Australia đối mặt nỗi lo Trung Quốc can thiệp

Chủ nhật - 01/12/2019 09:04

Australia đối mặt nỗi lo Trung Quốc can thiệp

Australia muốn giữ quan hệ thương mại tốt đẹp với Trung Quốc, nhưng những thông tin gần đây về sự can thiệp của Bắc Kinh làm dấy lên lo ngại.

Một người Trung Quốc đào tẩu sang Australia cáo buộc Bắc Kinh cố gắng can thiệp vào chính trị nước này. Một doanh nhân qua đời sau khi tiết lộ rằng chính quyền Trung Quốc muốn ông làm "chân trong" tại quốc hội Australia. Những kẻ đáng ngờ bám theo người chỉ trích Bắc Kinh tại các thành phố lớn của Australia.

 

Australia đau đầu với nỗi lo về Trung Quốc

Thủ tướng Australia Scott Morrison tại Canberra hồi tháng 8. Ảnh: AAP.

Những lo ngại về sự can thiệp của Trung Quốc trước đây chỉ hiện lên mơ hồ. Giờ đây, người Australia cảm thấy tham vọng chính trị của Bắc Kinh và các hoạt động gián điệp trở nên rõ ràng và cụ thể hơn.

"Đây là vấn đề không thể lờ đi được", Hugh White, cựu quan chức tình báo giảng dạy tại Đại học Quốc gia Australia, nói. "Chúng ta đã đánh giá thấp mức độ gia tăng sức mạnh của Trung Quốc và tham vọng sử dụng sức mạnh đó".

Các quan chức Mỹ thường mô tả Australia như một phép thử, một đồng minh của Washington nhưng có mối quan hệ đủ gần gũi với Bắc Kinh để xem điều gì sẽ xảy ra với các nước khác.

Mỹ thúc giục các lãnh đạo Australia đối đầu với Trung Quốc một cách trực diện hơn và áp lực có thể tăng lên sau khi Tổng thống Donald Trump ký đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong, trong đó quy định biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc đại lục và Hong Kong bị coi là vi phạm nhân quyền ở đặc khu này.

Tuy nhiên, chính quyền Australia chưa vạch ra ranh giới rõ ràng đối với Trung Quốc, quốc gia là đối tác kinh tế lớn nhưng cũng bị coi là một mối đe dọa đang trỗi dậy. Đây cũng là câu hỏi hóc búa mà nhiều quốc gia phải đối mặt.

Giới chức Australia xác nhận họ đang điều tra cáo buộc của Nick Zhao, 32 tuổi, doanh nhân người Australia là thành viên đảng Tự do. Ông khai với quan chức tình báo rằng ông được đề nghị nhận khoảng 679.000 USD để tài trợ cho chiến dịch tranh cử làm nghị sĩ nhằm trở thành "tay trong" của Bắc Kinh tại quốc hội Australia. Nhưng vài tháng sau, vào tháng 3, Zhao bị phát hiện chết trong phòng khách sạn. Giới chức đang điều tra nguyên nhân.

Trong khi đó, Cảnh Sảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng "những câu chuyện về 'hoạt động gián điệp của Trung Quốc' hay 'Trung Quốc thâm nhập vào Australia' với những kịch bản kỳ quái và chi tiết câu khách, toàn là nói dối".

Bắc Kinh cũng bác bỏ sự kiện tương tự nổi lên vào tuần trước. Wang Liqiang, người tự nhận là gián điệp Trung Quốc đào tẩu, đã cung cấp cho cơ quan phản gián Australia danh tính các sĩ quan tình báo quân sự cấp cao của Trung Quốc tại Hong Kong, cùng cách họ tài trợ và tiến hành các hoạt động tại đặc khu Hong Kong, đảo Đài Loan và Australia.

Wang thừa nhận đã tham gia vào các hoạt động xâm nhập và gây rối ở cả ba khu vực trên. Anh ta khai rằng đã dùng danh tính và hộ chiếu Hàn Quốc giả để vào Đài Loan nhằm can thiệp cuộc bầu cử của hòn đảo năm 2018 và cũng như can thiệp các cuộc thăm dò ý kiến của người dân về lãnh đạo trong năm tới. Tại Hong Kong, Wang tuyên bố đã chiêu mộ sinh viên đại lục để thâm nhập vào các trường đại học và hội sinh viên Hong Kong.

Wang William Liqiang, người tự nhận là gián điệp đào tẩu Trung Quốc, xuất hiện trên chương trình 60 Minutes hôm 24/11. Ảnh: 60 Minutes Australia.

Wang Liqiang, người tự nhận là gián điệp đào tẩu Trung Quốc, xuất hiện trên chương trình 60 Minutes hôm 24/11. Ảnh: 60 Minutes Australia.

Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định Wang chỉ đơn giản là kẻ lừa đảo bị kết án. Hôm 27/11, báo Trung Quốc Global Times công bố một video cho thấy Wang phải ra tòa năm 2016 vì tội gian lận. Thanh niên trong video thú nhận đã lừa đảo 17.000 USD.

Trong khi một số nhà phân tích nghi ngờ về thông tin của Wang, bản tường trình dài 17 trang mà anh ta cung cấp cho giới chức Australia đang được cơ quan hành pháp trên toàn thế giới nhìn nhận nghiêm túc.

"Các cơ quan tình báo hàng đầu của Australia đang bị thử thách. Đây là vấn đề khó khăn, họ không thể phạm sai lầm", John Fitzgerald, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Swinburne ở Melbourne, nói.

Có một điều rõ ràng là công chúng Australia đang giảm thiện cảm với Trung Quốc. Hastie, chủ tịch ủy ban tình báo quốc hội Australia, nói rằng văn phòng của ông đã nhận được email và thư từ nhiều người dân trên khắp đất nước, bày tỏ sự phẫn nộ và lo lắng về các hành động của Trung Quốc tại Australia.

Nhiều người còn nghi ngờ về lòng trung thành của Gladys Liu, nghị sĩ đảng Tự do hồi tháng 9 đã ấp úng khi bị chất vấn vì sao bà là thành viên của nhiều nhóm liên quan đến đảng Cộng sản Trung Quốc.

Các cáo buộc về gián điệp xuất hiện sau vài tháng căng thẳng gia tăng tại các trường đại học Australia, nơi những cuộc biểu tình của sinh viên Hong Kong đôi khi bị những người phản đối từ Trung Quốc đại lục làm gián đoạn.

Một số nhà hoạt động sinh viên nói với giới chức rằng họ bị những người dường như liên quan đến lãnh sự quán Trung Quốc chụp ảnh hay theo dõi.

Việc này thậm chí còn xảy ra với ít nhất một cựu quan chức cao cấp: John Garnaut, nhà báo kỳ cựu từng soạn báo cáo mật về sự can thiệp của Trung Quốc cho cựu thủ tướng Malcolm Turnbull năm 2017. Ông gần đây bị những người có vẻ là đặc vụ Trung Quốc theo dõi, kể cả khi ông đi cùng gia đình.

Những hành động quyết liệt này vẽ lên một hình ảnh Trung Quốc mà người Australia ít biết đến. Trong nhiều thập kỷ, mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc phát triển dựa trên một quan điểm đơn giản: Hãy cùng nhau làm giàu. Nhưng giờ đây, Australia nhận thấy rằng Trung Quốc không chỉ quan tâm về của cải và thương mại.

"Các giao dịch không đủ để thỏa mãn họ, họ muốn nhiều hơn", John Blaxland, giáo sư nghiên cứu tình báo và an ninh quốc tế tại Đại học Quốc gia Australia, nói. "Họ muốn gây ảnh hưởng đối với các quyết định của chúng ta về hợp tác với Mỹ, phản đối các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, ở Nam Thái Bình Dương và trong vấn đề Đài Loan".

Blaxland, cùng với các quan chức Mỹ, chỉ ra rằng mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Australia sang Trung Quốc là quặng sắt và Bắc Kinh khó có thể tìm thấy nguồn hàng nào đáng tin cậy với giá hời hơn các công ty Australia. Điều đó cho thấy Australia có nhiều đòn bẩy hơn các lãnh đạo nước này nghĩ.

Hastie đồng ý với quan điểm đó. Ông nói rằng những thông tin tiết lộ gần đây là lần đầu tiên "công chúng Australia có ví dụ cụ thể về những gì chúng ta đang phải đối mặt". "Đã đến lúc phải thích nghi với việc đó", ông nói.

Phương Vũ (Theo NYTimes)

 
 

Tác giả bài viết: Phương Vũ (Theo NYTimes)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập40
  • Hôm nay11,830
  • Tháng hiện tại277,098
  • Tổng lượt truy cập36,331,653
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây