Vì sao người Mỹ không để lại tiền bạc cho con cái? Đáng để các bậc cha mẹ suy ngẫm

Thứ tư - 06/12/2017 05:09

Vì sao người Mỹ không để lại tiền bạc cho con cái? Đáng để các bậc cha mẹ suy ngẫm

Một trong 3 người giàu nhất lịch sử thế giới từng nói: “Một người cho tới lúc chết mà vẫn còn một gia tài trị giá bạc triệu là một sự sỉ nhục”. Vì sao những người giàu có tại Mỹ đều có chung quan niệm như vậy, họ không để lại tài sản thừa kế cho con, mà thích quyên góp cho quỹ từ thiện?

 

Andrew Carnegie là một doanh nhân người Mỹ gốc Scotland và được mệnh danh là Vua Thép. Ông là người giàu thứ 3 trong lịch sử thế giới, ông từng góp phần làm cho ngành công nghiệp sản xuất thép của Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ vào cuối thế kỷ 19. Andrew Carnegie từng nói: “Một người cho tới lúc chết mà vẫn còn một gia tài trị giá bạc triệu là một sự sỉ nhục”.

Đa phần người dân Mỹ đều cho rằng họ là người gìn giữ tài sản, chứ không phải là người chủ sở hữu. Bởi vậy, bản thân không nên chiếm đoạt những tài sản đó, mà phải tặng lại cho người khác, tặng lại cho xã hội mới là tốt.

Năm 2016, mức tiền quyên góp tự nguyện tại Mỹ đạt tới con số 35.840.000.000 $, cao hơn nhiều so với bình quân đóng góp ở các nước phương Tây, gấp hai lần so với Anh Quốc và Canada, gấp 20 lần so với Italia và Đức. “All-out donation” – quyên góp toàn bộ tài sản cho xã hội sau khi qua đời, cũng là hiện tượng không có gì lạ lùng tại Mỹ.

Rất nhiều người cho rằng số tiền quyên góp hàng trăm triệu USD của Mỹ là đến từ các công ty lớn và các tỷ phú như Gates Foundation, Zuckerberg, tuy nhiên sự thực không phải như vậy. Theo thống kê, 80%  trong số tiền quyên góp hàng trăm tỷ mỗi năm của Mỹ đến từ sự quyên tặng của các cá nhân, và 70% trong số đó là những người dân thường. Tại Mỹ không chỉ những tỷ phú, mà tất cả mọi người dân đều quan tâm tới hoạt động từ thiện, và đương nhiên các tổ chức từ thiện xin quyên góp tiền cũng hết sức tự nhiên.

Andrew Carnegie là một doanh nhân người Mỹ gốc Scotland và được mệnh danh là Vua Thép. (Ảnh: cafebiz.vn)

Lý do kêu gọi tài trợ thật kỳ lạ, cách thức kêu gọi cũng rất thu hút

Thời gian trước, một lần khi kiểm tra email, tôi đọc được một bức thư được gửi bởi một trường tư thục trực thuộc nhà trẻ Day Care, kêu gọi quyên góp cho hoạt động bồi dưỡng giáo viên của Day Care.

Là sinh viên sống dựa chủ yếu vào tiền học bổng ở Mỹ, cả tôi và chồng đều thuộc về nhóm người nghèo túng, tuy nhiên chúng tôi vẫn quyên góp 350 USD. Đây là lần thứ ba chúng tôi nhận được thư kêu gọi quyên góp này. Lần thứ nhất là thư kêu gọi quyên góp mua sách báo tạp chí cho trẻ nhỏ tại thư viện của địa phương, lần thứ hai là của McDonald House C-harities kêu gọi quyên góp cho trẻ em nghèo bị bệnh.

Người Trung Quốc có câu tục ngữ “cật nhân chủy đoản, nã nhân thủ nhuyễn”, tạm dịch: “Ăn của người ta thì nói năng với người ta cũng mềm mỏng hơn”. Nếu không vì tình cảnh vạn bất đắc dĩ, ví dụ như mắc bệnh hiểm nghèo cần kêu gọi quyên góp, thì chúng ta không có thói quen yêu cầu người khác móc tiền một cách công khai giúp đỡ mình. Tuy nhiên tại Mỹ việc kêu gọi quyên góp và quyên tiền là việc diễn ra bình thường như cơm bữa.

Những người Mỹ muốn xin tài trợ, họ có rất nhiều lý do ‘không bình thường’ để kêu gọi: Ví dụ đặt nhầm vé máy bay, muốn đặt vé mới cũng kêu gọi xin tiền, tiền đặt cọc kiện tụng ly hôn cũng kêu gọi quyên tiền, … các chủng các loại lý do khác nhau đều có. Mà người Mỹ ở đây cũng thật thiện tâm, với bất kỳ lý do nào, họ cũng đều sẵn sàng quyên góp tiền.

Tại Mỹ việc kêu gọi quyên góp và quyên tiền là việc diễn ra bình thường như cơm bữa. (Ảnh: nydailynews.com)

Còn cách thức xin quyên góp của các tổ chức từ thiện cũng rất ‘tinh tế’ và thu hút, họ rất biết cách tìm ra mối liên hệ giữa bạn và mục đích của việc quyên góp đó. Họ không lôi kéo bạn vào những gì cao siêu rộng lớn như chủ nghĩa yêu nước, quan tâm toàn nhân loại hay những gì liên quan tới tôn giáo, mà viết ra những điều bạn đóng góp được trong khoản tiền quyên góp đó, viết một cách rất cụ thể và thiết thực.

Ví dụ: Trong một bản kêu gọi quyên góp có in câu rằng: “Mục đích của việc quyên góp này là dạy trẻ nhỏ yêu thích đọc sách, tôn trọng kiến thức, và là một cách chia sẻ rất tốt với những người khác”. Đọc được câu này chắc chắn những người tôn trọng tri thức, mong muốn thế hệ sau được giáo dục tốt hơn sẽ sẵn sàng bỏ hầu bao ra quyên góp.

Người quyên góp tiền tích cực chủ động, người xin tài trợ coi như chuyện đương nhiên

Network for Good, một tổ chức phi lợi nhuận tư vấn dành cho những người quyên góp từng làm một cuộc khảo sát trên mạng với nội dung: Tại sao người dân Mỹ thích quyên góp tiền? Kết quả đại khái có thể chia thành hai phái như sau:

Phái chủ nghĩa tình cảm: Cảm giác đạt được thành quả, theo trào lưu, tăng cường mối quan hệ với người khác, được người khác nhớ đến.

Phái chủ nghĩa thực dụng: Thật tâm muốn giúp đỡ người khác, truyền thống gia đình, tôn giáo, cắt giảm thuế, tạo dựng hình tượng tốt đẹp.

Ngoài ra việc người dân Mỹ luôn hào phóng quyên góp cũng có liên quan rất lớn tới chính sách khích lệ của chính phủ. Từ năm 1917, chính phủ Mỹ công khai hoạt động liên quan tới chính sách miễn thuế để khích lệ quyên góp, quyên góp một phần tiền trong tổng lương tháng của bản thân để miễn trừ thuế thu nhập cá nhân.

Có rất nhiều người đã mang số tiền thừa ra đó đi quyên góp, vừa giảm bớt việc nộp thuế lại có thể làm việc thiện. (Ảnh: tinhhoa.net)

Tại Mỹ, những người dân có thu nhập trên 50 nghìn USD một năm phải nộp 8% thuế thu nhập cá nhân, dưới 50 nghìn USD phải nộp 5% thuế thu nhập cá nhân một năm. Có nghĩa là những người có thu nhập 51 nghìn USD (chỉ thêm 1.000 USD) cũng sẽ phải nộp thêm 3% thuế thu nhập cá nhân. Bởi vậy có rất nhiều người đã mang số tiền thừa ra đó để đi quyên góp. Đối với họ, vừa giảm bớt việc nộp thuế lại có thể làm việc thiện, thì sao có thể không làm chứ?

Mặt khác những người dân Mỹ, nhất là những người càng thành công, càng giàu, thì đều nhận định quá trình tích lũy tiền bạc là một quá trình vô cùng thú vị. Vậy nên họ không muốn tước đoạt đi loại quyền lợi này của con cái. Cũng bởi vậy, họ bằng lòng dạy cho con cái những điều tâm huyết cần có ban đầu, còn việc kiếm tiền là dựa vào năng lực tự thân của mỗi đứa trẻ.

Công khai minh bạch sử dụng tiền từ thiện cũng rất quan trọng

Tại Mỹ, cho dù là cá nhân hay tổ chức từ thiện, kêu gọi quyên góp nhìn chung đều rất thẳng thắn chân thành, khoản tiền đó dùng với mục đích gì đều được khai báo rất rõ ràng. Ví dụ trong thư kêu gọi quyên góp của Day Care, họ sẽ nói cần bao nhiêu tiền, dùng cho ai, bao nhiêu người và sử dụng như thế nào. Và thực sự những tổ chức này, họ quyên góp tiền cho dân và dùng cho người dân.

Một trong những loại dịch vụ mà tổ chức McDonald House C-harities cung cấp, đó là xây nhà ở bên cạnh bệnh viện, cung cấp chỗ ăn ở miễn phí cho những người mẹ sinh non, thuận tiện cho họ trong việc chăm sóc thăm nom con cái trong viện. Bằng những hoạt động như vậy, bạn sẽ thực sự cảm thấy rằng số tiền của mình không lãng phí và được sử dụng rất đúng mục đích.

Thay vì để lại tiền bạc tỷ cho con cái thừa kế, họ lại quyên góp hết cho xã hội, để con cái có cơ hội tự lực cánh sinh, tự bước đi trên đôi chân của mình. (Ảnh:dailymail.co.uk)

Độ công khai của các tổ chức từ thiện tại Mỹ rất cao, cơ quan thuế quy định mỗi năm họ phải làm báo cáo thuế một lần, cần thống kê chi tiết làm những hạng mục gì, tiêu hết bao nhiêu tiền, tài sản là bao nhiêu. Mỗi năm đều phải làm báo cáo tài chính công khai đăng trên mạng để mỗi người dân khi cần thiết đều có thể kiểm tra được. Sau khi họ nhận được tiền quyên góp đều sẽ có phiếu thu công khai minh bạch, có bằng chứng rõ ràng. Có thể thấy rằng sự công khai minh bạch ở đây đã tạo dựng được niềm tin của dân chúng, cũng khiến việc quyên góp từ thiện ở Mỹ ngày càng trở nên thiết thực và phổ biến rộng rãi.

Đặc biệt, quan niệm của các bậc cha mẹ Mỹ về vấn đề tiền bạc khiến chúng ta không khỏi suy ngẫm. Thay vì để lại tiền bạc tỷ cho con cái thừa kế, họ lại quyên góp hết cho xã hội, để con cái có cơ hội tự lực cánh sinh, tự bước đi trên đôi chân của mình. Làm như vậy, họ vừa là một người có ích cho cộng đồng xã hội, lại làm đúng vai trò của một người cha người mẹ sáng suốt. Điều này, đối với những ai đang ra sức nai lưng ‘làm trâu làm ngựa’ hòng tích trữ tiền bạc cho con cái về sau, phải suy ngẫm và nhìn nhận lại mình.

Theo Trần Văn Vận / soundofhope.org
Kiên Định biên dịch

 

 

 

9 câu chuyện thấm thía, bậc phụ huynh nào cũng nên đọc để học cách dạy con khôn ngoan nhất

 

 

9 câu chuyện dưới đây là 9 bài học sâu sắc mà các bậc làm cha mẹ đều nên đọc, không chỉ để dạy con cái, mà đó cũng là những chân lý tuy đơn giản nhưng có thể khiến thay đổi cả một đời người. 

 

1. Trách nhiệm 

Một hôm cậu con trai 2 tuổi của tôi chẳng may va mạnh đầu vào một cái bàn, nó khóc lóc ầm ĩ một hồi rất lâu. Thấy vậy, tôi đi ra khỏi phòng mình, tới gần cái bàn và lớn tiếng quát: “Này cái bàn kia! Ai làm cho mày đau và khóc nhiều vậy hả?”

Con trai tôi ngừng khóc, mở tròn xoe đôi mắt ngước nhìn tôi với những giọt nước mắt lăn dài trên mi. Tôi tiếp tục vỗ về cái bàn và hỏi: “Ai đã gây ra chuyện này với mày thế?”. Con trai tôi nhìn tôi và nói: “Cha! Là con ạ!”. Tôi bảo: “Con hãy xin lỗi cái bàn đi!”

Nó liền khom người cúi xuống nói: “Bàn ơi, tao xin lỗi nhé!”

Từ đó cậu bé học được một bài học sâu sắc về tinh thần trách nhiệm. Khi một chuyện không như ý xảy ra, con trai tôi không chỉ đổ lỗi cho người khác, mà phải nghĩ tới cả phần trách nhiệm của bản thân mình. 

 

2. Không trút giận lên người khác 

Một hôm cậu con trai 3 tuổi của tôi bỗng dưng khóc lóc thảm thiết mà chẳng có lý do cụ thể nào. Tôi hỏi nó: “Con cảm thấy không thoải mái ở đâu à?” Nó trả lời: “Không ạ.”

“Vậy tại sao con lại cứ tiếp tục khóc lóc vậy hả?”

Con trai tôi im lặng không nói gì, mà vẫn tiếp tục nức nở…

father-son-stories-02-600x400

“Được! Bố sẽ chẳng bận tâm nếu con khóc, nhưng bố sẽ tìm cho con một chỗ cho con thoải mái mà khóc, vì vậy con sẽ không quấy rầy người khác được nữa. Và sau đó nếu con cảm thấy mình đã khóc đủ rồi thì hãy nói với bố, con có thể ra ngoài.’’

Tôi cho thằng bé vào trong nhà tắm. Hai phút sau nó mở cửa ra và nói: “Con khóc đủ rồi ạ!”  

Và tôi cho phép thằng bé ra ngoài…

Giờ đây con trai tôi đã 18 tuổi và nó không bao giờ để cảm xúc của mình ảnh hưởng đến người khác. Mỗi khi có chuyện bực bội nó cũng không vì thế mà trút giận lên mọi người.

 

3. Suy nghĩ kĩ lưỡng trước khi hành động

Tôi và cậu con trai 5 tuổi đi bộ trên một cây cầu, phía dưới cầu là dòng nước chảy rất trong xanh. Con tôi thấy vậy hân hoan nói: “Dòng sông sạch đẹp quá, con muốn nhảy xuống đó để bơi bố ạ!”

Tôi chợt ngạc nhiên và nói: “Được đó, chúng ta cùng nhảy xuống nhé! Nhưng trước tiên chúng ta cần phải về nhà và thay quần áo.”

Sau khi trở về nhà và thay đồ, tôi nhắc nhở con trước khi xuống nước: “Con trai! Khi bơi con sẽ phải ngụp mặt xuống nước phải không?” Nó gật đầu và tôi nói: “Con sẽ phải tập rất nhiều để xem con có thể ngụp mặt xuống nước trong bao lâu nữa đấy!”

Rồi con trai tôi hăm hở bước xuống dòng sông và bắt đầu tập lặn ngụp. Chỉ sau 10 giây, nó nhoai mặt lên khỏi mặt nước và nói: “Con đang cố nín thở trong nước, nhưng nó thật sự chẳng thoải mái chút nào.” Tôi nói với nó: “Chính xác! Và nếu con nhảy xuống sông thì con còn cảm thấy khó chịu hơn như thế nhiều đấy.”

Con tôi liền trả lời: “Cha! Vậy mình sẽ không nhảy xuống sông nữa ạ!”

Tôi mỉm cười nhìn con: “Được thôi, chúng ta sẽ không làm nữa!”

Từ đó con trai tôi học được bài học về sự thận trọng và suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi quyết định làm điều gì đó. Nếu chỉ nhìn vào vẻ ngoài hào nhoáng để đánh giá sự vật, chúng ta rất dễ mắc sai lầm.

 

4. Kiểm soát ham muốn bản thân

Khi con trai tôi 6 tuổi, một lần tan học chúng tôi đang đi bộ trên đường thì con tôi reo lên: “Bố ơi! KFC kìa!”

Tôi nói với con: “À KFC… Con muốn ăn cái đó đúng không? Nhưng con à, sẽ thật dễ dàng khi con muốn cái gì đó và con có thể có chúng được ngay. Nhưng không ai trong chúng ta có thể làm được điều đó, và nếu như con có thể kiểm soát ham muốn của bản thân và không mua nó thì con sẽ là một anh hùng. Con thích là người bình thường hơn hay là một anh hùng?”

Con trai tôi trả lời: “Anh hùng bố ạ!”

Tôi hỏi: “Con chắc chắn về câu trả lời đó chứ?”

Con tôi liền đáp: “Con chắc chắn về điều đó và con thực sự muốn là một anh hùng!”

Tôi vui vẻ nói: “Được lắm! Anh hùng! Chúng ta về nhà thôi!”

Từ đó con tôi cũng học được bài học về việc kiểm soát ham muốn của bản thân, không để mình bị lôi kéo đi trước nhiều cám dỗ trong cuộc sống.

 

5. Sự lựa chọn và kết quả

Một hôm con trai 8 tuổi của tôi đánh nhau với một bạn cùng lớp và khóc lóc chạy về nhà. Nó ấm ức cho rằng bạn nó sai và tức giận ra mặt.

Tôi hỏi nó: “Con dự định làm gì và con có muốn bố giúp một tay không?”

“Bố tìm cho con một viên gạch, ngày mai con sẽ ném bạn ấy từ đằng sau.”

“À bố hiểu rồi, cái đó con có thể làm được, còn gì nữa không?”

“Bố ơi con cũng cần một con dao, con sẽ đâm bạn ấy từ phía sau.”

“Được, cách này có thể làm con hả giận. Bố sẽ lấy mọi thứ cho con.”

Tôi đi lên lầu và chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, còn thằng bé có vẻ đang dần bình tĩnh lại. Hai mươi phút sau, tôi mang cho nó rất nhiều quần áo và một cái chăn đã được gói ghém gọn gàng.

“Con này, con hài lòng chứ, gạch hay dao?”

Nó khựng lại và hỏi:

“Nhưng bố ơi, tại sao bố lại mang cho con nhiều quần áo và chăn thế ạ?”

“Con trai! Thế này nhé: Nếu con ném gạch vào cậu ta, cảnh sát sẽ tới bắt chúng ta vào tù một tháng, vì vậy chúng ta cần mang một cái áo khoác và một cái chăn, còn nếu con đâm cậu ấy bằng một con dao thì chúng ta sẽ ở trong nhà tù ít nhất 3 năm, vì thế mà chúng ta cần chuẩn bị nhiều quần áo cho bốn mùa, đúng không? Đó là luật nhân quả mà, con là người quyết định còn bố sẽ là người giúp con.”

“Vậy chúng ta sẽ không làm điều đó nữa bố ạ” – Con trai tôi trả lời.

“Nhưng con rất tức giận cậu ta mà” – Tôi nói.

“Bố à, con không tức giận nhiều như thế, vì thực tế là con sai” – Cậu bé đỏ mặt đáp.

“Được, vậy thì bố sẽ cất đồ đi giúp con.”

Từ đó con tôi học được bài học về việc suy nghĩ kĩ trước khi hành động vì mỗi sự lựa chọn đều dẫn đến một kết quả mà nó phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, con tôi cũng nhận thức được việc nuôi dưỡng cơn giận dữ và thù hận trong lòng sẽ chỉ dẫn đến một kết cục không mấy tốt đẹp. Con tôi cần phải bình tĩnh lại, chế ngự cái tôi của nó và công bằng khách quan trong việc đánh giá đúng sai. 

 

6. Hãy cư xử như một quý ông

Khi con trai tôi 9 tuổi, ở lớp học Toán, nó bị rớt hạng khỏi vị trí thứ 4 của lớp và cậu bé trở nên chán nản. Tôi thấy vậy lại gần hỏi nó:

“Điều gì xảy ra vậy?”

“Con đã bị 0 điểm cho bài kiểm tra Toán, bởi vì con ghét cô giáo dạy Toán, lớp học thật là buồn chán.”

“Ồ vậy hả? Con muốn học nâng cao lên hả?” – Tôi hứng thú hỏi nó.

Nó giải thích khá nhiều nhưng tôi có thể hiểu là nó đổ lỗi cho cô giáo không thích nó.

“À bố hiểu rồi, tức là khi cô giáo yêu quý con thì con yêu quý cô giáo và khi cô ấy không thích con thì con ghét cô ta. Con là người tiêu cực hay tích cực?”

“Con là người tiêu cực” – Con trai tôi trả lời.

“Con là người mạnh mẽ hay yếu đuối? Là một quý ông hay là một người bình thường?” – Tôi tiếp tục hỏi.

“Con là người yếu đuối và cũng là một người bình thường” – Cậu bé trả lời

“Vậy con muốn là một quý ông hay là một người bình thường?” – Tôi hỏi lại nó.

Nó trả lời: “Con muốn là một quý ông… Bố à, con hiểu rồi, cho dù cô giáo con có quý mến con hay không thì con vẫn có thể lựa chọn yêu mến cô ấy, tôn trọng cô ấy và là một người mạnh mẽ.”

Ngày hôm sau nó vui vẻ tới lớp, cũng kể từ đó kỹ năng Toán của nó được nâng cao hơn, và nó cũng học được sự khác biệt giữa một quý ông và một người tầm thường.

 

7. Bài học về nguyên tắc

Khi con trai tôi 10 tuổi, nó bị cuốn hút vào trò chơi điện tử. Vợ tôi đã nói chuyện với nó rất nhiều lần mà không hiệu quả. Một hôm tôi nói với nó: “Con trai, bố nghe nói rằng con rất thích chơi điện tử phải không?”, nó gật đầu thừa nhận. Tôi hỏi nó: “Con thấy thế nào khi trò chơi kết thúc?”

Nó suy nghĩ một lát rồi trả lời: ‘‘Con thấy mất mát, trống rỗng, buồn chán và xấu hổ’’.

‘‘Vậy tại sao con lại chơi? Con không thể rời bỏ nó đúng không?’’ Tôi hỏi.

‘‘Vâng ạ’’.

“Được rồi để bố giúp con.” Tôi đặt máy tính trước mặt con trai và để cái búa vào tay nó.

“Nào giờ con hãy đập nó đi”. Tôi nói.

“Bố!…”. Con tôi ngượng ngùng đáp.

“Đập đi! Bố cần một đứa con trai chứ không phải là cái máy tính.”

Con tôi khóc sau khi đập vỡ máy tính, nhưng bù lại nó cũng học được bài học sâu sắc về đặt ra một nguyên tắc cho bản thân, không đi quá giới hạn và sự chừng mực khi làm bất kể sự việc gì, cũng như dám đưa ra lựa chọn để chiến thắng bản thân.

 

8. Nói chuyện với mẹ

Khi con trai tôi 11 tuổi, vợ tôi và con tôi chuyển đến sống cùng mẹ tôi ở ngoại thành. Ngày nào tôi cũng gọi điện về để hỏi thăm mẹ. Một hôm con tôi nhấc máy:

“Chào bố.” Nó nói.

“Chào con trai, bà con đâu rồi? Đưa máy cho bố nói chuyện với bà đi con.” Tôi trả lời.

“Bố ơi! Tại sao ngày nào bố cũng gọi điện về nói chuyện với bà vậy?” Nó hỏi.

20160729-090226-3_576x548

“Con thấy lạ à? Làm một người con trai cần phải quan tâm tới mẹ của mình nên bố mới gọi điện cho bà thường xuyên.” Tôi trả lời.

Con trai tôi tinh ý nhanh chóng hiểu ra điều tôi muốn nhắn nhủ. Từ đó ngày nào vợ tôi cũng nhận được điện thoại của con trai lúc 6 giờ sáng, dù nắng hay mưa. Đến nay cũng đã 8 năm rồi…

 

9. Hãy buông bỏ những điều nhỏ nhặt và làm những việc cần làm

Khi con trai tôi 12 tuổi, nó rất lười học và đốt rất nhiều bài tập về nhà. Một buổi tối nó đi lại trong nhà và chị gái tôi hỏi: “Này! Cháu trai, hôm qua con làm vỡ cái đĩa của bác.”

Nó giãy nảy: “Không, không phải con”.

Mẹ của tôi cũng nói thêm vào: “Bà nhìn thấy cháu làm vỡ mà.”

“Không phải cháu, bà đổi oan cho cháu”. Rồi nó lăn ra sàn nhà và khóc.

Năm phút sau tôi đi ra khỏi phòng và hỏi: “Có chuyện gì vậy?”

“Bố ơi! Bà và bác đổ oan cho con”. Nó kêu gào thảm thiết.

“Ồ vấn đề lớn rồi đây, vậy là khi ai đó đổ oan cho con, con cảm thấy thất vọng và khóc lóc trên sàn nhà sao? Con không phải là đàn ông, một người đàn ông thực sự là phải đứng lên ngay cả khi trời sập. Nhưng con thì khóc lóc chỉ vì cái đĩa vỡ mà điều tệ hại nhất còn chưa xảy ra. Trong cuộc sống của con, con có thể bị đổi oan, bị lừa dối, bị sỉ nhục. Và con muốn lăn ra sàn nhà để khóc lóc khi mọi thứ không theo mong muốn của con sao?”

Con trai tôi liền đứng thẳng lưng dậy và nói: “Bố! Con hiểu rồi, vậy giờ con phải làm gì ạ?”

“Con hãy hỏi chính mình, con có dư thừa thời gian để chơi nhưng con vẫn có nhiều bài tập phải làm, vậy việc gì là nên làm trong lúc này? Con hãy nhớ rằng chúng ta cần bỏ qua những điều nhỏ nhặt và hoàn thành những gì quan trọng hơn.”

Con trai tôi nhặt túi lên, cúi đầu trước bà và bác của nó rồi ngoan ngoãn trở về phòng.

Cả 3 chúng tôi đều cười. Một ngày nào đó khi con trai tôi nhớ về ngày hôm nay, nó sẽ hiểu được mục đích tốt đẹp của chúng tôi.

Dạy con trẻ là một việc cần thời gian và sự kiên nhẫn. Cứ mỗi một hành động xảy ra trong cuộc sống đều ẩn chứa một bài học sâu sắc nào đó mà bậc cha mẹ có thể tận dụng. Điều quan trọng là chúng ta cần đặt mình vào vị trí của trẻ nhỏ, hiểu chúng và truyền tải thông điệp một cách tế nhị để để chúng tự hiểu ra những điều chúng ta muốn chúng học được. Những bài học trên chính là những bài học làm người, mà không chỉ trẻ con cần học, người lớn chúng ta cũng cần khắc ghi để hành xử hằng ngày và làm gương cho con trẻ.


 

Tiểu Nguyệt

 

 

2 câu chuyện cha mẹ nào cũng nên đọc

Có lẽ không ít người trong chúng ta khi còn nhỏ đều thần tượng chính cha mẹ mình, đều lấy cha mẹ làm hình mẫu để vươn tới. Trong cuộc sống, bất luận là việc gì cũng đều lấy những tiêu chuẩn của cha mẹ làm chân lý để đo lường tốt xấu, đúng sai. Nhưng có lẽ một ngày nào đó, chúng ta sẽ nhận ra rằng, mọi chuyện không nhất định đã hoàn toàn chính xác.

Hai câu chuyện nhỏ dưới đây, có lẽ sẽ cho chúng ta một cái nhìn, một bài học sâu sắc.

 

1. Con nhà hàng xóm thường sang nhà tôi lấy trộm đồ chơi

Cách đây nhiều năm về trước, gia đình hàng xóm có một cậu con trai bằng tuổi con tôi, chúng thường chơi với nhau. Nhưng mỗi lần cậu bé đó đến nhà chơi, sau khi ra về thì đồ chơi của con tôi thường không thấy đâu nữa. Cứ một thời gian dài như thế mà không có gì cải thiện.

Có một lần vô tình gặp mẹ cậu bé, tôi mới đem chuyện này nói với cô ấy: “Con chị thường sang nhà tôi chơi rồi lấy luôn đồ chơi mang về”. Vốn cứ nghĩ họ biết điều này thì về nhà sẽ giáo huấn con mình một trận, ai ngờ mọi chuyện lại trái ngược lại, mẹ cậu bé ấy đáp:“Chẳng qua chỉ là mấy thứ đồ chơi trẻ con thôi mà, để cho nó chơi mấy bữa xong rồi mang trả, có gì to tát đâu!”

Lấy tiêu chuẩn của cha mẹ làm khuôn mẫu không nhất định là hoàn toàn chính xác. Ảnh dẫn theo parents.com

Nhưng trên thực tế, những đồ chơi cậu bé đó một khi lấy về thì không khi nào mang trả lại. Có một lần tôi còn nghe được mẹ cậu bé nói chuyện với người khác rằng: “Con nhà tôi không cần phải mua đồ chơi cũng có đồ để chơi”.

Thời gian cứ thể trôi đi, chuyện cũ tưởng rằng chỉ là mấy thứ đồ chơi lặt vặt. Ai ngờ vào năm cậu bé đó 19 tuổi, vì hoàn cảnh túng quẫn đã đi ăn trộm đồ rồi bị người ta bắt được giao cho cảnh sát tống vào tù, tương lai kết thúc.

 

2. Không sinh được con trai, gia đình ly hôn

Bạn học thời đại học của tôi gần đây ly hôn. Gia đình nhà chồng cô ấy trọng nam khinh nữ, họ có quan niệm con trai mới là con nhà mình, còn con gái gả chồng là xong, không còn là con nhà mình nữa, nuôi coi như phí công.

Vốn dĩ trước đây cha mẹ chồng cô ấy luôn mỉa mai người thân bạn bè không sinh được con trai. Chồng bạn tôi nghe cũng quen tai, cho rằng không sinh được con trai thì rất mất mặt, có lỗi với liệt tổ liệt tông.

Bạn bè đồng nghiệp biết chuyện cũng đến khuyên giải, anh ấy còn nói: “Tuy tình cảm chúng tôi rất tốt, nhưng nói gì đi chăng nữa, không sinh được con trai, đó là điều tôi không thể chấp nhận. Hơn nữa, gia đình tôi đã ba đời đơn truyền, tôi không thể để đến đời tôi tuyệt hậu được, tôi không muốn cha mẹ tôi đau buồn”.

Sau khi ly hôn, anh ấy lấy thêm vợ mới, lại sinh được thêm cô con gái. Nghe nói anh này và cô vợ mới rất xung khắc, thường xuyên cãi vã lẫn nhau. Không biết bây giờ liệu bố mẹ anh ấy có thấy vui hơn không?

Cha mẹ chính là người thầy giáo đầu tiên của con cái

Cha mẹ chính là vị thầy đầu tiên gây dựng cho con cái một nền tảng vững chắc để làm người, bất luận là tốt hay xấu, đều có ảnh hưởng đến con cái sau này. Mỗi một đứa trẻ trong những năm đầu đời đều đem những lời dạy bảo của cha mẹ làm chân lý đo lường tốt xấu, phải trái, đúng sai của mình.

Cha mẹ nói không được ăn kẹo; cha mẹ nói con trai mà chơi búp bê rất mất mặt; cha mẹ nói làm bác sỹ mới có nhiều tiền… Con trẻ bèn đem tất cả những lời này làm chân lý, căn cứ để sống.

Cha mẹ chính là vị thầy đầu tiên gây dựng cho con cái một nền tảng vững chắc để làm người, bất luận là tốt hay xấu, đều có ảnh hưởng đến con cái sau này. Ảnh dẫn theoucsf.edu

Có nhiều người bị những tư tưởng của cha mẹ ước chế, cả đời không thể có được những suy nghĩ, những lập trường độc lập. Con người vốn không ai hoàn hảo cả, nhưng chúng ta cần hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn, nhưng ngược lại, có những thứ xấu sẽ ảnh hưởng đến con cái cả đời.

Khi chúng ta lớn lên, điều đầu tiên là cần phải học cách có suy nghĩ, tư duy độc lập

Khi bước vào xã hội, giao tiếp với mọi người, với đủ kiểu suy nghĩ khác nhau, chúng ta cần dần dần điểu chỉnh những tư duy không tốt mà bản thân bị lệch lạc từ khi còn nhỏ. Cũng giống như cặp vợ chồng bạn tôi, vì suy nghĩ trọng nam khinh nữ, quan niệm không sinh con trai sẽ mất mặt để rồi dẫn tới ly hôn, làm hỏng cả một đời người. Gia đình chia cắt, con cái khổ sở, cuối cùng còn mất mặt hơn cả việc không có con trai.

Đáng lẽ cần phải suy nghĩ: “Cách nghĩ này của mình có đúng hay không? Đây là suy nghĩ của mình hay của cha mẹ?”. Chúng ta cần phải học cách bước ra khỏi cái lồng suy nghĩ được lập trình sẵn từ khi còn bé. Có như vậy, chúng ta mới trở thành những con người sáng suốt biết tư duy độc lập, mới có thể sống cuộc đời của chính mình chứ không phải cuộc đời của người khác.

Nếu như chúng ta đã làm cha làm mẹ, vậy càng cần phải học làm cha mẹ. Đời người vốn học không bao giờ là đủ cả. Cả đời yêu thương con cái, nhưng cũng cần học cách buông tay đúng lúc để chúng tự mình bước đi. Làm cha mẹ, hãy hoàn thiện chính mình, dẫn dắt con trẻ có suy nghĩ độc lập, không rập khuôn trưởng thành trong lối tư duy của người khác. Có nghĩ vậy mới là một người cha người mẹ sáng suốt.


 

Tác giả bài viết: Minh Vũ biên dịch

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập64
  • Hôm nay17,610
  • Tháng hiện tại40,023
  • Tổng lượt truy cập34,962,505
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây