Câu Chuyện Về Lòng Thương Xót
Vào một buổi tối mùa đông lạnh giá, người ta phát hiện một cụ già ngồi gục trước cửa trung tâm thương mại. Nơi đó có rất đông người đi vào trung tâm thương mại để mua sắm, và cụ ông co ro trong chiếc áo rách vai. Bên cạnh đó là tấm biển viết vội vã như thế này: “Tôi đói và lạnh, xin một chút hơi ấm tình người.” Một cái bảng nhỏ đặt bên cạnh cụ.
Rồi hàng trăm, hàng trăm người đi qua, có người nhìn thấy nhưng rồi quay mặt làm ngơ. Có người ái ngại nhưng vẫn bước tiếp vì sợ phiền. Chỉ có một cậu bé đi cùng mẹ dừng lại trước cụ già co ro trước trung tâm thương mại đó. Cậu bé lặng lẽ tháo chiếc khăn len đang quấn trên cổ, quấn lên cổ ông, rồi lấy hộp cơm mà mẹ vừa mới mua đặt vào tay ông cụ. Thế rồi hai mẹ con bước đi.
Ngày hôm sau, người ta biết rằng ông cụ đã qua đời vì lạnh. Thế nhưng, trên môi cụ vẫn nở một nụ cười và trong tay vẫn nắm chặt chiếc khăn len mà cậu bé tối hôm qua quấn lên cổ cụ.
Bài Học Từ Câu Chuyện
Vâng, câu chuyện ấy tuy giản dị nhưng lại nhắc nhở chúng ta về một sự thật hết sức chua xót: con người ngày hôm nay đang sống trong một thế giới rất đông nhưng lại rất cô đơn. Người ta nghĩ rằng đông là không cô đơn, thưa anh chị em? Một thế giới rất đông nhưng lại rất cô đơn giữa bao người qua lại. Tiếng kêu cứu của một người nghèo lạnh có thể bị bỏ qua, một ánh mắt cầu cứu có thể bị lãng quên. Một nỗi đau, một sự bất hạnh có thể nằm giữa phố xá ồn ào mà không ai buồn cúi xuống để nâng đỡ.
Dụ Ngôn Người Samaria Nhân Hậu
Nói như thế để chúng ta đi vào bài Tin Mừng hôm nay. Chúa đã nói cách đây hơn 2000 năm rồi, và Ngài cũng kể một câu chuyện tương tự như thế giới ngày hôm nay mà chúng ta đang sống.
Thưa anh chị em, đó là một người bị nạn nằm bên vệ đường. Có người đến rất gần, đó là các vị tư tế và Lê-vi, những người đại diện cho tôn giáo và có lòng đạo đức. Thế nhưng, anh chị em thấy họ chỉ nhìn thấy rồi tránh qua bên kia mà đi. Họ có thể bận bịu việc của đền thờ, hoặc sợ bị ô uế, hoặc đang vội vàng đi đâu đó. Điều đáng buồn là họ bước qua một con người đang cần sự giúp đỡ của họ một cách hết sức vô tâm, thưa anh chị em.
Trái lại, chúng ta thấy một người Samaria, một người không đội trời chung với người Do Thái. Thế nhưng, người Samaria này dừng lại. Ông không chỉ nhìn mà còn động lòng thương, tiến lại gần, băng bó vết thương và đưa người bị nạn về quán trọ, rồi tiếp tục lo liệu cho người ấy. Chỉ trong một đoạn ngắn như vậy, thưa anh chị em, Tin Mừng cho chúng ta thấy một loạt những hành động cụ thể của tình yêu mà người Samaria này đã thể hiện nơi người bị cướp trên đường.
Tình yêu thương không chỉ là cảm xúc, mà phải là hành động cụ thể. Nói yêu mà vô ích, thưa anh chị em, nhưng phải thể hiện cụ thể từ lời nói tới hành động của mình.
Ý Nghĩa Trong Năm Thánh Hy Vọng
Thưa anh chị em, chúng ta đang sống trong Năm Thánh 2025, được gọi là Năm Thánh của Hy Vọng, những người lữ hành trên con đường hy vọng. Nhưng hy vọng không chỉ là chờ đợi một điều gì tốt đẹp đến với mình. Hy vọng đích thực phải khởi đi từ việc chúng ta biết dừng lại, biết lắng nghe, biết chia sẻ và kiến tạo điều tốt đẹp cho người khác, chứ không phải chỉ chờ đợi. Chúng ta phải là người đi bước trước để đem lại niềm hy vọng cho người khác, thì chúng ta sẽ đón nhận lại niềm hy vọng cho chính bản thân mình.
Hy vọng không mọc lên từ những con tim khép kín, thưa anh chị em, mà đến từ những con tim biết mở ra. Không đến từ những bàn tay chỉ giữ chặt cho bản thân, mà đến từ những bàn tay sẵn sàng mở ra để trao đi cho người khác.
Thưa anh chị em, thật vậy, có biết bao người ngày hôm nay đang sống hạnh phúc, nhưng họ không biết rằng hạnh phúc đó là kết quả của những hy sinh âm thầm từ bao nhiêu con người. Hạnh phúc bây giờ là sự hy sinh của cha mẹ vất vả ngày đêm, sự hy sinh của những người thân nhường nhịn, và biết bao con người đã đổ mồ hôi nơi công trường, đồng ruộng để làm ra của cải phục vụ tha nhân, mà ngày hôm nay chúng ta được hưởng. Chúng ta đang hưởng hạnh phúc đó, nhưng lại không biết chia sẻ cho người khác. Vì thế, chúng ta thấy rằng có không ít người chỉ biết nhận mà không biết cho đi.
Những con người đó tưởng rằng thành công là do sức mình. Họ sống khép kín, ích kỷ và vô tâm. Anh chị em thấy đó, nghĩ rằng mình thành công, mình hạnh phúc như vậy là đủ. Nhưng thưa anh chị em, nếu không có cha mẹ, không có những người vất vả vì mình, thì làm sao mình có được như ngày hôm nay?
Ai Là Người Thân Cận?
Thưa anh chị em, Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay không hỏi vị tư tế và thầy Lê-vi rằng: “Tại sao các ngươi không dừng lại?” Ngài không hỏi điều đó. Nhưng Ngài đặt một câu hỏi: “Vậy, ai trong ba người ấy đã tỏ ra là người thân cận của người bị cướp?” Và Ngài kết thúc bài Tin Mừng bằng một lời nhắn nhủ: “Hãy đi và làm như vậy, thì anh sẽ được sự sống đời đời.”
Người Samaria: Biểu Tượng Của Lòng Trắc Ẩn
Vâng, thưa anh chị em, người Samaria nhân hậu đã trở thành biểu tượng của một con tim biết cảm thông, một đôi tay biết đụng chạm, một đôi chân biết dừng lại và bước tới những mảnh đời đang đau khổ như người bị nạn đó. Ông không sống đức tin bằng lý thuyết, mà bằng hành động cụ thể của lòng trắc ẩn. Chính điều đó đã biến ông từ một người xa lạ thành người thân cận thực sự với người bị nạn.
Áp Dụng Vào Đời Sống Trong Gia Đình
Vâng, thưa anh chị em, nếu hôm nay Chúa kể lại dụ ngôn ấy cho mỗi người chúng ta, thì Ngài có thể hỏi như thế này: “Trong gia đình, con có bước qua nỗi buồn của vợ, chồng, con cái một cách vô tâm hay không?” Nói tới đây, tôi nghĩ tới đôi bạn trẻ hôm nay phải không? Chúa hỏi: “Trong gia đình, con có bước qua nỗi buồn của vợ, chồng, con cái một cách vô tâm hay không?” Đây là chìa khóa để xây dựng hạnh phúc gia đình. Nếu vợ chồng không cảm thông với nhau, thì thua rồi.
Quan Tâm Lẫn Nhau
Anh chị em phải biết quan tâm tới nhau, vui với người vui, buồn với người buồn, chia sẻ những gánh nặng của vợ, của chồng với nhau, thì mới xây dựng được hạnh phúc gia đình. Anh chị em phải biết quan tâm tới nhau. Vợ quan tâm tới chồng, chồng quan tâm tới vợ, mới xây dựng được hạnh phúc gia đình.
Tôi thấy rất nhiều người vợ vất vả nấu cơm cho chồng, con ăn, mà khi chồng về tới nhà, không một lời hỏi han, khen ngợi vợ mình. Chỉ lấy cơm ra ăn, mà không ngon lắm thì lại chê bai, vô cảm. Từ những điều nhỏ nhặt như vậy, nó sẽ gây ra sự lạnh nhạt dần dần, rồi gia đình không trước thì sau cũng sẽ vỡ mà thôi.
Trong Cộng Đoàn và Xã Hội
Nói tới những niềm vui, đau khổ của người bạn đời, của chồng, của vợ, thưa anh chị em. Đây là điều mà tôi muốn nhắc nhở anh chị em: Nếu hôm nay Chúa kể lại dụ ngôn ấy, Ngài sẽ hỏi: “Ông bà có bước qua những nỗi đau khổ của vợ, của chồng một cách vô cảm hay không?” Đây là điều mà chúng ta cầu nguyện cho nhau, cũng như cầu nguyện cho đôi bạn trẻ, phải biết yêu thương, quan tâm, nâng đỡ nhau trong niềm vui cũng như nỗi buồn, để vượt qua những thử thách trong đời sống hôn nhân.
Điều tiếp theo, nếu trong cộng đoàn, Chúa hỏi: “Con có thờ ơ trước những người nghèo, những người đau khổ, những người bị đẩy ra bên lề xã hội hay không?” Trong xã hội, Chúa hỏi chúng ta: “Con có sống mà tránh né những người lạ, những người khổ, những người rách rưới hay không?”
Sống Đạo Bằng Hành Động
Thưa anh chị em, Năm Thánh Hy Vọng mời gọi mỗi người chúng ta không chỉ cầu nguyện, không chỉ đến nhà thờ để lãnh các bí tích, không chỉ có thế, thưa anh chị em, mà còn nhắc nhở chúng ta hãy trở thành những con người đi theo con đường hy vọng bằng lòng yêu thương cụ thể, bằng sự dừng lại bên nỗi đau của anh chị em mình.
Xin cho chúng ta luôn nhớ rằng sống đạo không chỉ là giữ luật cho đúng, mà là để con tim mình luôn mở ra. Thưa anh chị em, đạo không dừng lại ở bàn thờ, nhưng bắt đầu từ bên vệ đường. Hy vọng không ở đâu xa, thưa anh chị em, mà khởi đi từ những hành động yêu thương bé nhỏ hằng ngày.
Chúng ta nguyện xin Chúa, Đấng đã cúi xuống để phục vụ nhân loại đau khổ, dạy chúng ta biết dừng lại, biết cúi xuống, biết yêu thương như Ngài đã yêu thương chúng ta. Xin Chúa chúc lành và ban ơn cho tất cả anh chị em. Amen.
Nguồn tin: Lm. Vinhsơn Nguyễn Minh Huấn Quản hạt Xóm Mới – TGP. Saigon
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn