Khi niềm tin đã mất

Chủ nhật - 28/11/2021 09:34
unnamed (3)
unnamed (3)

Con người sống trên đời cần có niềm tin, bởi nếu nó ra đi, trái tim sẽ được lấp đầy bằng hoài nghi và sợ hãi. Đó là những điều sẽ dẫn tới sự hiềm khích và oán hận…

Và chẳng phải chúng ta, ai cũng muốn có được sự tin tưởng của người khác hay sao? Khi được tin tưởng, chúng ta cũng sẽ nỗ lực cống hiến và sống tốt hơn. Nhưng khi xã hội đã ngập tràn sự cảnh giác, ai cũng hình thành một cơ chế tự vệ, một chế độ chiến đấu luôn sẵn sàng, thì một dấu hiệu nhỏ cũng sẽ là ngọn lửa châm ngòi thuốc nổ.

“Tại cánh cửa nơi nghi ngờ bước vào, tình yêu rời khỏi”

Cách đây vài ngày, các trang báo đồng loạt đưa tin một phụ huynh học sinh lớp 1 tại Long An đã dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu cô giáo chủ nhiệm của con mình. Khi được hỏi, anh nói do lúc đến đón, thấy con ngồi một mình trong lớp, trước đó anh lại nghe gia đình kể chuyện vừa làm việc với Ban Giám hiệu nhà trường vì nghi ngờ cô chủ nhiệm đánh vào đầu con mình. Sẵn đang trong tâm trạng nôn nóng vì câu chuyện chưa được làm rõ, và vẫn bức xúc vì chuyện học sinh trường Gateway ở Hà Nội được tìm thấy đã tử vong trên xe ô tô đưa đón, nên khi thấy con mình ngồi một mình trong lớp, người bố tức giận mà dẫn tới hành động cực đoan.

Khoan chưa bàn đến việc đúng sai của người bố hay cô giáo, và chắc hẳn nếu có sai thì người đó cũng đã có được bài học cho riêng mình. Nhưng còn đó một thực tế đang rất khó cứu chữa, rất khó hàn gắn, là sự mất niềm tin trong môi trường giáo dục.

Chỉ trong vài ngày, nào là tin tức bé gái lớp một đứng ngoài cổng trường phơi nắng do đi học sớm, nào là học sinh đánh thầy giáo nhập viện, cô giáo đánh học sinh bầm môi… Tất cả đều đang gây ra nhiều tranh luận, nhiều phân tích đúng sai, và người trong cuộc cũng có nhiều lý lẽ bào chữa cho riêng mình. Nhưng dù đúng dù sai, và thậm chí sẽ chẳng bao giờ biết được ai đúng ai sai, nhưng nó đang cho người ta thấy môi trường giáo dục cũng ẩn chứa quá nhiều nguy hiểm.

Bố mẹ cho con đi học thì lo sợ rằng con mình bị đối xử bất công, danh dự bị rẻ rúng, thậm chí sinh mạng bị coi thường chỉ vì thành tích, lợi ích của tập thể, của giáo viên, nhà trường.

Thầy cô đi dạy thì lo sợ rằng nghiêm khắc quá với học trò thì bất cứ lúc nào cũng có thể bị phụ huynh đánh cho thừa sống thiếu chết. Hoặc nếu làm ảnh hưởng thành tích nhà trường, hay “gan lỳ” chống tiêu cực thì có thể bị đuổi việc, kỷ luật.

Học trò đi học thì lo sợ rằng sẽ chẳng ai bảo vệ và thông cảm nếu mình khác biệt và kém cỏi.

Nhà trường nuôi dạy những công dân tử tế cho tương lai thì lo sợ rằng tháng này, năm này sẽ không đạt thành tích, hay vì một vụ việc nhỏ có thể bị mạng xã hội “đánh hội đồng” mà mang tiếng oan.

Ai ai cũng cảnh giác cao độ, nghi ngờ tâm ý, hành động của người khác. Và thế là người ta nghĩ rằng chẳng thể tin tưởng được ai, thì tốt nhất là phải tự biết cách bảo vệ lấy bản thân mình. Tâm lý “bảo thân” sẽ dẫn tới sự ích kỷ, nghi kỵ, oán trách, thậm chí là uất hận chất chồng vì lúc nào cũng thấy mình là nạn nhân, nghĩ ai cũng lợi dụng, hãm hại, coi thường mình.

Vẽ ra kẻ thù vô hình để sẵn sàng chiến đấu. Có cái bất hạnh nào khiến ta mệt mỏi hơn như vậy? Có cái ảo tưởng nào khiến ta trở nên ngốc nghếch hơn như vậy? Và có sự tự hành hạ nào khiến ta trở nên yếu đuổi hơn như vậy đây?

Có câu nói rằng: “Bạn có thể bị lừa dối nếu bạn tin tưởng quá nhiều, nhưng bạn sẽ không thể tồn tại nếu bạn không có lòng tin”. “Người có niềm tin thì mạnh mẽ, người lắm nghi ngờ thì yếu ớt”. Chúng ta yếu ớt dù chúng ta sẵn sàng đánh trả, chửi bới, miệt thị, chà đạp kẻ mà ta cho là sai trái. Vì chúng ta đang bị biến thành những người cúi thấp mình, co ro đề phòng, mắt mũi láo liên để sinh tồn, chỉ bởi đã mất niềm tin.

Vì đâu nên cơ sự này?

Chắc hẳn bạn đang nghĩ, chẳng phải đạo đức xuống dốc, xã hội rối ren nên “tôi” mới phải như thế hay sao? Ai cũng là nạn nhân, vậy ai là thủ phạm đây?

Lẽ nào, chính giáo dục lại là thủ phạm? Bởi giáo dục là gốc rễ làm người, nhưng đã không chú trọng dạy làm người.

Trẻ em đi học được gián tiếp dạy rằng, kết quả, thành tích là quan trọng nhất, cuối cùng là để có bằng cấp, thành đạt, để rạng danh dòng tộc, gia đình, để giàu có, quyền lực ngẩng cao đầu trong xã hội. Trong đó sẽ có các em sau này làm thầy cô giáo, chúng sẽ hiểu rằng, nghề giáo cũng là một nghề để kiếm sống, cuối cùng thì cũng là để đạt được danh vọng, tiền tài trong cuộc đời. Dậy học không phải là sứ mệnh, mà chỉ là một cái cần câu cơm.

Và kể cả các thầy cô hiện tại đang đứng trên bục giảng, dù có biết “Tiên học Lễ, hậu học Văn” thì do cơ chế khen thưởng, thi đua… mà cũng phải uốn mình dạy học theo thành tích, theo giáo án, lịch trình số tiết soạn sẵn.

Nếu chỉ chú trọng chạy theo hình thức, số lượng, sẽ khiến người ta chú trọng điểm số, xếp hạng hơn là nhân phẩm, đạo đức, vốn khó đong đếm đem ra “trưng” và khen thưởng được. Nếu như giáo dục lại tạo ra những con người khiếm khuyết về đạo đức, kỹ năng kém cỏi, suy giảm sức chịu đựng tâm lý, cùng các thói hư tật xấu phản truyền thống, thì xã hội sao tránh khỏi lo lắng và mất niềm tin.

Mục đích của giáo dục?

Những nhà giáo dục vĩ đại nhất của nhân loại như Socrates, Lão Tử, Khổng Tử… đều đề cao đạo đức và những giá trị quan giúp mỗi cá nhân đạt đến tinh thần khỏe mạnh. Bởi mỗi cá nhân tinh thần khỏe mạnh thì mới có thể bảo đảm cho các yếu tố căn bản của xã hội thịnh vượng. Không phải ngẫu nhiên mà những nhà giáo dục vĩ đại nhất này đều đưa ra một kết luận như nhau: giáo dục là để bồi dưỡng phẩm chất đạo đức lương thiện.

Người có đạo đức cao thượng có thể quản lý, kiểm soát bản thân, nên mới có tiền đề để thành công một cách đường đường chính chính mà không tổn hại tới người khác và xã hội. Người có đạo đức cao thượng mới có thể giúp xã hội phồn vinh đời đời, không ngừng phát triển.

Đây là khải thị của những Thánh nhân và bậc thầy giáo dục vĩ đại của nhân loại, giúp con người lưu giữ phương pháp giáo dục truyền thống mà níu giữ đạo đức không băng hoại, từ đó cũng ảnh hưởng tới tồn vong của nhân loại.

Bạn nói rằng điều đó quá đao to búa lớn ư? Rằng tồn vong của nhân loại gì chứ? Chúng ta vẫn đang sống tốt đấy thôi. Nhưng sự mất niềm tin do đạo đức xuống cấp đang chứng minh cho chúng ta thấy, khi con người đối với nhau như những mãnh thú để sinh tồn, thì xã hội nhân loại đã đang chuyển dần thành sở thú rồi. Chẳng phải lúc đó tính “Nhân” đã vong rồi sao? Cuộc sống trở nên quá khó khăn, khắc nghiệt, cuối cùng sẽ phải thay đổi hoặc là tiêu vong mà thôi. Nhưng nếu thay đổi quá muộn, thì thiệt hại cũng là quá nặng nề.

Nguồn tin: Văn Thành:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập61
  • Hôm nay14,290
  • Tháng hiện tại434,616
  • Tổng lượt truy cập32,418,339
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây