TÌNH YÊU ĐƯỢC CHỨNG MINH BẰNG VIỆC LÀM

Chủ nhật - 22/10/2023 22:09
tải xuống
tải xuống
Trong cuộc sống cá nhân của mỗi chúng ta, lời nói và việc làm thường có những khoảng cách xa vời, thậm chí có lúc hoàn toàn trái ngược nhau.  Những bài diễn thuyết hùng hồn với những mỹ tự bóng bảy nhiều khi chỉ là đồ trang trí cho những tư tưởng rỗng tuếch, nhất là với thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay.  Với công nghệ quảng cáo tiếp thị, cái gì cũng nhất thế giới, đồ gì cũng là chất lượng hàng đầu… suy cho cùng, chỉ là sự dối trá.  Để chứng minh lời nói của một người có thật hay không, người ta phải kiểm chứng việc làm của người đó.  Thiếu việc làm, tình yêu chỉ là chót lưỡi đầu môi và giả tạo.
 
Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay nói đến một người cha và hai người con.  Người cha sai hai con đi làm vườn nho.  Hình ảnh vườn nho một lần nữa lại được Đức Giêsu dùng để so sánh với cuộc đời.  Chúng ta dễ nhận ra, nơi hình ảnh người cha này là chính Thiên Chúa.  Người cha này có hai người con.  Một người, khi được cha trao việc thì chối từ, nhưng sau hối hận; người thứ hai mau mắn nhận lời, rồi lại không làm.  Kết luận Chúa Giêsu đưa ra là: việc làm và đời sống của một người là tiêu chuẩn lượng giá về nhân cách của người ấy chứ không phải lời nói.  Người con thứ nhất tuy từ chối lời đề nghị của cha mình, những đã sớm hối hận và đã đi làm vườn nho cho cha.  Người con này được kể là người con hiếu thảo và được cha yêu mến.  Trái lại, người con thứ hai khi được trao việc thì nhanh nhảu nhận lời, nhưng rốt cuộc lại không làm gì.  Đây là người con chỉ vâng lời và hiếu thảo bằng môi mép, còn trong thực tế thì lười biếng và dối trá.
 
Hai người con tượng trưng cho hai lối sống, hai trào lưu, hai quan niệm và cũng là hai cách thực hành đời sống Đức Tin của chúng ta.  Có thể hai nhân vật ấy đồng thời hiện hữu trong chính con người của mỗi chúng ta, khi chúng ta bị cám dỗ sống giả hình hoặc bất tuân.  Thiên Chúa là Cha vẫn luôn mời gọi chúng ta làm điều thiện.  Trước lời mời gọi ấy, có những người “miệng nói hay, mà tay không làm.”  Trái lại, có những người khước từ rồi sau đó nhận ra lẽ phải và gắng công thực hiện ý Chúa.
 
Trong bối cảnh xã hội hôm nay, cách thức thực hành Đạo bị ảnh hưởng nghiêm trọng.  Tại nhiều nơi và đối với nhiều người, đời sống Đức tin chỉ dừng lại ở những nghi lễ bề ngoài mà ít để ý đến chiều sâu và đời sống nội tâm.  Theo lẽ thường tình, một khi hình thức tăng thì nội dung giảm.  Khi người ta quá chú trọng đến bề ngoài thì dễ quên bề trong.  Tại nhiều nơi, lời kêu gọi học hỏi giáo lý để giúp sống Đạo bị bỏ ngoài tai, thậm chí giáo dân còn “tìm cách bỏ trốn” mỗi khi đến giờ học giáo lý.  Hậu quả của việc không học giáo lý là một Đức tin mờ nhạt, một lối giữ đạo nửa vời.  Nhiều bạn trẻ đã mất Đức tin khi tiếp cận với nền văn minh và lối sống đô thị.
 
Lời Chúa hôm nay cũng dạy chúng ta cần thận trọng khi nhận định về tư cách của một người.  Chắc hẳn những người có mặt lúc Chúa Giêsu tuyên bố những lời này cảm thấy “sốc:”  “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.”  Lời tuyên bố của Chúa đảo ngược bậc thang giá trị mà người Do Thái thường dựa vào để nhận định một con người.  Thì ra, những người mũ cao áo dài chưa chắc đã là những người thánh thiện.  Những người biệt phái và luật sĩ dù khôn ngoan chưa hẳn đã là những người ngay chính.  Để nhận định tư cách của họ, còn phải xem đời sống hằng ngày của họ ra sao, họ có thực hành đức công bình mà họ vẫn rao giảng hay không, đó mới là điều quan trọng.  Một người có quá khứ tội lỗi, nhưng thành tâm thiện chí ăn năn hối cải, thì họ được Chúa tha thứ.  Trong cuộc sống, vì có một quá khứ nghiện ngập, tù đầy khi muốn hoàn lương vẫn gặp phải những thành kiến của những người xung quanh, để rồi những người muốn làm một con người bình thường mà cũng không được.  Ngôn sứ Edêkien đã truyền lại lời của Chúa: “Nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu thoát mạng sống mình!”   Vâng, trong cuộc đời, chúng ta còn khắt khe hơn Thiên Chúa trong việc xét đoán anh chị em mình.  Những người thu thuế và những cô gái điếm được vào Nước Trời, vì họ đã để cho Lời Chúa thấm nhập và thay đổi cuộc đời tội lỗi của họ.  Họ đã can đảm đoạn tuyệt với quá khứ xấu xa, để mặc lấy Đức Giêsu phục sinh, trở nên con người mới, thánh thiện tinh tuyền.  Như thế, đối với Chúa, không thể vin vào một quá khứ xa xưa – dù tốt lành – để biện minh cho những lỗi lầm mình đang phạm.  Thiên Chúa công minh vô cùng trong xét xử.  Ngài vừa công bằng vừa giàu lòng thương xót.
 
“Hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau.  Đừng làm chỉ vì ganh tỵ hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình.”  Đó là lời khuyên của Thánh Phaolô gửi tới cộng đoàn tín hữu Philiphê.  Khi nhấn mạnh đến đức khiêm nhường, vị Tông đồ dân ngoại trình bày Đức Giêsu như mẫu mực và lý tưởng của mọi Kitô hữu: Người là Thiên Chúa đã tự huỷ, mặc lấy thân nô lệ, sống như người trần thế vì yêu thương chúng ta (Bài đọc II).  Những ai tiến bước theo Chúa Giêsu sẽ đẹp lòng Thiên Chúa Cha.
 
Hãy bớt những lời nói và hãy gia tăng việc làm.  Hãy nói ít và nghe nhiều.  Hãy học sống thinh lặng để cảm nhận sự hiện diện của Chúa và những điều kỳ diệu Chúa làm quanh ta.  Những điều kỳ diệu ấy, ta chỉ có thể cảm nhận bằng Đức tin và tình mến Chúa yêu người.
 

 
 
 

Nguồn tin: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập21
  • Hôm nay8,909
  • Tháng hiện tại102,719
  • Tổng lượt truy cập34,735,438
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây