|
CCTV dày đặc, người Hàn Quốc có thể để quên đồ có giá trị ở nơi công cộng mà không sợ người lạ lấy mất.
Để một gói hàng trước cửa nhà ở Hàn Quốc, khả năng cao là một tuần sau đó, gói hàng vẫn còn nguyên ở vị trí cũ. Trong đại dịch Covid-19, các công ty ở nước này cũng từ bỏ giao hàng trực tiếp nhằm hạn chế các tiếp xúc dễ làm lây lan virus, theo Korea JoongAng Daily.
Nhân viên giao hàng không bấm chuông gọi mà chỉ đặt đồ trước cửa nhà của người nhận. Bản thân người mua cũng không mấy lo lắng chuyện mất đồ nếu để chúng chỏng chơ ngoài đường đi lối lại.
Trên thực tế, bưu kiện không phải là đồ dùng duy nhất người Hàn không sợ bị mất. Tại quán cà phê, nhà hàng, chuyện khách hàng để điện thoại, máy tính hoặc ví trên bàn trong lúc đi gọi món diễn ra thường xuyên. Để túi xách lên giá treo trên tàu điện ngầm cũng tương tự.
Các kệ hàng được đặt ngoài cửa mà không lo sợ người lạ lấy mất. Ảnh: Stock.
|
Trên YouTube, có hàng nghìn video có nội dung trải nghiệm thực tế, nơi người quay bỏ lại những vật có giá trị trên đường phố Hàn Quốc, để xem liệu sẽ không có ai lấy thật không.
Không sợ người lạ lấy ví, điện thoại
Chae Ji-won (27 tuổi, Seoul) đặt mua một đôi giày từ Mỹ. Đơn đặt hàng mất nhiều thời gian vận chuyển và khó xác định ngày giao hàng chính xác.
“Dựa trên thông tin cập nhật, đơn hàng sẽ giao đến khi tôi đang đi nghỉ ở đảo Jeju. Tôi lo rằng bưu kiện có thể bị người khác lấy mất khi tôi đi vắng nhưng nó vẫn ở trước căn hộ khi tôi về nhà”.
Park Ju-yeon, một nhân viên văn phòng ở độ tuổi 30, cũng có trải nghiệm tương tự.
“Tôi vừa mới chuyển nhà và viết nhầm địa chỉ giao hàng sang nơi ở cũ. Tôi quay về kiểm tra nhưng không thấy gói hàng. Ban đầu, tôi nghĩ mình đã mất gói hàng đó, nhưng người sống tại địa chỉ này đã mang đến văn phòng bảo vệ của căn hộ. Tôi nhận lại được đồ sau khi đưa tên và liệt kê các món đã đặt”, Park kể.
Người phát ngôn của một công ty an ninh giấu tên cho biết: “Trước khi đại dịch xảy ra, khoảng một phần ba số đơn giao hàng ở Seoul được đặt trước cửa nhà những người sống một mình hay các gia đình hiếm có người ở nhà khi shipper đến”.
Nhân viên giao hàng ở Hàn Quốc đặt bưu kiện trước cửa nhà, không cần thông báo cho khách hàng. Ảnh: Korea Times. |
Lý do đầu tiên đằng sau hiện tượng này xuất phát từ văn hóa. Thập niên 70-80 của thế kỷ trước, các gia đình ở Hàn Quốc có lối sống gắn bó thân thiết với hàng xóm, chủ yếu sống cùng hoặc gần đại gia đình.
Hầu hết hiểu được rằng việc lấy trộm đồ của ai cũng dễ dàng bị phát hiện và sự xấu hổ, khinh miệt từ mọi người trong cùng khu phố sẽ không thể tránh khỏi.
Han Min, giáo sư tâm lý học tại Đại học Woosong, đánh giá: “Từ trước khi có camera quan sát, nạn ăn cắp vặt đã ít khi xuất hiện. Nhà cửa thường xuyên mất điện nhưng người dân không quan tâm. Họ ra ngoài hóng mát, nói chuyện với hàng xóm”.
Lý giải thứ hai là người Hàn Quốc dành sự tin tưởng cao cho người khác. Điều đó không đồng nghĩa với họ cả tin hay mù quáng tin người, mà họ cho rằng làm điều tốt với người khác cũng sẽ giúp họ nhận lại điều tương tự.
“Mọi người thậm chí không nghĩ đến khả năng ai đó có thể đang cố ăn cắp đồ của họ, bởi họ không bao giờ có ý định làm điều đấy với người khác”, giáo sư Han nói.
Camera giám sát ở mọi nơi
Một yếu tố quan trọng khác là số lượng lớn các camera giám sát (CCTV) hoạt động khắp mọi ngóc ngách trên đường phố. Tại các cửa hàng, trong thang máy tòa nhà, thiết bị này luôn được lắp đặt.
Khu vực Lost & Found - nơi tiếp nhận và cất giữ đồ thất lạc. Ảnh: Korea Times. |
Tính đến tháng 12/2021, có 83.557 camera giám sát chạy ở Seoul. Xét trên dân số 9,83 triệu người, tỷ lệ là 8,5 camera/1.000 người.
Theo công ty theo dõi thị trường Comparitech có trụ sở tại Anh, Seoul đứng thứ 44/150 thành phố có số lượng CCTV nhiều nhất.
Park Hee-bong, giáo sư ngành Khoa học Xã hội tại Đại học Chung-Ang, cho biết: “Lời giải thích đơn giản là người Hàn hiểu rằng nếu trộm cắp đồ, hành động của họ rất dễ bị CCTV bắt gặp, dẫn đến khó tránh khỏi việc bị phạt”.
Việc truy cập dữ liệu của camera giám sát không mấy khó khăn ở nước này. Nếu ai trình báo mất đồ, họ có thể kiểm tra lại CCTV.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra CCTV hiệu quả trong việc bắt trộm hơn là ngăn chặn tội phạm.
“Trộm cắp và cướp giật ở Hàn Quốc đã giảm trong 10 năm qua, nhưng không phải do dày đặc CCTV, mà do có ít người mang theo và sử dụng tiền mặt hơn. Giờ đây, giá trị đồ ăn cắp được không cao hơn nguy cơ bị bắt và số tiền phạt”, Han Min-kyung, giáo sư giảng dạy tội phạm học tại Đại học Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc.
Đồ thất lạc được cất giữ tại ga Chungmuro ở trung tâm Seoul. Ảnh: Seoul Metro. |
Ngoài ra, người Hàn còn có xu hướng tìm cách trả lại đồ đạc đã mất về lại với chủ nhân của chúng. Tại ga tàu điện ngầm Seoul, hơn 101.000 món đồ được giao cho quầy thất lạc đồ vào năm ngoái. Hơn 66.000 món đồ, tương đương 65%, được trả lại cho chủ sở hữu trong vòng 1 tuần.
Ví là vật dụng phổ biến nhất, theo sau là điện thoại, túi xách và quần áo. Những món đồ này thường được lưu giữ tại quầy trong 1 tuần, trước khi chuyển về đồn cảnh sát địa phương.
Yoon Kang-jae, người phát ngôn của Seoul Metro, cho biết: “Ngoài nhân viên tàu thu gom lại các món đồ bị bỏ quên, hành khách cũng tự tìm đến khi phát hiện ai đó để quên”.
Việc hậu tạ cho người tìm thấy đồ bỏ quên cũng là nguyên nhân thúc đẩy người lạ giữ đồ bị mất an toàn và trả về cho chủ cũ.
Theo Đạo luật Đồ bị mất tại Hàn Quốc, chủ sở hữu phải trả 5-20% giá trị món đồ cho người nhặt được để cám ơn. Trong khi phần lớn làm vậy để giúp đỡ, họ vẫn có quyền hợp pháp để ra tòa và yêu cầu số tiền hậu tạ lớn hơn.
Tuy vậy, tình trạng trộm cắp vặt vẫn xảy ra ở Hàn Quốc. Trong năm 2020, hơn 180.000 trường hợp trộm cắp được báo cáo với cảnh, với 27.000 vụ ở cửa hàng, 1.500 tại ga tàu và 540 trên tàu điện ngầm.
Các công ty không tiết lộ số lượng bưu kiện của họ bị mất hoặc bị đánh cắp, nhưng đã có 277 yêu cầu bồi thường liên quan đến việc giao hàng cho Cơ quan Người tiêu dùng Hàn Quốc (KCA) vào năm 2021. Trong số đó, các kiện hàng bị đánh cắp chiếm 95 trường hợp, tương đương 34,3%.
|
|