YÊU MẾN THÙ ĐỊCH
Thế là ngay sáng hôm ấy, ông cùng với người bạn đi tìm kẻ thù. Năm năm trôi qua mà ông vẫn chưa thấy được kẻ thù. Tức tối vì bị kẻ thù làm nhục, hậm hực vì không tìm được kẻ thù, ông ta về nhà mất ăn mất ngủ mà chết.
Cicéron đã nói: “Con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình”, vì con người tự tạo cho mình kẻ thù để rồi tự tiêu diệt chính mình.
Chúa Giêsu không đến để chối bỏ hận thù, nhưng để bày tỏ bộ mặt thật của nó và đánh bại nó. Thù hận là dấu chỉ sự thống trị của Satan theo đúng nghĩa nhất. Chính Satan gieo thù hận trong lòng con người, đặt con người vào thế chống đối và huỷ diệt nhau. Chúa Giêsu đã đánh bại kẻ thù ấy bằng cái chết yêu thương tha thứ của của Ngài.
Chỉ có yêu thương, tha thứ mới là khí giới tiêu diệt được kẻ thù. Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta khí giới ấy trong bài Tin mừng hôm nay, đó là: “Hãy yêu mến thù địch và làm ơn cho kẻ ghét ngươi”.
Mỗi người là kẻ thù của chính mình. Mỗi khi chúng ta cưu mang thù hận thì đó là lúc chúng ta tự tạo nên kẻ thù và tự tiêu diệt mình. Mỗi khi chúng ta khước từ tha thứ và không thi ân cho những kẻ thù ghét bách hại chúng ta, đó là lúc chúng ta tự giam hãm trong thù hận để tự huỷ hoại mình.
Kẻ thù khủng khiếp nhất, kẻ thù tiếp cận với con người nhất là cõi lòng tích chứa thù hận. Nếu loại bỏ thù hận ra khỏi lòng mình, chúng ta sẽ biến đổi kẻ thù thành bạn hữu, và lúc đó sự bình an và vui sống cũng được tái lập trong tâm hồn chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)ĐÁM ĐÔNG DƯỚI CHÂN THẬP GIÁ
Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh họa Rembrandt, người Hòa Lan, sống vào thế kỷ 17, đó là bức tranh "Ba Thập Giá". Nhìn vào tác phẩm, ai cũng bị thu hút ngay vào trung tâm: giữa thập giá của hai người bất lương, thập giá của Chúa Giêsu trỗi lên một cách ngạo nghễ. Dưới chân thập giá là cả một đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét. Tác giả như muốn nói rằng không trừ một người nào mà không dính líu vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.
Nhìn kỹ vào đám đông, người ta thấy có một gương mặt gần như mất hút vào trong bóng tối, nhưng một vài nét cũng đủ để cho các nhà chuyên môn chẩn đoán rằng đó chính là khuôn mặt của danh họa Rembrandt. Tại sao giữa đám đông của những kẻ đang đằng đằng sát khí khi tham dự vào cuộc thảm sát Chúa Giêsu, Rembrandt lại chen vào khuôn mặt của mình? Câu trả lời duy nhất mà người ta có thể đưa ra giải thích về sự hiện diện của tác giả giữa đám người lý hình: đó là ý thức tội lỗi của chính ông. Rembrandt muốn thú nhận rằng chính tội lỗi của ông đã đóng góp vào việc treo Chúa Giêsu lên thập giá. Và qua sự có mặt của ông, tác giả cũng muốn nói với mỗi người chiêm ngắm bức tranh rằng: họ cũng dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.
Dưới cái nhìn lịch sử thì quả thực cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là hành động tội ác của những người Do Thái và La Mã cách đây hai ngàn năm. Phêrô đã chối bỏ Ngài. Philatô đã rửa tay để chối bỏ trách nhiệm của ông. Những người Do Thái đã cuồng tín kêu gào đóng đinh Ngài vào thập giá. Các binh sĩ La Mã đã đánh đập, hành hung Ngài và cuối cùng treo Ngài lên thập giá.
Dưới cái nhìn của người có niềm tin, thì cái chết của Ðức Kitô trên thập giá là một Mầu Nhiệm. Mầu Nhiệm bởi vì chúng ta không thể hiểu được tại sao Con Một Thiên Chúa đã phải trải qua một thân phận đớn đau như thế? Mầu Nhiệm bởi vì một cách nào đó, người có niềm tin cũng cảm thấy mình đã thực sự tham dự vào việc đóng đinh ấy. Chúng ta tuyên xưng rằng Ngài đã chịu đóng đinh vì chúng ta, nghĩa là chính do tội lỗi của chúng ta mà Ngài đã phải bị treo trên thập giá. Tội lỗi của chúng ta ngày nay, cho dầu cách xa hai ngàn năm, vẫn là một chối bỏ, một tiếng reo hò, một sỉ vả hoặc chính một cái đóng đinh vào thân thể Ngài. Khi chúng ta chối bỏ người anh em, khi chúng ta đối xử tệ bạc với người anh em, khi chúng ta chối bỏ chính mình mà quên sự đau khổ của người xung quanh, đó chính là lúc chúng ta dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá.
Nguồn tin: Trích sách Lẽ Sống
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn