Giỗ Tổ Hùng Vương

Thứ ba - 04/04/2017 05:25

Giỗ Tổ Hùng Vương

Theo tục truyền, vua Ðế Minh là cháu ba đời vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Linh (nay thuộc tỉnh Hà Nam) gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra một người con gọi là Lộc Tục. Sau, Ðế Minh truyền ngôi cho con trưởng làm vua phương Nam xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ.
Ngày mùng 10 tháng 3 Âm Lịch là ngày giỗ tổ Hùng Vương...
     Ranh giới nước Xích Quỷ lúc bấy giờ phía Bắc giáp Ðộng Ðình Hồ (tức Hồ Nam), phía Nam giáp Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía Tây giáp Ba Thục, phía Ðông giáp bể Nam Hải.
 
    Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào khoảng năm Nhâm Tuất (Tức là năm 2879 trước Tây Lịch) và lấy con gái Ðộng Ðình Quân là Long Nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, gọi là Lạc Long Quân.

    Lạc Long Quân lấy con gái vua Ðế Lai tên là Âu Cơ đẻ ra một lần 100 con trai. Sau này, Lạc Long Quân chia cho nàng 50 con để dắt lên núi, còn 50 con, ông đưa về hướng biển Nam Hải.
 
    Lạc Long Quân phong cho người con trai trưởng sang làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương, sáng lập ra nước Việt Nam sau này...
 
    "Vật đổi sao rời, phúc tổ vẫn lưu nền cổ tích
 
    Nước nguồn cây cối, đạo người nên nhớ đạo Hùng Vương".
 
    Hai câu thơ khuyết danh này như muốn nhắc nhở chúng ta về công đức của tổ tiên. Ngày 10 tháng 3 Âm Lịch, chúng ta không biết là ngày húy nhật của vua Hùng Vương nào, chỉ biết rằng người xưa đã biết chọn một ngày để con cháu về sau muôn đời có dịp tụ họp nhau lại mà nhớ đến tổ tiên, nhớ đến công đức của người đã sáng lập ra dòng họ, nhất là sáng lập ra quốc gia.
 
    Cách đây vài năm, tổng thống Rigan của Hoa Kỳ đã về thăm Ái Nhĩ Lan. Ông muốn nói lên mối dây liên kết giữa ông, những người da trắng đang sinh sống tại Bắc Mỹ và tổ tiên của họ... Là người, ai cũng thấy cần có một tổ quốc, một quê hương trong đó cả một dòng giống được phát sinh và liên kết với nhau.
 
    Cũng như tất cả những người tha hương, những người Việt Nam đang sống ở hải ngoại lúc nào cũng hướng về quê hương của họ. Quê hương là một cái gì vô cùng cao quý và thiêng liêng mà chỉ khi nào mất đi người ta mới cảm thấy luyến nhớ. Nhưng nói đến quê hương không có nghĩa là gợi lại một mảnh đất, một phong cảnh, một dòng sông... Nói đến quê hương là nói đến những người cùng bởi một ông tổ mà ra, những người cùng nói chung một thứ tiếng, những người có cùng một màu da, hay nói như người Việt Nam chúng ta, những người đồng bào, nghĩa là những người cùng chung một cái bọc mà sinh ra... Ðó là ý nghĩa của huyền thoại 100 cái trứng, trong câu chuyện lập quốc của chúng ta.
 
    Nhưng những người công giáo không chỉ ý thức về tình máu mủ ruột thịt của những người cùng một dân tộc, họ còn có một gia đình rộng rãi hơn: đó là gia đình nhân loại.
 
    Nhà vô thần Voltaire đã nói: nếu Thiên Chúa không có thì chúng ta phải tạo ra Ngài... Vì sao thế? Thưa, để cuộc đời chúng ta có một ý nghĩa, để chúng ta biết chúng ta có chung một người Cha, và tất cả mọi người, dù không đồng một ngôn ngữ, dù không đồng một màu da, tất cả chúng ta đều là anh em với nhau. Và kết luận tất yếu của chân lý đó là: chúng ta phải thương yêu nhau.
 
    Người trong cùng một nước, có cùng một ông tổ phải thương yêu nhau vượt lên trên tất cả mọi khác biệt về địa lý, về tôn giáo, về quan điểm chính trị.
 
    Ðó là tất cả ý nghĩa của ngày giỗ tổ Hùng Vương mà chúng ta cử hành hằng năm. Ngày giỗ tổ ấy cũng còn mời gọi chúng ta đi xa hơn nữa để nhìn nhận mọi người đều là con cái Chúa và đều là anh em với nhau.
 
    
 

Tác giả bài viết: Đức Trần

Nguồn tin: Trích sách Lẽ Sống

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập902
  • Hôm nay11,969
  • Tháng hiện tại281,866
  • Tổng lượt truy cập36,336,421
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây