Nhiều nghiên cứu cho thấy, điều trị bằng phương pháp ngâm nước ấm mang lại nhiều tác dụng tốt cho cơ xương khớp, bao gồm cả xơ cơ, viêm khớp, có thể làm giảm sưng, viêm và tăng cường lưu thông máu.
Bàn chân cần ấm
Hai bàn chân là nơi tập trung các huyệt đạo tác động đến hầu hết các bộ phận trên cơ thể từ não bộ đến mắt, tai, mũi, các tuyến yên, giáp, tụy; từ các hệ thần kinh cho đến các cơ quan ngũ tạng như: tim, gan, mật, phổi, thận; cho đến các cơ quan tiêu hóa: dạ dày, ruột, kết tràng, lá lách, bàng quang. Tác động lên các huyệt đạo sẽ kích thích hoạt động các cơ quan trên.
Hiện nay, phương pháp xoa bóp bấm huyệt bàn chân thường kết hợp liệu pháp ngâm chân bằng nước thuốc để tăng thêm hiệu quả trong điều trị.
Tuy nhiên, người ta cũng có thể dùng riêng lẻ nước ấm đơn thuần hoặc nước ấm pha thuốc ngâm chân để nhiệt độ và chất thuốc hòa tan trong nước tác động thấm vào da nhằm điều hòa kinh khí, hoạt huyết, khu tà.
Từ đó phương pháp này có tác dụng cải thiện, phòng và điều trị một số bệnh thúc đẩy tuần hoàn máu, giải trừ mỏi mệt, giúp dễ ngủ, giảm sự căng thẳng, giảm đau, cải thiện teo cơ, cứng khớp chi dưới.
Khi ngâm bàn chân đồng thời thực hiện xoa bóp ở các ngón chân, lòng bàn chân thì có thể phòng và chữa được nhiều chứng bệnh.
Chẳng hạn ngón chân cái là đường đi ngang qua của hai kinh Can - Tỳ, giúp sơ can - kiện tỳ làm giảm tức hông sườn, tăng sự thèm ăn, tránh tiêu chảy.
Ngón chân thứ hai thuộc kinh Vị, giúp phòng và điều trị chứng rối loạn tiêu hóa. Ngón chân thứ tư thuộc kinh Đởm, giúp phòng trị táo bón và đau hông sườn và ngón chân út thuộc kinh bàng quang, chữa chứng đái dầm ở trẻ, điều chỉnh tử cung của phụ nữ. Lòng bàn chân có huyệt Dũng tuyền thuộc kinh Thận, giúp điều trị thận hư, suy nhược...
Dùng nước nóng ngâm bàn chân là tạo sự kích thích lành tính, làm hưng phấn các rễ thần kinh, giúp tăng cường trí nhớ, đem lại cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng cho chân và não.
Các bài thuốc ngâm chân
Có thể dùng độc vị như: quế chi, gừng, lá lốt, kinh giới, hương nhu, ngải cứu... Nói chung, những dược liệu có tinh dầu đều dùng để ngâm chân.
Đối với người đau nhức xương khớp có thể dùng độc vị hoặc sử dụng các loại thảo dược hay sử dụng để xông như: ngải cứu, lá gừng, lá hương nhu, muối hột rất tốt cho các bệnh khớp, lạnh tay chân.
Khi nước ngâm chân còn nóng, đặt 2 bàn chân cách mặt nước một khoảng để xông hơi, không vội ngâm chân ngay vào nước nóng, để tránh cho bàn chân bị phỏng nếu nước quá nóng và để chân làm quen dần với nhiệt độ cao. Khi nước giảm nhiệt thì đặt dần bàn chân xuống thấp, đặt bàn chân sát trên mặt nước, sau đó ngâm cả bàn chân.
Mất ngủ: dùng nước nóng ngâm rửa chân 1 lần mỗi tối trước khi đi ngủ. Ngoài ra cần đảm bảo chỗ ngủ yên tĩnh, thoáng mát. Khi ngủ cần giữ tâm lý thư thái, không nghĩ ngợi lung tung.
Di tinh, xuất tinh sớm: dùng nước nóng ngâm rửa chân 1 lần mỗi tối trước khi ngủ. Giữ tinh thần thư thái. Không xem phim, sách báo khêu gợi tình dục.
Đau gót và viêm khớp cổ chân: dùng nước thuốc gồm: thấu cốt thảo 30g, tầm cốt phong 30g, độc hoạt 15g, nhũ hương l0g, một dược l0g, huyết kiệt l0g, lão hạc thảo 30g. Ngâm rửa chân lúc còn nóng, mỗi ngày 2 lần.
Viêm tắc tĩnh mạch chân: dùng thủy diệt 30g, thổ nguyên l0g, đào nhân l0g, tô mộc l0g, hồng hoa l0g, huyết kiệt l0g, xuyên ngưu tất 15g, phụ tử l0g, quế chi 20g, địa long 30g, cam thảo 15g, nhũ hương l0g, một dược l0g. Nấu lấy nước thuốc, đổ vào chậu gỗ. Ngâm rửa từ đầu gối trở xuống. Dùng khi nước thuốc còn nóng.
Cách nấu: đun các vị thuốc trên với 2 lít nước cho sôi với trong 10 - 20 phút rồi pha lại với nước lạnh sao cho nước thuốc 40 - 60°C là vừa.