KHO BÁU NƯỚC TRỜI

Chủ nhật - 30/07/2023 09:38
tải xuống (2)
tải xuống (2)
Chúa Giêsu mặc khải Nước trời như một kho báu quý giá. Trong dụ ngôn thứ nhất, chúng ta thấy hình ảnh kho báu được giấu kín: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng” (Mt 13: 44). Trong dụ ngôn thứ hai, chúng ta thấy hình ảnh một viên ngọc trai rất giá trị: “Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp” (Mt 13: 45). 
Chúa Giêsu cho thấy Nước trời là vô giá. Ngài chỉ ra cho chúng ta một giá trị lớn lao. Nhưng là người phàm, vốn chỉ mải mê tìm kiếm những sự trần gian, chúng ta không nhìn ra giá trị nơi lời giảng dạy của Chúa Giêsu hoặc nơi những gì Ngài đang cố gắng đem lại. Isaia đã tiên tri về tình cảnh của Chúa Giêsu khi Ngài đến trần gian: “Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới” (Isaia 53:3).
Như vậy, Isaia nói rằng người ta không coi trọng giá trị phi thường của Chúa Giêsu. Người ta không xem Ngài là kho báu. Người ta không coi trọng Nước trời mà Ngài đang mang đến để họ vui hưởng. 
Ra đi tìm kiếm 
Làm thế nào mà người kia tìm thấy một kho báu ẩn giấu? Người ấy hẳn đã tìm kiếm nó. Chúng ta thấy ý tưởng này được khẳng định trong dụ ngôn thứ hai. Thương gia đi tìm kiếm ngọc đẹp và làm tất cả những gì có thể để có viên ngọc đó: “Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13: 46).
Cũng thế, chúng ta cần phải đi tìm kho báu, đi tìm giá trị lớn nhất cho cuộc sống của chúng ta. Tất cả chúng ta cần phải đi tìm một điều gì đó tốt lành hơn những thứ của cải vật chất trần gian này. Nhưng trên thực tế, Satan sử dụng của cải vật chất trần gian để chống lại việc đi tìm giá trị vĩnh cửu đó: “Chúng bảo: "Chúa Trời đâu có biết, Đấng Tối Cao nào hiểu chuyện chi!” (Tv 73: 11). Nó nói với chúng ta rằng những của cải vật chất trần gian này là giá trị và kho báu lớn nhất cho cuộc sống của chúng ta rồi, không cần tìm điều gì khác nữa: “Vậy, nào đến đây, hưởng lấy của đời này, tuổi còn trẻ, ta cố mà tận dụng hết những chi đang có sẵn trên trần. Nào, ta say rượu quý, ta ngất hương thơm, những đoá hoa xuân, ta đừng bỏ phí. Nụ hoa hồng, ta đem kết triều thiên trước khi hoa tàn lụi. Đừng ai vắng trong các cuộc truy hoan, dấu vết ăn chơi, ta để lại khắp nơi khắp chốn, bởi đó chính là phần, là số ta được hưởng” (Khôn ngoan 2: 6-9). 
Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy con người đang tìm kiếm nhiều thứ, rất nhiều. Họ đang tìm kiếm giá trị, kể cả ý nghĩa cho cuộc sống của họ. Nhưng họ nghĩ và sống như thể những kho báu ấy, ý nghĩa của cuộc sống ấy, hệ tại những gì họ cân đo đong đếm được theo tiêu chuẩn giá trị thực dụng của trần thế này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: "Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu! Rồi ông ta tự bảo: "Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” (Lc 12: 16-21).
Giá trị tiềm ẩn của kho báu
Kho báu thực sự với giá trị lớn lao được giấu kín. Kho báu của Chúa không lộ liễu. Chúa đã để kho báu đó ở nơi mà chúng ta phải tìm kiếm thì mới thấy. Chúa Giêsu và kho báu Nước trời của Ngài chỉ được trao cho những ai thực sự muốn có nó. 
Trong hai dụ ngôn này, cả hai người đều bán tất cả những gì họ có để mua kho báu: “Kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy” (Mt 13: 44). Người lái buôn bán tất cả những gì mình có và mua viên ngọc quý: “Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13: 46). 
Tại sao người chủ viên ngọc lại bán viên ngọc quý cho thương gia? Tại sao chủ ruộng lại bán ruộng cho người đã tìm thấy kho báu bị giấu kín? Bởi vì họ không nhìn ra giá trị trong những gì họ sở hữu. Họ có kho báu lớn ngay trước mặt nhưng họ không nhận ra giá trị to lớn của nó và do đó họ không coi trọng nó. Đây là bóng tối mà cả thế giới bị bao trùm như lời Tin Mừng theo Thánh Gioan nói: “Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách” (Ga 3:19).
Chúa Giêsu đến trong trần thế. Ngài đã từng nói: “Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10:39). Ngài cũng nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16: 24-26). Điều gì xảy ra trong tâm trí và cõi lòng của chúng ta khi nghe những lời này? Chúng ta bắt đầu nghĩ về nỗi đau phải từ bỏ chính mình, đến sự hy sinh vác thập giá để theo Ngài. Chúng ta không nhận ra, thậm chí không cho rằng những thói hư, tội lỗi và việc làm xấu xa của mình cần phải từ bỏ để nhận được giá trị vượt trội là được biết Chúa Kitô. Vấn đề là chúng ta không nhìn thấy giá trị của Ngài. Đây là những gì ngớ ngẩn trong quyết định của chúng ta. Mỗi người trong chúng ta rồi sẽ chết. Chúng ta không thể giữ bất cứ thứ gì chúng ta có. Tất cả mọi thứ trên trần thế này rồi ra sẽ là hư không. Chúng ta có khờ dại không khi chấp nhận rằng thà có đôi chút vui vẻ bây giờ với những cái phù hoa mau qua còn hơn là từ bỏ những cái ấy để có được niềm vui vĩnh cửu? Chúa Giêsu đang cố gắng mở đôi mắt mù lòa của chúng ta và cho chúng ta thấy rằng Ngài là kho báu ẩn giấu lớn hơn tất cả những gì có trong cuộc sống và Ngài đáng để chúng ta đánh đổi mọi thứ trong cuộc đời mình để có được Ngài.
Hai người trong dụ ngôn này có thái độ đau buồn và miễn cưỡng như chúng ta không? Họ có thất vọng vì nghĩ rằng phải đánh đổi nhiều quá để có được viên ngọc trai không? Họ bán tất cả những gì họ có bởi vì họ thực sự muốn như vậy. Chúa Giêsu nói rằng họ bán tất cả những gì họ có trong niềm vui của mình. Họ vui vẻ từ bỏ mọi thứ. Làm sao chúng ta có thể vui vẻ từ bỏ mọi thứ chúng ta có? Điều gì sẽ khiến chúng ta thoát khỏi mọi thứ? Chỉ có một cách đem lại sức mạnh cho chúng ta để thực hiện điều này: hiểu thấu giá trị của kho báu. Những người hiểu được giá trị vượt trội của Chúa Giêsu và vương quốc của Ngài sẽ vui mừng từ bỏ mọi thứ, vui vẻ nói không với tội lỗi. Họ sẽ vui mừng dâng đời sống mình cho Chúa Giêsu, hân hoan đi theo Ngài.  Họ sẽ vui mừng hy sinh mạng sống vì Chúa Giêsu. Chúng ta hãy lắng nghe thánh Phaolô bày tỏ ý tưởng này: “Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8: 18) và “Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Chúa Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Chúa Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Ngài, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Chúa Kitô và được kết hợp với Ngài. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Chúa Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin” (Philíp 3: 7-9).
Và trong bài đọc thứ hai hôm nay, thánh Tông đồ nói: “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Ngài, tức là cho những kẻ được Ngài kêu gọi theo như ý Ngài định. Vì những ai Ngài đã biết từ trước, thì Ngài đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài, để Con của Ngài làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Ngài cũng kêu gọi; những ai Ngài đã kêu gọi, thì Ngài cũng làm cho nên công chính; những ai Ngài đã làm cho nên công chính, thì Ngài cũng cho hưởng phúc vinh quang” (Rm 8: 28-30).
Cho đi Tất Cả Vì Chúa Giêsu
Thánh Phaolô có cái nhìn mà Chúa Giêsu đang dạy trong dụ ngôn này. Thánh Phaolô từ bỏ mọi sự để có được giá trị vượt trội là được biết Chúa Kitô, bởi vì không gì trên thế gian này có thể so sánh được với việc biết Ngài và thuộc về Ngài: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Chúa Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Ngài, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Chúa Kitô và được kết hợp với Ngài” (Philíphê 3: 8-9). Điều này thực sự quan trọng. Nếu chúng ta không muốn hoàn toàn dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa Giêsu, thì chúng ta không quý trọng Ngài với giá trị vượt trội của Ngài. Chúng ta đang đặt cuộc sống của chính mình ở một tầm mức cao hơn Chúa. Chúng ta đang coi cách nghĩ và cách sống, những thú vui và mong muốn của chúng ta, sự giàu có, tiện nghi và giải trí, kể cả tội lỗi của chúng ta, có một giá trị cao hơn Chúa. Chúng ta không nhìn thấy giá trị đích thực. Không ai buồn bã vì phải bán những gì họ có, dù là tất cả, vốn chỉ đáng giá vài triệu đồng, nhưng lại mua được kho báu hàng tỷ đồng. Không ai có thể nói rằng điều này khó làm quá. Như vậy, chúng ta không đến với Chúa Giêsu và chán nản hỏi: “Sao tôi lại phải từ bỏ mọi sự vì Thầy?” Thay vào đó, cõi lòng của chúng ta sẽ bùng cháy và hỏi trong niềm vui: “Con phải làm gì để có được kho báu này?”
Vì vậy, việc tìm ra kho báu là không đủ, cũng như việc biết rằng có Chúa Giêsu là không đủ. Chúa Giêsu không kể những dụ ngôn này để chúng ta nghe rồi thôi.
Chúa Giêsu cần được chúng ta công bố Ngài là kho báu của cuộc đời của chúng ta bằng cách thay đổi cách sống của mình để Ngài thực sự là ưu tiên hàng đầu của chúng ta. 
Đừng để điều gì trong cuộc sống ngăn cản chúng ta có Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đáng được biết đến và đáng được chúng ta đánh đổi mọi thứ trong cuộc đời để có được Ngài. Chúng ta chưa quý trọng Chúa Kitô theo cách mà Ngài xứng đáng được và vì thế chưa nhận được kho báu mà Ngài ban cho mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta trân trọng Chúa Giêsu và muốn có Ngài, thì chúng ta hãy xin Chúa Giêsu như vua Salômôn: “Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe” (1 Vua 3:9) để: “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Ngài, tức là cho những kẻ được Ngài kêu gọi theo như ý Ngài định. Vì những ai Ngài đã biết từ trước, thì Ngài đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài, để Con của Ngài làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Ngài cũng kêu gọi; những ai Ngài đã kêu gọi, thì Ngài cũng làm cho nên công chính; những ai Ngài đã làm cho nên công chính, thì Ngài cũng cho hưởng phúc vinh quang” (Rm 8: 28-30). 
 

Nguồn tin: Phêrô Phạm Văn Trung ​​​​​​​

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập26
  • Hôm nay15,885
  • Tháng hiện tại308,821
  • Tổng lượt truy cập35,955,166
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây