Những sai lầm trong chế biến rau củ gây hại sức khỏe

Thứ tư - 01/10/2014 11:14

Những sai lầm trong chế biến rau củ gây hại sức khỏe

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, rau xanh cũng như các loại củ quả cung cấp nhiều vitamin cần thiết cho sự phát triển của cơ thể. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu biết đầy đủ về các nguyên tắc chế biến. Dưới đây là một số sai lầm nhiều người hay mắc phải.
1. Nhặt bỏ lá rau

Một số bà nội trợ có thói quen nhặt bỏ phần lá khi chế biến rau muống, rau nhúc... Đây là việc làm sai lầm và lãng phí bởi lượng vitamin có trong lá rau hay thân, cọng cũng nhiều như nhau.

2. Gọt hết vỏ rau củ

Nhiều người cho rằng vỏ rau củ thường là phần tiếp xúc với đất bẩn, bị phun hóa chất nên gọt bỏ hết vỏ cho an toàn. Tuy nhiên theo các chuyên gia dinh dưỡng, một số loại rau củ tươi mà vỏ chứa nhiều vitamin C hơn cả thân và lá như bí đỏ, củ cải, cà rốt, cà tím... Chính vì vậy, theo khuyến cáo ngoại trừ loại củ có vỏ cứng không nấu mềm được thì không nên gọt hết vỏ rau củ, chỉ cần rửa thật sạch trước khi chế biến là được.

3. Rửa rau 3 nước là sạch

Theo Tiến sĩ Phan Thanh Tâm, bộ môn Công nghệ thực phẩm - sau thu hoạch, Viện Công nghệ Sinh học thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội: Nếu nghĩ chỉ cần nhặt rau sạch và rửa qua 3 nước trong chậu là có thể loại bỏ hết tất cả các chất bẩn, vi khuẩn có trong rau quả là hoàn toàn sai lầm. Với cách rửa đó khó có thể loại bỏ được tối đa các tạp chất bẩn như đất, rác, ký sinh trùng hay vi sinh vật và các hợp chất hoá học như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật... mà mắt thường không nhìn thấy.

 - 1

 

 

Ảnh minh họa

4. Rửa nấm hương quá sạch hoặc ngâm nước

Trong nấm hương chứa ergosterol, sau khi tiếp nhận ánh sáng mặt trời sẽ chuyển thành vitamin D. Nhưng nếu trước khi ăn rửa quá sạch hoặc ngâm trong nước quá lâu sẽ làm tổn thất rất nhiều thành phần dinh dưỡng. Khi nấu nấm hương cũng không thể dùng nồi sắt hay nồi đồng, tránh làm mất chất dinh dưỡng.

5. Rửa rau sau khi cắt

Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, tốt nhất bạn nên rửa rau xong rồi mới cắt, như thế sẽ đảm bảo lượng vitamin vẫn còn nguyên vẹn. Lý do là vitamin có trong rau thường ở dạng nước nên nếu cắt rau xong mới rửa, bạn đã vô tình loại bỏ đi lượng lớn vitamin.

6. Cắt rau xong không nấu ngay

Đa phần vitamin trong rau ở trạng thái "dễ bay hơi". Vì thế sau khi cắt rau không nấu ngay mà để trong một thời gian dài, phần lớn vitamin sẽ bị ôxy hóa.

7. Nấu rau xong không ăn ngay

Thói quen ngâm rau sau khi tắt bếp sẽ làm mất đi lượng lớn chất dinh dưỡng. Vì vậy, khi nào chuẩn bị ăn cơm bạn hãy nấu rau để giữ được các loại vitamin trong rau xanh.

8. Cho quá nhiều rau vào chảo

Đôi khi vì quá vội vàng, nhiều người cho lượng lớn rau vào chảo để xào. Thực tế, lượng nguyên liệu quá lớn khiến nhiệt độ trong chảo giảm, phân bố không đều, rau phải om lâu. Điều này hoàn toàn bất lợi bởi các chất dinh dưỡng trong chúng nhanh chóng bay hơi. Thậm chí, nó còn khiến món ăn của bạn khó có thể chín đều.

9. Rau xanh đun đi đun lại nhiều lần

Rau đun lại nhiều lần sẽ làm mất đi một lượng lớn vitamin trong rau xanh, ăn vào không những không có lợi mà thậm chí còn có hại.

10. Để lửa nhỏ xào rau

Nếu dùng lửa nhỏ xào rau, rau sẽ bị om lâu và dẫn đến việc mất vitamin, đặc biệt là vitamin C và B1. Theo khuyến cáo, khi xào rau bạn nên dùng lửa to.

Một số loại rau chỉ nên ăn sống như dưa chuột, cà chua, xà lách...

11. Thời gian xào, nấu, luộc quá lâu

Các vitamin có trong rau củ rất "nhạy cảm", nếu được đun nấu dưới ngọn lửa nhỏ trong thời gian dài, nó rất dễ bị phân hủy. Vì thế chuyên gia dinh dưỡng khuyên thời gian xào nấu rau củ không nên kéo dài, tốt nhất nên đun với ngọn lửa lớn và không nên cho quá nhiều nước để giảm thiểu tổn thất vitamin.

Khi chế biến những loại rau lá xanh không nên nấu quá lâu. Nếu không, nitrate sẽ chuyển biến thành nitrit nitrat, dễ làm cho ngộ độc thực phẩm cho trẻ em. Đặc biệt, các loại rau đông lạnh càng không nên nấu quá lâu, nếu không sẽ làm mất đi khá nhiều dinh dưỡng.

12. Luộc tất cả các loại rau với thời gian tương đương nhau

Lỗi này thường gặp ở những người ít đứng bếp hoặc luộc nhiều rau cùng một lúc. Nên nhớ, mỗi loại rau chín ở mức nhiệt riêng. Việc trộn tất cả rồi luộc chung dễ khiến rau bị nhừ, nát trong khi một vài loại lại chưa kịp chín. Trường hợp muốn ăn rau thập cẩm, bạn có thể luộc từng loại rồi trộn với nhau, trình bày trên đĩa.

13. Chần qua rau rồi nấu cho an toàn

Thạc sĩ Nguyễn Mỹ Linh, bộ môn Rau và Cây gia vị, Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam cho biết, thói quen rửa và chần qua rau rồi mới nấu nhằm bảo đảm vệ sinh vừa đẹp màu khi ăn là không cần thiết, thậm chí là phí. Cách chần này vừa làm giảm vitamin vừa làm mất các chất giúp phòng ngừa bệnh ung thư có trong rau.

14. Tất cả các loại rau xanh đều cần được nấu chín

Thực tế, bông cải xanh, hành tây, ớt chuông… chứa nhiều dinh dưỡng hơn khi thưởng thức tươi sống. Với những loại rau này, bạn nên rửa sạch rồi tận dụng làm món salad sẽ tốt hơn. Trong khi đó, cà chua, măng tây, nấm… lại đặc biệt tốt khi nấu chín. Chính vì vậy, đừng áp dụng công thức chung cho tất cả các loại rau. Tùy vào đặc tính từng loại để chế biến thành món ăn ngon miệng, tốt cho sức khỏe.

15. Rau xanh có thể để lâu

Để tiết kiệm thời gian, nhiều người đặc biệt là “dân” văn phòng thường chỉ đi chợ một lần cho cả tuần, mua đủ loại thực phẩm và rau quả về “chất” trong tủ lạnh. Làm như vậy đương nhiên rất tiện lợi, có thể tiết kiệm được thời gian nhưng lại không biết rằng rau xanh càng để lâu càng mất đi nhiều dinh dưỡng.

Ví dụ các loại rau giàu vitamin C như rau ngót, rau cải sẽ hao tổn 84% vitamin C nếu để ở nhiệt độ 20oC trong 1 ngày. Nếu cần thiết phải “tích trữ” thì nên để ở nơi khô ráo, thoáng mát và không có ánh nắng mặt trời.

16. Chỉ ăn cái, bỏ nước

Khi xào rau, đại đa phần dinh dưỡng ở trong rau đều “hoá giải” vào hết trong nước, không uống thật là đáng tiếc.

17. Lưu trữ tỏi tây đã nấu chín sang ngày hôm sau

Tỏi tây để qua đêm sẽ trở thành chất độc. Tốt nhất nấu xong ăn luôn, không nên lưu trữ quá lâu. Nếu để quá lâu, lượng nitrate trong đó sẽ biến thành nitrite, gây ngộ độc. Ngoài ra, trẻ nhỏ tiêu hóa không tốt cũng không nên ăn tỏi tây.

18. Không nấu chín mướp đắng, giá đỗ

Chất đắng axit oxalic trong mướp đắng có thể cản trở sự hấp thụ canxi trong thực phẩm. Do đó, trước khi ăn mướp đắng phải luộc qua nước sôi để loại bỏ axit oxalic. Đặc biệt, những trẻ nhỏ cần phải bổ sung nhiều canxi không nên ăn quá nhiều mướp đắng.

Giá đỗ có vị ngon, bổ dưỡng, giàu dinh dưỡng, nhưng khi ăn nhất định phải nấu chín. Nếu ăn sống không nên ăn quá nhiều. Ăn nhiều giá đỗ sống dễ làm xuất hiện các triệu chứng khó chịu như buồn nôn, tiêu chảy, chóng mặt…

Trên đây là những sai lầm mà nhiều người thường mắc phải khi chế biến rau xanh. Nếu những thói quen này duy trì trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể. Thời gian kéo dài, sự hấp thu chất dinh dưỡng không đủ có thể gây tác hại đối với sức khỏe của con người.

 
 

 

Tác giả bài viết: Thanh Nguyen

Nguồn tin: Theo TH (Giadinh.net)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập80
  • Hôm nay9,085
  • Tháng hiện tại285,035
  • Tổng lượt truy cập35,551,316
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây