Trăm dâu đổ đầu tằm' ở trạm y tế phường

Thứ ba - 07/12/2021 04:28
unnamed (2)
unnamed (2)

TP HCMĐang phát thuốc cho các F0 mới tại Trạm y tế phường 12, Bình Thạnh, điều dưỡng Thạch Hưng, 31 tuổi, nhận tin báo có người đàn ông ngã bất tỉnh trên đường.
Ông này ngã trên đường Nơ Trang Long, cách trạm chừng 100 m, chiều 3/12. Bàn giao nhanh công việc dang dở cho nữ đồng nghiệp, điều dưỡng Hưng mặc đồ bảo hộ, cầm theo túi đồ cấp cứu chạy tới nơi thì người bệnh đã ngưng tim, ngưng thở, da tím tái, đồng tử giãn. Nhận định nạn nhân đã tử vong, anh Hưng làm việc và bàn giao với công an rồi trở về trạm y tế.
Lúc này, 3 người còn lại ở trạm là y sĩ Hiền, điều dưỡng Hiếu, dược sĩ Nga, đang mướt mồ hôi. Người thì phân chia thuốc vào các túi; người vừa tiếp nhận F0 mới vừa cấp giấy hoàn thành cách ly cho F0, F1 cũ; người cắt chỉ vết mổ cho bệnh nhân... Trạm nhỏ, hàng trăm lượt người vào ra liên tục với các yêu cầu hỗ trợ khác nhau, nhân viên y tế phải thao tác nhanh nhất có thể, tránh tụ tập đông người. Trong khi đó, tình nguyện viên Nguyễn Hồng Thiên lái xe máy đi tới hộ gia đình thứ 60 trong ngày thông báo nghi ngờ mắc Covid-19, để làm test nhanh lần nữa.

Nhân viên Trạm y tế phường 12, Bình Thạnh tiếp nhận và hướng dẫn F0 làm thủ tục khai báo trước khi cách ly tại nhà, chiều 3/12. Ảnh: Thư Anh
Bác sĩ Trần Thị Hòe (Trưởng Trạm y tế phường 12) cho biết từ đầu tháng 11 đến nay, số ca mắc mới trên địa bàn phường 12 có xu hướng tăng cao, 40-70 ca mỗi ngày, nâng tổng số F0 đang cách ly, điều trị tại nhà lên hơn 700. Một trạm y tế lưu động với 4 nhân sự được thành lập. Thực tế nhân sự chỉ có hai người mới, hai người còn lại chính là nhân viên trạm y tế cố định điều chuyển sang. Nguồn nhân lực tăng không đáng kể, F0 đổ về nhiều khó tránh khỏi y tế cơ sở quá tải. Ngoài ra, phường có khoảng 39.000 dân cư. Như vậy, với 8 nhân sự (4 tại trạm y tế lưu động, 4 tại trạm y tế cố định) thì mỗi nhân viên y tế "gánh" gần 90 F0 và gần 4.900 người dân.
Đỉnh đợt dịch thứ 4, trạm tiếp nhận hơn 100 F0 mỗi ngày, nhiều ca trở nặng, song khi ấy có hàng chục tình nguyện viên hỗ trợ. Từ tháng 10, dịch được kiểm soát, tình nguyện viên rút đi, trạm quay lại công năng ban đầu. Hiện dù số ca mắc mới thấp hơn đợt đỉnh dịch nhưng ngoài chăm sóc F0, trạm còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác. Công việc hàng ngày của trạm bao gồm: Làm các thủ tục hành chính cho F0 như quyết định cách ly/hoàn thành cách ly, nhập dữ liệu người bệnh lên hệ thống; tổ chức cho trẻ em uống vitamin A định kỳ, tiêm vaccine theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia; tiêm vaccine phòng Covid-19 (cho trẻ em 12-17 tuổi không thuộc nhóm đang đi học; tiêm vét, tiêm theo lịch cho người lớn; tiêm cho F0 đã đủ 6 tháng) và thăm khám các mặt bệnh thông thường...
Trạm y tế phường Tân Định, quận 1, cũng ở tình huống tương tự. Y sĩ Trần Hoài Phong (phụ trách trạm) cho hay, hai tuần nay, trạm lưu động được kích hoạt trở lại với nhiệm vụ quản lý, chăm sóc F0. Tuy nhiên, trạm lưu động chỉ có hai nhân viên nên 6 nhân sự của trạm cố định vẫn phải làm nhiều việc cùng lúc, phối hợp để chăm sóc tốt nhất cho 300 F0.
Lực lượng mỏng, công việc chồng chất, nhân viên y tế quay cuồng, làm việc bằng 200% sức lực, từ sáng đến nửa đêm. "Những ngày này ai cũng đuối", y sĩ Phong nói.
Mặc dù vậy, ngoài khoản phụ cấp một lần 4,5 triệu đồng hoặc 10 triệu đồng cho nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch, hiện lương và thu nhập tăng thêm của họ không tăng so với trước đó. Lương thực lãnh mỗi tháng của người đứng đầu hai trạm y tế trên chưa đến 6 triệu đồng, lương điều dưỡng của anh Hưng là 3.750.000 đồng. Mỗi quý, họ được nhận một lần tiền thu nhập tăng thêm khoảng gần 12 triệu đồng, nếu đã có tên trong biên chế. Riêng bác sĩ hợp đồng của trạm phường 12 nhận lương 8 triệu đồng, không có thu nhập tăng thêm.
Với thu nhập trên, bác sĩ Hòe và y sĩ Phong cho biết, họ không quá khó khăn vì còn được sự hỗ trợ từ chồng/vợ, vừa đủ trang trải chi phí cuộc sống. Còn điều dưỡng Hưng chia sẻ "mức lương này không đủ" để gia đình 4 người, gồm hai vợ chồng cùng hai con nhỏ 3,5 tuổi và 4 tháng tuổi chi tiêu. Đó là chưa nói đến học phí gần 50 triệu đồng cho lớp liên thông đại học mà anh đang theo.
Trước kia, ngoài giờ trực, anh Hưng đăng ký chạy xe ôm công nghệ kiếm thêm thu nhập. Khi dịch bùng phát, anh dành toàn thời gian cho nhiệm vụ y tế, thu nhập ngoài "đứt gánh". Nhiều tháng nay, vợ con về quê Trà Vinh nhờ ông bà nội ngoại chăm sóc, một mình anh ở lại TP HCM. Điều dưỡng Hưng không thuê phòng trọ, ở lại luôn cơ quan. Chắt bóp hết mức, song tháng nào anh cũng cần cha mẹ hỗ trợ thêm cho vợ con.
"Đôi lần suy nghĩ nghỉ việc le lói, rồi dập tắt ngay, bởi nghỉ việc tức là từ bỏ đam mê. Tôi hy vọng sau này lương sẽ tốt hơn", anh Hưng nói.

Điều dưỡng Thạch Hưng (áo trắng) cùng các đồng nghiệp tìm kiếm thông tin về một gia đình F0 mới ghi nhận trên địa bàn. Ảnh: Thư Anh
Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết tại cuộc họp báo chiều 30/11, 10 tháng đầu năm 2021, Sở Y tế TP HCM ghi nhận 968 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Con số này năm ngoái là 597 người. Sở nhận thấy số nghỉ việc tăng nhẹ ở nhóm bác sĩ, điều dưỡng tại các trạm y tế, nguyên nhân ghi trong đơn chủ yếu là hoàn cảnh gia đình khó khăn, hoặc yếu tố cá nhân.
Trong số trên, không có ai là nhân viên của hai trạm y tế phường 12 và Tân Định. Chia sẻ bí quyết giữ chân nhân viên bám trụ, bác sĩ Hòe nói chị may mắn được làm việc với các đồng nghiệp trẻ tuổi, đoàn kết và rất yêu nghề. Có những ngày kiệt sức đến bật khóc nhưng chưa một ai nhắc đến chuyện bỏ cuộc. Thứ hai, người quản lý trạm phải luôn gương mẫu, biết động viên tinh thần, san sẻ gánh nặng công việc với cấp dưới. Nếu có cơ hội phát triển nghề nghiệp, nâng cao tay nghề hãy chủ động giới thiệu, hỗ trợ nhân viên. Dù vậy, có những thời điểm chị Hòe chạnh lòng và thầm nhủ "sau này sẽ không cho các con theo làm ngành y vì cực quá".
Theo y sĩ Phong, mấu chốt giảm tải cho y tế cơ sở nằm ở việc tăng cường nhân sự theo dân số của phường cho các trạm. Như trạm Tân Định cần tổng 13 nhân viên, gấp đôi so với hiện tại mới đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân. Đồng thời, anh đề nghị ngành y tế và TP HCM nên có những chính sách đãi ngộ tốt hơn, cải thiện mức thu nhập cho nhân viên y tế, giúp họ đảm bảo chăm lo đời sống gia đình, để có thể yên tâm công tác, cống hiến và gắn bó lâu dài.
TP HCM thiếu nhân viên y tế cơ sở là vấn đề tồn tại từ lâu, khi tỷ lệ nhân viên y tế tuyến phường, xã chỉ đạt 2,3 trên 10.000 dân. Tỷ lệ này cả nước là 7,4; Hà Nội là 6. Để giải quyết vấn đề này, cuối tháng 11, chính quyền thành phố đã có công văn kiến nghị với Bộ Y tế cho bác sĩ mới ra trường được thực hành khám, chữa bệnh tại trung tâm y tế và trạm y tế. Theo đó, các bác sĩ mới ra trường sẽ thực hành ở trạm y tế 12 tháng và 6 tháng ở bệnh viện thay vì 18 tháng ở các cơ sở khám chữa bệnh như hiện nay. Những người này có nhiệm vụ phát hiện và xử lý các bệnh thông thường, xử lý ban đầu một số trường hợp cấp cứu tại cộng đồng.
Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng từng cho biết Sở đã đề xuất mức hỗ trợ hàng tháng. Cụ thể: 5 triệu đồng đối với bác sĩ; nhân viên y tế có trình độ đại học và y sĩ là 4 triệu đồng; nhân viên y tế có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp là 3 triệu đồng. Mức hỗ trợ này nhằm giữ chân nhân viên y tế an tâm công tác tại các trạm, đồng thời thu hút, hỗ trợ bác sĩ nghỉ hưu về đây làm việc.

 

Nguồn tin: Thu Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập115
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm114
  • Hôm nay9,829
  • Tháng hiện tại440,162
  • Tổng lượt truy cập32,423,885
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây