BAO NHIÊU ĐÔI GIẦY

Thứ ba - 11/08/2015 10:21

BAO NHIÊU ĐÔI GIẦY

Bao nhiêu đôi giày cỏ mới đủ cho một chuyến đi dài? Thực tế điều này phụ thuộc vào ý chí và quyết tâm, hãy tự hỏi bản thân rằng bạn muốn đi xa đến đâu.
Có một hòa thượng quyết định sang Tây phương lấy Kinh, liền bái biệt sư phụ.

“Con dự định khi nào sẽ khởi hành?”, sư phụ hỏi.

“Tuần sau, thưa thầy”, vị hòa thượng cung kính trả lời.

Sư phụ lại hỏi: “Tại sao lại là tuần sau?”

“Bởi vì đường sá xa xôi, vậy nên con đã nhờ người ta làm mấy đôi giày cỏ, tuần tới sau khi giao hàng rồi, con sẽ khởi hành ngay”.

Sư phụ cúi đầu trầm ngâm một lúc, nói: “Ừm, suy nghĩ của con thật là chu đáo. Không bằng như vậy đi, cũng không cần nhờ người ta làm giày cỏ gì nữa cả, ta sẽ xin các tín chúng quyên góp là được rồi, như vậy sẽ nhanh hơn”. Vị hòa thượng cảm thấy lời kiến nghị của sư phụ quả thật là rất hay, liền nhận lời ngay.

Chỉ là không biết sư phụ đã nói với bao nhiêu người, hôm đó lại có đến mấy chục vị tín chúng mang giày cỏ đến tặng, từng đôi từng đôi giày cỏ chất đầy một góc nhỏ thiền phòng.

Sáng sớm hôm sau, một tín chúng mang cây dù đến, tỏ ý muốn tặng cho hòa thượng. Hòa thượng không hiểu tại sao, hỏi: “Dám hỏi thí chủ, sao ông lại muốn tặng dù?”.

“Sư phụ của ngài nói rằng ngài sắp đi xa, trên đường e rằng ngài sẽ gặp phải mưa to, vì vậy ông đã hỏi tôi có thể tặng dù cho ngài không. Tôi vô cùng kính phục quyết tâm của ngài, liền nhận lời ngay”. Vị hòa thượng hợp thập thu nhận cây dù, trong lòng vô cùng cảm động trước sự chu đáo của sư phụ.

Tuy nhiên, hôm nay không chỉ một người mang dù đến mà là mười người, hai mươi người,……..đến buổi tối, trong thiền phòng của ông rốt cuộc đã chất đến gần năm chục cây dù.

Sau buổi tối, sư phụ bước vào thiền phòng của ông: “Đã chuẩn bị thế nào rồi? Giày cỏ và ô dù đã đủ dùng chưa?”.

“Đủ rồi, đủ rồi, thầy ạ”.

Vị hòa thượng chỉ về số giày cỏ và ô dù ở trong phòng, đã được chất thành đống như một ngọn núi nhỏ, nói: “Nhiều quá rồi, con không thể mang theo tất cả để khởi hành được”.

“Như vậy sao được?”, sư phụ không đồng ý mà nói rằng: “Trời có giống bão không đoán trước được, ai có thể biết được rằng con sẽ đi bao nhiêu dặm đường, trải bao nhiêu mưa gió đây? Lỡ như giày cỏ đi rách hết rồi, dù cũng không còn nữa, lại phải làm thế nào đây? Vẫn là hãy mang theo nhiều một chút, như vậy thỏa đáng hơn”.

“Nhưng mà………”

“Đúng rồi!”, sư phụ lại nói: “Con trên đường đi, nhất định sẽ gặp không ít những con sông con suối khác nữa, bắt đầu từ ngày mai, thầy xin tín chúng quyên góp thuyền bè, con cũng mang toàn bộ đi theo luôn………”

Vị hòa thượng lúc này mới hiểu được dụng tâm của sư phụ, anh quỳ xuống đất, cung kính nói:“Sư phụ, con đã minh bạch rồi! Đệ tử sẽ khởi hành ngay bây giờ, cái gì cũng không mang theo cả!”

Thể nghiệm trong tâm:

Điều sư phụ muốn nói với tiểu hòa thượng chính là hành trình về trời tây này có thành công hay không, điều quan trọng không phải là những vật ngoài thân có được trang bị đầy đủ hay không, mà là có “quyết tâm” vững chắc hay không.

Mang theo nhiều hành lý quá, gánh vác nặng nề, chắc chắn là không có cách nào để đi xa được. Hành trình thật sự chính là như vậy, hành trình của cuộc đời cũng là như thế! Khi gánh nặng trong tâm chúng ta quá nặng nề, có quá nhiều thứ “không bỏ được”, nó sẽ khiến chúng ta không cách nào cất những bước chân nhẹ nhàng thoải mái.

Buông bỏ những phiền não không cần thiết, chỉ mang theo một trái tim kiên định đi về phía trước, bạn sẽ đạt đến mục tiêu mau chóng hơn.

 


 

Tác giả bài viết: Tiểu Thiện, dịch từ xinsheng.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập36
  • Hôm nay16,269
  • Tháng hiện tại343,025
  • Tổng lượt truy cập35,989,370
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây