Trong cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai phái đoàn ngoại giao Nga và Ukraina tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/03/2022, phía Kiev nêu rõ các đề xuất nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình sau hơn một tháng Matxcơva phát động chiến tranh ở Ukraina.
Theo AFP, Ukraina đưa ra bốn đề xuất chính. Yêu cầu quan trọng đầu tiên là phải có « một thỏa thuận quốc tế » bảo đảm an ninh cho Ukraina, « trong đó các nước bảo lãnh sẽ hành động theo cách tương tự như điều 5 của NATO » (có nghĩa là tấn công một thành viên của NATO đồng nghĩa với tấn công vào toàn khối). Các nước bảo trợ ký kết thỏa thuận này sẽ gồm bốn thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Anh), cùng với 5 nước thành viên NATO (Đức, Ý, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada) và Israel.
Thứ hai, Ukraina chấp nhận điều mà Nga yêu cầu từ lâu: đó là « quy chế trung lập và phi hạt nhân », nhưng với điều kiện « những cam kết về an ninh được bảo đảm ». Như vậy, Ukraina sẽ từ bỏ ý định gia nhập NATO dù điều này được ghi trong Hiến pháp.
Ukraina « sẽ không triển khai trên lãnh thổ (của họ) bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài nào ». Đề xuất này được nhà đàm phán Olexandre Tchaly nêu trong cuộc họp. Tuy nhiên, các cuộc tập trận vẫn có thể được tổ chức ở Ukraina sau khi được các nước bảo trợ chấp nhận.
Phía Ukraina yêu cầu « thỏa thuận quốc tế » nêu trên không cấm nước này gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, đồng thời các nước bảo trợ cam kết đóng góp vào quá trình này.
Cuối cùng, bán đảo Crimée và vùng Donbass « tạm thời được loại khỏi » thỏa thuận lần này để các bảo đảm có thể sớm có hiệu lực. Chính quyền Kiev đề xuất thời hạn « 15 năm » để hai nước đàm phán và trong thời gian này « không sử dụng lực lượng vũ trang để giải quyết vấn đề » đặc biệt của bán đảo Crimée, bị Nga sáp nhập năm 2014.
Nguồn tin: tru Vu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn