“Ai đi xích lô không, xích lô ế đây, mại dzô, mại dzô!” - tiếng rao của ông lão khiến nhiều người tại chợ Tân Định nhìn nhau cười khúc khích. Nụ cười móm mém, hiền lành, cái dáng lọm khọm của ông lão đạp xích lô tên Trương Khôi (78 tuổi) dường như đã quá thân thuộc với những người dân nơi đây. "Ai muốn trẻ thì cứ việc cười thôi!" 5 giờ sáng ở Sài Gòn, tôi vẫy tay rồi leo lên xích lô để làm vị khách mở hàng đầu tiên cho chuyến xe của ông. Những vòng xe chầm chậm, ông đưa tôi qua những con hẻm nhỏ của Sài thành rồi dí dỏm mở đầu câu chuyện: “Tui tên Khôi nhưng bà con ở chợ Tân Định toàn gọi là “Ông già vui tính”. 60 năm sống ở Sài Gòn, nỗi buồn có khi còn nhiều hơn niềm vui nhưng để tự tạo ra hạnh phúc cho mình và mọi người xung quanh, tôi mới tập cười và hài hước như vậy đấy”. Ông Trương Khôi đã 78 tuổi nhưng hàng ngày vẫn đạp xích lô mưu sinh. Nhiều năm liên tiếp, ông phải sống trong cảnh cơ hàn, nghèo khổ như vậy. Cho đến một lần nọ, tình cờ ông gặp được người bạn đồng hương, qua tâm sự, người này giới thiệu cho ông một nơi để học nghề lái xe. Nhờ siêng năng, chăm chỉ, nửa năm sau, ông ra nghề rồi xin vào một hợp tác xã vận tải để nhận xe ô tô rồi rong ruổi trên đường phố bằng nghề chạy taxi. “Đó là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi. Nhờ chạy taxi với tiết kiệm tiền trong ăn uống mà tôi đã có thể thuê được một căn phòng trọ nhỏ để che mưa che nắng. Mỗi đêm xuống, tôi không còn phải lo tìm chỗ ngủ hay sợ những kẻ bụi đời khác quấy phá không cho ngủ như trước kia”. Ông có vẻ trẻ hơn so với tuổi của mình. Ông hóm hỉnh bảo: “Chắc có lẽ tôi cười suốt ngày nên mới trẻ như vậy. Ai muốn trẻ thì cứ việc cười thôi”. Nhớ lại quãng thời gian làm tài xế taxi, ông Khôi bảo có rất nhiều kỷ niệm. Kỷ niệm mà ông nhớ nhất là chuyện một nam hành khách sang trọng sau khi xuống xe thì bỏ quên một chiếc va li. Phải mất gần cả ngày trời, sau khi nhờ nhiều bạn bè cùng tìm kiếm, ông mới gặp được người khách lạ ấy để trả lại va li. Lúc này, ông khách vui mừng ôm choàng lấy ông rồi mở va li ra, trước mặt ông Khôi lúc ấy toàn là những đồng tiền xanh đỏ. Khi ông chưa kịp phản ứng gì thì vị khách kia rút vội một xấp tiền rồi dúi vào tay ông. Tuy nhiên ông đã từ chối rồi leo lên taxi, tiếp tục công việc. “Mình nghèo nhưng không phải vì thế mà tham tiền. Tiền thì nhiều thật, có nó tôi có thể làm được nhiều thứ nhưng tiền do mình làm ra thì mới đáng quý. Sau vụ đó thì bạn bè chạy taxi chung với tôi họ bàn tán nhiều lắm, mãi sau này khi tôi đạp xích lô, gặp tôi họ vẫn nhắc lại, đó đúng là một kỷ niệm vui”, ông nói. Lái taxi, lấy vợ đẹp, rồi... đạp xích lô Gác lại câu chuyện đời mình, nhắc đến chuyện tình, ông Khôi càng vui vẻ hơn. Theo ông mô tả, bà là một người phụ nữ rất duyên dáng, hiền lành và khá xinh đẹp. Chuyện tình của ông và bà cũng bắt đầu từ những chuyến taxi. Ngày ấy, bà là một công nhân của xưởng may. Mỗi ngày tan ca, bà đều vẫy taxi của ông rồi dần trở thành vị khách ruột của "chàng taxi". Ông chia sẻ: “Đầu tiên tôi cũng không để ý gì nhiều đến bả đâu vì tui nghĩ, trời ơi người thì cũng đẹp thật đó mà sao... nói nhiều quá. Tui ghét phụ nữ nói nhiều nhưng không ngờ mưa dầm thấm lâu, tui và bả yêu nhau tự bao giờ không hay”. Tuy vất vả mưu sinh, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng ông Khôi vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Ông cho biết, tuy đã lớn tuổi nhưng vợ chồng ông vẫn thương yêu, chăm sóc cho nhau như thuở ban đầu. Quen nhau được một thời gian, ông dắt bà về ra mắt gia đình rồi cả hai nên duyên vợ chồng. Cũng trong quãng thời gian ấy, hợp tác xã vận tải ngừng hoạt động, công việc lái taxi của ông bị gián đoạn. Vì không có nhiều tiền để mua một chiếc ô tô nên ông Khôi bàn với vợ bán đi những món đồ có giá trị trong nhà để mua lại một chiếc xích lô cũ. Từ lái taxi, chuyển sang đạp xích lô mưu sinh, nhiều khó khăn bắt đầu đến với ông. Mỗi ngày ông phải dậy sớm hơn để ra khu vực chợ Tân Định nhận chở hàng hóa thuê cho mọi người. Nhiều khi, gặp những món đồ nặng, không đạp nổi xích lô, ông phải đẩy bộ cả xe và đồ đạc suốt chặng đường dài vài chục km. Những buổi chiều đưa vợ đi trị liệu Sau những tràng cười sảng khoái vì nhắc lại chuyện tình và chuyện nghề của mình, trong chốc lát, ông Khôi có vẻ trầm lắng lại. Ông ngước ánh mắt trầm buồn nhìn về phía xa xăm: “Kia là chỗ tui và bả hay đứng vào mỗi buổi chiều đó. Chiều nào cũng vậy, tôi đều đưa bả ra đây để tập vật lý trị liệu”. 18 năm nay, từ một người phụ nữ nhan sắc, vợ ông lâm bệnh nặng, căn bệnh tai biến mạch máu não khiến bà toàn thân bất động, mọi sinh hoạt ăn uống đều diễn ra trên giường và chiếc xe lăn dành cho người tàn tật. Từ ngày vợ mắc bệnh, mọi việc trong gia đình đều một mình ông quán xuyến. Đều đặn, mỗi ngày ông đều thức dậy vào lúc 2h sáng để nấu thức ăn cho vợ rồi sau đó lặng lẽ đạp xích lô ra chợ Tân Định để bắt đầu một ngày làm việc. Đến trưa khoảng 12h, ông trở về nhà chuẩn bị đồ để 2 vợ chồng cùng ăn bữa trưa. Buổi chiều, ông giặt quần áo rồi dọn dẹp nhà cửa, trò chuyện cùng bà để bà quên đi phần nào những cơn đau đớn đang hành hạ. “5h chiều, tôi lại bế vợ lên xích lô rồi chở ra bờ kè, tôi tập cho bà ấy đi, rồi bấm huyệt tay chân để giảm sưng, giảm đau để tối về bà có thể ngủ ngon giấc hơn”. Chuyện ông Khôi tập vật lý trị liệu cho vợ cũng rất cảm động. Ông kể, để có được một bài tập bài bản như ngày hôm nay, ông phải đi tìm kiếm rất nhiều nơi nhưng hỏi thăm nơi nào giá cả cho những khóa học như vậy cũng rất cao. Vì không có tiền nhưng muốn vợ khỏe hơn, ông Khôi quyết định học lén. Chọn một nơi học vật lý trị liệu có uy tín, ông ngồi bên ngoài rồi nhìn lén qua lớp cửa kính trong suốt để nhớ từng động tác. Cứ như vậy, khi khóa học kết thúc, ông cũng đã có thể tự tập được cho vợ mình.“Tôi có 3 người con dù đã trưởng thành nhưng chúng cũng vất cả lắm, không muốn phiền đến con nên vợ chồng tôi thuê trọ ở riêng rồi rau cháo nuôi nhau. Tuy chưa bao giờ giàu có nhưng vợ chồng luôn vui vẻ, hạnh phúc”. Ông Khôi chỉ có một ước mơ duy nhất, đó là có thể về lại Quảng Ngãi. “Tôi tha phương cầu thực đã hơn 60 năm rồi, vì hoàn cảnh nên không thể về quê được. Bao đêm nằm trằn trọc, nỗi nhớ quê nhà cứ canh cánh từng đêm. Ước gì trước khi nhắm mắt xuôi tay, tôi có thể 1 lần được về quê, thắp nén nhang cho ông bà, tổ tiên”. Chuyện tình, chuyện đời rồi chuyện nghề xen lẫn trong những câu chuyện của ông. Hóm hỉnh để quên đi những muộn phiền trong cuộc sống nhưng thỉnh thoảng những tiếng thở dài lại đến với ông Khôi khi nghĩ về nghề mà mình đang chọn để mưu sinh. “Ngày nay, taxi, xe ôm nhiều lắm, người ta cũng thích đi mấy phương tiện đó vì nó nhanh hơn. Nghề xích lô như tụi tui rồi vài năm nữa đây cũng trở thành quá vãng thôi”. |
Tác giả bài viết: Thanh Nguyen
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn