Lúc mới sinh, đứa cháu ngoại nào bà Út cũng rước về nuôi. Đốt than, quạt lửa, đổ bô, giặt tã, nấu ăn..., một tay bà Út lo hết. Chừng ba tháng, con gái và cháu ngoại cứng cáp, bà Út nghẹn ngào tiễn chúng về bên nội.
Ông Út mất năm bà Út 75 tuổi. Bà Út sống một mình trong ngôi nhà rộng. Cậu trai cả có vợ ra riêng đã lâu. Cậu trai út sau mấy lần đổ vỡ hôn nhân cũng theo sống nhà vợ bé, năm thì mười họa mới về nhà.
Năm 76 tuổi bà Út bị lẫn. Ăn, uống, ngủ vẫn bình thường. Có điều bà không còn nhớ ai là ai. Và bà hay đi. Bà đi rất khỏe. Mới ngồi trong nhà, nháy mắt bà đã ra ngoài sân, lên chuồng heo, chuồng gà, ra ruộng. Lẫn nên đi mà không biết đường về nhà. Có đêm bà đi suốt ngoài mương mà không ai hay. Gần sáng, người hàng xóm phát hiện, gọi con bà dẫn vào nhà. Lúc ấy thì bà đã rất mệt, mình đầy bùn sình, tay chân bị gai tre quào rách nát.
Sau đêm đó, các con bà Út ngồi lại với nhau bàn cách chăm sóc bà tốt hơn. Có nhiều phương án được đưa ra, như ở nhà người này một tuần rồi đến nhà người kia. Nhưng bà Út đã quá già lại bị lẫn, nên việc đi lại khá khó khăn. Ở nhà con dâu, con rể lâu ngày, có lẽ cũng không phải là phương án tốt. Cuối cùng mọi người đi đến quyết định: mỗi đêm sẽ có người về ngủ để coi chừng bà. Cô Sáu nhà gần, lo cơm nước, coi chừng bà ban ngày. Cô Ba, cô Tư, cô Năm, mỗi người ngủ hai đêm, luân phiên nhau. Riêng cô Bảy thì xin khỏi vì nhà xa và ban đêm bận giữ chồng, chồng cô Bảy rất trăng hoa.
Bà Út lẫn mỗi ngày một nặng. Đêm nào các cô cũng phải kêu bà dậy đi tiểu hai lần, lúc đầu hôm và lúc nửa đêm. Sáng ra các cô cho bà đi tiêu, ăn sáng hay uống sữa xong mới về. Có lẽ mấy cô quên rằng ngày trước bà Út đã từng lo lắng cho mấy cô thế nào, lúc còn nhỏ, lúc nằm than, ở cữ, lúc bất hòa với gia đình chồng..., nên mấy cô vẫn hằn học với bà luôn. Kêu bà dậy đi tiểu hoài không được, cô Năm thường lôi bà đi. Mỗi lần bị cô Năm lôi, bà Út luôn khóc, ghì lấy thanh giường: “Từ từ em đi, đừng lôi, em té, chị ơi”. Đêm cô Năm ngủ xong, tay chân bà Út thường bầm giập, trầy trụa vì va đập với cạnh giường, góc tủ. Ban đêm cô Năm không cho bà mặc thêm áo ấm, vì bà luôn phun nước miếng, có đêm phải xài hết một cuộn giấy để lau nước miếng cho bà. Cô Năm hay ác miệng kêu ca: “Không cho bận gì hết, chỉ quần áo không giặt còn không nổi, lạnh thì cho lạnh, lạnh cho chết sớm, khỏi báo đời báo hại”.
Cô Tư thì ít lôi bà. Nhưng cô hay chửi. Không phải cô chửi nhỏ. Đêm nào cô Tư về ngủ, cả xóm cùng thức với cô. “Bà kêu con trai bà về nuôi bà. Bị bà ăn ở không đồng. Bà quý con trai bà quá nên trời đày bà chứ gì?”. Đầu hôm, nửa đêm và sáng sớm, cô Tư chỉ chửi một câu như thế. Làm như chửi rồi đâm ghiền, hễ về đến nhà bà Út cái gì cô Tư cũng chửi được. Con gà đẻ trên đầu tủ cô cũng chửi. Trong buồng thúi cứt mèo cô cũng chửi. Chửi gà chửi mèo cho “nóng máy” để day sang chửi bà Út. Bà Út khóc, lặp đi lặp lại chỉ một câu duy nhất: “Chị ơi, đừng la em chị ơi!”. Chắc cô Tư cũng biết chửi người mang nặng đẻ đau mình sẽ mang tội ngập đầu nên ngày rằm nào cô cũng đi chùa thắp nhang, tham gia nấu cơm từ thiện ở một bệnh viện gần nhà!
Cô Ba thì không chửi. Trái lại, cô Ba là người hay bị chửi. Cái lần cô Ba đề xuất mỗi người về ngủ canh bà Út hai đêm, cô Ba đã bị mấy cô em cằn nhằn: “Bà sung quá. Bả sống tới 92 tuổi, bà có sức đi nổi không?”. Thương mẹ, mỗi bận về ngủ, cô Ba thường đút cho sữa chua, trái cây, nước yến. Cũng bị la, “Bả già rồi, biết gì ngon nữa mà ăn, ăn rồi ỉa tri ỉa tréc báo hại tụi tui à?”. Cô Ba nhà xa, lại nghèo. Ban đêm về ngủ với bà Út, ban ngày cô Ba tranh thủ đi làm thuê cho hàng xóm để kiếm tiền đổ xăng đi lại. Có hôm kẹt quá, không về được, cô Ba điện cho hai cô em ngủ thế. Cũng bị chửi. Riết rồi thấy số cô Ba gọi, không ai muốn bắt máy. Cô Ba hay khóc với con trai: “Cha mẹ nuôi con như biển hồ lai láng/Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày. Ai ăn ở sao có trời cao chứng giám. Mai mốt trời trả báo còn hơn”.
Bà Út mất năm 78 tuổi.
Cậu cả rước cả chục ông thầy về tụng kinh, mong bà mau siêu thoát. Đám tang bà để đến bốn ngày. Thịt hết hai con bò đãi khách. Con, dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại, cháu cố quỳ một hàng dài.
Lúc di quan ra huyệt mộ, trời mưa lất phất. Cô Tư nước mắt ngắn nước mắt dài, cầm dù đi sát, che trên đầu hàng cho bà Út khỏi lạnh. Chiếc hàng nằm gọn dưới đáy mộ. Cô Bảy khóc thảm thiết: “Má ơi, từ nay làm sao con về gặp má nữa má ơi”.
Cô Năm khóc nức nở. Khóc chết lên chết xuống. Dượng Năm nóng ruột vợ, lôi cô Năm vô nhà mấy bận, cô đều vọt khỏi tay dượng, chạy về hướng chiếc hàng đang bị đất lấp dần, khóc ngặt nghèo.
Bà Út, trong hình hài nhang khói, cụm nụm đến từng cô con gái, xoa đầu: “Chị ơi, đừng khóc, chị ơi”. Tôi thấy hết. Nhưng không làm sao nói được. Vì tôi chỉ là con chó nhỏ, được bà Út xin về cách đây vài năm, khi bà chưa lẫn. Và đã ngoan ngoãn bên bà, cho đến những giây phút cuối cuộc đời.