Đời là bể khổ (Lời Phật). Sau khi nguyên tổ Adong phạm tội không vâng lời, Thiên Chúa đã phán: ngươi phải đổ mồ hôi máu mới có cơm ăn áo mặc, phải đau khổ và phải chết (St 13:17-19). Nhưng Thiên Chúa đã sai Đức Giêsu xuống thế làm người chịu chết chuộc tội cho chúng ta và qua phép Thánh Tẩy, chúng ta đã được Chúa ban ơn tha tội (Rm 5 và 6). Tại sao Chúa Giêsu vẫn dạy chúng ta phải vác Thánh giá mình mà theo Chúa. Giáo Hội, qua những Tin Mừng ở Chúa Nhật này, đã khuyên chúng ta phải vác Thánh giá như thế nào để được theo Chúa.
Hỡi muôn dân! Hãy vỗ tay vui mừng hoan hô kêu cầu lên Thiên Chúa (Tv 47/48:2)
Lạy Thiên Chúa, nhờ hồng ân nuôi dưỡng, Chúa đã chọn chúng con làm con cái của ánh sáng. Chúng con cầu xin Chúa đừng để chúng con bị bao phủ bởi bóng tối của sợ hãi nhưng luôn luôn đứng trong ánh sáng sự thật. Qua Chúa Giêsu Kitô, con một Thiên Chúa, Đấng hằng sống hằng trị với Chúa trong hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, là một Thiên Chúa duy nhất đến muôn đời đời. Amen.
Bài đọc 1 (2V 4:8-11, 14-16a) hôm nay mời gọị chúng ta suy niệm về tặng phẩm chúng ta có được do lòng thành khi tiếp khách. Đây là câu chuyện tiên tri Êlisa; ông thường xuyên dừng chân nghỉ tại nhà một gia đình giầu có khi đi ngang qua Shunem cách Samaria chừng 30 dặm về hướng Đông Bắc, thuộc miền đất của Issachar là một trong 12 chi bộ Israel. Người thiếu phụ không rõ tên nhưng là người đầu tiên đã mời Elisa dùng cơm tối tại nhà mình và nói với chồng chuẩn bị một phòng cho Êlisa ở mỗi khi Êlisa đến Shunem mà không cần biết Êlisa là ai ngoài ý nghĩ ông ta là một thánh nhân của Thiên Chúa. Có lẽ bà ta là một người giầu có và quyền thế nên không vì thế mà quên rằng đa số những phụ nữ thời xưa không ham danh lợi và ảnh hưởng. Để đáp trả lòng hiếu khách ấy của bà, Êlisa đã hỏi người hầu của mình là phải làm gì để đền ơn đó, và được biết là bà ta không có con trai.
Đây là một vấn đề rất quan trọng. Không có con trai là sẽ không có người săn sóc mình khi tuổi già và cũng chẳng có ai để nối dõi giòng giống. Người xưa quan niệm người đàn bà là quyết định việc nối dõi tông đường nên phải có con trai. Không con trai là một tủi nhục. Vì vậy Êlisa nói tiên tri là bà ta sẽ có con trai quả là một quà tặng vĩ đại cho cặp vợ chồng này.
Qua những câu tiếp theo bài đọc này chúng ta thấy bà ta có cẻ hoài nghi và xin tiên tri đừng để bà phải mừng hụt (2V 4:16). Và Êlisa đã không làm bà ta thất vọng. Một năm sau khi ông tiên đoán, bà đã sinh được một con trai khỏe mạnh. Nhưng thảm cảnh đã xẩy ra là người con bị bệnh nhức đầu và chết (2V 4:18-20). Người đàn bà can đảm và quyết định này đã cầu cứu Êlisa xin cho con bà được sống. Và con trai của bà đã sống lại. Thế là bà đã được phần thưởng hai lần do lòng hiếu khách của bà (2 V 4:22-37).
Giống như những chúa nhật trước, bài đọc 2 (Rm 6:3-4, 8-11), được trích từ thư gửi tín hữu Rôma của thánh Phaolô nóí về phép Thánh tẩy. Nước là một yếu tố thích hợp với nghi thức rửa tội, vì chữ baptizb tiếng Hy Lạp có nghĩa là “nhúng vào hay chìm sâu vào”. Theo thánh Phaolô, phép rửa là một thông phần với sự chết của Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã “sống lại từ cõi chết” để cho chúng ta có được một đời sống mới và sống với Đức Kitô. Phaolô cho rằng vì tội lỗi nên tử thần đã xâm nhập vào loài người. Chúa Giêsu phục sinh chính là một khải hoàn trên tội lỗi và sự chết. Do đó dìm vào nước là một biểu hiệu rất thích hợp với sự chết nhưng lại trồi ra khỏi nước phải là dấu hiệu của một cuộc sống mới. Phaolô tiếp tục bảo đảm với độc giả là, bây giờ Chúa Giêsu đã khải hoàn sống lại thì sẽ không bao giờ có thể chết trở lại. Cũng như vậy, chúng ta đã “chết cho tội lỗi” nghĩa là cách sống cũ của chúng ta thì chúng ta được coi như “sống cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.” Qua nước của phép rửa, chúng ta được sống lại với đời sống mới của hồng ân Chúa Giêsu, Đấng đã chết và chịu táng trong mồ rồi sống lại. Tương tự như vậy, chúng ta đã chết trong tội lỗi để được sống cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.
Vậy tại sao Chúa lại nói “Muốn theo Chúa thì phải sẵn sàng từ bỏ mọi sự”? Đây là một thách đố khá cam go. Bài Tin Mừng Máthêu hôm nay (Mt 10:37-42) chính là một thách đố và gồm có hai phần. Phần đầu Chúa Giêsu tranh luận về giá trị của những người theo Chúa dựa vào việc họ nghĩ thế nào về những người trong gia đình mình, để rồi đi đến những lời khuyên quá gai góc mà họ phải đối diện. Dù cho có giảm bớt căng thẳng thì tiếng“kẻ nào”hay “ai” yêu cha mẹ hơn ta... cũng đã như cái neo buộc họ vào cọc rồi. Phần hai nói về ý nghĩa luân lý và thiêng liêng của phần thưởng mà Chúa Giêsu muốn truyền đạt cho các môn đệ và những ai muốn lắng nghe và theo giảng huấn của Chúa. Trong bài thuyết giảng này, tác giả nhắc đến tên 12 môn đệ (Mt 10:1-4) và miêu tả Chúa Giêsu đã sai họ ra đi nhập thế trong dân nhà Israel để thi hành sứ vụ giảng Lời Chúa và chữa lành thế nào (Mt 10:5-15). Nhưng trước khi đi, Chúa Giêsu đã nói cho họ biết họ sẽ phải trực diện với nhiều gian nan thử thách trên đường đi. Họ sẽ bị truy nã và phải tỏ ra can đảm. Tuy nhiên họ cũng được an ủi và khuyến khích. Thiên Chúa đã lo lắng và che chở cho họ như chim trời, cả con chim sẻ nhỏ tí cũng đã được Ngài săn sóc lo lắng và chở che, chẳng lẽ Ngài lại không bảo vệ che chở họ sao? Chúa cũng báo động cho họ biết Chúa Giêsu sẽ là căn cớ gây chia rẽ trong những cộng đồng mà họ thăm viếng và ngay cả trong gia đình (Mt 10:16-36).
Đây là bối cảnh của bài giảng huấn Tin Mừng Phúc Âm hôm nay về nghĩa vụ của người môn đệ. Chúng ta được kêu gọi phải yêu Chúa Giêsu hơn cả cha mẹ con cái, phải vác thánh giá mình mà theo Chúa Giêsu cho dù có phải chết. Đó là đòi hỏi căn bản. Sự thành công của đòi hỏi này phụ thuộc vào lòng hiếu khách trong những mục vụ tương ứng. Văn hóa của miền Cận Đông cổ xưa lại thực hành theo hệ thống bảo trợ nghĩa là chủ nhà có trách nhiệm bảo vệ hoặc cung cấp nhu cầu cho khách, đồng thời khách cũng đáp ứng lại bằng một hành động hay cử chỉ gì đó đối với chủ nhà. Điều này có nghĩa là -trong một số trường hợp- khách sẽ là người trung gian cho chủ nhà với người có quyền thế để làm bất cứ điều gì mà chủ nói hay ước muốn. Vậy người môn đệ được sai đi nhập thế trong muôn dân làm đại diện cho Chúa Giêsu thì cũng là đại diện cho Thiên Chúa. Nếu chúng ta đặt nặng giá trị cuộc sống hằng ngày của chúng ta, chúng ta sẽ mất nó đi như Chúa Giêsu nói. Còn nếu chúng ta thực hành lòng hiếu khách, chỉ một chén nước lã cho những đứa con thấp hèn nhất của Thiên Chúa, chúng ta cũng sẽ nhận được phần thưởng của Thiên Chúa ban bù lại cho.
Xem vậy câu “từ bỏ cha mẹ anh chị em mình...” tuy là một đòi hỏi rốt rối và căn bản, là một thách đố cam go ai thưc hành được mới là anh hùng và xứng đáng là người môn đệ của Chúa Giêsu. Từ bỏ dĩ nhiên không có nghĩa là đoạn tuyệt mọi sự cả vật chất lẫn tinh thần. Theo tinh thần bác ái và yêu thương mà Chúa đã dạy thì người môn đệ không dứt bỏ cha mẹ anh chị em minh theo nghĩa đen như vậy.
Đ/c: Lạy Chúa! Muôn đời con sẽ ca ngợi lòng nhân từ của Chúa.
Con sẽ ca ngợi lời hứa của Chúa đến muôn đời;Đ/c: Lạy Chúa! Muôn đời con sẽ ca ngợi lòng nhân từ của Chúa.
Phúc cho những ai biết kêu vang nỗi vui mừng;Đ/c: Lạy Chúa! Muôn đời con sẽ ca ngợi lòng nhân từ của Chúa
Chúa là vẻ huy hoàng sức mạnh của họ,Đ/c: Lạy Chúa! Muôn đời con sẽ ca ngợi lòng nhân ái của Chúa. Amen.
Nguồn tin: Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn