Khi trình bày về thánh Giuse, người ta thích trình bày về dòng dõi hoàng gia để ca tụng sự cao trọng của ngài. Khi nói về Chúa cũng thế. Nhưng xem ra cách nhìn ấy hơi nghiêng về cách suy nghĩ của trần gian, bởi vì Đức Giêsu nói với ông Philatô rằng: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36); và trước đó, khi cầu nguyện với Chúa Cha cho các môn đệ, Ngài cũng nói: “Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian” (Ga 17,16). Vậy, sự hiển linh của Chúa nên được hiểu như thế nào?
Bản văn Isaia chương 60 được viết sau lưu đày Babilon thế kỷ 6 tCN là một cổ võ dân hồi hương trong việc tái thiết đất nước với màu sắc quốc gia: vinh quang Thiên Chúa sẻ tỏ hiện ở Giêrusalem, muôn dân sẽ về đó, mọi sự giàu sang của các dân cũng tuốn về đó! Nhưng đến ông Phaolô thì điều này được trình bày cách khác: với Đức Kitô, dân Do Thái và dân ngoại được quy tụ thành một thân thể và cùng được hưởng lời hứa của Thiên Chúa. Cũng chính ông đã đặt đối nghịch giữa sự khôn ngoan của thế gian nơi tinh thần phe nhóm vì cậy dựa vào vị thế các tông đồ với khôn ngoan của Thiên Chúa được biểu lộ qua thập giá của Đức Giêsu Kitô (x. 1 Cr 1-3).
Chỉ vì nghĩ về Đấng Messia theo tinh thần thế gian nên vua Hêrôđê lo sợ một cậu bé thuộc dòng tộc Đavít, còn các vị lãnh đạo tôn giáo, dù nắm vững lời các tiên tri, vẫn dửng dưng với một cậu bé yếu đuối không đáng kể gì, vì cậu bé này không ám hợp với hình ảnh Đấng Messia mà họ chờ đợi.
Cần thay đổi cách suy nghĩ về Thiên Chúa thì người ta mới nhận ra được cách Ngài tự biểu lộ và mới có thể cùng Ngài bước đi về vinh quang của ơn cứu độ, vì vinh quang ấy không giống như thế gian mong đợi. Bằng không, các cộng đồng đức tin vẫn cứ muốn thể hiện mình theo kiểu trần gian, vẫn muốn xây dựng điều mà họ gọi là Nước Thiên Chúa, nhưng thực ra không phải! Thiên Chúa thì khác và Nước Thiên Chúa cũng thế. mục lục
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Nguồn tin: Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn