Những bức hình "biết nói" 28 năm sau thảm họa hạt nhân Chernobyl

Thứ hai - 06/10/2014 10:44

Những bức hình "biết nói" 28 năm sau thảm họa hạt nhân Chernobyl

Ngày 26/4/1986 đã đi vào lịch sử nhân loại khi một sự cố đã xảy ra ở nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở thành phố Pripyat (Ukraine) gây ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử, gấp 400 lần lượng phóng xạ từ quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945.
Thảm họa đã khiến cho một vùng rộng lớn bị bụi phóng xạ bao phủ. Hình ảnh về một thành phố sầm uất bỗng trở nên tiêu điều, hoang tàn trong phút chốc. 
 
Hai mươi tám năm sau thảm họa, ít ai ngờ rằng, hình ảnh về ngôi nhà hoang tàn, phòng học la liệt mặt nạ độc... vẫn hiện hữu. Những bức ảnh mới nhất của nhiếp ảnh gia Gerd Ludwig dưới đây sẽ giúp chúng ta ngược dòng thời gian và hiểu hơn về sự hoang tàn của "thị trấn ma" này.
 

 
Vào lúc 1h23' sáng ngày 26/4/1986, lò phản ứng số 4 thuộc nhà máy điện hạt nhân Chernobyl bỗng nhiên phát nổ. Ngay sau đó, một loạt các vụ nổ liên tiếp xảy ra, gây ra hiện tượng tan chảy lõi lò phản ứng hạt nhân.
 
Vụ nổ mạnh tới mức thổi bay cả phần nóc nặng nghìn tấn của lò phản ứng số 4 và phát tán vô số chất phóng xạ vào môi trường sống.

 
 
Có hai giả thuyết được đưa ra lý giải nguyên nhân của thảm họa. Một là do sai lầm trong thiết kế lò, đặc biệt là các thanh điều khiển. 
 
Giả thuyết thứ hai cho rằng, chính sự sơ suất của nhà điều hành nhà máy điện đã khiến cho lò phản ứng số 4 phát nổ. Tuy nhiên, vẫn có không ít chuyên gia chưa đồng tình với hai giả thuyết này. 

 
Những bức hình còn vương lại trên sàn nhà... 
 
Dù là nguyên nhân nào nhưng phải khẳng định sức công phá của vụ nổ gây ra nhiều thiệt hại nặng nề. Hai ngày sau vụ nổ, bụi phóng xạ được phát hiện tận Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan - cách đó khoảng 1.600km. 
 
Riêng Thụy Điển, sự tăng đột biến mức độ phóng xạ đủ lớn đến mức chính quyền ban bố tình trạng báo động. 



... hay con búp bê sót nằm chơ vơ trên chiếc giường cũ kỹ cho thấy nỗi ám ảnh tại Chernobyl vẫn hiện hữu. 
 
Thảm họa đã hoàn toàn dìm thành phố Pripyat trong đống đổ nát và đẩy hàng trăm nghìn người Ukraine vào tình trạng khó khăn với môi trường bị ô nhiễm phóng xạ. 
 
Vài ngày sau thảm họa, khoảng 116.000 dân cư trong vòng bán kính 30km đã được lệnh di tản sang nơi khác. Khu vực thành phố Pripyat đã hoàn toàn bị bỏ trống, trở nên hoang tàn từ đó. 

 
 
Những chiếc mặt nạ phòng độc là vật dụng không thể thiếu của người tham gia giải quyết hậu quả thảm họa. Đây là công việc vô cùng nguy hiểm bởi họ phải làm việc trong môi trường nhiễm bức xạ cao.

 
 
Để giảm thiểu sự lây lan phóng xạ, các nhà chức trách đã ra lệnh xây một khối bê-tông cốt thép trông như chiếc quan tài khổng lồ đặt lên để lấp chiếc lò phản ứng bị nổ.
 
Tuy nhiên, ước tính, mức phóng xạ do vụ nổ hạt nhân này gấp 400 lần lượng phóng xạ từ quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945.

 
Các chuyên gia thuộc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, có khoảng 56 người đã mất ngay tại thời điểm xảy ra vụ nổ. Khoảng 4.000 người đã bị ung thư và 72.000 người bị phơi nhiễm phóng xạ ở mức độ cao nhất. 
 
Tuy nhiên, thống kê của Tổ chức Hòa bình xanh (tổ chức bảo vệ môi trường nhằm cải thiện con người) đưa ra con số 212 người chết, 270.000 ca ung thư liên quan tới vụ nổ Chernobyl và có 93.000 người nhiễm phóng xạ.



Dấu tích nhà trẻ, trường học, khu vui chơi, đường phố ở Chernobyl nằm im lìm, trở nên hoang tàn qua thời gian. 

 


Dù nay đã có sự hiện diện của con người - những người đang cố gắng để giải quyết hậu quả của thảm họa hạt nhân nhưng hình ảnh khu vui chơi giải trí, hàng ngàn công trình nhà cửa bị bỏ hoang khiến nhiều người không khỏi rùng mình khi bước vào thành phố Pripyat.

 


Nhóm các nhà nghiên cứu vẫn ghé thăm vùng đất này và đo đạc lượng phóng xạ còn tồn tại trong khu vực. Qua đó, các nhà chức trách sẽ đề ra được những dự án để tái thiết khu vực này.



Với những nỗ lực không mệt mỏi của các nhà chức trách, hiện chỉ số phóng xạ ở Chernobyl không còn ở mức quá cao như trước. Bên cạnh các nhà khoa học tới nghiên cứu, có khá nhiều du khách muốn đến đây để trải nghiệm vẻ hoang tàn và hồi sinh của thành phố Pripyat. Tuy nhiên, các nhà chức trách địa phương khuyến cáo người dân nên bảo vệ mình tránh để lại hậu quả đáng tiếc.
 
(Nguồn: National Geographic, BBC)

Tác giả bài viết: Thanh Nguyen

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập106
  • Hôm nay18,113
  • Tháng hiện tại239,341
  • Tổng lượt truy cập35,505,622
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây