Đã qua rồi cái thời hoàng kim của Nokia, hãng điện thoại đình đám của Phần Lan, qua rồi cái thời người ta thi nhau sắm sửa điện thoại hãng "tay nắm tay", thanh niên trong xóm vênh mặt lên trời, đầu lắc lư theo điệu nhạc khi cầm trên tay chiếc điện thoại dòng Music Express. Đế chế Nokia đã sụp đổ, không kèn, không trống, người ta chỉ biết bây giờ chẳng ai đi mua điện thoại Phần Lan khi trước mặt đã có bao nhiêu là lựa chọn đa dạng phong phú hơn.
Và ở thị trấn Nokia, cái nơi đã ban tặng tên cho hãng công nghệ thành công nhất thời điểm những năm đầu thế kỷ 21, người ta chẳng còn thấy mấy bóng dáng của một "cái nôi công nghệ" ngày xưa. Cũng chẳng ai có thể nhận ra đây chính là thị trấn đã góp một phần công sức lớn trong việc thúc đẩy nền kinh tế Phần Lan.
Thị trấn Nokia hiện giờ. Không còn bóng dáng của quê nhà của một đế chế công nghệ.
Ở thời kỳ đỉnh cao đầu những năm 2000, trên thế giới 40% số điện thoại là do Nokia sản xuất. Người người dùng Nokia, nhà nhà sắm Nokia. Nhãn hiệu công nghệ này cũng là nhãn hàng Phần Lan đầu tiên vươn lên tầm quốc tế.
Tại quê nhà Phần Lan, thậm chí tầm ảnh hưởng của hãng còn lớn hơn rất nhiều. Theo số liệu từ Viện nghiên cứu kinh tế năm 1998-2007, 25% số tăng trưởng kinh tế của Phần Lan là công sức của Nokia đem lại. Kinh tế đất nước Bắc Âu thời gian này được gọi là "phép màu kinh tế".
Nokia trong thời kỳ đỉnh cao chiếm 40% thị phần công nghệ viễn thông.
Giữ ngôi vương được hơn 1 thập kỷ, Nokia vấp phải một chướng ngại vật quá lớn, cũng là tảng băng trôi đã nhấn chìm cả đế chế khổng lồ này chỉ ít lâu sau đó. Đó là sự xâm lăng của thế hệ điện thoại thông minh và sự phát triển không ngờ của các hãng điện thoại vốn trước đó bị coi là "chư hầu".
Sự thống trị của Nokia dần dần suy giảm, kéo theo sự tuột dốc không phanh của nền kinh tế Phần Lan. Quốc gia Bắc Âu dần lâm vào đợt suy thoái kinh tế nặng nề. Tại Phần Lan, Nokia thực sự khổng lồ trên mọi phương diện. Và đến khi gã khổng lồ bắt đầu quỵ ngã, hắn kéo theo hàng loạt những hệ lụy ảnh hưởng tới đất nước.
Chỉ mất 15 phút đi xe từ thị trấn Nokia để tới được Tampere. Nơi đây từng là khu vực nghiên cứu phát triển lớn nhất của công ty, ở thời điểm hùng mạnh nhất đã nuôi sống tới hơn 4.000 nhân công giàu kinh nghiệm, kỹ năng cao.
Khói bụi của nền công nghiệp thế kỷ 19 ôm quyện, phủ mài trên từng viên gạch cổ của thành phố Tampere, rõ ràng đây là minh chứng hùng hồn nhất, rằng đây là thị trấn của hơi nước và khoa kỹ. Tuy nhiên, sự thăng hoa và suy tàn của Nokia mới có ảnh hưởng lớn nhất đến bộ mặt của Tampere.
"Nokia từng làt xương sống của mọi thứ nơi đây. Các trường Đại học trông đợi vào sự hợp tác với Nokia, các nhà thầu cũng phụ thuộc vào nó. Bọn trẻ cũng chỉ đợi đến ngày được tuyển vào Nokia", ông Kari Kankaala, giám đốc phát triển kinh tế và đô thị thành phố Tampere cho biết.
Ông Kari Kankaala.
Giờ đây ở thành phố đóng vai trò quan trọng nhất của Nokia, cũng như gián tiếp ảnh hưởng tới sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Phần Lan, tỉ lệ thất nghiệp đã lên đến 14-15%.
Nokia suy tàn, nhiều hãng công nghệ khác đã tới đây để lấp chỗ trống mà gã khổng lồ một thời để lại. Không còn xưng bá trên thị trường công nghệ viễn thông, tuy nhiên các mảng kinh doanh khác của Nokia như xây dựng hạ tầng viễn thông vẫn giúp hãng này tiếp tục góp mặt trong danh sách các doanh nghiệp thành công của Phần Lan.
Các cựu nhân viên của Nokia tại Tampere tới nay vẫn còn mang vướng mặt trong lòng, rằng tại sao, từ một hãng điện thoại dẫn đầu thế giới năm 2007, Nokia giờ lại cam chịu để Microsoft nuốt sống vào năm 2014. Một hãng điện thoại từng nắm 40% thị trường di động giờ có doanh thu nằm ở vị trí gần như cuối bảng.
Phép màu mang tên Nokia đã hết linh nghiệm.
Kẻ mang tới tin dữ cho đế chế công nghệ một thời Nokia, không ai khác, chính là sự ra đời của iPhone, chiếc điện thoại thông minh mang tính cách mạng của thế kỷ công nghệ mới. Mọi thứ trở nên phức tạp hơn rất nhiều đối với Nokia, từ việc nó có dễ dùng hay không, pin bền hay yếu cho đến kích cỡ to hay nhỏ.
Dù cũng đã cố để theo kịp cuộc chơi điện thoại thông minh, tuy nhiên dường như Nokia vẫn chỉ là một gã nông dân đang bập bẹ học theo sự sành điệu bóng loáng của dân thành thị. Bỏ đi cái tên Nokia, giờ đây chỉ còn khoác danh Microsoft, gã nông dân vẫn lon ton lũn cũn chạy từng bước chậm chạp, tìm lại hình hài một đế chế cổ xưa.
Thế hệ điện thoại thông minh như iPhone ra đời là bản án tử dành cho Nokia.
Nokia vẫn còn là một tượng đài dù danh tiếng chẳng còn được như trước. Người dân Phần Lan vẫn còn ấp ủ hy vọng tươi sáng về một ngày huyền thoại sẽ trở về. Bị truất khỏi ngôi vị đã lâu, tuy nhiên di sản Nokia để lại cho văn hóa Phần Lan chính là văn hóa kinh doanh rất mới. Làn sóng kinh doanh trẻ dần dần xuất hiện, báo hiệu cho một ngày trở lại của một đế chế kinh tế mới giống như Nokia đã từng.
Tác giả bài viết: Tru Vu
Nguồn tin: Theo Lương Hồng Phúc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn