ĐỨC ÁI ĐÍCH THỨC

Chủ nhật - 13/07/2025 04:48
tải xuống
tải xuống

Khi nói đến lời của một ai, chúng ta nói đến chính con người đó. Khi tôn trọng và quý mến một người, chúng ta cũng tôn trọng và quý mến lời dạy cùng gương sáng của người ấy. Một nhân vật càng uy tín bao nhiêu thì lời nói của người ấy càng được lắng nghe và đón nhận bấy nhiêu. Cũng vậy, khi nói đến Lời Chúa hoặc Luật Chúa, chúng ta nói đến chính Thiên Chúa, Đấng quyền năng và yêu thương mỗi người cũng như tất cả chúng ta.

Hai chữ “lề luật” dễ gợi lên trong chúng ta sự liên tưởng tới những ràng buộc, hạn chế và gây phiền toái cho con người. Tuy nhiên, những điều được quy định trong dân luật cũng như trong Giáo Luật đều nhằm ổn định trật tự cuộc sống, bảo vệ công ích và giúp thăng tiến con người. Một công dân tuân giữ luật pháp sẽ góp phần làm cho quốc gia phồn thịnh. Một tín hữu tuân giữ luật Giáo Hội sẽ góp phần làm cho đức tin thăng tiến nơi bản thân và cộng đoàn.

Lề Luật của Chúa không giống như những bộ luật dân sự, vốn chỉ nhằm quy định những gì bên ngoài con người và duy trì trật tự xã hội. Ông Môsê nói với dân: “Lời Chúa ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành” (x. Đnl 30,14). Theo giáo huấn của ông Môsê, Lời Chúa và Lề Luật phải thấm nhập vào chính con người của những ai tin Chúa, đồng thời trở thành động lực cho mọi hoạt động và gợi ý cho tư tưởng. Trong tinh thần này, người Do Thái đạo đức thường khởi đầu ngày mới bằng kinh “Shema Israel”: “Nghe đây, hỡi Israel! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết dạ, hết sức ngươi” (Đnl 6,4-5). Lời kinh này giúp người tín hữu luôn ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời và cố gắng sống đẹp lòng Ngài.

Nếu dân tộc Do Thái trong Cựu Ước sống theo Luật Môsê, tức luật bằng văn tự, thì Đức Giêsu Kitô chính là hiện thân của Lề Luật, là sự sống động của Lề Luật, và là con đường để con người đến gần Thiên Chúa thông qua việc yêu thương và vâng phục. Điều này không có nghĩa là Đức Giêsu đến để hủy bỏ Luật cũ, như chính Người đã khẳng định: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn” (Mt 5,17).

Qua dụ ngôn Người Samaria nhân hậu, Đức Giêsu khẳng định tính mới mẻ trong giáo huấn của Người. Những người đi qua nạn nhân trước tiên là một thầy tư tế, rồi đến một thầy Lêvi. Cả hai đều là những người Do Thái đạo đức và uyên thâm, nhưng họ đã làm ngơ trước người bị nạn. Trong khi đó, người Samaria, một người ngoại thuộc dân tộc bị người Do Thái coi là kẻ thù truyền kiếp qua nhiều thế hệ, lại chẳng học hành uyên thâm và không mang chức vụ danh nghĩa nào. Ấy vậy mà ông đã cứu giúp người gặp nạn. Mối quan tâm của thầy tư tế và thầy Lêvi là giữ sự thanh sạch và tuân thủ tỉ mỉ Luật Môsê. Mối quan tâm của người Samaria là con người trong cơn hoạn nạn, bất kể đó là ai. Trong dụ ngôn, Đức Giêsu khéo léo dùng những hình ảnh tương phản giữa các nhân vật: người thông luật thì thiếu bác ái; người chẳng hiểu gì về luật lại có lòng trắc ẩn. Qua câu chuyện này, Đức Giêsu muốn nêu bật ý nghĩa mới mẻ của đức yêu thương mà Người giảng dạy, đó là đức bác ái đích thực. Bởi lẽ con người chỉ thực sự hạnh phúc khi làm cho người khác hạnh phúc. Sự chu đáo của người Samaria, hứa sẽ trả Zika trả tiền thêm khi quay về, làm nổi bật lòng nhân hậu của ông. Dụ ngôn này là lời mời gọi những người Do Thái có mặt hãy nhìn đức ái với một khía cạnh khác.

Người thông luật đặt câu hỏi với Đức Giêsu để thử Người. Những gì ông chờ đợi chỉ là những nguyên tắc ghi sẵn trong sách vở hoặc những điều các luật sĩ rao giảng hằng ngày. Việc ông trả lời làu làu những nguyên tắc này cho thấy ông muốn tỏ ra mình là người thông thạo và khôn ngoan. Đức Giêsu không bằng lòng với những khuôn sáo lý thuyết, mà mời gọi con người thực hành đức yêu thương. C roi trả lời cuối cùng của Người, “Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy” (x. Lc 10,37), vừa gợi mở một bài học sâu sắc, vừa giúp chúng ta nhìn lại cách ứng xử của mình. Tác giả Luca không cho biết người thông luật phản ứng thế nào sau câu nói này. Có lẽ Luca muốn mỗi chúng ta tự nhận ra mình trong nhân vật người thông luật ấy.

Đức Giêsu không chỉ là người dạy về Lề Luật mà còn là tấm gương để mọi người noi theo. Bằng cách sống theo lời dạy của Người, người tín hữu có thể thể hiện tình yêu thương và sự vâng phục đối với Thiên Chúa, từ đó sống một cuộc đời ý nghĩa và đẹp lòng Ngài. Những gì thánh Phaolô viết trong bài thánh thi ca ngợi đã nêu rõ vai trò của Đức Giêsu trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Người là đích điểm của cuộc đời chúng ta. Nhờ máu Người, chúng ta được thanh tẩy mọi tội lỗi. Nhờ sự chết và phục sinh của Người, chúng ta được trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu thương với tình yêu khôn tả dành cho Con Một yêu dấu của Ngài (x. Cl 1,15-20).

Lề Luật của Đức Giêsu tóm gọn trong hai chữ “yêu thương”. Thánh Phaolô khẳng định: “Yêu thương thì không làm hại người đồng loại; như vậy, yêu thương là sự chu toàn Lề Luật” (Rm 13,10). Thánh Gioan tông đồ nói: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng bằng hành động và sự thật” (1 Ga 3,18). Người Samaria đã làm như thế.

Xin Chúa đánh động con tim chúng ta, để biết trắc ẩn và yêu thương những anh chị em thiệt thòi, nghèo khó. 

 

Nguồn tin: + ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập42
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm41
  • Hôm nay12,117
  • Tháng hiện tại183,955
  • Tổng lượt truy cập39,276,446
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây