Bột bắp + hoá chất = cà phê ở Buôn Ma Thuột

Thứ tư - 28/01/2015 22:51

Bột bắp + hoá chất = cà phê ở Buôn Ma Thuột

Đậu nành, bột bắp rang cháy trộn với hóa chất thành... cà phê bột là công thức phổ biến tại nhiều cơ sở chế biến cà phê tại Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), thủ phủ cà phê Việt Nam.

Cà phê giả được sản xuất trong những căn nhà gỗ, mái lợp tôn, nền xi măng cáu bẩn với thiết bị là những chai lọ, xô thùng, xoong chảo, mới nhìn đã phát kinh. Thực trạng này đã tồn tại nhiều năm, song các cơ quan chức năng đều kêu... khó xử lý.

Mục sở thị cà phê bẩn

Cuối tháng 1/2015, theo chân lực lượng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắc Lắc, chúng tôi có mặt tại xưởng chế biến cà phê tại xã Hòa Khánh (TP.Buôn Ma Thuột) do ông Nguyễn Đình Quang làm chủ. Xưởng là 2 gian nhà cấp 4, nửa gỗ, nửa bê tông lụp xụp, bụi bặm, mạng nhện giăng đầy. Gian thứ nhất chứa nguyên liệu cà phê, bắp, đậu nành và hóa chất, đồng thời là nơi rang, trộn nguyên liệu. 

Một góc nhà còn nhiều mẻ bắp, đậu nành đã rang, pha hóa chất đen kịt, những thùng hóa chất đặc quánh như nhựa đường nấu chảy, bốc mùi khó chịu. Gian nhà thứ hai là nơi xay nguyên liệu thành bột với một cối máy xay, cạnh đó là một đống đậu, bắp vừa xay xong đổ trực tiếp ra nền nhà cáu bẩn. Ông Quang không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến hoạt động sản xuất cà phê bột, nhưng thừa nhận mỗi ngày cung cấp cho các quán cà phê hơn 100kg cà phê bột. Trong đó 90% là đậu nành, bột bắp trộn với hóa chất không rõ nguồn gốc. 

Đường hóa học và hóa chất dùng chế biến càphê tại cơ sở của ông Quang (xã Hòa Khánh, TP.Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc).

Đường hóa học và hóa chất dùng chế biến cà phê tại cơ sở của ông Quang (xã Hòa Khánh, TP.Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc).

Tại cơ sở của ông Quang, lực lượng chức năng đã lập biên bản niêm phong 11 bao đậu nành (250kg), 33 bao hạt bắp (1.500kg), 4 bao cà phê đã rang (120kg), 30kg cà phê đã xay nhuyễn, 1 túi đường hóa học tên Sodium Cyclamate… Việc xử lý còn chờ kết quả xét nghiệm, phân tích các thành phần trong sản phẩm cà phê bột.

Trong vai người kinh doanh cà phê bột, chúng tôi được mục sở thị cơ sở rang xay cà phê K.Th.X (phường Hoà Khánh, TP.Buôn Ma Thuột) ngổn ngang can, lọ đựng hoá chất, nguyên liệu toàn ngũ cốc. Ông Ng.Q.H - chủ cơ sở, tiết lộ: "Để ra cà phê bột giá rẻ thì bắp, đậu nành phải chiếm tỉ lệ 70 - 80% trở lên. Muốn cà phê có màu sắc đẹp, mùi vị thơm, phải pha cả chục loại hóa chất như CNC tạo quánh, caramen tạo mùi, chất tạo bọt trắng và nhiều loại hương liệu khác nhau. Tỷ lệ ra sao thì mỗi người có một bí quyết riêng, cái này tôi không tiết lộ được”. 

Hỏi khả năng giao hàng thế nào, ông chủ này khẳng định, mỗi ngày dư sức giao 1.000kg cà phê bột thành phẩm. Còn bà Th.Ph - chủ cơ sở ở phường Tân Hòa, TP.Buôn Ma Thuột, giải thích: "Giá cà phê hạt khá đắt, trong khi đầu ra phải cạnh tranh khốc liệt, nên muốn có lời phải độn đậu nành, bắp, thêm hóa chất và phụ liệu để thành cà phê". 

Dẫn chúng tôi tham quan "nhà xưởng", bà X giới thiệu: “Lọ này là chất làm keo, thường gọi là CNC, có tác dụng làm cho cà phê sánh. Chai này là chất tạo bọt trắng, nhờ nó mà cà phê sau khi pha xong chỉ cần khuấy nhẹ là sủi bọt, nhìn hấp dẫn. Còn những chai này là caramen tạo mùi vị, đường hóa học làm tăng độ béo và nhiều chất linh tinh nữa...". Hỏi toàn hóa chất như vậy, cà phê chẳng khác nào thuốc độc? Bà X tỉnh bơ: "Tôi làm cà phê này lâu rồi, khách hàng ngày nào cũng uống, không thấy ai bị gì cả”.

Đầu độc người tiêu dùng

Ông Cao Chánh Phương - chủ cơ sở chế biến cà phê bột Phương Sanh, TP.Buôn Ma Thuột, phân tích: "Giá thành 1kg cà phê bột khoảng 100.000 đồng, nhưng cà phê bẩn chỉ cần bán được nửa giá này đã lãi gấp 3 - 4 lần, do nguyên liệu là đậu nành, bột bắp, hóa chất trôi nổi rất rẻ".

Cũng theo ông Phương, các quán cà phê cũng có lỗi một phần, bởi họ toàn chọn mua cà phê giả, cà phê bẩn cho rẻ. Chính vì vậy, các cơ sở chế biến cà phê bẩn, hoạt động không phép nở rộ như nấm sau mưa, không thể kiểm soát được. 

 Hai thùng nhựa chứa hóa chất tại cơ sở chế biến “càphê” của ông Quang (TP.Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc).

Hai thùng nhựa chứa hóa chất tại cơ sở chế biến “cà phê” của ông Quang (TP.Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc).

Thống kê từ các cơ quan chức năng tỉnh Đắc Lắc, chỉ tính từ cuối năm 2012 đến nay, đã có gần 20 cơ sở sản xuất, chế biến cà phê bột không đạt tiêu chuẩn bị phát hiện. Nhưng bị phạt không có nghĩa là họ từ bỏ cà phê bẩn, bởi lợi nhuận thu được rất lớn. Trong đó cơ sở chế biến cà phê của ông Nguyễn Đình Quang hoạt động từ năm 2013, từng bị xử phạt gần 40 triệu đồng, sau đó vẫn tái phạm.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Lan - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Đắc Lắc, hỗn hợp ngũ cốc rang cháy, tức cà phê bẩn có tác hại rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng, trong đó đậu nành, bột bắp cháy đen tẩm hóa chất có thể gây ung thư. Nhiều cơ sở còn sử dụng thuốc ký ninh (thuốc trị sốt rét) hoặc caffeine để tăng vị đắng, tăng cảm giác kích thích, giúp vui vẻ, hưng phấn, không gây buồn ngủ... cho người uống cà phê. Caffeine là chất gây mất ngủ, đi tiểu nhiều, tiêu chảy... Người sản xuất còn sử dụng những chất tạo bọt có thể gây kích ứng da, tổn thương niêm mạc; một số chất có kim loại nặng, dễ gây nhiễm độc cơ thể... 

Chi cục Quản lý thị trường Đắc Lắc cho biết, việc xử lý cơ sở chế biến cà phê bẩn rất khó, do thiếu máy móc xét nghiệm, nhân lực, lại liên quan đến rất nhiều ngành. Chế biến là ngành nông nghiệp, sản phẩm ra thị trường là ngành công thương, khi pha thành thức uống là ngành y tế... Nhiều vậy, nhưng thiếu sự phối hợp nên vẫn chưa thể kiểm soát được chất lượng cà phê.

 

Làng bánh kẹo siêu rẻ giữa Hà Nội

Thứ Ba, 11:22  27/01/2015

Gói bim bim giá 600 đồng, hạt hướng dương được phơi trên nền gạch... là những gì PV ghi nhận được tại làng nghề La Phù, huyện Hoài Đức (Hà Nội).

Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương khẳng định, sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Hạt hướng dương đổ ngay trên nền gạch.
Hạt hướng dương đổ ngay trên nền gạch.

Gói bánh giá 600 đồng

Có người gọi xã La Phù là “Kinh đô bánh kẹo miền Bắc”, vì ở đây cái gì cũng có, từ bia Hà Nội, Sài Gòn, Huda, nước ngọt Coca, Sting, Rồng Đỏ đến đủ loại bánh kẹo với bao bì khá bắt mắt. Chị Thủy, đại lý bánh kẹo, nói: “Năm nay, bánh kẹo Trung Quốc không về nhiều, bây giờ 100% bán hàng nội, giá cũng rất rẻ”.

Vừa nói, chị Thủy vừa giới thiệu mặt hàng kẹo “Gôm cá, gôm lợn”, kẹo màu với giá 290 ngàn đồng/thùng (10 túi), mỗi túi 1 kg; rẻ hơn nữa là kẹo gôm dừa 260 ngàn đồng/thùng; siêu rẻ là các loại kẹo bán theo cân. Hầu hết các sản phẩm kẹo đều được sản xuất tại các cơ sở trong xã như: Đức Hạnh, Thái Dương, Minh Lộc...

Có mặt tại một cửa hàng thực phẩm trẻ em, PV phát hiện một số loại ô mai, chuối khô, mít sấy... không có bao bì, chỉ được bọc bằng ni lông trong. Khi hỏi giá của các sản phẩm bim bim cho trẻ em, PV không khỏi giật mình khi biết giá cho cả cây (khoảng 500 gói) là 303 ngàn đồng, tương đương 600 đồng/gói.

Trên bao bì ghi cơ sở sản xuất loại bim bim này nằm tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức. Một số sản phẩm bim bim giá rẻ khác ở cửa hàng lại có trụ sở nơi sản xuất tại Đồng Tháp, Vũng Tàu... Với giá siêu rẻ như vậy, bao gồm cả chi phí bao bì, nhân công, vật liệu..., không biết loại thực phẩm này có đảm bảo an toàn?

Hàng nhái, kém chất lượng vẫn còn

So với kẹo, bim bim, thị trường bánh ngọt ở đây đa dạng và sôi động hơn, các loại bánh đều được đầu tư hộp giấy, bao bì cẩn thận. Không thiếu những nhãn hiệu “nhái” các sản phẩm quen thuộc như: Choco.Pei, Choco Pai, Perfecf.

Theo người bán hàng ở đại lý Phương Dung, nhiều người vốn sính ngoại, sản phẩm cứ chữ Tây là thích. Anh này cho biết hàng “nhái” ở xã đã ít đi bởi bị quản lý thị trường “sờ gáy”, chưa kể lượng tiêu thụ giảm do dân phát hiện ra các loại bánh “nhái” nên chủ yếu chỉ bán được ở vùng núi. Thay vào đó là hàng loạt sản phẩm có tên quốc tế như: Daning, Goldoes, Delicious... hoặc mẫu mã toàn tiếng Hàn, tiếng Nhật trông không khác gì bánh nhập khẩu. Rất khó để nhìn thấy dòng chữ nhỏ bằng tiếng Việt đề tên cơ sở sản xuất ở phía sau hộp.

Dò hỏi mặt hàng Tết, PV được chị Thủy giới thiệu đến đại lý hạt hướng dương lớn nhất xã. Đại lý này nằm ở một ngõ nhỏ đầu xã, từ xa có thể nghe thấy tiếng rào rào của máy rang. Đây là một đầu mối giao hạt hướng dương cho chợ Hà Đông, Đồng Xuân...

Gọi là đại lý nhưng khung cảnh ở đây khá đơn sơ, một chiếc máy rang hạt tự hành, hướng dương rang xong chất thành đống để phân loại dưới nền gạch. Thành phẩm được chia thành 2 loại: Loại đen dài giá 37 ngàn đồng/kg, loại dọc dưa giá 32 ngàn đồng/kg (rẻ hơn ở các chợ đầu mối từ 3 đến 10 ngàn đồng/kg). Thấy người mua thắc mắc về vệ sinh, chủ cửa hàng phẩy tay: “Làm cả trăm năm nay như thế rồi, có ai bị làm sao đâu. Lo hão”.

Vẫn đảm bảo vệ sinh thực phẩm?

“Không chỉ có hạt hướng dương, cả bánh, kẹo đôi khi cũng phải để dưới đất để làm, bởi khu vực chế biến nhỏ, không đủ cho lượng hàng sản xuất đợt Tết” - ông Tô Sơn Hồng, Đội Quản lý thị trường số 24, khẳng định. Theo ông Hồng, qua kiểm tra, giám định hàng chục sản phẩm tại đây, tất cả đều đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Tuy nhiên, cũng có một số vi phạm, chủ yếu là chưa đăng ký tập huấn vệ sinh ATTP, chưa khám bệnh định kỳ cho công nhân, vi phạm về nhãn hàng...

Trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND xã La Phù, ông Dư Quốc Bảo, cho biết bánh kẹo ở xã lợi thế về nhân công, mặt bằng..., chủ yếu sản xuất cho người lao động, thu nhập trung bình, nên giá thành rẻ nhất nhì khu vực miền Bắc. Ông Bảo nói: “Nếu không có làng nghề sản xuất bánh kẹo giá rẻ thì với bánh ngoại, kẹo Tây với giá cắt cổ, bao nhiêu người đủ tiền được ăn bánh?”.

Tuy nhiên, khi được hỏi về chất lượng của những loại bim bim có giá 600 đồng được sản xuất tại các tỉnh, thành khác, lãnh đạo xã La Phù nói rằng đó không phải trách nhiệm của địa phương, trách nhiệm quản lý chất lượng những sản phẩm này thuộc về công ty và địa phương nơi sản xuất mặt hàng.

Đoàn liên ngành của xã đã nhiều lần kiểm tra các đại lý bán mặt hàng này, nhưng tất cả đều xuất trình được hợp đồng mua bán.

Ông Dư Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã La Phù, cho biết một số mặt hàng siêu rẻ để trong túi bóng như chuối sấy khô, bỏng gạo, bỏng ngô... là sản phẩm có xuất xứ từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình... Khi kiểm tra, các cửa hàng đều xuất trình được hợp đồng mua bán.

 

Theo Trần Hoàng (Tiền Phong)

Tác giả bài viết: Thanh Nguyen

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập71
  • Hôm nay6,331
  • Tháng hiện tại347,318
  • Tổng lượt truy cập36,401,873
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây