HRW: Việt Nam trừng phạt có hệ thống, bắt giữ và xét xử nhiều nhà hoạt động trong năm 2021

Thứ bảy - 15/01/2022 07:59
unnamed (2)
unnamed (2)

​​​​​Những nhà hoạt động dân chủ nhân quyền và đất đai - trong đó có nhà báo Phạm Chí Dũng (trên, thứ nhất từ trái), nhà báo Phạm Đoan Trang (trên, thứ 2 từ phải) và hai mẹ con Cấn Thị Thuê và

 

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 13/1 nhận định trong bản Phúc trình Toàn cầu 2022 của mình rằng chính quyền Việt Nam trong năm ngoái trừng phạt một cách có hệ thống đối với các nhà hoạt động dám thách thức hiện trạng.

Trong một thông cáo đưa ra cùng với Phúc trình, tổ chức có trụ sở chính ở New York cho biết nhà cầm quyền đã tống giam ít nhất 63 người vì bày tỏ chính kiến hoặc tham gia các nhóm bị coi là chống chính quyền, trong số đó có nhiều người đã và đang phải nhận các bản án rất nặng nề sau các phiên xử bất công, trong năm 2021, một năm “nặng trĩu" với dịch COVID-19, Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 13 và cuộc bầu cử Quốc hội.

“Chính quyền Việt Nam núp bóng đại dịch COVID-19 để tiến hành đàn áp nặng tay đối với các hoạt động ôn hoà nên đa phần không bị nhận biết từ bên ngoài Việt Nam,” ông Phil Robertson, phó giám đốc Ban Á châu của HRW, nói trong thông cáo. “Dường như chính quyền muốn xoá sổ phong trào bất đồng chính kiến đang lớn mạnh bằng các án tù thảm khốc trước khi thế giới chú ý trở lại.”

Trong Phúc trình Toàn cầu 2022 dài 752 trang và là ấn bản thứ 31, HRW đánh giá việc thực hành nhân quyền trên gần 100 quốc gia. Theo Giám đốc Điều hành Kenneth Roth nói trong phúc trình, thể chế chuyên quyền đang có xu hướng gia tăng. Ông cũng cho rằng các nhà lãnh đạo dân chủ phải làm tốt hơn các nhiệm vụ của mình như giải quyết các vấn đề trong nước và toàn cầu cũng như đảm bảo rằng thể chế dân chủ mang lại được những lợi ích như đã hứa hẹn.

Trong phần về Việt Nam, phúc trình nhận định rằng chính quyền Hà Nội đã hạn chế nghiêm trọng các quyền dân sự và chính trị cơ bản, trong đó có các quyền tự do biểu đạt, ngôn luận, thông tin, lập hội và hóm họp ôn hoà, cũng như quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng.

“Những người lên tiếng phê phán đảng hay chính quyền phải đối mặt với việc bị công an đe doạ, sách nhiễu, cản trở việc đi lại, bị câu lưu và bắt giữ tuỳ tiện, và bị bỏ tù sau các phiên toà không công bằng,” phúc trình viết. “Công an giam giữ các nghi can chính trị hàng tháng trời mà không cho tiếp xúc với luật sư và thẩm vấn họ thô bạo. Các toà án do đảng kiểm soát kết án các nhà hoạt động và blogger dựa trên các cáo buộc nguỵ tạo về an ninh quốc gia.”

Thống kê của HRW cho biết, trong năm 2021, các toà án Việt Nam đã xử ít nhất 32 người bị kết tội chỉ vì đăng các ý kiến phê phán chính phủ, trong khi công an bắt ít nhất 26 người khác với các cáo buộc chính trị nguỵ tạo.

Trong tháng cuối cùng của năm ngoái, Việt Nam đưa ra xét xử một loạt các nhà báo và nhà hoạt động danh tiếng cũng như tuyên cho họ những bản án dài hạn với các cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước” và “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo các điều của Bộ luật Hình sự Việt Nam, mà cộng đồng quốc tế luôn chỉ trích là mơ hồ.

Trong số những người bị kết án vào tháng 12 vừa qua có Phạm Đoan Trang, nhà báo đoạt giải tự do báo chí của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF), với bản án 9 năm tù. Đầu năm 2021, ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập và một blogger có tiếng của VOA, bị đưa ra trước vành móng ngựa cùng các thành viên của hội trong phiên toà xét xử đầu tiên của năm cho các nhà báo và ngay trước thềm Đại hội Đảng 13. Ông Dũng bị tuyên 15 năm tù và, theo thống kê của RSF, là một trong hai nhà báo nhận án tù dài hạn nhất trên thế giới trong năm qua.

Với việc kết án thêm hơn một chục nhà báo trong năm ngoái, RSF xếp Việt Nam trong Top 3 nước giam giữ nhiều nhà báo nhất trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Myanmar.

Việt Nam chưa lên tiếng trước phúc trình toàn cầu của HRW nhưng Bộ Ngoại giao ở Hà Nội luôn phản bác các chỉ trích của quốc tế về hồ sơ nhân quyền được xem là yếu kém của mình. Người phát ngôn BNG Lê Thị Thu Hằng hồi tháng 11 vừa qua nói rằng “chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.”

Nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn đầu tháng này, ông Vũ Quốc Ngữ, giám đốc tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, cho rằng đại dịch và sự thờ ơ của các chính phủ phương Tây là lý do chính quyền Hà Nội tiếp tục tăng cường đàn áp nhân quyền trong năm qua.

Theo phúc trình của HRW, trong khi đàn áp gia tăng ở Việt Nam, Uỷ ban Liên minh châu Âu chưa làm gì để thể hiện được vị thế mạnh hơn đối với khả năng giải quyết trình trạng vi phạm nhân quyền với Hà Nội, vốn đã được ghi nhận trong Hiệp ước Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020.

“Các nhà tại trợ quốc tế của Việt Nam cần thôi ngoảnh mặt làm ngơ trước hồ sơ nhân quyền tồi tệ của chính quyền Việt Nam và gây sức ép với giới lãnh đạo nước này để chấm dứt việc người dân Việt Nam phải chịu đựng nhiều hơn nữa,” ông Robertson nói.

Nguồn tin: Voa tiéng Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập26
  • Hôm nay10,881
  • Tháng hiện tại305,757
  • Tổng lượt truy cập36,360,312
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây