Câu hỏi của người thông luật: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” mở đầu bài Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay.
“Sự sống đời đời” là một thực tại mà hầu hết mỗi tín hữu đều hướng tới. “Tôi phải làm gì?” nhắc nhở về bổn phận và trách nhiệm mà chúng ta cần thực hiện ngay bây giờ. Nếu không có niềm tin vào sự sống đời đời, quả thực chúng ta sẽ sống buông thả và thiếu trách nhiệm với Thiên Chúa và tha nhân. Vì thế, dù sự sống đời đời thuộc về Thiên Chúa và chúng ta chưa nắm bắt trọn vẹn, ngay bây giờ, chúng ta cần thực hiện các việc làm để thể hiện lòng mến Chúa và yêu người, để được sống.
Giả như người thông luật không tranh luận thêm và cố gắng thực thi những điều luật mà ông đã được dạy bảo, thì chúng ta không còn gì để tìm hiểu thêm. Nhưng ngay từ đầu bài tường thuật, người thông luật đã không có lòng thành để tìm kiếm; ông đặt câu hỏi nhằm thử Đức Giêsu. Vì thế, ông tiếp tục muốn bắt bí Người bằng một vấn nạn khác: “Ai là người thân cận của tôi?”
Có người cho rằng người thân cận là những người cùng huyết thống trong gia tộc: ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, cháu chắt, v.v. Đúng vậy, nếu không yêu thương và sống tử tế với người nhà, làm sao chúng ta có thể yêu thương người khác? Tuy nhiên, trong thân phận người tín hữu, chúng ta được mời gọi sống vượt lên trên tiêu chuẩn ấy. Câu trả lời cho câu hỏi “Ai là người thân cận của tôi?” đã được Đức Giêsu diễn tả sống động qua dụ ngôn “Người Samaria nhân hậu” mà chúng ta vừa nghe trong phần Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay.
Câu chuyện xảy ra trên con đường từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, một đoạn đường đầy nguy hiểm, thường xuyên xảy ra các vụ cướp của và giết người. Có một người vô danh, không rõ gốc tích, gia thế hay địa vị, đi ngang qua đó và rơi vào tay bọn cướp. Chúng cướp hết tiền bạc, đánh ông trọng thương, để ông nằm thoi thóp bên vệ đường, trong tình trạng cần được cứu cấp khẩn cấp.
Cùng thời điểm đó, một thầy tư tế đi trên con đường ấy. Thấy cảnh tượng người bị nạn, thầy quay mặt làm ngơ, đi sang lối bên kia để tiếp tục hành trình. Tiếp theo, một thầy kinh sư, người thông thạo và giảng dạy đạo lý cho dân chúng, cũng đi qua, nhìn thấy nạn nhân nhưng cũng ngoảnh mặt, rẽ sang lối khác mà đi. Bản văn không nêu lý do tại sao họ hành động như vậy. Có thể họ vội vã, sợ bị ô uế khi chạm vào nạn nhân, hoặc có những lý do khác. Dù vậy, thái độ của họ khó có thể chấp nhận được và có thể coi là biểu hiện của sự vô cảm.
Tình cờ, một người Samaria, thuộc dân tộc bị người Do Thái coi là kẻ thù vì đã từ bỏ truyền thống cha ông, tiếp nhận các thói tục ngoại giáo và bị xem là ô uế, cũng đi trên con đường ấy. Khi thấy nạn nhân nửa sống nửa chết nằm bên vệ đường, ông cảm thấy như có lưỡi dao đâm vào tim. Ông dừng lại, bỏ qua mọi kế hoạch cá nhân, tiến đến gần, dùng mọi khả năng và dụng cụ cứu thương sẵn có để cứu giúp. Chưa dừng lại, ông đưa nạn nhân đến quán trọ, nhờ chủ quán chăm sóc cẩn thận và hứa sẽ bồi hoàn mọi chi phí khi trở lại.
Thưa anh chị em,
Sau đó, thay vì tiếp tục tranh luận, Đức Giêsu hỏi người thông luật: “Vậy theo ông, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giêsu bảo: “Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy” (x. Lc 10,30-37, theo bản dịch của Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ).
Người thông luật trả lời rất chí lý. Kẻ thực thi lòng thương xót, thực hiện việc bác ái, chính là người thân cận của người đang trong cơn hoạn nạn. Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở lý lẽ. Lời xác định của Đức Giêsu mời gọi chúng ta suy nghĩ: “Hãy đi và làm như vậy.” Đức Giêsu nhấn mạnh rằng hiểu biết giáo lý thôi chưa đủ, điều quan trọng là đem ra thực hành. Việc xác định “ai là người thân cận” không quan trọng về mặt lý thuyết, mà chính thái độ và cách sống của chúng ta mới là tiêu chuẩn xác định liệu chúng ta có thực sự là người thân cận của người khác hay không.
Người thân cận là người có lòng thương xót, biết động lòng trước nhu cầu của tha nhân. Nếu hành trang cuộc sống của chúng ta thiếu tình yêu, lòng thương xót, sự thông cảm và tha thứ, chúng ta vẫn còn xa lạ với chính mình và chưa thể là người thân cận của bất kỳ ai.
Quay lại dụ ngôn, người thân cận không phải là nạn nhân nằm bên vệ đường, đang cần được chăm sóc, mà là người Samaria biết “động lòng” trước cảnh khốn cùng của kẻ bị cuộc đời cướp đi gần như tất cả. Không chỉ người Samaria, mà cả chúng ta cũng vậy. Nếu ai cũng có tấm lòng như thế, thì dù người khác coi chúng ta là kẻ thù, với chúng ta, không ai là kẻ thù. Tất cả đều là người thân cận của nhau. Mọi người chúng ta gặp trên hành trình cuộc sống đều là đối tượng để chúng ta ban phát lòng thương xót.
Vì vậy, hãy ra đi và “động lòng thương”, bởi tất cả chúng ta, không phân biệt giới tính, chủng tộc, địa vị, màu da hay tín ngưỡng, đều là hình ảnh và thành viên của gia đình có người Cha chung là Thiên Chúa. Tất cả đều xứng đáng nhận được sự kính trọng và yêu thương. Giữa chúng ta không nên có định kiến hay thù hận, chỉ có sự thông cảm và yêu thương.
Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta vẫn chưa thực hiện trọn vẹn những yêu cầu của Chúa. Vì thế, chúng ta cần ơn Chúa. Với Người và trong Người, chúng ta có thể tiến lại gần các nạn nhân với niềm kính trọng, như người Samaria đã làm.
Dụ ngôn Người Samaria nhân hậu là lời mời gọi chúng ta sống với lòng thương xót, vượt qua mọi rào cản để trở thành người thân cận của tha nhân. Hãy ra đi và làm như Chúa dạy, để qua đó, chúng ta đạt được sự sống đời đời làm gia nghiệp.
Nguồn tin: Lm. Yuse Mai Văn Thịnh, DCCT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn