của ngày làm việc bình thường hoặc tiền lương của ngày nghỉ hàng tuần hoặc của ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương.
Thông tư 19/2014/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình quy định như trên.

Ngoài ra, người sử dụng lao động còn có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người giúp việc đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp ½ tháng tiền lương. Người sử dụng lao động phải bố trí để người giúp việc được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm. Chi phí khám sức khỏe định kỳ do người sử dụng lao động chi trả.
Nghiêm cấm ngược đãi, phạt tiền, cắt lương, giữ bản chính giấy tờ tùy thân hay tự ý lục soát, sử dụng đồ cá nhân... của người giúp việc. 
Chế độ phụ cấp với người làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử
 
 
Chế độ phụ cấp với người làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

Từ 1-10, công chức, viên chức và người làm việc theo hợp đồng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử sẽ được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp tính trên mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ, lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Quyết định 45/2014/QĐ-TTg về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp đối với người làm việc trong các đơn vị thuộc lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.

Theo đó, mức phụ cấp đối với người làm việc trực tiếp, thường xuyên tiếp xúc với nguồn bức xạ là 70%; đối với người làm việc hành chính, phục vụ trực tiếp tại các cơ sở có nguy cơ nhiễm phóng xạ; người làm việc gián tiếp, không thường xuyên tiếp xúc với nguồn bức xạ và những người làm việc hành chính, phục vụ còn lại, mức phụ cấp được áp dụng lần lượt là 50%; 40% và 20% lương.

Đối với người đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương. Những người đi công tác, học tập trong nước, người đi công tác, làm các công việc khác không thuộc lĩnh vực năng lượng nguyên tử liên tục từ 6 tháng trở lên; người nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 3 tháng trở lên trừ trường hợp nghỉ chữa bệnh; nghỉ việc, bị tạm giữ thì không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp.
 
Người làm chứng được hưởng 200% lương
 
Cũng từ ngày 1-10, người thực hiện giám định, định giá được triệu tập tham gia phiên tòa giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự với vai trò người làm chứng sẽ được hưởng mức tiền lương bằng 200% lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Nghị định 81/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng quy định.
Đối với các trường hợp làm chứng còn lại, người làm chứng sẽ được hưởng mức thù lao bằng 100% mức lương cơ sở tính theo ngày lương do Nhà nước quy định. Người làm chứng tại phiên họp thì được hưởng bằng 50% mức chi phí đối với người làm chứng gia phiên tòa nêu trên. Người làm chứng, người phiên dịch cũng được trả chi phí đi lại, chi phí lưu trú và chi phí khác (nếu có).
Nhận lại hồ sơ xin việc, phải yêu cầu bằng văn bản
 
Từ ngày 20-10, thủ tục, trình tự tuyển dụng lao động của DN phải được thực hiện thông qua một trong các hình thức sau đây: Niêm yết tại trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện nơi tuyển lao động; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Người lao động có nhu cầu trả lại hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động theo quy định tại Khoản 5 Điều 7 Nghị định số 03/2014/NĐ-CP phải thực hiện yêu cầu bằng văn bản trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày thông báo kết quả tuyển lao động. Đây là nội dung của Thông tư 23/2014/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 03/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm. 
 Chính thức không chấm điểm thường xuyên với bậc tiểu học 
 
 Chính thức không chấm điểm thường xuyên với bậc tiểu học 

Từ 15-10, giáo viên sẽ đánh giá học sinh tiểu học theo các phương pháp quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra quá trình học tập, rèn luyện của học sinh. Song song với đó là tư vấn, hướng dẫn, động viên và nhận xét (định tính hoặc định lượng) về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học. Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/08/2014 ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học quy định như trên.
 
Quy định này được cho là giúp giáo viên đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học; phát hiện những tiến bộ của học sinh và phát hiện những khó khăn chưa thể tự vượt qua của các em để hướng dẫn, giúp đỡ... Cuối học kỳ và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm ghi nhận xét, kết quả tổng hợp đánh giá vào học bạ. Học bạ là hồ sơ chứng nhận mức độ hoàn thành chương trình và xác định những nhiệm vụ, những điều cần khắc phục. Từ đó có hướng giúp đỡ đối với từng học sinh khi bắt đầu vào học kỳ II hoặc năm học mới.
Tiêu chuẩn xét khen thưởng quá trình cống hiến
 
Từ ngay 15-10, cán bộ tham gia hoạt động cách mạng từ ngày 31/12/1944 trở về trước hoặc người được kết nạp Đảng trước ngày 19/08/1945; cán bộ tiền khởi nghĩa tham gia cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày 19/08/1945 và được cơ quan có thẩm quyền công nhận; cán bộ hoạt động liên tục trong 02 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ từ ngày 19/08/1945 đến ngày 30/04/1975 và cán bộ hoạt động trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ... khi hoàn thành tốt nhiệm vụ, đến tuổi nghỉ chế độ hoặc đã nghỉ chế độ mà chưa được khen thưởng (kể cả trường hợp đã hi sinh, từ trần) sẽ được xem xét khen thưởng quá trình cống hiến.

Thông tư cũng hướng dẫn về xét khen thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”. Thông tư khẳng định, danh hiệu được xét tặng hàng năm cho cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc nhất được lựa chọn trong số các cá nhân có 2 lần liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương, trong đó có 6 năm liên tục đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”. Thông tư số 07/2014/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành một số điều Thi đua, khen thưởng năm 2013 hướng dẫn.
 
 

 

Tác giả bài viết: Thanh Nguyen

Nguồn tin: Theo Đ.Liên Báo Pháp luật TP HCM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập155
  • Hôm nay19,259
  • Tháng hiện tại449,592
  • Tổng lượt truy cập32,433,315
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây