Triết lý âm dương qua cây Nêu ngày Tết

Thứ sáu - 06/02/2015 09:05

Triết lý âm dương qua cây Nêu ngày Tết

Cứ mỗi dịp đến Tết Nguyên Đán dân tộc ta đều chọn ngày 23 tháng chạp làm lễ dựng Nêu đón Tết, đến ngày mùng 7 tháng giêng thì hạ Nêu. Một tục lệ thiêng liêng của dân tộc ta đã thấm nhuần từ triết lý âm dương được thể hiện trong sự tích cây Nêu và cụ thể qua hình thức, vật phẩm dựng Nêu ngày Tết.
Đăng Bởi  - 11:10 05-02-2015
cay Neu ngay Tet, triet ly am duong

 

Câu chuyện Sự tích cây Nêu được khởi đầu bằng hình ảnh quỷ và loài người sống chung trên mặt đất là thể hiện một triết lý Âm Dương hòa quyện sinh khắc lẫn nhau, cũng như chúng ta sống chung cùng giữa bóng tối và ánh sáng của ban ngày và ban đêm. Cuộc sống là sự tranh đấu lẫn nhau giữa âm dương, chánh tà vậy. Hai thế lực âm dương đó luôn luôn quây quần cần có nhau để cho ta thấy rõ tính lý hai mặt của vấn đề luôn luôn tồn tại song phương mà nhất quán theo lý của Dịch biến động không ngừng.
Như diễn biến của tích truyện thì con người luôn tranh đấu và biến hóa linh động qua từng yêu sách của loài quỷ tuyên bố "lấy ngọn cho gốc" thì loài người trồng khoai lang, khoai mì. Khi thất ý thì chúng lại tuyên bố "lấy gốc cho ngọn" thì loài người lại trồng lúa, chúng chỉ lấy được gốc rôm rạ mà thôi. Chúng lại nổi giận và tuyên bố "lấy cả gốc lẫn ngọn" thì loài người trồng ngô, quả thật là một tầm nhìn linh động biến hóa âm dương thay đổi liên tục rất khôn ngoan vậy.
Đó là giai đoạn âm dương tranh nhau biến dịch ở mức độ sinh khắc hòa quyện nhau trong cuộc sống.
- Đến lúc cực đại của sự biến hóa trong lý dịch gọi là "cùng cực tắc biến", thì loài quỷ tức giận quá mức và thu hết đất đai lại không cho loài người làm thuê nữa. Lúc ấy loài người thương lượng mua lại một ít đất để sống, diện tích chỉ cần bằng bóng râm của chiếc áo cà sa của Phật.
Chọn cây tre còn đủ gốc rễ, là hình ảnh của quẻ Khảm mang lý của Trụ (thân tre có nhiều mắc, nhiều gai, sống thành từng bụi bện vào nhau, rễ bám đất rất chắc, giữ đất, giữ làng trước gió mưa bão tố, dù khi cây tre chết lâu đời mà bộ rễ vẫn còn giữ đất..). Trên cây treo một vòng tròncó những dải vải màu đỏ tượng trưng cho mặt trời là tượng của quẻ Ly mang tính lý của Vũ là sức sáng của trí tuệ, nguồn năng lượng của cuộc sống, gọi chung là cây Vũ Trụ thể hiện thuyết biến hóa âm dương trong vũ trụ bao hàm cả vĩ mô và vi mô. Và đặt tên là cây NÊU. Nêu được đọc trại từ chữ Tiêu có ý nghĩa là cặm mốc, cặm cờ, là nói lên, viết lên, nêu lên ý của mình, của người, cũng là điều giao ước của hai bên phải tuân thủ luật sinh hóa trong cuộc sống.
Khi cây Vũ Trụ đã dựng đứng vững (Trụ) trong lúc loài người tuyệt vọng trước loài quỷ thì ánh sáng của trí tuệ (Vũ) được hóa thành phép mầu của Phật làm cho áo cà sa treo lên cây Nêu ngày một cao lên cao lên và bóng râm bao phủ toàn bộ đất đai và loài quỷ phải lùi mãi hết đất mà ra tận ngoài biển mà ở.
Đó là nói lên cái lý dịch thật mầu nhiệm biến hóa khôn lường trong vũ trụ. Khi vật, việc gì cùng cực thì tắc biến. Loài người đang ở thế bị lấn át đến tuyệt vọng thì tắc biến như câu tục ngữ: "Tức nước thì vỡ bờ". Cuộc hóa sinh chuyển qua cực và hóa thành bộ mặt mới.
Lý dịch đã được thể hiện thứ nhất là "trong âm có dương và trong dương có âm" thì loài người dù có thiên thắng thế lực âm của quỷ, cũng thể hiện lòng nhân từ trong mỗi dịp Tết đầu năm mà làm lễ dựng Nêu để nhắc lại lời giao ước năm xưa và nhường một ít bánh trái cho loài quỷ về nhận và quây đi. Thứ hai là dịp Nêu lên ý nguyện con người trước Thiên Địa Trời Đất âm dương thông qua cây Vũ Trụ có treo câu đối có lời chúc tốt lành Phúc - Lộc - Thọ - Khang - Ninh được cụ thể qua vật dụng treo lên cây Nêu là cành Đa, lá Thiên Tuế, trầu cau, khánh bằng đất, đèn lồng, xương rồng, lá dứa, lá bùa. Trầu câu nói lên tình nghĩa vợ chồng thương yêu bền chặt và cuộc sống được trường thọ mang ý nghĩa quẻ Hằng; Lông chim nói lên đời sống thanh cao hướng thượng của loài lông vũ mà đại diện cho chim phượng ứng với quẻ Đại Tránglà Phượng tập đăng sơn là phượng đậu đỉnh núi; khánh bằng đất là tiếng kêu phát ra mỗi khi có gió thổi là hình ảnh của quẻ Lôi mang tính lý luôn luôn sống động khởi dậy và phát triển, cũng là tiếng động trấn át mọi thế lực âm binh ma quỷ; đồng thời có cả xương rồng lá dứa, lá bùa để có gai góc là quẻ Khảm mà chống ma quỷ... Kế đến là về đêm phải thắp đèn lồng để có sự sáng của trí tuệ dù trong đêm tối, đồng thời cũng là nguồn năng lượng sống của muôn vật là hình ảnh của quẻ Ly.
Tại sao thời điểm dựng Nêu trước tết và sau tết 7 ngày? Đó là dựa vào lý dịch biến hóa một chu kỳ là 7 lần động biến từ quẻ Thuần Kiền động biến 7 lần đến quẻ Phục thì hào dương trở lại. Chuẩn bị đón tết 1 chu kỳ là 7 ngày trước tết là ngày 23 tháng chạp và 1 chu kỳ sau tết 7 ngày là mùng 7 tháng giêng thì hạ Nêu.
Tóm lại hình ảnh làm lễ dựng Nêu ngày Tết Nguyên Đán là thể hiện một triết lý âm dương, một Minh Triết Kiền (Càn) Khôn Vũ Trụ còn gọi là Văn Minh Dịch Lý Việt Nam, luôn sống mãi trong lòng của dân tộc, nhắc nhở sự thấm nhuần âm dương lý trong cuộc sống để biết tiến - thoái, co - giãn, nặng - nhẹ, cương - nhu, quyền biến tùy lúc để có đời sống an nhiên, tự tại, thanh cao và thánh thiện hơn.
Thiển nghĩ chúng ta ngày nay nên giữ truyền thống dân tộc làm lễ dựng Nêu trước thềm năm mới, hết sức thiêng liêng này. Đó cũng là sự thể hiện lòng biết ơn tổ tiên đã để lại một nền Văn Minh Âm Dương học Rồng Tiên của chúng ta ngày nay.
Thanh Từ Dịch Học Sĩ
Trần Quốc Thái
(Bài viết dựa trên sự tích cây Nêu Ngày Tết từ nhiều nguồn khác nhau, được tổng hợp và viết lại phong phú hơn qua góc nhìn Dịch Lý).
 

Tác giả bài viết: Thanh Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập338
  • Hôm nay11,830
  • Tháng hiện tại279,255
  • Tổng lượt truy cập36,333,810
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây