Việt Nam - Đối tác quan trọng của Nhật Bản
Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp song phương ngày 24/11, Thủ tướng Kishida Fumio và Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định hai bên cùng coi trọng việc duy trì một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, đồng thời nhấn mạnh hai nước sẽ cùng hợp tác hướng tới phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không và kêu gọi mọi tranh chấp phải được giải quyết phù hợp với luật pháp quốc tế. Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Kishida khẳng định: “Việt Nam là đối tác quan trọng của Nhật Bản và sẽ đóng vai trò là trụ cột trong nỗ lực của chúng tôi nhằm hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.” (1)
Cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Nhật Bản đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng ở Đông Nam Á.
Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2009. Năm 2014, hai nước đã nâng cấp quan hệ song phương lên thành quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á.
Tăng cường cả quan hệ quốc phòng và kinh tế
Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về việc xuất khẩu thiết bị quốc phòng do Nhật Bản sản xuất, bao gồm cả tàu sang Việt Nam. Carlyle Thayer, Giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales (Australia) cho rằng, từ năm 1999-2018, Việt Nam mua đến 84% số vũ khí từ Nga và có lẽ đang tìm cách đa dạng hóa các nguồn vũ khí (2). Và Nhật Bản có lẽ đang là ưu tiên của Việt Nam trong việc đa dạng hoá nguồn cung cấp vũ khí này.
Thủ tướng Kishida và Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng nhất trí mở rộng xuất khẩu và cho biết thỏa thuận này tượng trưng cho mối quan hệ bền chặt giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida cũng nhất trí tăng cường chuỗi cung ứng giữa hai nước, thông qua ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và đa dạng hóa các cơ sở sản xuất. Theo tuyên bố chung, hai nước cũng khẳng định hợp tác trong việc cải thiện điều kiện cho thực tập sinh kỹ năng và sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản. Thủ tướng Kishida cam kết Nhật Bản sẽ cung cấp thêm 1,54 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 cho Việt Nam, nâng tổng số liều vắc-xin viện trợ cho Việt Nam lên khoảng 5,6 triệu liều.
Sau khi nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vào năm 2014, Nhật Bản đã giúp Việt Nam tăng cường hơn nữa năng lực hàng hải bằng cách cung cấp cho Việt Nam các tàu tuần tra và các khoản vay để đóng tàu tuần tra mới, cũng như cùng Việt Nam tham gia các cuộc diễn tập hải quân
Quan hệ hợp tác giữa các cơ quan quốc phòng Nhật Bản và Việt Nam được mô tả là đã bước sang một "tầm cao mới". Hai bộ trưởng đã chứng kiến việc ký hai hiệp định về an ninh mạng và quân y (3).
Bộ trưởng Quốc phòng VN Phan Văn Giang và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi dự lễ ký bản ghi nhớ ở Tokyo hôm 23/11/2021. APTầm quan trọng của mối quan hệ Việt - Nhật
Trong nhiều năm qua, Việt Nam và Nhật Bản là đối tác thương mại quan trọng của nhau. Nền tảng hợp tác này kết hợp với những thay đổi phức tạp trong bối cảnh địa chính trị khu vực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã khiến Nhật Bản và Việt Nam xem xét việc hợp tác kinh tế để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương. Ngoài ra, quan hệ đối tác chiến lược cũng phù hợp với chính sách đối ngoại của Việt Nam và Nhật Bản. Việt Nam là một trong những nước mà cựu Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga thăm đầu tiên vào tháng 10/2020. Chuyến thăm diễn ra chỉ vài tháng sau khi Tokyo công bố thỏa thuận trị giá 348 triệu USD để đóng sáu tàu tuần tra ven biển mới cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. Bắc Kinh và Tokyo cũng gia tăng căng thẳng về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ở Biển Hoa Đông.
Nhật Bản cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba của Việt Nam sau Singapore và Hàn Quốc. Các tập đoàn lớn của Nhật Bản như tập đoàn bán lẻ Aeon và chủ sở hữu của thương hiệu thời trang Uniqlo đang tìm cách mở rộng hơn nữa hoạt động ở quốc gia Đông Nam Á này.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp hàng hóa sản xuất hàng đầu thế giới dù lệnh phong tỏa do dịch COVID-19 trước đó đã kìm hãm hoạt động sản xuất và gây xáo trộn thị trường lao động khi hàng nghìn công nhân nhà máy trở về quê thay vì ở lại nhà máy.
Từ năm 2014-2018, Nhật Bản đã cung cấp khoảng 280 triệu USD viện trợ ODA để phát triển hạ tầng, quản lý nguồn nhân lực thực hành quản trị và cải thiện môi trường ở Việt Nam, qua đó, đưa Tokyo trở thành nước viện trợ lớn nhất của Việt Nam. Nhiều công ty Nhật Bản có nhà máy tại Việt Nam hoặc sử dụng linh kiện của Việt Nam trong các sản phẩm.
Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Temple (Tokyo) Hiromi Murakami cho hay Việt Nam đã trở nên quan trọng hơn đối với các công ty Nhật Bản, vốn đã rút khỏi Myanmar sau cuộc đảo chính quân sự hồi đầu năm nay. Các chuyên gia kinh tế quốc tế cho rằng lạm phát cao, thiếu tiền mặt và giá lương thực tăng đã khiến nền kinh tế Myanmar rơi vào tình trạng tồi tệ. Ông Murakami nhận định: “Các công ty Nhật Bản nhìn thấy các cơ hội to lớn khi mở rộng hoạt động tại Việt Nam và điều đó đang được chính phủ khuyến khích vì phát triển kinh tế sẽ giúp chính phủ Việt Nam đứng vững hơn trước Trung Quốc.” Ông Murakami cũng cho biết thêm Tokyo đang triển khai chiến thuật tương tự ở một số nước Đông Nam Á khác (4).
Quan hệ Việt - Nhật phát triển nhằm đối phó với Trung Quốc?
Những nỗ lực của Nhật Bản nhằm tăng cường quan hệ mật thiết hơn với Việt Nam trong những năm gần đây phản ánh quan ngại chung của hai nước về sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trên biển. Hoạt động của Trung Quốc ở các vùng biển gần quần đảo Senkaku, mà Nhật Bản đang kiểm soát và Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư, đã gia tăng từ những năm 2010.
Nhật Bản và Mỹ, vốn đang tìm cách thúc đẩy một chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đều hy vọng về vai trò của Việt Nam trong chiến lược an ninh của ASEAN đối với Trung Quốc. Tháng 9/2021, Nhật Bản và Việt Nam đã ký hiệp định về xuất khẩu trang thiết bị và công nghệ quốc phòng của Nhật Bản. Ngay trước đó, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã thăm Việt Nam.
Giáo sư Yakov Zinberg chuyên về các vấn đề Đông Á tại Đại học Kokushikan tại Tokyo cho rằng: “Tôi thấy hầu hết mọi việc được thảo luận giữa các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Việt Nam đều liên quan đến Trung Quốc và về việc xây dựng mối quan hệ nhằm bao vây Trung Quốc.” (5)
Ông Zinberg cũng nhấn mạnh mối quan ngại ngày càng lớn của Tokyo đối với thái độ ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh ở Biển Đông mà phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của Nhật Bản đều đi qua vùng biển này. Nhật Bản đã nâng cao vị thế trong vùng biển này, gần đây đã tiến hành tập trận hải quân với các đơn vị Mỹ ở ngoài khơi bờ biển phía Tây của Philippines, gần các khu vực mà Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền.
Các động thái tăng cường quan hệ của hai bên diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc ngày càng căng thẳng khi Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo và căn cứ quân sự ở Biển Đông. Những nỗ lực tăng cường quan hệ với Việt Nam cho thấy Nhật Bản mong muốn duy trì sức ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Năm 2022, Campuchia sẽ đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN và Nhật Bản lo ngại sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với ASEAN sẽ gia tăng do Bắc Kinh có mối quan hệ gần gũi với Phnom Penh.
Trong khi đó, ông Zinberg nhấn mạnh: “Tôi kỳ vọng mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam sẽ ngày càng phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự và đây sẽ trở thành một mối quan hệ quan trọng và lâu dài.”
___________
Tham khảo:
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
Nguồn tin: Bài phân tích của Nguyễn Phú Bình
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn