CÔNG BẰNG VÀ TÌNH THƯƠNG

Thứ sáu - 22/09/2023 09:58
tải xuống (1)
tải xuống (1)
Trong cuộc sống đời thường, người ta hay nói đến công bằng như một lý tưởng phấn đấu và là một điều kiện căn bản để xây dựng một xã hội phồn vinh hạnh phúc.  Tuy vậy, ở đời này không bao giờ có công bằng tuyệt đối.  Bởi lẽ ngay khái niệm công bằng cũng được hiểu rất khác nhau, tùy theo quan điểm chính trị, văn hoá và xã hội của con người.
 
Thiên Chúa là Đấng công bằng.  Giáo huấn của Kinh Thánh khẳng định với chúng ta như thế.  Tác giả Thánh vịnh đã viết: “Quả thật Chúa là Đấng công bằng, ưa thích điều chính trực; những kẻ sống ngay lành được chiêm ngưỡng Thánh Nhan” (Tv 10,7).  Không chỉ công bằng, nơi Chúa còn có tình thương và lòng nhân hậu.  Ở đời này, hiếm thấy công bằng và tình thương đi đôi với nhau.  Dân gian ta thường nói: “Thương em anh để trong lòng, việc quan anh cứ phép công anh làm.  Điều đó cho thấy đã công bằng thì không (hoặc rất khó) mà có tình thương và không có sự nể nang tình nghĩa.  Đây cũng là điều cần thiết bởi nếu không xã hội sẽ rối loạn như giao thông không có đèn hiệu.
 
Dụ ngôn ông chủ vườn nho hôm nay chứng minh cho thấy: Thiên Chúa vừa công bằng và tràn đầy tình thương.  Thiên Chúa không hành động nhỏ nhen như con người.  Chúng ta thường có thói quen “suy bụng ta ra bụng của Thiên Chúa,” có nghĩa là chúng ta thường gán cho Thiên Chúa những cách xử sự nơi thế giới nhân loại, cũng hận thù và tiểu nhân.  Từ đó, chúng ta phàn nàn kêu trách Chúa khi đau khổ thiếu thốn.  Tệ hơn, nhiều lúc chúng ta phê phán Chúa vì Ngài tốt bụng với người khác.  Qua ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa đã khẳng định: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải đường lối của Ta…  Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy” (Bài đọc I).  Những lời này dạy chúng ta phải có cái nhìn rộng lượng hơn trong cách đối xử với tha nhân, như Thiên Chúa là Đấng bao dung và quảng đại.
 
Chúa Giêsu đến trần gian để mạc khải cho con người tình thương bao la của Chúa Cha.  Ngài thương hết mọi người và từng người, nhất là những tội nhân và những kẻ bé mọn.  Trong khi đó, nhiều người Do Thái, nhất là người Biệt phái và các luật sĩ lại ghen tỵ vì Chúa Giêsu.  Họ phê phán Chúa vì Người gần gũi những người tội lỗi và những kẻ bần cùng.  Dụ ngôn “thợ làm vườn nho” nhằm diễn tả lòng bao dung của Thiên Chúa và sự ích kỷ của con người.  Nếu Thiên Chúa là Đấng rộng rãi bao dung, thì con người lại quá nhỏ nhen ích kỷ.  Những người thợ đã làm từ đầu ngày ghen tương trước lòng tốt của ông chủ, trong khi đó, ông chủ vẫn làm đúng điều ông đã cam kết.  Ông không hề làm cho họ bị thiệt hại.  Họ ghen tương và phàn nàn bất mãn chỉ vì ông chủ tốt với người khác.  Thái độ của những người này làm chúng ta liên tưởng đến người con cả trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu” được Chúa nói trong Tin Mừng Thánh Luca (x. Lc 15, 25-32).  Anh ghen tương và phẫn nộ vì cha mình xử tốt với đứa em khi nó đi hoang trở về.  Đó cũng là thái độ của chúng ta, khi muốn Chúa phải xử theo ý muốn hẹp hòi của mình.
 
Đối lại với lời phàn nàn trách móc, ông chủ đã đặt ra hai câu hỏi: “Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao?  Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức?”  Qua hai câu hỏi này, ông chủ muốn phê phán những người thợ tự cho mình là đáng giá hơn người khác, để dựa vào đó mà phản đối lòng tốt của ông chủ.  Người chủ vườn là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng bao dung nhân hậu.  Ngài sai Con Một là Đức Giêsu đến trần gian để sống gần với họ.  Điều này làm những người tự coi là “công chính” không hài lòng.  Bởi lẽ, theo suy nghĩ của họ, chỉ có họ là được Chúa yêu thương.  Việc Chúa Giêsu gần gũi những người thu thuế và những người tội lỗi được họ coi như một thiệt thòi đối với họ, vì thế mà họ nổi loạn và trách móc phàn nàn.  Họ giống như một số người có thái độ “ghen ngược” trong xã hội hôm nay, kêu ca phàn nàn trách móc trong khi mình không có quyền gì để làm những điều đó.  Thiên Chúa yêu thương và cứu vớt những người bị đẩy ra bên lề cuộc đời.  Họ là những người không ai thuê, mặc dù vào giờ thứ mười một, tức là đã xế chiều.  “Không ai mướn chúng tôi!”  Lời này đã diễn tả tình trạng bi đát và khốn cùng của họ.  Không ai mướn, tức là ngày đó không có lương, và như thế, cả vợ con và gia đình họ cũng không có gì sống.  Ông chủ vườn nho là người thấu hiểu điều đó.  Vì vậy, ông trả lương cho họ giống như những người đã làm từ sáng.  Đó là đồng lương của lòng nhân hậu.
 
Ngày hôm nay, Thiên Chúa vẫn luôn tỏ lòng nhân hậu đối với con người, không phân biệt sang giàu hay đẳng cấp xã hội.  Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tự vấn lương tâm: “Đâu là thái độ của tôi đối với anh chị em đồng loại?”  Vì Thiên Chúa nhân hậu bao dung, nên Ngài mời gọi chúng ta hãy sám hối và bỏ đường tà, đoạn tuyệt với quá khứ, thay đổi con tim và canh tân cuộc sống: “Hãy trở về với Chúa – và Ngài sẽ xót thương, về với Thiên Chúa chúng ta vì Ngài rộng lòng tha thứ” (Bài đọc I).
 
Những lo toan bận tâm thường ngày không thể cản trở chúng ta tìm kiếm Nước Trời.  “Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Kitô” – Thánh Phaolô khuyên chúng ta như vậy.  Đối với thánh nhân, sự sống hay sự chết chẳng là một điều bận tâm, vì đối với những ai yêu mến Chúa thực sự thì họ chắc chắn được lãnh nhận phần thưởng Nước Trời.  Lòng mến Chúa yêu người sẽ thôi thúc chúng ta thực hiện những gì Chúa muốn: “Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo.  Người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với Đức Chúa – và Người sẽ xót thương” (Bài đọc I).
 
Chúa là chủ vườn nho bao dung nhân hậu.  Tuy vậy, chúng ta không dựa vào lòng nhân hậu của Chúa mà trễ nải khi được mời gọi vào vườn nho của Ngài.  Những người thợ được nêu trong Tin Mừng, khi được mời, đều sẵn sàng nhận lời.  Vì vậy mà họ đáng được thưởng công.  Vườn nho của Chúa là Giáo Hội, nơi mỗi người tìm thấy bầu khí gia đình thân thương.  Vườn nho của Chúa chính là cuộc đời, nơi chúng ta được sai đến để làm chứng cho lòng nhân hậu của Thiên Chúa.  Ý thức được điều này, chúng ta sẽ nhận ra giá trị của cuộc sống, nhất là niềm vinh hạnh vì được làm con cái Chúa.
 

 

Nguồn tin: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập16
  • Hôm nay8,909
  • Tháng hiện tại104,165
  • Tổng lượt truy cập34,736,884
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây