SỰ KINH NGẠC ĐÃ KHÔNG CÒN

Thứ sáu - 20/09/2024 08:32
unnamed (3)
unnamed (3)
Trong bài thơ với tiêu đề Is/Not, văn hào Canada Margaret Atwood gợi ý khi tình yêu trở nên tê dại, thì chúng ta sẽ thấy mình như thế này: 
Chúng ta kẹt nơi đây
Ở bên này biên giới
trong đất nước của những con đường mòn nát, những tòa nhà nhạt nhẽo
chẳng có gì ngoạn mục để ngắm nhìn
thời tiết thì bình thường
và tình yêu thuần túy
chỉ có trên những thứ đồ lưu niệm rẻ tiền nhất.

 
Tình yêu có thể trở nên tê dại giữa hai con người, cũng như ở cả trong văn hóa.  Và chuyện đó đã xảy ra trong văn hóa chúng ta, ít ra là ở phần lớn văn hóa. Sự háo hức từng một thời hướng dẫn đôi mắt chúng ta đã nhường chỗ cho một tê dại và thoái lui nào đó.  Chúng ta không còn tươi mới và sảng khoái trước cuộc đời.  Chúng ta đã thấy nó mang lại gì và đã cam chịu chấp nhận một mức độ nào đó.  Ở đó chỉ có thế thôi, nó đâu có tuyệt vời đến thế!  Tất cả những gì chúng ta có thể nỗ lực bây giờ là có thêm những thứ như cũ, với một hy vọng sai lầm, nếu chúng ta cứ tăng thêm liều thì hiệu quả sẽ tốt hơn.
 
Họ nói về những người già, nhưng người già thật ra lại trẻ trung trong trái tim.  Chúng ta ở mặt chống đối, người trẻ mà không còn trẻ trung trong lòng.  Sự kinh ngạc đã không còn.
 
Căn nguyên của chuyện này là gì?  Điều gì tước đi sự kinh ngạc khỏi chúng ta?  Sự quen thuộc và hậu duệ của chúng: cầu kỳ, kiêu hãnh về tri thức, thất vọng, buồn chán và khinh dễ.  Sự quen thuộc sản sinh ra khinh dễ và khinh dễ là phản đề của hai điều cần có để kinh ngạc trước thế giới: tôn kính và tôn trọng.
 
Tác giả G.K. Chesterton từng nói, quen thuộc là thứ ảo tưởng lớn nhất.  Thi sĩ Elizabeth Barrett Browning cho chúng ta một diễn đạt thi ca về điều này: Địa cầu đầy dẫy thiên đàng.  Bụi cây nào cũng có lửa của Thiên Chúa.  Nhưng chỉ có người nào nhìn thấy, họ cởi giây.  Số còn lại ngồi quanh nhặt trái và vô thức bôi bẩn mặt mình.  Đoạn thơ này mô tả rất đúng ảo tưởng của sự quen thuộc, nhặt trái mâm xôi trong khi bất cẩn bôi bẩn mặt mình, không biết mình đang ở trước sự hiện diện của đấng thánh.  Sự quen thuộc biến mọi thứ thành bình thường.
 
Vậy bài học là gì?  Làm sao để chúng ta phục hồi ý thức kinh ngạc?  Làm sao để chúng ta lại một lần nữa nhìn thấy ngọn lửa thần thiêng trong đời thường?  Chesterton gợi ý, bí quyết để phục hồi sự kinh ngạc và thấy được ngọn lửa thần thiêng trong đời thường chính là nhìn vào những thứ quen mắt cho đến khi chúng lại trở nên không quen mắt.  Theo Kinh Thánh, đây là điều mà Thiên Chúa yêu cầu ông Môsê khi ông nhìn thấy một bụi cây bốc cháy giữa hoang mạc và tò mò tiến lại gần ngọn lửa đó.  Thiên Chúa phán với ông: “Hãy cởi giày ra, nơi ngươi đang đứng là đất thánh.”
 
Câu này, lời mời độc nhất này, chính là bí quyết để phục hồi ý thức kinh ngạc của chúng ta mỗi khi chúng ta thấy mình kẹt ở bên này biên giới, trong đất nước của những con đường mòn nát, những tòa nhà nhạt nhẽo, chẳng có gì ngoạn mục để ngắm nhìn, thời tiết thì bình thường và tình yêu thuần túy dường như chỉ có trên những thứ đồ lưu niệm rẻ tiền nhất.
 
Một trong những giáo sư cao học của tôi thỉnh thoảng khuyên chúng tôi thế này: Nếu hỏi một đứa bé ngây thơ có tin có Ông già Noel không, nó sẽ trả lời có.  Nếu hỏi một đứa bé sáng suốt thì nó sẽ trả lời không.  Nhưng nếu hỏi một đứa trẻ sáng suốt hơn, nó sẽ mỉm cười và bảo là có.
 
Ý thức kinh ngạc của chúng ta ban đầu dựa vào sự ngây thơ khi là đứa trẻ, khi chưa quen thuộc một cách không lành mạnh với thế giới này.  Đôi mắt chúng ta vẫn mở to để ngạc nhiên trước sự mới mẻ của vạn vật.  Dĩ nhiên, điều đó thay đổi khi chúng ta lớn lên, trải nghiệm và học hỏi.  Chẳng mấy chốc, chúng ta biết sự thật về Ông già Noel và như thế, rất dễ dàng kèm theo cái chết của sự kinh ngạc, đồng thời sự quen thuộc khai sinh sự khinh dễ.  Đây là sự vỡ mộng, một giai đoạn chuyển tiếp bình thường trong đời, chứ không phải là đích đến cuối cùng trong đời.  Nhiệm vụ của tuổi trưởng thành là phục hồi lại ý thức kinh ngạc và một lần nữa, vì những lý do rất khác biệt, mà tin vào chuyện Ông già Noel.  Chúng ta cần đem sự kinh ngạc này trở lại.
 
Tôi từng nghe một người khôn ngoan chia sẻ câu chuyện này: Cứ hình dung một đứa bé hai tuổi hỏi bạn, “buổi tối, mặt trời đi đâu ạ?”  Với một đứa trẻ ở tuổi đó, đừng lấy quả địa cầu hay quyển sách ra để cố giải thích cách mặt trời điều hành.  Cứ trả lời với đứa bé, mặt trời mệt rồi và đang ngủ sau kho thóc.  Tuy nhiên, khi đứa bé đã sáu hay bảy tuổi, đừng cố giải thích như thế nữa.  Giờ đã đến lúc lấy sách ra và giải thích về hệ mặt trời.  Sau đó, khi đứa bé lên cấp ba hay đại học, thì lấy sách của Steve Hawking, Brian Swimme và các nhà vật lý thiên văn để nói về nguồn gốc và sự tạo thành vũ trụ.  Cuối cùng, khi người đó 80 tuổi, đủ hợp lý để chúng ta lại nói “mặt trời mệt rồi và đang ngủ sau kho thóc.”
 
Chúng ta đã quá quen thuộc với buổi hoàng hôn!  Nhưng sự kinh ngạc có thể biến cái quen thuộc thành không quen thuộc một lần nữa.
 

 

Nguồn tin: Rev. Ron Rolheiser, OMI

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập111
  • Hôm nay6,073
  • Tháng hiện tại87,441
  • Tổng lượt truy cập35,009,923
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây