Trong bối cảnh thế giới hiện nay đầy những chia rẽ, hận thù, tên lửa tiếp tục bay, bom chưa ngừng rơi, khủng hoảng môi sinh và nhất là tình anh em, sự thờ ơ gia tăng trước nỗi đau của đồng loại. Dụ ngôn người Samaria nhân hậu trong Tin Mừng Lu-ca (10,25–37) vang lên như một tiếng chuông thức tỉnh xã hội cũng như Giáo hội. Lời Đức cố Giáo hoàng Phan-xi-cô trong Thông điệp Fratelli Tutti khẳng định: “Tất cả là anh em“, mời gọi chúng ta gẫm suy về vai trò của mỗi chính mình trong việc kiến tạo tình anh em trong thế giới hôm nay.
Người Samaria nhân hậu, hình ảnh sống động của tình liên đới
Chúa Giê-su kể cho người thông luật dụ ngôn (x. Lc 10, 25-37). Vị tư tế và thầy Lê-vi, cả hai đều liên quan đến việc phụng tự nơi đền thờ, gặp một người từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-cô bị hại. Từ Giê-ru-sa-lem tức là đồng hương, nhưng họ không cần biết; không giúp đỡ, bỏ qua. Trong khi đó, người Samaria, bị coi là ô uế và bị khinh miệt, trông thấy người bị hại, ông “động lòng thương” (Lc 10, 33), ông không bỏ qua như hai người kia, ông đến gần người ấy, “băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc” (Lc 10, 34). Chúa Giê-su kể: “Ông động lòng thương“, nghĩa là tâm can ông cảm động. Khác với hai người kia “trông thấy”, nhưng con tim của họ đóng kín, lạnh lùng. Trái lại, con tim của người Samaria rung động. “Động lòng thương” là đặc tính cốt lõi của lòng thương xót Chúa. Trái tim người Samaria đồng điệu với trái tim Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viết : “Chúa Giê-su chọn một nhân vật bị coi thường để minh họa cho tình yêu thương không ranh giới. Người Samari dừng lại, cúi xuống, và chăm sóc. Đó là tình huynh đệ biết hành động.” (Fratelli Tutti, số 63–75). Chúa Giê-su không hỏi: “Ai là anh em của tôi? “. Chúa đảo ngược vấn đề: “Tôi là anh em của ai?”
Người Samaria ấy không hỏi nạn nhân là ai, thuộc dân nào, đạo nào, ông chỉ thấy một con người gặp nạn đang cần giúp đỡ. Ông đúng là hình ảnh sống động của tình anh em mà Chúa muốn gửi đến chúng ta hôm nay.
Người hành hương hy vọng, chứng nhân của tình anh em
Chúng ta đã sống nửa chặng đường của Năm Thánh 2025 mang chủ đề: “Những Người Hành Hương Hy Vọng“, không chỉ để nói về niềm vui mai sau trong hy vọng, nhưng thắp sáng hy vọng trong hiện tại. Trên bước đường hành hương thiêng liêng ấy, qua Dụ Ngôn người Samaria, Chúa Giê-su muốn chúng ta là những “người Samaria” cho thời đại mà nền văn hóa dửng dưng và thờ ơ gia tăng: Dám dừng lại, dám chăm sóc, rồi hãy lên đường.
Người hành hương hy vọng là người không dửng dưng trước nỗi đau của tha nhân, không bị che mắt bởi định kiến, chủ nghĩa cá nhân, hay ích kỷ, không bó tay trước bất công, nhưng góp phần chữa lành các vết thương xã hội. Trên hết là người sống tình anh em và gieo mầm hy vọng Tứ Hải Giai Huynh Đệ. Sống yêu thương, đùm bọc người với người, đề cao tình tương thân tương ái, trọng nghĩa anh em. Dù ở đâu, làm gì cũng gắn bó, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Có thế, mới tạo nên một thế giời hòa bình và hạnh phúc được.
Tình anh em là con đường dẫn đến hòa bình
Hòa bình không đến từ những thỏa thuận chính trị hay lợi ích kinh tế, mà từ trái tim được hoán cải, biết đón nhận nhau như anh em. “Chỉ bằng cách sống tình anh em, thế giới mới có thể chữa lành. ” (Fratelli Tutti, số 228).
Lúc sinh thời, Đức cố Giáo hoàng Phan-xi-cô thấy “Thế giới đang rơi vào một loại ‘chiến tranh từng mảnh’. Chúng ta dựng lên những bức tường, thay vì xây cầu.” (Fratelli Tutti, số 27). Ngài tha thiết kêu gọi các nhà lãnh đạo các quốc gia: “Hãy xây dựng xã hội dựa trên tình huynh đệ, trong đó con người có thể gặp gỡ nhau như anh chị em, không phải như kẻ thù hay người xa lạ.” (Fratelli Tutti, số 128). Không có tình anh em, hòa bình chỉ là ảo tưởng.
Thế giới đang bị tổn thương vì chiến tranh, chia rẽ, ích kỷ và vô cảm, dụ ngôn người Samaria là một tiếng kêu mời gọi Giáo hội và từng người chúng ta trở thành khí cụ của tình anh em và hòa giải. “Chúng ta yêu thương nhau, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước.” (1 Ga 4,19). Và, “Anh em hết thảy đều là anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Đấng ngự trên trời.” (Mt 23,8-9). Công đồng Vatican II đã khẳng định: “Mọi người đều được mời gọi như nhau để nên thánh và hoàn thiện trong đức ái, bởi vì họ được thông phần cùng một bản tính Thiên Chúa” (Lumen Gentium, số 40).
Đức cố Giáo hoàng Phan-xi-cô muốn Giáo hội trở thành “Nhà thương dã chiến“, nơi mọi người, nhất là những ai bị tổn thương, được chăm sóc và yêu thương. Ngài viết: “Tôi mơ một Giáo hội là mẹ của tất cả, một ngôi nhà mở ra với mọi người, không loại trừ ai.” (Fratelli Tutti, số 276).
Xin Chúa biến chúng ta thành những chứng nhân của tình anh em không biên giới. Amen.
Nguồn tin: Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn