Mặc dù nhiều nghiên cứu đang được tiến hành để giúp đỡ và tiến đến việc chữa trị cho các em bị tự kỷ, nhưng hàng ngày hàng giờ vẫn có hàng ngàn gia đình cùng chung sống với người tự kỷ.
Quyển sách có tựa đề Ten Things Every Child with Autism Wishes You Knew của Ellen Notbohm cập nhật và xuất bản năm 2012 vẫn còn nguyên giá trị khi chia sẻ suy nghĩ, mong muốn của một bé tự kỷ gửi đến bố mẹ cũng như những người xung quanh. Trong đó có một số điều trọng yếu:
Con là con nít mà
Chứng tự kỷ là một phần con người con nhưng không phải tất cả con người con. Tự kỷ không phải là định nghĩa về con người con. Bố mẹ cũng thế, bố mẹ là một con người với những suy nghĩ, cảm xúc, ý tưởng, tài năng và mơ ước cơ mà? Nếu trưởng thành rồi thì mọi người có thể kiểm soát việc định nghĩa mình là ai và thể hiện điều đó cho người khác biết.
Hãy bên con và giúp đỡ con đối phó với tự kỷ - Ảnh: Slideshare.
Nhưng con mới là đứa trẻ chưa có khả năng ấy. Cả con lẫn mọi người đều không biết con có thể làm được những gì. Nên nếu nghĩ con chỉ là người tự kỷ, những mong đợi đặt vào con sẽ thấp và nếu con cảm giác bố mẹ nghĩ con không làm được điều gì, có lẽ con sẽ trả lời đúng như vậy. Vậy thì sao chúng ta không thử điều khác tốt hơn?
Nhận thức của con bị rối loạn
Điều này có nghĩa là những khung cảnh bình thường, âm thanh, mùi, vị và tiếp xúc mà mọi người thậm chí không nhận thấy lại có thể khiến con rất đau đớn. Chính môi trường mà con đang sống lại có vẻ không thân thiện với con.
Con có thể nhút nhát hoặc hiếu chiến trong mắt mọi người nhưng thực sự khi đó chỉ là con đang cố gắng để bảo vệ bản thân thôi. Một chuyến đi "đơn giản" đến cửa hàng tạp hoá có thể là địa ngục đối với con.
Thính giác con nhạy hơn mọi người nên âm thanh hàng chục người nói chuyện cùng lúc, tiếng tiền leng keng, tiếng máy soát hàng bip bip, tiếng máy pha caphe đang chạy... mà bộ não của con không thể lọc chúng nên con quá tải, không thể chịu đựng được.
Con là trẻ con và cần yêu thương thật nhiều một cách vô điều kiện - Ảnh: Corbis/Getty Images.
Ngoài ra, khứu giác của con cũng rất nhạy cảm. Nào mùi cá, thịt tươi, mùi anh chàng đứng cạnh chúng ta, mùi tã của em bé… dồn dập trong khi con cũng không thể phân loại chúng và bị buồn nôn.
Con cũng là người theo hướng trực quan nên khó chịu với ánh đèn quá sáng. Đôi khi ánh sáng bóp méo những gì con nhìn thấy làm không gian dường như liên tục thay đổi. Quá nhiều cơ thể chuyển động liên tục, quá nhiều hàng hóa xung quanh.
Tất cả ảnh hưởng đến tiền đình và khiến con thậm chí không xác định được cơ thể đang ở đâu trong không gian. Con có thể vấp ngã, va đập vào các vật dụng, hoặc phải nằm ngay xuống để cố gắng tập hợp lại mọi thứ.
Làm ơn nhớ phân biệt giữa “sẽ không” (tôi chọn không) và “không thể” (tôi không thể)
Tiếp thu và thể hiện ngôn ngữ đều rất khó khăn đối với con. Không phải con không nghe hướng dẫn mà là con không thể hiểu bố mẹ muốn gì.
Khi mẹ gọi con từ phòng bên và phàn nàn hay nói một tràng dài thì đây là những gì con tiếp thu: "* & ^% $ # @, Nam # $% ^ * & ^% $ &".
Thay vì thế, hãy bình tĩnh nói thẳng với con bằng những từ đơn giản kiểu như: “Nam, để lại sách lên bàn đi. Đến giờ ăn cơm rồi này”. Những câu như vậy cho con biết mọi người muốn con làm gì, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo và như thế con dễ làm theo hơn rất nhiều.
Hãy giúp con tương tác với xã hội - Ảnh: Keyword.
Con là một người suy nghĩ cụ thể, giải thích ngôn ngữ theo nghĩa đen
Những kiểu thành ngữ, sắc thái biểu đạt, những từ cần suy luận xa xôi, phép ẩn dụ, ám chỉ, và châm chọc không tồn tại trong “bộ vi xử lý” của con. Con sẽ không hiểu khi bố mẹ bảo: “Đừng có ‘ngựa’ nữa”, hay “Con định ở luôn đây hả?” với giọng “mát mẻ”.
Hãy kiên nhẫn với vốn từ vựng hạn chế của con
Rất khó để con diễn tả những thứ mình cần khi con không biết những từ để mô tả cảm xúc của bản thân. Con có thể đói, thất vọng, sợ hãi hoặc bối rối, nhưng những lời đó vượt quá khả năng diễn đạt nên bố mẹ và mọi người hãy để ý ngôn ngữ cơ thể của con nhé, để biết có điều gì đó không ổn.
Ngoài ra, có đôi lúc con bắt chước những lời người lớn, thể hiện như giáo sư hay ngôi sao điện ảnh với câu chữ già trước tuổi. Đây là thông điệp mà con ghi nhớ từ thế giới xung quanh để bù đắp cho sự thiếu hụt ngôn ngữ của mình vì con chỉ biết rằng mình sẽ nhận phản hồi khi nói chuyện.
Những câu kiểu vậy thường là từ sách, ti vi hoặc lời người khác và nó được gọi là echolalia (nhại lời). Con có khi chẳng hiểu ngữ cảnh hay ý nghĩa thuật ngữ đó đâu, nó chỉ đơn giản là cách để con giao tiếp và muốn được đáp lời.
Vì con gặp khó khăn với ngôn ngữ là nên con theo định hướng trực quan
Chính vì vậy mọi người hãy chỉ cho con cách làm thế nào hơn là chỉ nói khơi khơi. Và hãy chuẩn bị tinh thần hướng dẫn đi hướng dẫn lại vì sự lặp lại kiên nhẫn nhiều lần sẽ giúp con học hỏi.
Tập trung và xây dựng những gì con có thể làm hơn là những gì con không thể làm được
Giống như bất kỳ con người nào khác, con không thể học hỏi trong một môi trường mà bản thân thường xuyên cảm thấy rằng mình không đủ giỏi, hoặc lúc nào cũng phải sửa lỗi. Và bất cứ khi nào học cái gì mới đều chắc chắn bị phê bình, nói nặng nhẹ dù là những lời ấy mang tính xâu dựng chứ không phải thù ghét. Tất cả sẽ khiến con muốn tránh xa.
Vì thế hãy quan sát và tìm ra thế mạnh của con, bố mẹ sẽ thấy thôi mà. Rồi từ đó cho con làm những điều ấy.
Hãy kiên trì và luôn bên con, con làm được nhiều điều hơn mọi người tưởng - Ảnh: Corbis/Getty Images.
Hãy giúp con tương tác xã hội
Mọi người hay thấy có vẻ như con không muốn chơi với các bạn nhưng đôi khi sự thật là con chỉ không biết làm thế nào để bắt đầu cuộc trò chuyện hoặc gia nhập cuộc chơi ấy. Nếu bố mẹ có thể khuyến khích các bạn khác mời con cùng đá bóng, cầu trượt… con sẽ rất vui được tham gia.
Cố gắng để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng “meltdown” (lên cơn cáu kỉnh và mất bình tĩnh)
Tình trạng bùng nổ, tức giận hoặc bất cứ điều gì mọi người muốn gọi đối với con khủng khiếp hơn đối với bố mẹ nhiều. Chúng xuất hiện khi một hoặc nhiều giác quan của con bị quá tải. Nên nếu mọi người chú ý và hiểu tại sao con lại “lên cơn” thì có thể giúp con ngăn chặn, xoa dịu.
Hãy yêu con vô điều kiện
Con không chọn bị rối loạn phổ tự kỷ. Nhưng nó đang xảy ra và bố mẹ, mọi người hãy nhớ, nó đang xảy ra với con chứ không phải với mọi người.
Do vậy nếu không có sự giúp đỡ, cơ hội tự lập và thành công của con sẽ còn lại rất ít. Nếu mọi người hướng dẫn và trợ giúp, con có khả năng làm được nhiều điều hơn mọi người tưởng. Và con xứng đáng luôn được yêu thương!