KHÔNG LÙI BƯỚC, QUYẾT TÂM RAO GIẢNG

Thứ năm - 20/07/2023 05:05
tải xuống (3)
tải xuống (3)

 

Thưa anh chị em,

Chúa Nhật hôm nay và các Chúa Nhật sắp tới, Đức Giêsu sẽ dùng dụ ngôn để rao giảng về Nuớc Thiên Chúa. Dụ ngôn là những câu truyện ngắn mà Đức Giê-su dùng để gửi gấm sứ điệp. Thông thuờng, sứ điệp nằm ở phần kết luận. Như vậy, các chi tiết trong dụ ngôn không ám chỉ nhân vật hay một nhóm người nào hết. Nhưng việc giải thích và áp dụng là việc mình làm miễn sao cho đúng ý Chúa và thích hợp với hòan cảnh của thời đại mình.

Trong Chúa nhật thứ 15 hôm nay, Đức Giêsu nói về dụ ngôn ‘người gieo giống’. Trong phần Phụng vụ Lời Chúa, chúng ta được quyền chọn lựa giữa hai bản văn. Bản văn ngắn từ câu 1 cho đến câu 10, mô tả công việc của người gieo giống, còn bản văn dài nối thêm phần thắc mắc của các môn đệ và giải thích của Đức Giê-su về ý nghĩa của dụ ngôn. Và nếu như cộng đoàn nghe bài dài thì trong đó đã có phần giải thích và theo tôi thì phần đó có thể thay thế cho bài suy niệm hay phần giảng thuyết hôm nay, thì quá đủ rồi.

Nhưng nếu đọc kỹ lại, chúng ta thấy số phận các mảnh đất khô cằn, chúng nó làm gì nên tội mà bị kết án. Mảnh đất không tự nó sinh ra hoa trái. Từ nguyên thủy thì mảnh đất đã có sỏi đá, bụi gai hay các chuớng ngại khó làm cho nó trổ sinh hoa trái… Chính vì thế, chúng ta cũng nên tìm hiểu công việc trồng cấy của những người theo nghề nông nghiệp sống cùng thời với Đức Giêsu rồi sau đó khám phá ra sứ điệp của Chúa cho chúng ta.

Vào thời của Đức Giê-su, kỹ thuật trồng cấy còn thô sơ và hoang dã; chưa được tân tiến và hiện đại như hôm nay. Người gieo giống gieo hạt trước rồi sau đó mới đào xới đất để vùi nó xuống. Vì thế, làm sao người gieo giống có thể chọn đâu là đất tốt để gieo hạt; ông ta phải chấp nhận một thực tế là sẽ có các hạt rơi trên đường, trên mặt sỏi đá hay nằm giữa bụi gai như được mô tả trong dụ ngôn.

Đối với lối suy nghĩ của chúng ta thì xem ra gieo hạt như thế thì quả thật hoang phí, nhưng không phải như thế mà ông ta chần chừ rồi không làm gì cả, bởi vì không gieo thì lấy gì mà gặt. Trên thực tế và dựa vào kinh nghiệm của người gieo giống thì ông ta biết rằng mỗi hạt giống rơi vào đất tốt sẽ mang lại năng suốt từ ba mươi, sáu mươi hay một trăm lần. Như vậy, sản lượng mà hạt giống rơi vào đất tốt đem lại hoa trái cho người gieo thì vượt xa những mất mát khi chúng rơi vào bụi gai hay rơi vào đất khô cằn sỏi đá. Xem ra, năng suốt mà những hạt rơi vào đất tốt quá dư để bù lại những mất mát kia.

Đó là truyện của người gieo giống. Còn khi kể dụ ngôn này Đức Giê-su muốn nhắn gửi cho chúng ta thông điệp gì. Một cách cụ thể, Đức Giê-su chia sẻ cho chúng ta về kinh nghiệm gieo hạt giống Lời Chúa của Người. Đức Giê-su là Ngôi Lời. Chính Người là Lời Thiên Chúa. Người đến rao giảng và ban phát ân huệ của Nuớc Thiên Chúa; nhưng ân huệ và Lời rao giảng của Người như rơi vào sỏi đá và bụi gai, hậu quả là Người đã bị trục xuất ra khỏi hội đuờng! Trong khi Lời Người rao giảng và uy quyền của Chúa xuất phát từ Thiên Chúa, thì lại bị đánh giá là do quyền lực của ma quỷ! Hơn thế nữa, những người theo Chúa có mấy ai tuân phục ý Người, dân chúng theo Người cũng chỉ vì quyền lợi và nhu cầu bản thân: đuợc bánh ăn cho khỏi đói…

Nhìn chung, Đức Giêsu đã thất bại… Nhưng không vì thế mà Người mất niềm tin vào việc rao giảng và công bố Lời Chúa. Người không lùi buớc, gieo và tiếp tục gieo trồng hạt giống, gieo trong niềm hy vọng là Thiên Chúa sẽ họat động trong và nơi các vùng đất tốt để làm cho nó sinh hoa kết trái, chỗ thì ba mươi, nơi thì sáu mươi, chỗ nọ một trăm. Ai nghe và cộng tác thì đạt kết quả.

Trong cùng một lối suy tư đó, tôi nghĩ đến hòan cảnh thực tế của chúng ta, các môn đệ, những người đã bị Lời chiếm đoạt, nói chung là những kẻ tin, không thể nhìn thấy các khó khăn rồi buông xuôi và thất vọng. Hãy tiếp tục reo vãi, gieo trồng cho đến khi Thiên Chúa ban cho kết quả. Và điều này đã được ngôn sứ I-sa-ia khẳng định trong bài đọc một nói về hiệu quả của Lời Thiên Chúa, đó là một khi Lời đã được xuất phát từ miệng Chúa thì sẽ không trở về với Người nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Người, chưa chu toàn sứ mạng mà Thiên Chúa giao phó.

Thưa anh chị em,

Giờ đây chúng ta hãy dành đôi phút để kiểm tra hiệu quả của Lời trên cuộc sống mình. Về việc áp dụng Lời của Thiên Chúa thì cuộc đời chúng ta giống như thủa đất trải qua nhiều mùa. Có những lúc chúng ta đối diện với các khó khăn, những bon chen của cuộc sống khiến cho tâm hồn của chúng ta tuy đã đón nhận Lời của Chúa, nhưng chưa bị chọc thủng hay đâm sâu nên không bén rễ. Rồi cũng có lúc chúng ta cảm thấy được Lời ủi an, nâng đỡ; nhưng khi cơn hoạn nạn trôi qua, những đớn đau không còn mình lại trở về lối cũ. Nói chung, tuy chúng ta là tín hữu, nhưng cuộc sống vẫn còn bám víu bởi danh vọng, uy tín, vụ hình thức mà chưa để cho Lời Chúa thấm nhập, điều khiển và hướng dẫn mọi hành vi cho nên chưa thể sinh hoat kết trái. Tuy là như thế, nhưng chúng ta phải tin rằng Lời vẫn hoạt động âm thầm cho đến một ngày nở sinh hoa trái bội thu để bù lại những mất mát do sự chọn lựa không theo Lời của mình.

Hơn thế nữa, mỗi người chúng ta còn được kêu gọi để rao giảng, muốn được như thế thì Lời phải được ăn sâu vào cuộc sống của chúng ta trước rồi sau đó với lòng kiên tâm, chúng ta miệt mài rao giảng cho đến khi Lời mang đến hiệu quả theo như ý Chúa. Trong tâm tình đó, với niềm kính trọng, xin gửi đến anh chị em, những người đang sống trong bổn phận làm cha mẹ, một kinh nghiệm mà tôi học được như sau.

Gia đình bạn tôi có 4 người con. Anh chị cố gắng chu tòan bổn phận và trách nhiệm làm cha mẹ trong môi truờng của một xã hội mà chính họ còn bỡ ngỡ. Khi còn nhỏ, cháu nào cháu ấy thật kháu khỉnh và dễ thương, chăm chỉ học hành, vâng lời anh chị, ngoan ngõan trong công việc. Đến khi cậu con trai lên mười tám, có bồ, bỏ học… mang cả bồ về nhà mà không xin phép bố mẹ… Cô gái thứ thua anh hai tuổi, cũng làm như thế, công khai đi với bạn trai và cũng đôi ba lần kéo nhau về nhà… Chú em thứ ba, nay đã đuợc mười tám, tuy không giống như anh chị cháu; nhưng đã làm cho anh chị buồn và lo lắng rất nhiều; còn cô gái út thì chưa biết ra sao?

Vẫn biết yếu tố văn hóa và tập tục của các thế hệ trong gia đình người bạn khác nhau, cho nên cách suy nghĩ về đời sống luân lý và lối sống đạo cũng khác. Nói như thế, không phải để bào chữa cho các cháu. Nhưng chúng ta không thể áp đặt lối suy nghĩ và cách sống đạo của chúng ta trên nếp trẻ được. Cuộc sống bất đồng và những ý nghĩa dị biệt vẫn có thể làm cho đôi bên dừng lại, nhìn lại chính mình rồi tìm ra một giải pháp thỏa đáng để thông cảm cho nhau.

Nói chung, anh chị đã cố gắng hết sức mình để trao ban những gì tốt đẹp nhất cho con cái mình. Thế mà kết quả lại không được như anh chị mong ước. Chúng ta thông cảm và chia sẻ nỗi khó khăn, niềm lo âu và cơn buồn phiền trong đời sống với anh chị. Chúng ta còn phải cảm phục lòng can đảm, hy sinh, lòng kiên nhẫn trong yêu thương mà anh chị dành cho các cháu. Anh chị vẫn kiên trì gieo những hạt giống trên thủa ruộng cuộc sống của các cháu, gieo miệt mài trong niềm hy vọng là các hạt giống đó sinh sinh hoa kết trái sau này.

Thưa anh chị em,

Dụ ngôn người gieo giống đuợc cụ thể hóa trong cuộc sống của chúng ta như thế đó. Chúng ta là những con người bất tòan mà còn biết hành xử với con cái mình như thế, gieo và tiếp tục gieo hạt giống tin yêu và hy vọng chờ ngày sinh hoa kết trái; phuơng chi là Thiên Chúa. Ngài yêu thuơng, tiếp tục ban phát ân huệ, kiên tâm chờ đợi kết quả của ngày mùa, đến mùa thu họach sẽ được bội thu, hạt thì ba mươi, hạt khác sáu mươi và hạt kia một trăm, v.v… Ai có tai thì hãy nghe.

Tóm lại, sứ điệp mà Chúa muốn gửi cho chúng ta hôm nay là lòng quảng đại và kiên tâm của Thiên Chúa, Đấng vì yêu thương đã không áp đặt, luôn tôn trọng quyền tự do của con người. Để đáp trả, chúng ta hãy đón nhận Lời Chúa, để cho Lời thấm nhập, ăn sâu vào tận đáy lòng của chúng ta, rồi hãy sống yêu thuơng, tha thứ, cởi mở, đón nhận và giúp nhau nở sinh hoa trái bội thu cho ngày mùa sẽ đến. Amen! 

 

Nguồn tin: Lm. Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập93
  • Hôm nay17,610
  • Tháng hiện tại39,993
  • Tổng lượt truy cập34,962,475
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây