Trong hơn 6,7 tỷ USD vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước đến hết năm 2020, số lỗ luỹ kế đã lên tới 1,17 tỷ USD.
Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo về tình hình hoạt động, tài chính và sử dụng vốn của doanh nghiệp Nhà nước năm 2020.
Đến cuối năm 2020 có 131 dự án đầu tư ra nước ngoài của 28 doanh nghiệp nhà nước, có vốn nhà nước với tổng vốn hơn 6,7 tỷ USD, trong đó 95% vốn đầu tư thuộc về các dự án đầu tư của PVN, Viettel và Tổng công ty Cao su Việt Nam (VRG).
Cụ thể, PVN đã rót 3,97 tỷ USD đầu tư ra nước ngoài (chiếm 59% tổng vốn các dự án), Viettel là hơn 1,45 tỷ USD (chiếm 22%), VRG xấp xỉ 926 triệu USD (14%). Các lĩnh vực được rót vốn chủ yếu trong lĩnh vực dầu khí, viễn thông, trồng, chế biến cây cao su, khai thác khoáng sản, nông nghiệp...
Vốn đầu tư ra nước ngoài được "trải" tại 26 quốc gia, Campuchia (41 dự án), Lào (32 dự án), Malaysia (9 dự án), Singapore (8 dự án), Nga và Myanmar mỗi quốc gia 5 dự án, Peru (4 dự án)...
Đến 31/12/2020, vốn đầu tự các dự án ở Campuchia và Peru đạt hơn 1 tỷ USD (chiếm 15%); Malaysia với gần 964 triệu USD (chiếm 14%), Nga xấp xỉ 793 triệu USD (12%)...
Gần một nửa dự án đầu tư ra nước ngoài đã thu hồi vốn, gần 3,17 tỷ USD (gồm lợi nhuận chuyển về nước 1,45 tỷ USD). Trong đó PVN thu hồi gần 2,4 tỷ USD (60% vốn đầu tư thực hiện), Viettel là 706,29 triệu USD (49% vốn ban đầu).
Riêng năm 2020, 32 dự án đầu tư ra nước ngoài không phát sinh doanh thu, 89 dự án đạt hơn 5,54 tỷ USD doanh thu (giảm 21% so với 2019). 28 dự án bị lỗ, gần 237 triệu USD (tăng 81 triệu USD so với năm 2019).
61 dự án có lợi nhuận, với tổng lãi sau thuế gần 427 triệu USD, giảm 25%. Số lợi nhuận được chia trong năm của các nhà đầu tư Việt Nam gần 118,8 triệu USD, giảm 42% so với 2019.
Đến cuối năm 2020 còn 46 dự án lỗ, với tổng số lỗ luỹ kế 1,17 tỷ USD, giảm 1 dự án nhưng tăng 120 triệu USD so với 2019.
"Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước trong năm 2020 chưa đạt kỳ vọng", Chính phủ nhận xét. Ngoài nguyên nhân chủ quan như năng lực quản lý, quản trị rủi ro, dự báo thị trường..., nguyên nhân khách quan về chính sách đầu tư nước sở tại, tác động của Covid-19 khiến tình hình các dự án đầu tư ra nước ngoài năm 2020 bị ảnh hưởng tiêu cực hơn so với 2019.
Chính phủ đánh giá, do ảnh hưởng của Covid-19, kinh tế thế giới tăng trưởng thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của các dự án tại nước ngoài bị tác động lớn, doanh thu và lợi nhuận sụt giảm so với năm 2019. Lợi nhuận chuyển về nước năm 2020 chỉ bằng 30% so với 2019. Chỉ có 4 dự án thu hồi được vốn đầu tư trong năm 2020 so với năm 2019, trong đó 96% vốn đầu tư thu hồi là của các dự án khai thác dầu khí của PVN, các dự án viễn thông của Viettel.
Nhiều dự án tiếp tục khó khăn, tiềm ẩn rủi ro và chưa có hiệu quả đầu tư. Trong số này phải kể tới các dự án khai thác, thăm dò dầu khí phải dừng, giãn tiến độ hoặc thực hiện thủ tục kết thúc; một số dự án trồng, chế biến cao suvẫn trong giai đoạn đầu tư hoặc mới đưa vào khai thác đang lỗ kế hoạch, tiềm ẩn rủi ro.
Ngoài ra, một số dự án viễn thông lỗ luỹ kế lớn hoặc mất quyền kiểm soát, gặp rủi ro tỷ giá.
Một số dự án không hiệu quả thuộc các lĩnh vực khác vẫn đang hoạt động hoặc dừng triển khai như dự án khai thác muối mỏ Kali tại Lào; dự án thành lập Hãng hàng không quốc gia Campuchia...
Anh Minh
Đến cuối năm 2020, 11 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước lỗ luỹ kế hơn 11.460 tỷ và 7 công ty mẹ lỗ hơn 6.000 tỷ đồng, theo báo cáo Chính phủ.
Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2020. Báo cáo tổng hợp tình hình sức khoẻ của 807 doanh nghiệp có vốn góp nhà nước đến 31/12/2020, trong đó 459 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; 187 đơn vị Nhà nước giữ 50% vốn và 161 doanh nghiệp có dưới 50% vốn nhà nước.
Chỉ tiêu tài chính | Số tiền (triệu tỷ đồng) | Tăng/giảm 2019 |
Tổng tài sản | 3,67 | +1% |
Vốn chủ sở hữu | 1,71 | +1% |
Tổng vốn nhà nước đang đầu tư | 1,5 | + 2% |
Tổng doanh thu | 1,98 | -12% |
Lãi trước thuế | 0,16 | -22% |
Tổng nợ phải trả | 1,81 | -1% |
Tổng nợ phải thu | 0,47 | -5% |
Các lĩnh vực như dầu khí, hàng không, du lịch... được đánh giá là gặp nhiều khó khăn năm 2020 do giá nguyên nhiên liệu (giá dầu) giảm sâu, ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Trong khi có những doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả nhiều năm liền do các dự án đầu tư khó khăn, vướng mắc.
Bóc tách chi tiết, theo báo cáo Chính phủ, tổng tài sản của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước theo báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các công ty mẹ - con là hơn 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với 2019. Tài sản cố định chiếm bình quân 36% tổng tài sản.
Chính phủ đánh giá, Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp nhà nước, nên lãi trước thuế năm 2020 của 11 tập đoàn, tổng công ty giảm tới 21% so với 2019, chỉ đạt 116.776 tỷ đồng.
Các tập đoàn, tổng công ty có lãi trước thuế đạt hơn 5.000 tỷ đồng vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô lớn, như Viettel 39.372 tỷ đồng, PVN 19.860 tỷ đồng, EVN 15.316 tỷ đồng, VNPT 7.055 tỷ...
Sản xuất đạm tại Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (thuộc Vinachem). Ảnh: Anh Tú
Tính riêng công ty mẹ, một số tập đoàn, tổng công ty có lãi trước thuế năm 2020 giảm sâu, như công ty mẹ PVN giảm 36%, doanh thu giảm 17% so với thực hiện 2019. Công ty mẹ TKV giảm lãi trước thuế và doanh thu lần lượt là 48% và 7%, do ảnh hưởng của Covid-19 đã tác động trực tiếp tới thị trường tiêu thụ than, khoáng sản.
Hay công ty mẹ EVN giảm 24% lãi trước thuế, doanh thu cũng giảm 2% so với 2019. Năm 2020, EVN hỗ trợ giảm 12.300 tỷ tiền điện cho người dân chịu ảnh hưởng của Covid-19 nên doanh thu giảm, đồng thời chi phí nguyên liệu đầu vào tăng.
Còn công ty mẹ Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có lãi trước thuế giảm 99%, doanh thu giảm 56% so với 2019; công ty mẹ Mobifone giảm 24% lãi trước thuế, doanh thu cũng giảm 9%...
Vì nhiều lý do, gồm cả chủ quan, khách quan, báo cáo của Chính phủ cho biết số lỗ luỹ kế theo báo cáo hợp nhất của 11 tập đoàn, tổng công ty là hơn 11.464 tỷ. Trong đó, Vinachem lỗ phát sinh gần 5.393 tỷ đồng; Vinalines 3.171 tỷ đồng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam 1.257 tỷ đồng, Tổng công ty Cà phê Việt Nam 848,5 tỷ đồng...
7 công ty mẹ lỗ luỹ kế 6.064 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ Vinachem lỗ 2.953 tỷ đồng; công ty mẹ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam 1.257,3 tỷ đồng; công ty mẹ Vinalines 1.117 tỷ đồng...
Các doanh nghiệp nhà nước giữ 50% vốn cũng có số lỗ lớn. Theo báo cáo hợp nhất, tổng số lỗ phát sinh của 30 trong 187 doanh nghiệp là 12.003 tỷ đồng. Tính riêng công ty mẹ, có 3 doanh nghiệp ghi nhận lỗ phát sinh 9.032 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp có số lỗ theo báo cáo hợp nhất cao, như Tổng công ty Hàng không Việt Nam lỗ 11.178 tỷ đồng; Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (Đài truyền hình Việt Nam) 265 tỷ đồng; Tổng công ty Lương thực Miền Nam 210 tỷ đồng...
Theo báo cáo hợp nhất, khoảng một phần sáu doanh nghiệp có lỗ luỹ kế 17.739 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ thì có 3 công ty mẹ lỗ luỹ kế 9.625 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ Tổng công ty Hàng không Việt Nam lỗ luỹ kế 7.022 tỷ đồng (năm 2019 lãi hơn 2.400 tỷ); công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Nam lỗ luỹ kế 2.300 tỷ...
Ngoài ra, một số doanh nghiệp sau chuyển đổi hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu, như công ty mẹ Tổng công ty Cơ khí, xây dựng bị âm vốn sở hữu 54 tỷ đồng (đơn vị này nhà nước giữ 98,76% vốn điều lệ). Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (Đài Truyền hình Việt Nam) âm vốn chủ sở hữu 3.227 tỷ đồng, tăng 9% so với 2019.
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, hầu hết doanh nghiệp 100% nhà nước đều ghi nhận doanh thu, nợ phải thu, nợ phải trả... giảm hoặc tương đương 2019.
Một số công ty mẹ có tổng doanh thu giảm trên 20% so với năm 2019, gồm Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam giảm 56%; Tổng công ty Cà phê Việt Nam giảm 53%; Tổng công ty Du lịch Hà Nội giảm 46%; Tổng công ty Du lịch Sài Gòn giảm 45%; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giảm 33%...
Một số công ty mẹ của các tập đoàn, tổng công ty có khoản nợ phải thu khó đòi lớn, như Vinachem là tập đoàn có nợ phải thu khó đòi của công ty mẹ lớn nhất với 11.005 tỷ đồng do phải trả nợ khoản vay nước ngoài của dự án đạm Ninh Bình theo chỉ đạo của Thủ tướng với khoản vay của China Eximbank, nhưng công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình không thanh toán nợ cho tập đoàn đúng hạn. Vinachem đã phải trích lập dự phòng rủi ro nợ phải thu khó đòi 3.974 tỷ đồng.
PVN cũng có khoản nợ phải thu của công ty mẹ là 6.410 tỷ đồng, gồm uỷ thác cho vay qua ngân hàng OceanBank 819 tỷ đồng, PVComBank 707 tỷ đồng; Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn 4.218 tỷ đồng; PVText 295 tỷ đồng. PVN đã trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi 4.357 tỷ đồng.
Viettel cũng có khoản nợ phải thu của công ty mẹ 877 tỷ đồng, MobiFone là 693 tỷ đồng chủ yếu là nợ cước viễn thông của khách hàng.
Một số công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải thu trên tổng tài sản cao (trên 50%) là Tổng công ty xây dựng Lũng Lô 1.365 tỷ đồng (66%); Tổng công ty Tháo Sơn 2.250 tỷ đồng (63%), Vinachem 9.989 tỷ đồng (57%), Tổng công ty xây dựng Trường Sơn 2.512 tỷ đồng (56%)...
Trong tổng nợ phải thu khó đòi là 22.619 tỷ đồng, PVN chiếm gần một nửa, Viettel là 1.744 tỷ đồng, Mobifone 695 tỷ đồng, VNPT 604 tỷ đồng, EVN 367 tỷ đồng, Vinachem 498 tỷ đồng...
14 công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Trong đó, tỷ lệ này tại Tổng công ty Thái Sơn là 7,39 lần, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam 7,23 lần, Tổng công ty Xăng dầu Lũng Lô 3,82 lần...
8 trong 73 công ty mẹ được xác định không bảo toàn được vốn chủ sở hữu, tức là có kết quả kinh doanh bị lỗ, gồm cả trường hợp còn lỗ luỹ kế sau khi trích lập các khoản dự phòng rủi ro theo quy định. Trong đó, công ty mẹ Vinachem lỗ luỹ kế 2.953 tỷ đồng; công ty mẹ - Vinalines lỗ 824 tỷ đồng; công ty mẹ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lỗ 1.257 tỷ đồng, công ty mẹ Tổng công ty Cà phê Việt Nam 460 tỷ đồng...
Anh Minh
Nguồn tin: Anh Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn