Vì sao Bộ trưởng Tô Lâm bị đề nghị trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky Toàn cầu?

Thứ sáu - 26/11/2021 03:45
unnamed (1)
unnamed (1)
Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời chất vấn tại Quốc hội ở Hà Nội hôm 10/11/2021. Ông Lâm, cùng chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình, bị 10 tổ chức quốc tế đề nghị đưa vào danh sách trừng phạt theo luật Magnitsky toàn cầu.
Chiến dịch do 10 tổ chức vận động nhân quyền quốc tế phát động kêu gọi các chính phủ phương Tây áp dụng Đạo luật Magnitsky Toàn cầu để chế tài hai uỷ viên Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản, trong đó có Bộ trưởng Công an Tô Lâm
Các tổ chức, gồm Phóng viên Không Biên giới (RSF), Article 19, Việt Tân và Hội Anh em Dân chủ, thúc giục Liên minh châu Âu, Quốc hội Mỹ, Anh và Canada áp dụng các chế tài chống lại ông Lâm và Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình, mà họ cho là đã “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong nhiều năm qua.”
“Trong một thập kỷ qua, các quan chức chính phủ Việt Nam tiếp tục siết chặt tự do ngôn luận và nhắm mục tiêu đến các nhà báo công dân và những nhà hoạt động, làm tăng đáng kể vi phạm nhân quyền,” các tổ chức viết trong một báo cáo được đưa ra cho chiến dịch này. “Các luật, chẳng hạn như đạo luật Magnitsky, cho phép áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các chính phủ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.”
Ông Lâm, cùng với ông Bình, bị cáo buộc chịu trách nhiệm cho việc “đàn áp, tấn công bạo lực và bắt giữ hơn 300 tù nhân lương tâm” và “2.000 trường hợp các nhà bất đồng chính kiến bị sách nhiễu” với “ ít nhất 500 vụ đánh đập tù nhân bởi lực lượng công an do họ điều động.” Trong một thỉnh nguyện thư đưa ra cho chiến dịch này, các tổ chức còn cho rằng hai uỷ viên Bộ chính trị cũng chịu trách nhiệm đối với “những vụ tra tấn tù nhân, sách nhiễu người thân, triệt hạ kinh tế và can thiệp đưa đến những phiên toà bất công.”
Một hồ sơ chứng cứ hành vi “vi phạm nhân quyền” của Bộ trưởng Lâm và Chánh án Bình cùng một báo cáo về tình trạng Tù nhân Lương tâm Việt Nam 2021, do 10 tổ chức phối hợp thực hiện, đã được trao cho các giới chức Liên minh châu Âu hôm 27/10.
Trong phần cáo buộc đối với ông Lâm, người giữ chức Bộ trưởng Công an từ năm 2010, các tổ chức cho rằng với tư cách là người đứng đầu của cái gọi là “cơ quan siêu bộ” ở Việt Nam, vị bộ trưởng này “có thể can thiệp vào mọi tổ chức hành chính của Đảng Cộng sản Việt Nam” cũng như “có thể can thiệp vào các cuộc điều tra của Cơ quan An ninh Điều tra, các lệnh truy tố của Viện kiểm sát, và thậm chí cả thủ tục của Toà án.”
Bộ Công an của ông Lâm cũng là nơi quản lý và thực thi các chính sách tại các nhà tù và trại giam trên toàn Việt Nam. Đã có những trường hợp bị đánh đập hoặc tra tấn trong các trại giam được ghi nhận, gồm các nhà hoạt động như Nguyễn Chí Tuyến, Lã Việt Dũng và Nguyễn Văn Đài, hay các trường hợp chết trong tù như Đinh Đăng Định và Huỳnh Anh Trí. Các trường hợp này được nêu trong báo cáo của 10 tổ chức và cũng đã được các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng trước đây.
Theo một báo cáo của chính phủ Đức được các tổ chức trích dẫn, bộ Công an của ông Lâm còn chịu trách nhiệm trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hồi năm 2017, dẫn tới cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất trong lịch sử giữa Đức và Việt Nam khi Berlin xem đó là một sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế tại Đức.
Từ các phân tích về vị trí, vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu Bộ Công an, các tổ chức kết luận rằng ông Lâm “phải chịu trách nhiệm về tất cả những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam trong ít nhất 10 năm (2010-2020)… theo Đạo luật Magnitsky.”
Tương tự, các tổ chức này cũng cáo buộc ông Bình, trong 10 năm giữ chức vụ cao nhất của Viện Kiểm sát và Toà án Tối cao, đã “phớt lờ những khiếu nạn của người dân đối với sự sách nhiễu và bất công của cảnh sát trong các phiên toà” và dưới sự chỉ đạo của ông, “các bản cáo trạng cũng như các bản án dành cho các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền được viết ra theo những hồ sơ điều tra của công an.” Theo thống kê của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Dự án 88, có ít nhất 352 người bị kết án trong vòng 10 năm qua chỉ vì thực thi các quyền tự do cơ bản của con người được ghi trong Hiến pháp Việt Nam.
Các tổ chức này cho rằng ông Bình đã “biến toà án thành một công cụ quyền lực hơn cho việc duy trì các sắp đặt chính trị và các chính sách nhằm duy trì sự thống trị của Đảng Cộng sản chống lại những người dám lên tiếng phản đối.” Do đó, theo 10 tổ chức này, ông Bình cần phải chịu trách nhiệm và cũng bị đề nghị áp luật Magnitsky.
Các cuộc gọi của VOA tới Bộ Công an và Toà án Nhân dân Tối cao để xin bình luận trước những cáo buộc mà 10 tổ chức đưa ra không được hồi đáp. Bộ Ngoại giao ở Hà Nội luôn phản bác các chỉ trích về hồ sơ nhân quyền yếu kém của Việt Nam từ các tổ chức và chính phủ quốc tế. Người phát ngôn của bộ này thường khẳng định rằng các quyền cơ bản của người dân trong nước được đảm bảo và rằng chỉ có những người vi phạm luật pháp mới bị bắt giữ hay bỏ tù ở Việt Nam.
“Với tư cách là bộ trưởng Công an và Chánh án, ông Tô Lâm và ông Nguyễn Hoà Bình đã không bị trừng phạt vì các hành vi tấn công vào xã hội dân sự không thể chấp nhận được này quá lâu rồi,” ông Matthew Bugher, người đứng đầu Chương trình châu Á của Article 19, có trụ sở ở London của Anh, nhận định với VOA. Theo ông Bugher, sự đàn áp của các quan chức Việt Nam đối với những tiếng nói độc lập không có dấu hiệu suy giảm tại quốc gia Đông Nam Á.
Còn theo ông Daniel Bastard của RSF, có trụ sở ở Paris của Pháp, các quyết định cũng như những hành động trong quá khứ của ông Lâm và ông Bình “trực tiếp dẫn tới việc bắt giữ và kết án hàng chục nhà báo và những blogger vì nói lên sự thật.”
“Vì vậy (ông Lâm và ông Bình) nên được coi là những kẻ săn mồi hung dữ của tự do báo chí,” ông Bastard nói với VOA qua email. “Hai quan chức này nên bị trừng phạt thích đáng vì hành vi vi phạm nhân quyền của họ, để hành vi sai trái của họ không lặp lại.”
Có thể trừng phạt được Tô Lâm?
Đạo luật Magnitsky, ban đầu là nhắm trừng phạt các quan chức của Nga có liên quan tới cái chết của luật sư thuế người Nga Sergei Magnitsky tại một nhà tù ở Moscow vào năm 2009, được quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 12/2012. Đạo luật “Chịu trách nhiệm về Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky”, hay Magnitsky Act, sau đó được áp dụng trên toàn cầu từ năm 2016, trong đó quy định chế tài với các cá nhân mà Hoa Kỳ cho là vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới. Theo đó chính phủ Mỹ được phép trừng phạt những người được xem là vi phạm nhân quyền hay tham nhũng, phong toả tài sản của họ tại Mỹ và cấm họ bước chân vào lãnh thổ Hoa Kỳ.
Theo sau Mỹ, Canada và Anh vào năm 2018 cũng đã thông qua đạo luật này. Liên minh châu Âu – sau nhiều vận động bền bỉ của các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền, công lý và chống tham nhũng – cũng đã bắt đầu áp dụng Đạo luật Magnitsky Toàn cầu vào tháng 12 năm ngoái. Trong khi đó, giới đấu tranh vì nhân quyền trong nhiều năm qua cũng đang vận động để đạo luật Magnitsky được ban hành và áp dụng tại Úc.
Ông Trần Sơn, người đại diện Đảng Việt Tân đến trụ sở của Cơ quan Ngoại giao của EU (EEAS) tại Bruxelles ở Bỉ để nộp hồ sơ và báo cáo đề xuất Liên minh châu Âu trừng phạt ông Lâm và ông Bình theo luật Magnitsky Toàn cầu, cho VOA biết rằng trong những tháng tới các tổ chức này sẽ tiến hành các bước tương tự tại Mỹ, Canada và Úc, khi luật Magnitsky được thông qua tại đây.
“Chúng tôi biết rằng trừng phạt một người đang giữ chức vụ khá cao trong bộ máy (chính quyền Việt Nam) không phải là dễ nhưng các tổ chức đồng ký tên, 10 tổ chức, đã đồng ý với nhau là mình phải lên tiếng vì trách nhiệm của (ông) Tô Lâm rất là cao trong sự đàn áp,” ông Sơn nói. “Không biết tiến trình sẽ đi tới đâu và không biết là các quốc gia có sẵn sàng trừng phạt một người như vậy hay không nhưng chúng tôi có bổn phận phải lên tiếng. Có được kết quả ngay bây giờ hay là sau đó hay vài năm nữa không thành vấn đề lắm mà cái quan trọng là phải vạch trần trách nhiệm của ông (Lâm) bằng giấy trắng mực đen, ghi vào trong sổ của các nước Tây phương khi họ đối thoại với Việt Nam.”
Một đại diện của EEAS cho biết rằng cơ quan này không bình luận về tiến trình nội bộ hay tình trạng của bất kỳ quy trình thể chế nào, khi trả lời yêu cầu bình luận của VOA về việc liệu EU có áp dụng chế tài theo luật Magnitsky đối với ông Lâm và ông Bình hay không. Đại diện này cho biết qua email rằng “Đại diện cấp cao và/hoặc các Quốc gia thành viên (của EU) sẽ đề xuất danh sách theo các biện pháp hạn chế của EU để Hội đồng (Liên minh châu Âu) quyết định theo các điều khoản hiệp ước hiện hành.”
“Tôi nghĩ rằng các nhà chức trách của Liên minh châu Âu, Canada, Anh và Mỹ có một cơ hội tuyệt vời để cho thấy rằng họ vẫn được thúc đẩy bởi các nguyên tắc phổ quát như nhân quyền và tự do báo chí,” ông Bastard nói. “Họ nên nắm bắt cơ hội này để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hai cá nhân đã chà đạp lên các giá trị phổ quát đó. Nếu không làm như vậy thì sẽ là một dấu hiệu xấu cho cuộc chiến toàn cầu vì dân chủ.”
Đây không phải là lần đầu tiên các quan chức của Việt Nam bị đề nghị trừng phạt theo đạo luật Magnitsky.
Vào tháng 12 năm ngoái, một nhóm các dân biểu Quốc hội Mỹ đã thúc giục Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Hoa Kỳ áp dụng luật Magnitsky toàn cầu để chế tài các thành viên của lực lượng công an Hà Tĩnh tham gia “tra tấn” nhà báo công dân và nhà hoạt động môi trường Nguyễn Văn Hoá, hiện đang thụ án 7 năm tù ở Việt Nam với tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước.”
Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ John Cornyn hồi tháng 8 vừa qua cũng đã kêu gọi Ngoại trưởng Anthony Blinken có các biện pháp mạnh mẽ về nhân quyền trong khi thương thảo hợp tác với Việt Nam. Thượng nghị sỹ này còn kêu gọi áp dụng biện pháp chế tài theo luật Magnitsky toàn cầu đối với các cá nhân vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam.

Nguồn tin: Voa tiéng Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập17
  • Hôm nay22,795
  • Tháng hiện tại263,124
  • Tổng lượt truy cập35,529,405
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây