Câu chuyện về cậu bé hiếu thuận và đôi guốc gỗ thần kỳ

Thứ năm - 28/11/2019 09:19

Câu chuyện về cậu bé hiếu thuận và đôi guốc gỗ thần kỳ

Được mất, thành bại trong đời đôi khi chỉ do một niệm trong tâm ta mà ra. Tâm có chính niệm, biết đủ, trí tuệ sẽ sáng suốt; tâm khởi dục vọng, cầu không được, lại tăng thêm ngu si. Đây chính là điều muốn nói trong câu chuyện cậu bé hiếu thuận và đôi guốc gỗ thần kỳ này.
Cậu bé hiếu thảo vì biết thế nào là đủ, biết giữ bổn phận, nên mới có được cuộc sống an ổn… (Tranh minh họa: sohu)

Có hai mẹ con nọ luôn sống nương tựa vào nhau, người con trai đang còn nhỏ nhưng rất ngoan ngoãn và hiếu thuận.

Khi đứa trẻ được bảy, tám tuổi, người mẹ bỗng nhiên mắc trọng bệnh, trong nhà lại nghèo túng, không cách nào mời thầy thuốc đến chẩn bệnh, đứa bé thấy vậy rất lo lắng, không biết nên làm thế nào cho phải?

Nếu không điều trị kịp thời, mẹ sẽ bệnh chết mất. Đứa trẻ lòng nóng như lửa đốt, đành phải tìm đến người chú ruột là thân nhân duy nhất để mượn tiền chạy chữa cho mẹ. Người chú mới nghe nói đến hai từ “mượn tiền” sắc mặt liền lập tức thay đổi. Ông nói: “Trẻ con làm sao có thể tùy tiện đi mượn tiền người khác được?”

Đứa trẻ nói: “Nếu không có tiền mẹ cháu sẽ bệnh chết mất. Nên cháu mới bất đắc dĩ tới chú xin mượn tiền”.

Người chú lại nói: “Có phải mày đến giả mượn tiền để lừa ta hay không? Ta sẽ không dễ dàng đưa tiền đâu”.

Đứa bé lại không ngừng khóc lóc cầu xin, nước mắt tuôn rơi đầy mặt, người chú lúc này mới gượng ép nói: “Được rồi, ta sẽ cho mày mượn tiền. Nhưng tuyệt đối lần sau không được đến mượn nữa”.

Người chú đưa cho đứa bé mượn một ít tiền, số tiền chỉ đủ mua một thang thuốc. Dù vậy đứa bé vẫn không ngừng dập đầu cảm tạ người chú, rồi cầm lấy tiền vội vàng đi tìm thầy thuốc.

Sau khi người mẹ uống thuốc thì thấy người khỏe hơn chút. Nhưng chỉ uống một thang thì không thể làm bệnh khỏi được, đứa bé đành phải miễn cưỡng tiếp tục tìm đến người chú cầu xin mượn tiền.

Nhưng lần này, người chú chẳng những không gặp mà ngay cả cửa nhà cũng đóng chặt, không cho đứa bé bước vào. Bất luận đứa bé có cầu xin, khóc lóc thế nào, người chú nhất định không chịu mở cửa. Một mạch cầu xin mãi cho tới hoàng hôn, đứa bé nghĩ mẹ hiện đang ở nhà một mình không ai chăm sóc, nên đành phải ra về. Nó vừa đi vừa khóc, không cẩn thận đụng phải một người, ngẩng đầu nhìn thì thấy là một ông lão rất già.

Đứa bé nhìn ông lão rồi không ngừng cúi đầu giải thích: “Xin ông thứ lỗi! Vì cháu đang rất đau lòng nên không chú ý tới ông, thật là xin lỗi ông!”

Ông lão hỏi: “Có chuyện gì mà cháu lại thương tâm đến thế?”

Đứa bé liền kể lại chuyện mẹ bị bệnh cho ông lão nghe. Nghe xong ông nói: “Cháu thật là một đứa trẻ hiếu thuận. Đừng lo lắng, ta sẽ giúp cháu”. Nói rồi ông lão lấy từ trong túi ra một đôi guốc gỗ, nhưng kỳ lạ là đôi guốc chỉ có một đế và một bản gỗ.

Ông lão nói: “Này cháu. Nếu cháu cần tiền thì mang đôi guốc này vào đi vài bước, nó sẽ phát ra tiếng kêu leng keng lộc cộc, trên mặt đất sẽ xuất hiện vàng và bạc trắng. Cháu có thể cầm đi đổi tiền”.

Đứa bé cầm đôi guốc gỗ hỏi ông lão: “Đôi guốc này chỉ có một chân đế, liệu đi đường có thể vững vàng sao?”

Ông lão liền nói: “Cho nên muốn dùng nó cần phải có lòng kiên trì và chân thành”.

Thế là đứa bé thật cung kính, vui vẻ cầm lấy đôi guốc gỗ.

Ông lão lại nói: “Cháu cần nhớ kỹ, tiền đủ dùng là được, vì sau một lần mang nó, nếu không dừng lại mà tiếp tục mang, cơ thể sẽ càng lúc càng teo nhỏ lại, mang một lần thì sẽ thấp bé lại một lần”.

Đứa bé nói: “Xin ông cứ yên tâm, cháu biết nên dùng như thế nào rồi ạ”.

Đứa bé cầm đôi guốc gỗ về nhà, y theo phương pháp của ông lão nói bèn thử mang vào đi, trên đất quả nhiên có vàng bạc xuất hiện, nó rất vui mừng vội vàng cởi guốc gỗ ra, nhặt vàng bạc trên mặt đất đi đổi thành tiền, lại đi mời thầy thuốc đến bốc thuốc chữa bệnh cho mẹ. Không lâu sau, người mẹ liền khỏi bệnh, mạnh khỏe trở lại.

Qua một thời gian, người chú nghĩ thầm: “Đã lâu rồi thằng bé không đến đây, không biết mẹ nó đã chết chưa?” Rồi ông bèn đến nhà hai mẹ con xem tình hình thế nào. Người chú rất ngạc nhiên khi thấy cuộc sống của hai mẹ con có vẻ khấm khá, hơn nữa cả hai đều nhìn rất khỏe mạnh, khí sắc cũng rất tốt.

Người chú cảm thấy rất kỳ quái, bèn hỏi đứa bé: “Cháu làm thế nào mà có thể cải thiện hoàn cảnh của mình thế? Mẹ cháu làm sao mà khỏe lại vậy?”

Đứa bé trung thực nói rõ hết thảy mọi chuyện cho người chú nghe. Người chú tức khắc bảo đứa bé đem đôi guốc gỗ ra để mình nhìn một cái. Sau khi cầm đôi guốc trong tay, người chú nói: “Cháu nói đều là thật sao? Chú không tin, để tránh việc cháu cầm đôi guốc đi lừa người khác, từ nay chú sẽ cất giữ đôi guốc gỗ này”.

Thế là người chú cầm đôi guốc gỗ đi mất. Mặc dù đứa bé không nỡ, nhưng người chú là trưởng bối, nên cũng không còn cách nào khác.

Người chú sau khi trở về liền ngay lập tức mang vào chân, thấy trên mặt đất thực sự xuất hiện vàng bạc thì rất vui mừng, nên không ngừng đứng trên đôi guốc mà bước đi, bất tri bất giác. Thân thể người chú dần dần nhỏ lại, thậm chí còn nhỏ hơn đôi guốc gỗ, cuối cùng, chỉ có thể nhìn thấy đôi guốc mà không thấy bóng dáng của người chú đâu, vì thân thể ông ta đã nhỏ đến như hạt cát rồi.

***

Trong cuộc sống, có một số người gặp lợi mà quên nghĩa, việc nên làm, lời nên nói đều quên mất, lại vì lợi lộc mà nói những lời và làm những việc không nên. Cần chi phải nhất định vì tranh thủ lợi lộc mà tổn hại đến nhân cách, tự tôn của chính mình?

Đứa bé vì biết thế nào là đủ, biết giữ bổn phận, nên mới có được cuộc sống an ổn. Còn người chú vì tâm niệm bất chính, cho dù có cơ hội cầm guốc gỗ trong tay, nhưng do lòng tham không đáy quên mất bản thân, cuối cùng gặp phải chuyện đáng tiếc không thể nào cứu vãn.

Người ta thường nói: “Làm việc đáng nên làm chính là sáng suốt, làm việc không nên làm chính là ngu si”. Rốt cuộc việc gì nên hay không nên làm cũng đều xuất từ một niệm của chúng ta mà ra.

Đức Hạnh biên dịch

Hiếu thuận là gì? Điều cha mẹ cần ở con cái thực ra rất đơn giản…

Có một ngày, Tử Hạ – học trò của Khổng Tử hỏi thầy rằng thế nào là hiếu, Khổng Tử trả lời rất đơn giản, chỉ nói hai chữ – “sắc nạn”, tạm hiểu là vẻ mặt ôn hòa đối với cha mẹ. Đây là điều khó nhất!

Điều đó có ý nghĩa gì?

Xin hãy xem tiếp…..

Chính là khi nói chuyện với cha mẹ cần giữ được vẻ mặt ôn hòa, là hiếu đạo cơ bản nhất, cũng là điều khó làm được nhất.

Quê nhà tôi ở Tây Sơn có một đàn chó, ba đời ông cháu tám thành viên, dưới sự chăm sóc che chở của tôi, chúng sống những ngày tháng rất hòa thuận vui vẻ.

Tôi thường hay nói với mọi người rằng, mấy con chó nhỏ này có thể nói là ‘một nhà trung hiếu’. Khi tôi cho chúng ăn, chú chó già không ăn, những chú chó nhỏ cũng không tranh giành, khi chó con bướng bỉnh nghịch ngợm, chó già sủa một tiếng, tất cả đều kính phục.

Trong những lúc tôi giảng bài, có học sinh nói với tôi, bản thân thường không tự giác mà coi nhẹ ân tình của cha mẹ, không quan tâm đến cảm nhận của họ, cảm thấy những chuyện mà họ làm cho bản mình đều là lẽ đương nhiên, nhưng đối với những giúp đỡ vụn vặt của người xa lạ thì đều cảm động đến rơi nước mắt.

Tôi thường nói với những học trò của mình, rằng các em có biết ai là Bồ Tát của các em không? Cha mẹ chính là thần hộ mệnh của các em, nếu như cha mẹ các em vẫn còn khỏe mạnh, thì hãy trở về nhà lạy tạ cha mẹ. Đối với người đã cho các em sinh mệnh, thì dập đầu mấy cái nào có đáng gì chứ?

“Gặp nạn kêu trời đất, đau đớn gọi mẹ cha”

Cha mẹ mới là thần hộ mệnh của bạn, là người đã cho bạn sinh mệnh, bao dung che chở bạn, họ không có giữ lại một nửa tình yêu dành cho bạn, cũng là người lo lắng cả đời cho bạn ngay từ khi bạn mới bắt đầu sinh ra, nguyện ý phó xuất tất cả cho bạn.

Vậy nên trong Kinh Nhẫn có nói: “Ơn cha mẹ tựa như trời biển”.

Mẹ suốt 10 tháng mang thai vất vả mới đưa chúng ta đến được thế gian này, cha mẹ cho chúng ta sinh mệnh, từ sau khi cất tiếng khóc chào đời đầu tiên, cất bước chân chập chững đầu tiên, cất tiếng cười đầu tiên, bập bẹ nói tiếng ê a đầu tiên. Đối với cha mẹ, những điều này sau bao nhiêu năm vẫn còn có thể mỉm cười kể lại cho chúng ta nghe.

Tiếp đó để cho chúng ta lớn lên, đi đến trường, nhìn chúng ta làm việc, kết hôn, làm cha mẹ, tấm lòng của họ trước sau đều ở trên thân của chúng ta.

Câu nói mà rất nhiều người khi còn trẻ thường hay với cha mẹ chính là: “Cha mẹ không hiểu con chút nào cả!”. Nếu đổi lại vị trí mà suy xét một chút, người đó có khi nào thật sự muốn hiểu cha mẹ mình hay không?

Có những người sự nghiệp không thuận lợi, rất dễ bực bội khó chịu, trong nhà cũng thường hay nổi nóng, đôi khi còn lớn tiếng với cha mẹ.

Có người cho rằng, chúng ta để cho cha mẹ không phải lo lắng chuyện cơm áo, còn thu xếp cho họ ra nước ngoài du lịch, đến bệnh viện tốt nhất để kiểm tra, vậy chúng ta có được coi là hiếu thuận không?

Rất nhiều người đều cho rằng bản thân mình đối với cha mẹ còn không tệ, tự phong cho mình là “đại hiếu tử”.

Hiếu kính cha mẹ, cần phải vẻ mặt ôn hòa đối với cha mẹ, để cho cha mẹ cảm thấy vui lòng

Giống như điều được nói trong “Lễ Ký – Tế Nghĩa”: “Phàm là hiếu tử yêu thương cha mẹ sâu sắc, thì ắt cần phải có tính khí ôn hòa, người có tính khí ôn hòa, thì gương mặt ắt hòa nhã vui vẻ, người có gương mặt hòa nhã vui vẻ ắt có gương mặt dịu dàng”.

Cho cha mẹ một vẻ mặt tươi vui cũng không làm được, thì những “hành động hiếu thảo” khác có bao nhiêu là phát từ trong tâm đây?

Trong lúc Tử Du hỏi về đạo hiếu, Khổng Tử đã nói: “Kim chi hiếu giả, thị vị năng dưỡng. Khuyển mã giai năng hữu dưỡng; bất kính, hà dĩ biệt hô?”. Nghĩa là ngày nay rất nhiều người cho rằng hiếu thuận chính là có thể phụng dưỡng cha mẹ rồi, nhưng nếu như không tôn kính cha mẹ, vậy thì phụng dưỡng cha mẹ so với nuôi dưỡng chó ngựa có gì khác biệt đâu?

Bạn xem, có phải tôn kính cha mẹ mới là “hiếu thảo” đối với họ hay không?

Một người hiếu thảo hay không, thông qua từng lời nói cử chỉ trong quá trình chung sống với cha mẹ thì có thể nhìn ra được.

Những người luôn nổi nóng với cha mẹ, không có “gương mặt ôn hòa”, có thể không chú ý, một sắc mặt không tốt, thì có thể phá tan cái gọi là hiếu tâm rồi.

“Gương mặt ôn hòa” cũng là tu hành, ngay đến cả đối diện với cha mẹ bạn đều không thể bình tĩnh nhã nhặn, liệu ai có thể tin bạn có nguyên tắc và tấm lòng để làm nên sự nghiệp lớn đây?

Mỗi khi gặp chuyện lớn cần có tĩnh khí, thật ra chính là từ việc duy trì “nét mặt ôn hòa” với cha mẹ để tu luyện. Hơn nữa hiếu thảo thật sự, cần phải có tâm chân thật mới được, không được có nửa phần giả tạo.

Lòng hiếu thảo của bạn ở đâu, hành vi hiếu thảo của bạn chính là ở đó, những thứ này đều sẽ phản ánh trên gương mặt của bạn.

Điều có thể khiến cha mẹ yên lòng, có thể chính là vẻ mặt tươi cười vui vẻ của con cái!

 
 

Tác giả bài viết: Nguyen van Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập1,007
  • Hôm nay15,417
  • Tháng hiện tại285,314
  • Tổng lượt truy cập36,339,869
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây