Đến mộ liệt sĩ cũng giả để ăn tiền!

Thứ bảy - 07/12/2019 01:46

Đến mộ liệt sĩ cũng giả để ăn tiền!

Bên dưới 13 ngôi mộ liệt sĩ ở Bắc Kạn chỉ toàn đất với đá khi được khai quật để giám định ADN.

Bên dưới 13 ngôi mộ liệt sĩ ở Bắc Kạn chỉ toàn đất với đá khi được khai quật để giám định ADN.
 Courtesy of VOV
Đến mộ liệt sĩ cũng giả để ăn tiền!

 

 
 
00:49/07:28
Phần âm thanh Tải xuống âm thanh
 

Bên dưới 13 ngôi mộ liệt sĩ ở Bắc Kạn chỉ toàn đất với đá khi được khai quật để giám định ADN thể theo yêu cầu của thân nhân, là thông tin gây sốc không chỉ đối với gia đình mà còn đối với nhiều người Việt Nam trong những ngày này.

Ủy Ban Nhân Dân địa phương đã xác nhận về 13 mộ liệt sĩ ở Bắc Kạn không có hài cốt, không cả tiểu sành là vật dụng tùy táng bắt buộc  mà chỉ có những túi nylon đựng đất đá không thôi. Việc khai quật được Sở Lao Động-Thương Binh-Xã Hội tỉnh tiến hành với sự chứng kiến của thân nhân những người quá cố được mời đến lấy mẫu để so sánh.

Đây là 13 liệt sĩ, còn được gọi là chiến sĩ thanh niên xung phong, hy sinh khi đang thi hành nhiệm vụ trong tai nạn vỡ đập tại hồ Tân Minh, xã Thanh Vận, Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn hồi năm 1968.

Thế thì trách nhiệm ở ai? Ở Nhà Nước, ở Bộ Lao Động-Thương Binh- Xã Hội, ở Cục Chính Sách. Nhưng mà chắc chắn người ta sẽ nói liệt sĩ nhiều quá, không đủ ngân sách, thực chất nó là như vậy.
-Cựu chiến binh Trần Bang

Sau 3 lần qui tập nhưng không thể xác định danh tính, hài cốt 13 chiến sĩ thanh niên xung phong được đưa về chôn tại Nghĩa Trang Liệt Sĩ tỉnh Bắc Kạn.

Cựu chiến binh, nhà báo Võ Văn Tạo, đang theo sát vụ việc, giải thích :

“Khái niệm liệt sĩ của nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ 1945 trở đi bao hàm chủ yếu là lực lượng vũ trang hy sinh trong chiến đấu, trong công tác phục vụ chiến đấu. Sau đó thêm các thành phần khác nữa gồm các thanh niên xung phong, các cán bộ Nhà Nước đi làm nhiệm vụ mà bị tử nạn được công nhận là liệt sĩ. Đây là qui định của Nhà Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và sau này là Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam kế thừa”

Việc khai quật một lúc 13 mộ liệt sĩ ở Bắc Kạn xảy ra có thể do những thông tin không hay đã bị rò rĩ dù 50 năm đã trôi qua, nhà báo Võ Văn Tạo nói tiếp:

“Câu chuyện gian lận ấy nó đã rò rỉ, âm ỉ lâu nay. Tâm lý người Việt Nam mình thì ai cũng muốn người thân trong gia đình, tử nạn ở xa, chôn cất ở xa, nếu không có điều kiện thì chịu chứ có điều kiện thì cũng cố gắng gom về quê hương xứ sở để tiện thăm nom mồ mả . Người ta đưa ra yêu cầu phải giám định AND để xác định đúng đấy là xương cốt của thân nhân chứ không phải người khác. Đó là cái tâm lý bình thường, theo tôi cảm nhận thì cái tâm lý đó ở miền Bắc nó nặng nề hơn”.

 

Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Bắc Kạn
Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Bắc KạnCourtesy of backan.gov.vn

 

Ông Lê Phú Khải, cựu phóng viên VOV Đài Tiếng Nói Việt Nam, cho rằng đây là một vụ việc rất tiêu cực:

“Đài báo có nói về vụ này mà. Không có hài cốt mà họ cứ xây lên để lấy kinh phí, dứt khoát đó là có tiêu cực, vụ lợi chứ không có lý do gì khác. Mà chuyện này xảy ra trong thời kỳ chiến tranh, thời kỳ còn khó khăn, thế thì có thể giải thích được là tiêu cực, thế thôi”.

Điểm rất đáng tiếc trong vụ việc này, nhà báo Lê Phú Khải nói tiếp, ngoài nỗi đau của thân nhân và sự ngỡ ngàng của dư luận thì còn có sự nghi ngờ rằng những nơi chôn cất hay cải táng liệt sĩ tại các địa phương đâu đó trên cả nước thực sự có điều gì như 13 ngôi mộ không hài cốt ở Bắc Kạn hay không.

Được biết để có căn cứ báo cáo lên bộ trưởng, Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội đề nghị Cục Người Có Công phối hợp cùng Sở Lao Động-Thương Binh-Xã Hội tỉnh Bắc Kạn tiến hành xác minh, làm rõ sự việc trong thời gian sớm nhất, có nghĩa là trước 4 giờ chiều ngày 4 tháng Mười Hai.

Trách nhiệm ở ai là câu hỏi của cựu chiến binh Trần Bang, hiện mà một nhà hoạt động xã hội trong nước:

“Có thể là bên Sở Lao Động-Thương Binh-Xã Hội, hoặc Phòng Chính Sách của tỉnh đội hoặc tỉnh đội, dưới Cục Chính Sách của Bộ Quốc Phòng. Nó gian dối ở khâu những người làm hồ sơ liệt sĩ mà không có hài cốt. Bây giờ không kiểm tra chứ kiểm tra thì tôi nghĩ chắc còn nhiều bởi vì có sự gian dối của những người thực hiện công tác thương binh xã hội. công tác tìm hài cốt rồi qui tập liệt sĩ”

Biết không có hài cốt mà vẫn cứ lên danh sách để lấy tiền công vận chuyển, xây mộ đủ thứ …gọi là dự án khống, lấy tiền từ ngân sách để chia nhau bỏ túi. Hiện tượng này là có.
-Cựu chiến binh Võ Văn Tạo

“Nói chung chỗ nào có chi ngân sách là chổ ấy có gian dối, xây ra đấy thì chẳng hạn tổng cộng tất cả các khâu từ tìm kiếm đến đào đến vận chuyển đếm mua các dụng cụ như tiểu sành này khác.... Tức là cứ dự toán 5 triệu hay 10 triệu một ngôi mộ. Không tìm được nhưng bảo có tìm được, người ta vẽ ra để tíình tiền, xây kim tĩnh phía bên trên thì ăn bớt phía bên dưới. Đây là cách “ăn” mộ phần liệt sĩ gọi là tán tận lương tâm”

Không chỉ liệt sĩ thật nhưng mộ giả,  cựu chiến binh Trần Bang kể tiếp, thương binh giả cũng đang là vấn đề:

“Vừa rồi người ta tìm ra số thương binh giả ở một số tình thành cũng lên đến mấy ngàn chẳng hạn. Năm 2014 tôi đã có bài thơ  Trâu Đỏ, Trâu Đỏ là ăn cả mộ phần liệt sĩ . Thương binh giả được thì liệt sĩ thật nhưng mộ giả cũng có thôi, có mộ giả thì có tiền. Người ta không có sự trung thực, người ta coi thường người đã chết, đã khuất. Thế thì trách nhiệm ở ai? Ở Nhà Nước, ở Bộ Lao Động-Thương Binh_ Xã Hội, ở Cục Chính Sách. Nhưng mà chắc chắn người ta sẽ nói liệt sĩ nhiều quá, không đủ ngân sách, thực chất nó là như vậy”.

Trở lại chuyện phải 3 lần qui tập hài cốt 13 chiến sĩ thanh niên xung phong, tử nạn khi đập Bắc Kạn bị vỡ nhưng mộ phần của họ chỉ toàn đất với đá, cựu chiến binh Võ Văn Tạo giải thích thêm:

“Mộ liệt sĩ mà thực chất không có hài cốt của liệt sĩ không phải là hiếm.  Bộ đội tử nạn trong chiến tranh không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam mà cả Lào và Kampuchia cho nên việc là gom hài cốt ở các nghĩa trang rồi đưa về gia đình cũng có nhiều sai sót, luộm thuộm”.

“Ngay cả địa phương chúng tôi là tỉnh Khánh Hòa, huyện Diên Khánh, cách đây hơn chục năm cũng đã vở lở một vụ liệt sĩ bộ đội có tên có tuổi nhưng không có hài cốt” .

“Thứ nhất là do số liệt sĩ hy sinh quá nhiều, trong thời gian quá dài ở một địa bàn rất rộng, Nhà Nước thì để quá chậm mới tiến hành qui tập. Tôi nhớ chủ trương qui tập một cách rộng rãi và mạnh mẽ cũng phải sau chiến tranh 15 năm, khoảng 90s trở đi. Để lâu như thế thì việc quản lý hồ sơ và địa hình địa vật thay đổi rất nhiều. Trong đơn vị chúng tôi chứng kiến đồng đội chết được chôn xuống rồi lại bị bom pháo cày lên, lại nhặt lại rồi chôn xuống. Lúc ấy không biết thịt đấy xương đấy là của ai nữa,chỉ biết chôn anh em xuống cho đỡ tội nghiệp và đỡ ô nhiễm môi trường thôi. Mộ thì nông và bia thì mỏng,  chỉ cần 3 mùa mưa là trôi hết. Quá trình qui tập chủ yêu là những vùng rừng núi, từ đó vận chuyển về những khu vực tập trung là có sự sai lệch, cho nên hiện tượng mộ giả, mộ có tên có tuổi mà không có hài cốt như trường hợp vừa rồi  của Bắc Kạn không phải là quá hiếm, rất nhiều nơi bị cái hiện tượng đó”

Thực trạng phơi bày, mà nhà báo Võ Văn Tạo dùng từ “khốn nạn”  để mô tả, chính là:

“Biết không có hài cốt mà vẫn cứ lên danh sách để lấy tiền công vận chuyển, xây mộ đủ thứ …gọi là dự án khống, lấy tiền từ ngân sách để chia nhau bỏ túi. Hiện tượng này là có.

Tính đến lúc này mọi liên lạc của chúng tôi đến thẩm quyền Bắc Kạn đều không thể thực hiện được. Báo chí trong nước đưa tin là lãnh đạo tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục tìm kiếm thông tin liên quan việc qui tập hài cốt liệt sĩ của 13 thanh niên xung phong hy sinh tại hồ Minh Tân 50 năm về trước.


Tác giả bài viết: Thanh Trúc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập100
  • Hôm nay18,154
  • Tháng hiện tại239,382
  • Tổng lượt truy cập35,505,663
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây