Sự tích về cây huyết dụ với dược tính huyền diệu

Thứ năm - 07/05/2015 01:12

Sự tích về cây huyết dụ với dược tính huyền diệu

Dân gian nhiều người biết về tác dụng chữa bệnh của cây huyết dụ, cây này cũng gắn với sự tích kỳ lạ.
Truyền thuyết về cây huyết dụ với dược tính thần kì

Huyết dụ là cây thuốc và cũng là cây cảnh được nhập trồng từ lâu đời. Tên gọi của nó bắt nguồn từ một truyền thuyết xa xưa…

Chuyện kể rằng, ngày xưa, có một người chuyên làm nghề giết lợn. Nhà anh ta ở cạnh một ngôi chùa. Hằng ngày, cứ mờ sáng, hễ nghe tiếng chuông chùa là anh ta thức dậy mổ lợn. Một hôm, sư cụ lên chùa nằm mộng thấy một người đàn bà dắt theo 5 đứa con nhỏ đến khẩn thiết xin cứu mạng, xin sư cụ sáng hôm sau hãy đánh chuông vào muộn hơn ngày thường. Khi tỉnh giấc, sư cụ cũng chưa hiểu rõ sự tình nhưng cũng thực hiện đúng lời thỉnh cầu, nên người đồ tể ngủ quên, dậy muộn quá, không kịp thịt lợn nữa.

Lỡ mất buổi chợ, anh đồ tể chạy sang chùa trách sư cụ, bèn được kể cho nghe về giấc mộng trên. Đến khi về nhà anh ta thấy con lợn cái mình mới mua hôm qua định giết thịt sáng nay đã đẻ được 5 lợn con rồi. Anh mang câu chuyện này kể lại cho bà con nghe, ai cũng nói: “Đúng là linh hồn của người đàn bà ẩn trong con lợn mẹ đã tìm cách cứu những đứa con của mình khỏi chết”.

Anh đồ tể ngẫm nghĩ rồi bàng hoàng hối hận vì đã giết rất nhiều sinh mạng, liền chạy về nhà cầm con dao bầu rồi sang cắm giữa sân chùa, thề rằng từ nay xin giải nghệ. Về sau, con dao hóa thành một loại cây có lá màu đỏ như máu, nhọn như lưỡi dao bầu và được người đời đặt tên là cây Huyết dụ. Cũng có chuyện kể rằng không biết anh này về sau thế nào, cũng có chuyện kể rằng anh này cố gắng tu hành và đắc quả vị Bồ tát. Không rõ thực hư ra sao nhưng trong Phật giáo xưa nay vẫn giảng rằng làm người phải tu Đức hành Thiện, giết người hại mệnh sẽ tổn Đức nặng nề. Đức tổn mất nhiều rồi thì đến lúc sẽ vô cùng khốn đốn.

cay huyet du

Huyết dụ (Cordyline terminalis Kunth) thuộc họ huyết dụ (Dracaenaceae), có tên khác là huyết dụ lá đỏ, thiết thụ, phất dũ, người Tày gọi là chổng đeng, tên Thái là co trướng lậu, tên Dao là quyền diên ái.

Theo kinh nghiệm dân gian, lá huyết dụ được dùng làm thuốc cầm máu chữa rong huyết, băng huyết (không được dùng trước khi đẻ hoặc đẻ rồi còn sót nhau), xích bạch đới, thổ huyết, lỵ ra máu, đái ra máu, ho ra máu, sốt xuất huyết.

Đông y cho rằng, huyết dụ có vị nhạt, tính mát, tác dụng làm mát máu, bổ huyết, cầm máu lại vừa làm tan máu ứ, giảm đau phong thấp nhức xương trị rong kinh, trị trĩ, xích bạch đới, kiết lỵ, lậu, sốt xuất huyết, thổ huyết, ho ra máu, tiểu tiện ra máu.

Liều dùng trung bình 20 – 30g lá tươi hoặc 8 – 16g lá khô cho các dạng thuốc sắc, có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

Theo ghi chép trong cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của giáo sư Đỗ Tất Lợi, cây huyết dụ có hai loại. Loại lá đỏ cả hai mặt và loại một mặt đỏ một mặt xanh. Cả hai đều dùng được nhưng loại toàn đỏ tốt hơn.

Không dùng trước khi đẻ hoặc đẻ rồi mà còn sót nhau, như vậy cổ tử cung sẽ co vít lại.

Một số bài thuốc dùng huyết dụ:

Chữa chứng sốt xuất huyết (kể cả các xuất huyết dưới da): Lá huyết dụ tươi 30g, trắc bá sao đen 20g, cỏ nhọ nồi 20g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần.

Chữa ho ra máu, chảy máu cam và chảy máu dưới da: Lá huyết dụ tươi 30g, trắc bá diệp sao cháy 20g, cỏ nhọ nồi 20g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần.

Chữa ho ra máu: Lá huyết dụ 10g, rễ rẻ quạt 8g, trắc bách diệp sao đen 4g, lá thài lài tía 4g, tất cả phơi khô, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần.

Chữa các loại chảy máu (kể cả xuất huyết tử cung, tiêu chảy ra máu): Lá huyết dụ tươi 40 – 50g (nếu sử dụng lá khô, hoa khô lượng chỉ bằng nửa lá tươi), sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần. Không dùng cho phụ nữ sau khi nạo thai hoặc đẻ sót nhau.

Chữa bạch đới, khí hư, lỵ, rong huyết, viêm dạ dày, viêm ruột, trĩ nội, hậu môn lở loét ra máu: Huyết dụ tươi 40g, lá sống đời (lá bỏng) 20g, xích đồng nam (lá băn) 20g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần.

Chữa vết thương hay phong thấp đau nhức: Dùng huyết dụ (cả lá, hoa, rễ) 30g, huyết giác 15g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần.

Chữa rong kinh, băng huyết: Lá huyết dụ tươi 20g, rễ cỏ tranh 10g, đài tồn tại của quả mướp 10g, rễ cỏ gừng 8g. Thái nhỏ cho 300ml nước sắc còn 100ml, chia 2 lần uống trong ngày.

Hoặc lá huyết dụ tươi 20g, cành tử tô 10g, hoa cau đực 10g, tóc một ít đốt thành than, thái nhỏ, trộn đều sao vàng rồi sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần.

Chữa đi tiểu ra máu: Lá huyết dụ tươi 20g, rễ cây rang 10g, lá lẩu 10g, lá cây muối 10g, lá tiết dê 10g. Tất cả rửa sạch để ráo nước, giã nát vắt lấy nước cốt uống.

Chữa kiết lỵ: Lá huyết dụ tươi 20g, cỏ nhọ nồi 12g, rau má 20g, giã nát cho vào chút nước vắt lấy nước cốt uống ngày 2 lần.

Ngoài ra, trong dân gian còn sử dụng huyết dụ trong bài trí phong thủy, trồng ở phòng khách hoặc trong sân nhà, quan niệm rằng cây sẽ lọc bớt đi những độc tố trong không khí.

Minh Thành

 

 

Tác giả bài viết: Thanh Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập134
  • Hôm nay11,187
  • Tháng hiện tại274,349
  • Tổng lượt truy cập35,920,694
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây