Hoa Tình Thươnghttps://hoatinhthuong.net/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 20/09/2024 08:31
Hai điều trái ngược không thể cùng tồn tại trong cùng một chủ thể. Triết gia A-rix-tốt đã viết như vậy và nghe chừng điều đó quá rõ ràng; không thể có cái gì vừa là ánh sáng vừa là bóng tối cùng một lúc. Tuy nhiên, xét về những gì đang xảy ra bên trong tâm hồn chúng ta thì dường như những điều trái ngược thật sự có thể cùng tồn tại trong cùng một chủ thể. Bất cứ thời điểm nào, trong lòng mình, chúng ta là sự trộn lẫn giữa ánh sáng và bóng tối, chân thành và giả trá, vô ngã và ái ngã, đức hạnh và suy đồi, ân sủng và tội lỗi, thánh thần và tội phạm. Như cha Henri Nouwen thường nói: Chúng ta muốn là những bậc thánh vĩ đại, nhưng cũng không muốn bỏ lỡ tất cả các cảm giác mà những người tội lỗi trải qua. Và thế là cuộc sống chúng ta không hề đơn giản. Chúng ta sống trong ánh sáng lẫn bóng tối trong lòng mình và dường như, trong một thời gian dài, những điều trái ngược thật sự cùng tồn tại trong lòng chúng ta. Tâm chúng ta như một bãi chiến trường, nơi vô ngã và ái ngã, đức hạnh và tội lỗi, cái gì cũng tranh nhau làm chủ. Nhưng cuối cùng, chỉ một cái này hoặc cái kia sẽ bắt đầu làm chủ và tìm cách đánh bật cái kia ra. Đó là lý do tại sao Thánh Gio-an Thánh giá đã chọn câu dụ ngôn triết học này và dùng nó để dạy một bài học cốt lõi về việc đi đến chỗ khiết tịnh của con tim và khiết tịnh của ý định trong đời sống chúng ta. Bởi vì những điều trái ngược không thể nào cùng tồn tại trong lòng chúng ta, nên có điều cần yếu mà chúng ta cần làm. Đó là điều gì? Chúng ta cần chuyên cần cầu nguyện. Những điều trái ngược không thể nào cùng tồn tại trong chúng ta như vậy, nếu chúng ta duy trì lòng cầu nguyện chân thành trong đời sống mình để cuối cùng sự thành tâm sẽ đánh bật đi giảo trá, vô ngã sẽ đánh bật ái ngã, và ân sủng sẽ đánh bật tội lỗi. Nếu chúng ta giữ lòng cầu nguyện chân thành, thì về lâu dài, chúng ta sẽ không bao giờ rơi vào lý luận biện hộ cho tội lỗi. Nếu chúng ta duy trì cầu nguyện chân thành trong đời sống thì chúng ta sẽ không bao giờ nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi của mình, và cứ như vậy tới mức chúng ta bắt đầu có những vùng miễn nhiễm về đạo đức trong đời sống của mình. Trung thành với cầu nguyện sẽ bảo đảm chúng ta không bao giờ, về lâu dài, sống đời hai mặt bởi vì những gì lời cầu nguyện đưa vào đời sống chúng ta, một sự có mặt chân chính của Chúa, sẽ không sống chung hòa hợp với ái ngã, tội lỗi, lý luận biện hộ cho tội lỗi, tự huyễn, và giảo trá. Nói nôm na, đến một lúc nào đó trong đời, chúng ta hoặc sẽ thôi cầu nguyện hoặc thôi hành xử tệ hại. Chúng ta sẽ không thể nào sống cả hai thứ trái ngược. Như vậy mối nguy hiểm lớn nhất của chúng ta là ngừng cầu nguyện. Và đây là lời khuyên vô cùng hữu dụng: Chúng ta không thể lúc nào cũng kiểm soát được việc mình cảm thấy như thế nào về mọi chuyện. Chúng ta không thể lúc nào cũng kiểm soát được chuyện mình bị quyến dụ ra sao. Và không ai trong chúng ta có sức mạnh để không bao giờ rơi vào tội lỗi. Chuyện chúng ta không có khả năng thực hiện đạo đức mong muốn cho bản thân khiến chúng ta luôn luôn không thể thánh thiện đầy đủ. Có những điều vượt ngoài khả năng của chúng ta. Nhưng có đôi điều chúng ta có thể kiểm soát, những điều vượt quá con ngựa cảm xúc và cám dỗ bất kham. Chúng ta bị nhiều thứ vây bủa, nhưng chúng ta có thể chuyên cần có mặt để cầu nguyện, theo ý chí của mình, có chủ tâm, với kỷ luật và quyết tâm. Chúng ta có thể cầu nguyện riêng theo kỷ luật chuyên cần trong cuộc sống của mình. Chúng ta có thể hứa với chính mình phải có thói quen cầu nguyện riêng. Và, nếu làm như vậy, thì bất luận sự thực chúng ta sẽ phải chịu một thời gian dài khô khan và chán nản, cuối cùng những gì lời cầu nguyện đưa vào đời sống chúng ta sẽ đánh bật ra các thói quen xấu, những lý luận biện hộ cho tội lỗi, và tội lỗi của chúng ta. Hai điều trái ngược nhau không thể cùng tồn tại trong cùng một chủ thể. Cuối cùng chúng ta hoặc sẽ phải thôi cầu nguyện hoặc sẽ từ bỏ tội lỗi và lý luận biện hộ cho tội lỗi. Không ai có thể vừa cầu nguyện chân thành một cách đều đặn lại vừa nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng tội lỗi của mình. Vậy thì, nhiệm vụ của chúng ta là duy trì việc cầu nguyện riêng như một thói quen trong cuộc sống, kể cả khi chúng ta không có cái nhìn sâu sắc lẫn không có lòng can đảm để nhìn nhận và giải quyết tất cả các kiểu tiêu chuẩn kép và những điểm mù-đạo-đức trong đời sống của mình. Những gì đi vào đời sống chúng ta qua lời cầu nguyện, mà thường thì khó cảm nhận hơn là dễ thấy, cuối cùng sẽ đánh bật ra (“hóa cứng,” nói theo lời thánh Gio-an Thánh giá) tội lỗi của chúng ta lẫn những lý luận chúng ta biện hộ cho nó. Điều này gần với lời Ronald Knox từng dạy về phép Thánh thể. Đối với ông, phép Thánh thể là nghi thức có tính cách nâng đỡ, cốt yếu, duy nhất trong đời sống Ki-tô hữu. Tại sao? Bởi vì Knox tin rằng, là Ki-tô hữu, chúng ta chưa bao giờ thật sự sống theo những gì Chúa Kitô yêu cầu. Chúng ta chưa bao giờ thật sự yêu thương kẻ thù mình, chìa má kia ra, chúc phúc cho những ai nguyền rủa chúng ta, sống đời quang minh chính đại trọn vẹn, hay tha thứ cho những ai đã làm chúng ta tổn thương. Nhưng, ông nói, chúng ta đã trung thành với Chúa chủ yếu theo cách: Chúng ta đã trung thành với phép Thánh thể, trung thành với mệnh lệnh duy nhất đó. Ngay trước khi từ giã chúng ta, Chúa Giêsu đã ban phép Thánh Thể và yêu cầu chúng ta tiếp tục dâng phép Thánh Thể cho tới khi Người quay trở lại. Hai ngàn năm nay, trong khi chờ đợi sự quay trở lại đó, chúng ta đã trung thành với phép Thánh Thể, dù chúng ta đã trở nên bất trung xét theo các khía cạnh khác. Chúng ta đã tiếp tục dâng phép Thánh Thể, và cuối cùng, hơn bất cứ điều gì khác, đó là điều duy nhất gọi chúng ta, liên tục liên hồi, trở lại với lòng trung tín. Thói quen cầu nguyện riêng cũng sẽ làm được điều đó cho chúng ta. Bởi vì hai điều trái ngược không thể nào cùng tồn tại trong một chủ thể, cuối cùng chúng ta hoặc sẽ thôi cầu nguyện hoặc chúng ta sẽ không phạm lỗi và lý luận biện hộ cho tội lỗi nữa. Mối nguy hiểm đạo đức lớn nhất trong đời sống là chúng ta ngừng cầu nguyện!