Sự tích lũy của thời gian sẽ giúp cho từng tiến bộ nhỏ trong mỗi ngày của chúng ta được định lượng và tích góp cụ thể hơn. Nếu mỗi ngày chúng ta nỗ lực phấn đấu thêm 1%, vậy sau 10 ngày, sau 100 ngày, thậm chí là sau 1 năm, bạn có lường trước được chúng ta đã trở thành con người khác biệt tới mức nào hay không?
Theo tác giả Sam Thomas Davies, đây chính là công thức biểu thị việc tiến bộ mỗi ngày 1% và thụt lùi mỗi ngày 1% sẽ đem tới một kết quả khác biệt thế nào sau 1 năm. Theo công thức đầu tiên, nếu bản thân ta tiến bộ 1%, thì sau 365 ngày, dựa theo cách tính lũy thừa, chúng ta đã tiến bộ hơn gấp gần 38 lần so với thời điểm hiện tại. Còn nếu chúng ta thụt lùi đi mỗi ngày 1% thì sau 1 năm, chúng ta đã yếu kém hơn con người của hiện tại gần 33 lần.
Để đạt được con số này, chúng ta phải sử dụng cách tính cộng gộp, vì giá trị khởi điểm chính là bằng tổng giá trị của những ngày trước đó cộng lại. Sang ngày hôm sau, thì giá trị của chúng ta đã được cộng thêm (hoặc bớt đi) một lượng giá trị của ngày trước đó. Điều đó yêu cầu chúng ta bắt buộc phải tiến bộ mỗi ngày 1%, không ngừng không nghỉ suốt 365 ngày mà không có ngày nào được phép dừng lại. Nếu không, tổng giá trị cuối cùng sẽ giảm đi một lượng đáng kể chứ không chỉ là 1% của ngày hôm đó.
Nhưng cuộc sống thì tràn đầy khó khăn, không bằng phẳng và đều đặn mỗi ngày được. Sẽ có những lúc chúng ta bận rộn, đau ốm, mệt mỏi, có vấn đề gia đình, có vấn đề cá nhân... hoặc thậm chí có những ngày đơn giản là chúng ta không biết cải thiện bản thân cái gì, không ai có thể đảm bảo mình sẽ không ngừng phấn đấu suốt 365 ngày trong năm. Vì vậy, nếu giả sử không cộng gộp, ta so sánh sự tiến bộ 1% với bản thân của ngày đầu tiên thôi, thì sau 365 ngày, ta cũng tốt hơn 3,65 lần rồi. Chỉ vậy thôi cũng đã đạt được một con số mơ ước của rất nhiều người.
Tiến bộ tịnh tiến: Mỗi ngày chỉ 1%
Nếu bạn thấy một con cá voi lớn nặng gần 8,6 tấn mà vẫn có thể nhảy vọt lên cao 6,6 mét so với mặt nước và thực hiện liên tục những màn nhào lộn khác nhau, liệu bạn có ngạc nhiên về sự tác động kỳ diệu của trọng lực Trái Đất lên chú cá voi đó hay không? Thật ra, bí quyết nằm trong quá trình nó được huấn luyện viên đào tạo. Lúc đầu, họ đặt một sợi dây dưới nước và khiến chú cá voi vượt qua. Mỗi lần như vậy, nó sẽ nhận được một phần thưởng. Mỗi ngày huấn luyện viên lại nâng chiếc dây lên cao hơn so với hôm trước một chút. Sự khác biệt khiến chú cá voi không thể nhận ra và nó vẫn không ngừng thành công, không ngừng được thưởng. Bằng cách này, sau một thời gian dài, chiếc dây đó dần dần ngang bằng mặt nước, rồi cao hơn, và tiếp tục cao hơn thế nữa. Chẳng mấy chốc, chú cá voi đã vô tình đạt tới độ cao 6,6 mét trên không.
Đặt vào trong môi trường làm việc của chúng ta bây giờ, cho dù mỗi ngày rất nhiều người đều đảm nhiệm cùng một công việc giống nhau, nhưng những ai biết không ngừng tiến bộ như chú cá voi đó sẽ luôn chuẩn bị nhiều hơn so với những người khác dù chỉ là 1%. Từ đó, họ gặt hái được nhiều hơn 1% mỗi ngày. Sự tích lũy có thể dẫn tới thay đổi. Và nhiều thay đổi về lượng sẽ dẫn tới sự thay đổi về chất. Sớm muộn cũng sẽ có một thành tựu ấn tượng được tạo ra từ bàn tay của họ.
Chúng ta thường có hai cách thay đổi, thứ nhất là đột phá hoàn toàn, thứ hai là tịnh tiến từ từ. Cách thứ 1 rất khó, đòi hỏi bạn phải là người rất có ý chí, quyết tâm và nghị lực để thực hiện một cuộc cách mạng thật sự. Còn cách thứ 2 có dễ không? Không hề. Cách thứ 2 lại yêu cầu một tinh thần thật sự kiên cường, có niềm tin vào bản thân và có sự kiên trì hết ngày này tới ngày khác.
Năm 2010, huấn luyện viên Dave Brailsford đã vô cùng đau đầu khi đội tuyển xe đạp của Anh chưa một lần nào đạt được một giải Tour de France. Sau nhiều ngày suy nghĩ tìm cách cải thiện, ông quyết định áp dụng phương pháp thay đổi tịnh tiến 1%, tức là cải thiện 1% trong tất cả mọi thứ mình làm. Với suy nghĩ đó, ông bắt đầu không ngừng thử thay đổi từng chút một ở mọi khía cạnh cho đội tuyển như: thay đổi loại gel mát-xa mà đem lại hiệu quả tốt hơn; thay đổi loại gối ngủ chất lượng hơn để tuyển thủ du đấu có thể nghỉ ngơi đầy đủ; tìm hiểu xem trọng lượng của bánh xe như thế nào là tối ưu nhất; dinh dưỡng như thế nào là tốt nhất...
Cứ như vậy, cuối cùng Dave và nhóm của ông đã dần dần cải thiện được 1% trong mọi thứ, dù chỉ là nhỏ nhất. Ông cho rằng, với tiến độ này, khoảng 5 năm sau đội tuyển Sky Team sẽ có đủ thực lực để giành giải thưởng danh giá nhất nhì giới xe đạp chuyên nghiệp. Thế nhưng Dave đã lầm. Vì chỉ sau 3 năm, Đội tuyển Anh đã lập được những kỳ tích khó tin tại giải Tour de France.
Có thể thấy, thành công là sự lập đi lập lại của một vài kỷ luật, mỗi ngày; trong khi thất bại là một vài sai sót trong việc ra quyết định, mỗi ngày, giống như Jim Rohn từng nói.
Nếu bạn muốn chạy được 5km, vậy phải bắt đầu chạy ít nhất 500 mét ngay từ hôm nay. Nếu bạn muốn tương lai thành công, bạn nên thay đổi từng chút một mỗi ngày. Tương lai luôn là hệ quả của hiện tại, chứ không được quyết định bằng phép màu thần kỳ nào đó.
Ai trong số chúng ta cũng từng bị stress do những áp lực từ gia đình, công việc và cuộc sống cá nhân. Trong một xã hội nơi công nghệ đang ngày càng xóa nhòa khoảng cách giữa công việc và gia đình, thật khó để tìm thấy sự hài hòa. Không may thay, cuộc sống mất cân bằng này sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta, cũng như hiệu quả công việc và các mối quan hệ gia đình.
Từng là một kẻ "nghiện" công việc, tôi hiểu thế nào là cảm giác căng thẳng và kiệt sức. Để lấy lại cuộc sống của mình, tôi đã học một vài cách hữu hiệu để cân đối giữa công việc, gia đình và các mục tiêu cá nhân.
Chủ động, quyết đoán để cân đối cuộc sống
Nếu bạn không chú ý đến cách mình phân phối thời gian, các mặt trong cuộc sống của bạn sẽ rất dễ chồng chéo lên nhau. Chẳng hạn, trước đây tôi đã từng khởi nghiệp thành công với một dòng xà phòng organic. Giống như nhiều người khác, tôi đã để nó ảnh hưởng quá nhiều lên các khía cạnh khác của cuộc sống, trong đó có gia đình. Khi ấy, tôi thậm chí còn không biết rằng mình đang phân chia thời gian bất hợp lý, cho đến ngày vợ tôi bắt đầu phàn nàn. Vậy là, chúng tôi đã cùng nhau đặt ra các mục tiêu và thời gian biểu để có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình. Thay vì cứ để cuộc đời trôi qua tự nhiên, chúng tôi bắt đầu đưa ra các lựa chọn có toan tính kỹ lưỡng về những điều chúng tôi mong chờ từ cuộc sống, về cách chúng tôi sử dụng thời gian.
Bản thân tôi cũng là một người làm nhạc, vì thế, tôi thích hình dung khái niệm này theo âm nhạc. Thay vì nghĩ cách xoay xở với cả tá trách nhiệm, tôi cố gắng đi tìm sự hài hòa. Nếu nhạc trưởng hoặc nhạc sĩ có thể tạo ra những giai điệu tuyệt đẹp một cách có chủ đích, tôi cũng có thể trở thành nhạc trưởng hoặc nhạc sĩ của chính bản giao hưởng cuộc đời mình. Nếu tôi thụ động và thiếu quan tâm đến một phần của dàn nhạc, bản hòa âm sẽ trở nên nhạt nhẽo và thiếu cân đối. Nếu tôi chú ý hơn, tôi có thể cân đối mọi khía cạnh trong cuộc sống và biến chúng trở nên đẹp đẽ hơn rất nhiều.
Đừng trở thành người cầu toàn
Đôi khi thật khó để đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống mỗi ngày, do chúng ta luôn bị ràng buộc bởi những thanh âm hỗn tạp của cuộc sống. Lời khuyên là: Đừng cố để trở nên hoàn hảo. Hãy đối xử tốt với bản thân. Nếu bạn không thể quản lý thời gian một cách hoàn hảo, nếu bạn vẫn còn một vài việc chưa hoàn thành ở cơ quan, nếu ngôi nhà của bạn chẳng sạch bong kin kít - chẳng sao hết. Sẽ có những ngày bạn cảm thấy bản thân mình không thể hoàn hảo, dù đã cố gắng hết sức. Hãy cho phép bản thân được thả lỏng và tiến về phía trước. Đừng quên cười và tìm kiếm hạnh phúc trong cuộc sống còn nhiều lo toan này.
Tránh xa điện thoại
Smartphone cho phép chúng ta truy cập email, ảnh, thông báo từ công ty vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu. Đây là một điều hết sức tiện lợi, nhưng dễ khiến bạn trở thành một kẻ "nghiện" điện thoại. Tôi đã từng điều hành một số công ty online, và tôi cũng có rất nhiều nhân viên từ xa. Công việc đòi hỏi tôi phải luôn trực tuyến, và nếu không cẩn thận, tôi sẽ dễ dàng trở thành một kẻ không ngừng kiểm tra điện thoại mỗi khi nghe thấy tiếng bíp nào đó.
Tôi phát hiện ra rằng, chỉ có tránh xa điện thoại mới giúp mình cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Tôi tắt các thông báo, bỏ điện thoại ra khỏi phòng ngủ và giấu các ứng dụng không cần thiết ra khỏi màn hình chính. Hãy tìm một giải pháp phù hợp nhất với bạn. Đôi khi, chỉ cần úp điện thoại xuống là đủ để bạn tìm thấy một chút bình yên trong cuộc sống quá đỗi căng thẳng này.
Đừng cố quá thành "quá cố"
Bạn rất dễ trở thành một người ôm đồm nhiều thứ, muốn tự mình làm mọi việc. Thi thoảng, ngay cả khi trên vai bạn là hàng tá các gánh nặng ở cơ quan hoặc ở nhà, bạn bỗng dưng cảm thấy mình mạnh mẽ và bận rộn. Bạn cảm giác như mình đang hy sinh nhiều hơn bất kỳ ai khác. Tuy nhiên, suy nghĩ đó chứng tỏ bạn đang bị quá ám ảnh với công việc và khiến người khác khó chịu. Bạn sẽ không bao giờ muốn trở thành một kẻ luôn hút kiệt năng lượng và hạnh phúc của mọi người sau mỗi buổi họp.
Để tránh cố quá thành "quá cố", dù làm việc ở nhà hay hay ở nhà, hãy nhìn lại bản thân mình. Bạn muốn trở thành một người như thế nào? Tùy vào câu trả lời của bạn, hãy sắp xếp lại công việc và các kế hoạch ngoài lệ để có thể đáp ứng mong muốn đó.
Xây dựng một mạng lưới giúp đỡ
Việc cân đối giữa sự nghiệp và cuộc sống gia đình đòi hỏi một mạng lưới hỗ trợ ở hậu phương. Dù bạn là chủ doanh nghiệp hay nhân viên bình thường, bạn cũng không nên làm mọi thứ một mình.
Có rất nhiều cách để xây dựng mạng lưới hỗ trợ. Chẳng hạn, hãy tham gia các câu lạc bộ xã hội ở địa phương, thành lập các nhóm doanh nhân có cùng chí hướng, tổ chức các bữa tối hàng tháng, quyên góp cho cộng đồng và tham gia các cuộc hội thoại. Một hệ thống hỗ trợ không tự nhiên mà đến, nhưng việc xây dựng một hệ thống gồm bạn bè, gia đình và các nguồn lực giúp đỡ có thể tạo ra một môi trường lành mạnh, cân đối để vừa sinh sống, vừa làm việc.
Trong thế giới ngày nay, bạn rất dễ cảm thấy bất an. Nếu cảm thấy quá áp lực, hãy tự hỏi bản thân: "Mình có thể làm điều gì để đem lại sự hài hòa cho cuộc sống của chính bản thân?" Phần nào của bản giao hưởng mà bạn cần chú ý thêm? Bạn có đang cố gắng quá sức để tỏ ra hoàn hảo không? Bạn có đang tận hưởng cuộc sống bằng cách tránh xa khỏi điện thoại không? Bạn có cảm thấy mình đang hy sinh quá nhiều không? Hệ thống hỗ trợ của bạn vận hành như thế nào?
Nếu bạn đang cố gắng tạo ra những thay đổi nhất định để tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc, gia đình và các vấn đề cá nhân, hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất và đi lên từ đó. Hãy theo dõi kỹ kết quả và kiểm tra lại với chính mình cũng như nhóm hỗ trợ của bạn để đảm bảo rằng bạn cân đối được cuộc sống như mong muốn. Đừng lo lắng, vì rồi cuối cùng, bạn cũng sẽ tìm được hạnh phúc và sự hài hòa mà bạn tìm kiếm bấy lâu nay!
Bài chia sẻ của Shu Saito - doanh nhân, người sáng tạo ra dòng sản phẩm xà phòng organic Godai.
Nguồn tin: Theo Ngọc Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn