Vexillum: Hiệu Kỳ Legio Mariæ

Thứ hai - 24/03/2025 23:03
Vexillum: Hiệu Kỳ Legio Mariæ

Gửi đến tất cả anh chị em Legio trong Đạo Binh Đức Mẹ,

Tôi rất vui mừng khi thấy quý anh chị Legio Mariæ khắp nơi yêu thích việc tìm hiểu về Đạo Binh của Đức Mẹ. Đôi khi, vì quá tập trung vào sự vụ khác của Legio Mariæ, các hội viên hoạt động và hội viên tán trợ có thể chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản mà một hội viên Legio Mariæ cần phải nắm vững.

Vì thế, tôi sẽ cố gắng hết sức để chia sẻ những kiến thức này, nhằm giúp quý anh chị Legio Mariæ thêm hành trang trong đời sống thiêng liêng cá nhân, đồng thời có thể sử dụng khi một giáo dân hay một hội viên Legio Mariæ mới thắc mắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của những biểu tượng và nghi thức Acies chúng ta sử dụng trong lễ hội Legio Mariæ. Tôi hy vọng rằng những chia sẻ này sẽ giúp anh chị em trưởng thành hơn trong sứ vụ tông đồ của Mẹ Maria. Ad Jesum per Mariam - Đến với Chúa Giêsu nhờ Mẹ Maria. (Adai Nanda)

Vexillum (Hiệu Kỳ)

Hiệu kỳ của Đạo Binh Đức Mẹ, hay còn gọi là Vexillum, là một tác phẩm nghệ thuật được làm từ kim loại và đá cẩm thạch, được đặt trên bàn thờ của Legio Mariæ trên toàn thế giới (x. TB 18,189). Hiệu kỳ này được mô phỏng theo vexillum của Đạo binh La mã cổ đại – một lực lượng quân sự hùng mạnh nhất trong lịch sử. Những người lính La mã nổi tiếng với lòng tận tụy, lòng can đảm, sự kiên trì và lòng trung thành tuyệt đối với hoàng đế. Khả năng làm việc nhóm, sự đoàn kết dưới sự lãnh đạo của một người với tầm nhìn chinh phục thế giới của họ là một tấm gương sáng. Hiệu kỳ của Đạo Binh Đức Mẹ tượng trưng cho việc những phẩm chất cao quý này cũng hiện diện trong các hội viên của “Đạo Binh La mã” mới – Legio Mariæ: Đạo Binh của Đức Mẹ, Nữ Vương Trời Đất.

Hiệu kỳ La mã cổ đại bao gồm ba phần: một quả địa cầu, tượng trưng cho thế giới; phía trên là hình ảnh của hoàng đế; và trên cùng là một con đại bàng với đôi cánh giang rộng, biểu tượng cho quyền thống trị của đế chế trên toàn cầu.

Kinh Thánh Cựu ước nhắc đến Chúa Thánh Thần bay lượn trên mặt nước trong công trình sáng tạo, trên Hòm Bia Giao Ước, trên Đức Mẹ trong ngày Truyền Tin, và trên các Tông đồ cùng Giáo Hội sơ khai trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Tương tự, Đạo Binh Đức Mẹ đã thay thế hình ảnh con đại bàng bằng một con chim bồ câu với đôi cánh giang rộng, tượng trưng cho Chúa Thánh Thần, bay lượn trên thế giới với tinh thần hòa bình và tình yêu năng động. Ngài tuôn đổ ân sủng vào Giáo Hội và Legio Mariæ, chuẩn bị cho sự trị đến của Vương Quốc Chúa Kitô.

Chúa Thánh Thần luôn hiện diện trên tất cả các hội viên Legio Mariæ, trong các buổi họp hằng tuần, các hoạt động tông đồ, và qua những lời cầu nguyện, lời tuyên hứa của hội viên với Ngài, cũng như qua Hiệu kỳ luôn hiện diện trên bàn thờ của Legio Mariæ. Ngài mang đến sự sống cho nhân loại thông qua các hội viên khi đi thăm viếng, với sự đồng hành của Đức Mẹ trong việc cứu rỗi các linh hồn.

Trên Hiệu kỳ La mã cổ có dòng chữ Pax Romana – một lời nhắc nhở về sự hiện diện toàn cầu của đế chế – cùng hình ảnh của hoàng đế đương thời. Còn trên Hiệu kỳ của Đạo Binh Đức Mẹ ngày nay là dòng chữ Legio Mariæ, một lời nhắc bằng tiếng La-tinh về sự hiện diện trên toàn cầu của Đạo Binh Đức Mẹ trong thế giới hiện đại ngày nay. Hình ảnh của hoàng đế đã được thay thế bằng hình ảnh Đức Mẹ Maria trong Mẫu Ảnh Phép Lạ, cho thấy Đức Mẹ là Đấng Trung Gian các Ân Sủng, phân phát mọi ơn lành. Việc khắc hình Mẫu Ảnh Phép Lạ trên Hiệu kỳ nhắc nhở các hội viên Legio Mariæ về tầm quan trọng của việc sử dụng Mẫu Ảnh Phép Lạ trong công việc tông đồ của Legio Mariæ.

Ngay phía trên Mẫu Ảnh Phép Lạ, ở bên trái và bên phải, là hai bông hoa ít được chú ý trong thiết kế – một bông hồng và một bông huệ: bông hồng, biểu tượng của Đức Mẹ, Hoa Hồng Sharon; và bông huệ, biểu tượng truyền thống của Thánh Cả Giuse. Cùng nhau, chúng gợi nhớ đến “Mầu Nhiềm Nhà Nazareth” được mô tả trong sách Thủ bản Legio Mariæ (x. TB 21,245-252).

Cán của Hiệu kỳ La mã thì kết nối hoàng đế với quả địa cầu bên dưới, tượng trưng cho quyền lực thống trị của nhà vua. Đối với Legio Mariæ, Đức Mẹ Maria ở trên thế giới, Mẹ thông truyền ân sủng và sự quan tâm của Mẹ qua cán Hiệu kỳ, biểu tượng của Đoàn thể của Mẹ. Đây cũng là nơi các hội viên Legio Mariæ đặt tay lên cán Vexilium khi tuyên hứa trong nghi thức dâng mình lễ hội Acies (x. TB 30,290), nhận ra rằng họ là cầu nối giữa Đức Mẹ và thế giới, khi Mẹ tìm kiếm và phục vụ các linh hồn Con của Mẹ.

Cũng như Đạo Binh La mã xưa kia sử dụng quả địa cầu như một tuyên ngôn ý chí chinh phục thế giới cho Rôma, Đạo Binh của Đức Mẹ Maria coi quả địa cầu là biểu tượng của vương quyền tiềm tàng của Chúa Kitô và sẽ tìm cách chinh phục thế giới cho Ngài. Vì thế, các hội viên Legio Mariæ phải luôn ý thức đặt mình vào vị trí giữa Chúa Thánh Thần và Đức Mẹ, trở thành kênh dẫn đưa những ân sủng của Ngài qua Mẹ đến với thế giới. Trong mỗi buổi họp hằng tuần và mỗi nhiệm vụ tông đồ, họ cần nhớ rằng Chúa Thánh Thần luôn bay lượn trên Hiền Thê của Ngài khi Mẹ hiện diện trong Legio của Mẹ.

Đức Giáo hoàng Piô XI đã gọi Hiệu kỳ là “Hiệu kỳ của Legio Mariæ tuyệt đẹp và đầy ý nghĩa” (TB 27,279), vì nó là lời nhắc nhở về quyền năng của Chúa Thánh Thần, sự hiện diện của Đức Mẹ, và sứ mệnh của các hội viên Legio Mariæ trong việc đưa Chúa Kitô đến với thế giới.

Nguồn tin: Linh mục Francis J. Peffley Học viện Đaminh chuyển ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập93
  • Hôm nay10,662
  • Tháng hiện tại486,748
  • Tổng lượt truy cập37,500,271
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây