Bác sĩ YersinBÁC SĨ YERSIN - HIỆU TRƯỞNG ĐẦU TIÊN CỦA ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
Dịch hạch- một trong những đại dịch khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người- đã giết chết gần 2/3 dân số Châu Âu và 1/3 dân số Trung Quốc. Và người đã cứu thế giới ra khỏi "cái chết đen" kinh hoàng đó chính là thầy Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Y Hà Nội - Bác sĩ Alexandre Yersin.Nhận bằng tiến sĩ khi mới 25 tuổi, cùng Roux khám phá ra độc tố bạch hầu và là 1 trong những người tham gia phát triển huyết thanh ngừa bệnh dại, Yersin được xem là học trò xuất sắc nhất của Louis Pasteur.
Từ bỏ tương lai đầy hứa hẹn ở viện Pasteur Paris, Yersin chọn con đường lênh đênh trên biển, luồn lách trong những vùng núi hiểm trở dọc dãy Trường Sơn, vào ở trong những ngôi làng sắc tộc thiểu số để thỏa mãn niềm đam mê khám phá cho dù có lúc ông đã suýt mất mạng. Nhưng thật may là ông đã sống sót và tìm ra cao nguyên Lâm Viên và con đường đi bộ từ Trung Kì sang Cao Miên.
Năm 1894, khi nạn dịch hạch bùng nổ ở Hồng Kông gây tỉ lệ tử vong đến đến 95%, chính phủ Nhật bản đã cử đi một đoàn nghiên cứu do giáo sư Kitasato dẫn đầu với đầy đủ thiết bị hiện đại thì Yersin với chiếc vali đựng kính hiển vi cũ trong cái lán bằng tre phủ rơm cạnh đó trong chưa đầy 1 tuần đã tìm ra trực khuẩn dịch hạch và trở thành thầy thuốc đầu tiên cứu sống một bệnh nhân dịch hạch. Với phát minh vĩ đại đó, Yersin không nhận một chút vinh quang nào cho mình. Ông từ chối tiếp các nhà báo, đặt tên trực khuẩn tìm thấy là Pasteurella Pestis để tri ân người thầy (sau này người ta mới đổi lại là Yersinia Pestis).
Biết được uy tín của Yersin, năm 1902, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer yêu cầu Yersin ra Hà Nội và thành lập Trường Y – dược Đông Dương, trực thuộc Đại học Đông Dương. Sau 2 năm xây dựng, năm 1904, ông từ chức Hiệu trưởng để dành trọn thì giờ nghiên cứu tại Nha Trang.
Nha Trang - nơi mà những người dân ở làng chài nghèo đó không biết đến huyền thoại sống A.Yersin- người đã đẩy lùi bệnh dịch hạch- chỉ biết có một vị bác sĩ người Pháp tốt bụng, yêu quý trẻ con và hay chữa bệnh miễn phí cho người nghèo với cái tên gần gũi-ông Năm.
Ông Năm (bác sĩ Yersin) rất cởi mở, gắn bó với người dân Nha Trang, rất yêu quý trẻ em. Ông hay cho trẻ em kẹo, tiền lẻ để mua quà. Thời bấy giờ, ngư dân tránh được tai họa do bão cũng là nhờ bác sĩ quan sát thiên văn, nghe thời tiết mà báo trước cho họ. Ông Năm thường khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho dân nghèo.
Ngư dân có thói quen hay uống rượu say, cãi lộn, gây gổ, chửi nhau, thậm chí ẩu đả. Bác sĩ lặng lẽ lấy máy quay phim, ghi lại những chuyện không hay ấy. Sau đó, mời dân xóm Cồn đến xem phim, hỏi họ có hay không, đẹp không? Ai nấy đều xấu hổ. Nhờ đó mà xóm Cồn thời ấy gần như hết nạn say rượu, đánh chửi nhau.
Ngày ông mất, rất nhiều người dân ở xóm Cồn, ở Nha Trang thương khóc. Họ để tang và đoàn người tiễn đưa ông dài hơn ba cây số. Có ở đâu như ở Nha Trang, người dân địa phương thờ cúng ông – một người nước ngoài.
Dù chiếc xe đạp là phương tiện được ông ưa chuộng. ngay từ năm 1910, ông đã muốn tậu một chiếc phi cơ, nhưng vì Đông Dương không có sân bay, ông đành bỏ dự định này.
Trong khi viên Công sứ tại Nha Trang chưa có xe nhà thì Yersin đã gởi mua tại Pháp chiếc Serpollet năm mã lực, chiếc xe Clément và một thuyền máy.
Nhưng khi cần tiền cho các công trình nghiên cứu hay giúp người nghèo, ông bán ô-tô và dùng lại xe đạp. Trong các đợt thám hiểm ông dùng ngựa, voi hay đi bộ chứ không dùng võng hay kiệu như các quan lại Pháp hay Việt thường dùng khi đi kinh lý.
Năm 1943, vì phổi yếu, ông dùng xích-lô. Nhắc đến Yersin, ai cũng hình dung một ông cụ già khiêm tốn ăn mặc xuềnh xoàng đi chiếc xe đạp cũ kỹ, quên rằng Alexandre Yersin đã làm bực mình các quan chức chính quyền thời bấy giờ với những chiếc ô-tô tối tân.
Tiên phong trong những lãnh vực mới, năm 1932, khi chuyến bay đầu tiên của hàng không Pháp nối liền Sài Gòn – Paris thì ông dùng máy bay để di chuyển. Tháng 3 năm 1940, Yerin đã 77 tuổi, lấy máy bay về Pháp để dự buổi họp hằng năm của viện Pasteur Paris. Một cuộc hành trình rất gay go. Ngày 30 tháng 5 năm 1940, chuyến máy bay cuối cùng đưa ông về Việt Nam, trước khi quân đội Đức vào Paris.
Mặc dù vậy, Yersin lại thích sống chung với người dân nghèo chài lưới và đã bỏ tiền tậu lại cái lô-cốt hai tầng lầu bỏ hoang gần xóm Cồn và cửa sông Cái làm nhà riêng. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí quyển XI về Khánh Hoà, đó là một đồn biên phòng rất lâu đời.
Ngư dân xóm Cồn thường gọi tòa nhà này là “Lầu Ông Tư”, nơi bác sĩ A. Yersin sống và làm việc ngay giữa làng chài bên cửa sông Cái, Nha Trang. Năm 1977, tòa nhà đã bị đập bỏ để xây dựng nhà nghỉ 378 của Bộ Công an hiện nay.
Từ năm 1895, Yersin đã tạo lập cho mình chỗ ở tuyệt vời để hằng ngày quan sát và hoà nhập với thiên nhiên.
Ngôi nhà riêng như Lô-cốt mỗi bề khoảng 7m 50. Mỗi tầng có hành lang rộng bao bọc. Có thể đi dọc hành lang để quan sát. Ông bố trí tầng trệt là phòng ăn, tầng một là phòng làm việc và tầng hai là phòng ngủ. Về sau, nóc nhà làm thêm một vòng tròn để dựng kính thiên văn.
Có người cho ông là con người lập dị, một người không chạy theo danh vọng, quyền lợi cho riêng mình. Một đoạn thư ông viết cho mẹ năm 1890 khi ông hai mươi bảy tuổi: “Mẹ hãy tưởng tượng xem ông Pasteur đã xin được cho con huân chương của Hàn lâm viện. Các thành viên của Viện Đại học Pháp rất mong muốn có được tấm huân chương màu tím này, song bản thân con lại không hề thấy mình xứng đáng được nhận”. Tháng 12 năm 1927, khi nhận giải thưởng Leconte của viện Hàn lâm Khoa học, ông tuyên bố: “Giải thưởng nầy là vinh dự cho viện Pasteur và số tiền nhận được sẽ giúp cho các cuộc thí nghiệm trồng cây quinquina (Canhkina)“. Ông đầu tư nguồn tiền thưởng hậu hĩnh từ các phát minh vào các công trình đang thực hiện. Tiền từ Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh; Giải Audiffret của Hàn lâm viện Tâm lý và Chính trị có kèm theo 15.000 quan Pháp. Ông dùng số tiền này tiếp trợ cho nền tài chánh Suối Dầu. Giải thưởng Lassen đem lại cho ông 8.000 quan Pháp. Ông dùng ngay tiền đó vào việc mở đường mòn nối liền Suối Dầu – Hòn Bà.
Khi vua Bảo Đại trao tặng Bội tinh Kim Khánh (Long Bội tinh) cho ông, vì phép lịch sự ông buộc lòng phải cho vua Bảo Đại đeo Kim Khánh vào cổ mình, nhưng khi vừa bước xuống, ông đã e lệ dùng chiếc mũ ép lên ngực che hết chiếc huân chương. Năm 1938, trường trung học Đà Lạt muốn có một bức tượng bán thân của Yersin, ông cương quyết từ chối làm mẫu.
Khi toàn quyền Decoux muốn biết tên những người quyền quí, danh tiếng mà Yersin đã gặp, ông trả lời: “Ở Đông Dương tôi ít giao thiệp với những hạng người ấy.”
Thật ra Yersin đã có lần gặp nhiều người danh tiếng. Năm 1896, thống chế Lyantey (lúc bấy giờ là thiếu tá) đến Nha Trang có ghi vào sổ tay: “Vị bác sĩ trẻ này tận tụy với vi trùng học, nghiên cứu, chế tạo “vắc-xe” với một niềm tin tưởng, ý chí đam mê của một nhạc sĩ cao siêu. Những giờ thăm viện của ông làm phấn khởi tinh thần, mặc dầu viện còn thô sơ.”
Sống tha hương, dù ở Pháp, Việt Nam hay Trung Quốc, hầu như tuần lễ nào ông cũng viết thư cho mẹ. Tính đến khi mẹ ông mất, năm 1905, ông đã gởi ngót 1.000 bức thư, cho bà biết sức khỏe và công việc hằng ngày của mình.
Khi mẹ mất rồi, Yersin tiếp tục gởi thư cho người chị ruột, bà Emilie.
Trong thư nhiều khi đầy vẻ hài hước, như khi ông ở Hồng Kông viết cho mẹ: “Con còn nhiều điều nữa muốn thưa với mẹ, nhưng có hai xác chết đang chờ con. Họ muốn ra nghĩa địa cho sớm. Tạm biệt mẹ thân yêu. Mẹ rửa tay sau khi đọc thư này kẻo bị lây dịch hạch, mẹ nhé.”
Yersin khám bệnh miễn phí cho người nghèo. Ông viết cho mẹ, "Mẹ hỏi con có thích ngành y không. Có và không. Con rất vui được chữa trị cho những người đến nhờ con khám, nhưng con không muốn biến y học thành một cái nghề, nghĩa là con sẽ không bao giờ có thể đòi một người bệnh trả tiền vì đã chữa bệnh cho người đó. Con coi y học là thiên chức, là mục vụ.Đòi tiền để chữa trị cho bệnh nhân thì chẳng khác nào nói với người đó rằng: tiền hay mạng sống."
Và ông kể: ""Bệnh nhân An Nam từ khắp nơi đổ về đây, những lúc con không đi chơi đâu đó. Nói cho đúng, họ lợi dụng hiểu biết khoa học của con, nhất là những lúc để trả tiền cho con, họ lại thân ái đánh cắp ví của con. Nhưng biết làm sao bây giờ, trong óc họ, ăn cắp tiền của một người Pháp là một hành động tốt. Vả lại, người Pháp đến xứ Đông Dương này để làm gì đây, nếu không phải là ăn cắp của người An Nam?"
Noẽl Bernard viết về A. Yersin có câu: “ít có người không vụ lợi như Yersin. Khiêm tốn, giản dị, lịch sự”.
Ông ăn mặc xoàng xĩnh bộ đồ kaki bạc màu cũ kỹ, áo khoác bốn khuy ba túi, áo sơ-mi vải trắng hở cổ, quần kaki trên rộng dưới hẹp giặt sạch mà không bao giờ ủi. Giày vải bố. Trong túi ngực bên trái đựng một cái đồng hồ trái quít đeo bằng một sợi dây gai đỏ. Phải nói rằng Yersin không thiếu đồng hồ. Năm 1945, người ta tìm thấy trong tủ sắt của viện Pasteur Nha Trang rất nhiều đồng hồ trái quít chế tạo tại Thụy Sĩ, phần lớn bằng vàng, dây đeo cũng bằng vàng, bên trong cái nắp đều có dòng chữ: Chế tạo riêng cho Bác Sĩ Yersin.Ngày 22 tháng 11 năm 1920, ông đáp tàu Paul Lecat đi Marseille. Một phục vụ viên trẻ của tàu không biết ông, cương quyết không cho ông vào phòng ăn. Nội qui của tàu bắt buộc phải thắt cravate khi bước vào phòng khách. Yersin trở về cabine. Sau đó, ông quay lại phòng ăn nói với phục vụ viên: “Chiếc cravate nầy cậu có chấp nhận không ?” Vừa nói ông vừa chỉ tay xuống chỗ hở ở cổ áo nơi ông vừa đút tấm huân chương “Bắc Đẩu Bội Tinh” vào.
Năm 1925, một buổi sáng ông đến hãng xe gặp một người khách sang trọng từ Pháp mới tới. Người nầy thấy ông ăn mặc xoàng xĩnh buột miệng kêu lên: “Tên bụi đời lang thang này làm gì ở đây ?
Bữa ăn của ông thường đạm bạc. Món ăn ông ưa thích thường ngày chỉ là món xúp rau cải ăn với bánh mì hoặc biscotte. Trong thời gian chiến tranh ông phải ăn bánh tráng thay cho bánh mì. Ông thích ăn cá hơn là thịt. Các loại cá được ông ưa chuộng là cá thu, cá mú.
Món rượu khai vị của ông thường chỉ là thứ nước có bột quinquina do ông tự chế. Nước uống đôi khi ông dùng nước lá sả mà ông bảo rằng dễ tiêu hoá. Có lần đi thám hiểm vùng cao nguyên, ông chỉ ăn cơm không trong hai tháng.
Vì Nha Trang thường có bão táp, Yersin nghiên cứu về khí tượng, thời tiết để giúp ngư dân.
Ông cho làm hai cái bồ to, có đường kính một mét, trên sơn màu đen. Khi có bão, hai cái bồ được kéo lên hai cây cột bằng phi lao trên núi Sinh Trung để báo hiệu.
Tháng 11 năm 1939, đoán biết rằng một cơn bão lớn sẽ đổ vào bờ biển Nha Trang, Yersin vội tập trung tất cả ngư dân xóm Cồn vào trong nhà mình. Cơn bão biển dữ dội đêm ấy đã cuốn trôi nhiều nhà cửa xóm Cồn, nhưng bà con vẫn an toàn.
Từ hôm ấy, Yersin được nhiều người dân xóm Cồn tặng cho biệt hiệu “người đã trị cơn sóng thần”.
Viết về Yersin, và viện Pasteur Nha Trang, Henri Jacotot đã có những lời ca ngợi tốt đẹp:
“Trong những thời điểm quan trọng, Yersin luôn luôn sống trong tình trạng báo động thường trực cả ngày lẫn đêm.” (Yersin et son temps, H. Jacotot-1937)Chẳng những lo bảo vệ dân chúng tránh tai nạn bão lụt, Yersin còn luôn luôn tỏ ra nhân ái đối với người dân ở Nha Trang, nên ông được người Việt yêu chuộng và kính phục. Ông tự coi mình như một người dân trong làng, một người có phần may mắn hơn người khác, vì vậy ông thấy có bổn phận an ủi và giúp đỡ thuốc men.
Một hôm đi xe đạp từ nhà đến sở, ông bị một tài xế bất cẩn đụng ngã. Không nói một lời nào, ông vội vã dựng xe đạp lên, rồi đi đến viện để băng bó, không đả động gì đến người tài xế có lỗi.
Lần khác ông gặp người nông phu nằm ngủ trong xe bò dưới gốc cây bàng. Mặt trời lên cao, bóng mát thay chiều, ông bảo những người phụ tá đẩy xe bò vào chỗ mát.
Ông rất thương yêu trẻ con xóm Cồn, thường chiếu phim cho chúng xem. Một hôm, chúng đánh vỡ chậu hoa, ông bảo người giúp việc: “Đừng rầy đánh, người ta sợ.”
Yersin rất nhẫn nại tử tế với những người cộng sự bản xứ, không bao giờ to tiếng, không bao giờ thị oai.
Người dân Nha Trang gọi ông là Ông Tư (theo cách gọi của người đàng trong, chỉ ông là con thứ ba). Hay Ông Năm vì theo ngạch nhà binh ông là Đại tá quân y.
Ông không lấy vợ, sống thanh đạm độc thân.
Yersin đến với người Việt Nam bằng một tấm lòng chân thật. Đó là chìa khoá mở cửa cho ông đi vào tình cảm của người Việt Nam.
Ông ra đi rất thanh thản, ngày 01 tháng 03 năm 1943 vào lúc 01 giờ sáng, vừa đúng tám mươi tuổi.
Một ngày trước khi từ giã cõi đời, ông còn ngồi trên ghế xích-đu dùng ống nhòm đo mực thủy triều.
Mặc dầu có lời căn dặn của ông trong di chúc muốn được an táng đơn giản, đám tang của ông to lớn chưa từng thấy ở Việt Nam. Ngoài đại diện của chánh quyền còn vô số người Việt, người Pháp, người Chà, người Hoa, người Thượng. Dân chúng bày hương án hai bên đường từ Nha Trang lên tận Suối Dầu nơi ông an giấc ngàn thu. Thể theo chúc thư, đám tang của ông thật giản dị, không có ai đọc điếu văn.
Tác giả bài viết: Tru Vũ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn