Chiến tranh thương mại: Hết đạn rồi, Trung Quốc làm gì đây?

Thứ năm - 11/10/2018 23:54

Chiến tranh thương mại: Hết đạn rồi, Trung Quốc làm gì đây?

Hiện nay cả nước Trung Quốc đều quan tâm tình hình cọ xát thương mại Trung-Mỹ. Giáo sư Ngụy Kiệt ở Học viện Thương mại Trường Giang cho rằng chiến tranh thương mại Trung-Mỹ chủ yếu có ba vấn đề: 1) Vì sao vào lúc này Mỹ gây ra chiến tranh thương mại? 2) Chiến tranh thương mại Trung-Mỹ có ảnh hưởng gì đối với Trung Quốc? 3) Trung Quốc cần hành động như thế nào?

 

Posted on 08/10/2018 by The Observer

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Dưới đây là ý kiến của GS Ngụy Kiệt.

Vì sao Mỹ gây ra chiến tranh thương mại vào lúc này?

Nhìn bên ngoài là do buôn bán Trung-Mỹ không cân bằng gây ra. Theo Mỹ, năm 2017 Mỹ nhập siêu 400 tỷ USD; theo cách tính của Trung Quốc thì chỉ có 200 tỷ. Cách tính của Mỹ không chính xác, vì có một nửa là các công ty đa quốc gia sản xuất tại Trung Quốc sau đó bán sang Mỹ. Chính phủ Trung Quốc có thái độ tích cực nhằm giảm nhập siêu vào Mỹ, sẵn sàng tăng nhập khẩu nông phẩm và năng lượng từ Mỹ. Nhưng vì sao Mỹ vẫn tiếp tục đánh thuế? Có 4 mục đích thực sự.

Thứ nhất, ngăn cản quyền phát ngôn của Trung Quốc về tiền tệ quốc tế. Trước Thế chiến II, quyền phát ngôn về tiền tệ do Anh nắm giữ, sau Thế chiến II, qua dầu mỏ, đồng USD giành được quyền này. Năm nay Trung Quốc lập Sở Giao dịch dầu mỏ Thượng Hải, dùng đồng Nhân dân tệ (NDT) giao dịch, số NDT có được nhờ bán dầu mỏ có thể đổi ra vàng. Các nước sản xuất dầu mỏ như Nga, Iran hưởng ứng. Lượng giao dịch dầu mỏ của Sở Giao dịch dầu mỏ Thượng Hải tăng nhanh, đuổi sát các Sở Giao dịch New York và London, đứng thứ ba trên thế giới. Sự quốc tế hóa đồng NDT đã đe dọa bá quyền của đồng USD.

Thứ hai, ngăn cản Trung Quốc có quyền phát ngôn về khoa học – kỹ thuật (KHKT). Trước Thế chiến II, quyền phát ngôn về KHKT do Đức nắm, sau Thế chiến II do Mỹ nắm. Trung Quốc phát triển các KHKT có tính lật đổ và sáng tạo làm Mỹ cảm thấy bất an.

Thứ ba, Mỹ bắt đầu chống toàn cầu hóa – đây là mục đích chủ yếu nhất, cũng là nguyên nhân. Toàn cầu hóa kinh tế lần thứ nhất xảy ra từ năm 1750 đến 1950, do các cường quốc châu Âu Anh, Pháp, Hà Lan thực hiện bằng phương thức thực dân. Toàn cầu hóa kinh tế lần thứ hai bắt đầu từ năm 1950 tới nay, do Mỹ chủ đạo, dùng lý thuyết buôn bán tự do để xây dựng toàn cầu hóa kiểu Mỹ. Nhưng đến mấy năm gần đây, người Mỹ bắt đầu nhận thấy trong toàn cầu hóa, lợi ích của Mỹ bị tổn hại, Trung Quốc được lợi. Hàng năm, thâm hụt tài chính và thâm hụt buôn bán của Mỹ tăng lên không ngừng. Hai chục năm nay lao động cổ xanh ở Mỹ không được tăng lương, các thiết bị hạ tầng hư hỏng không có tiền tu sửa; có 1/3 dân Mỹ chưa được ra nước ngoài. Trump đại diện cho đa số cử tri Mỹ, đại diện cho chủ nghĩa cô lập. Việc Trump cần làm là chống toàn cầu hóa. Hillary thay mặt cho phố Wall [tức tư bản tài chính Mỹ], mà phố Wall ủng hộ toàn cầu hóa, nhưng là phái thiểu số ở Mỹ.

Thứ tư, lo mô hình Trung Quốc đe dọa mô hình Mỹ. Nền tảng của mô hình Mỹ là chế độ tư hữu, chế độ đa đảng, tam quyền phân lập, chủ nghĩa cá nhân, GDP bình quân đầu người, nhấn mạnh phát triển cá nhân. Cơ sở của mô hình Trung Quốc là chế độ công hữu, chủ nghĩa tập thể, GDP tổng hợp chú trọng quốc lực tổng hợp. Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, Diễn đàn Trung Quốc-châu Phi, ASEAN 10+1, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Trung Quốc đề xuất quản trị toàn cầu, tất cả làm cho Mỹ lo ngại.

Chiến tranh thương mại là sự tái điều chỉnh mối quan hệ Trung-Mỹ. Trung Quốc còn lùi bước, lùi bao nhiêu cũng vô dụng. Mỹ không cho phép Trung Quốc tiếp tục phát triển như thế này. Mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ sẽ có biến đổi lớn. Nguyên nhân đích thực của chiến tranh thương mại là điều không nói trên bàn đàm phán. Nguyên nhân thực sự có bốn cái nói trên.

Rốt cuộc chiến tranh thương mại có ảnh hưởng như thế nào với Trung Quốc?

Chủ yếu có ba điểm:

  1. Ảnh hưởng không lớn đối với kinh tế Trung Quốc. Hiện nay kinh tế Trung Quốc đã được điều chỉnh. Trong khủng hoảng tài chính 2008, sản phẩm của các doanh nghiệp vùng ven biển Trung Quốc không bán ra được, buộc Trung Quốc phải điều chỉnh cơ cấu kinh tế. Qua 10 năm điều chỉnh, tỷ lệ của xuất khẩu trong GDP giảm dần, năm 2017 chỉ còn chiếm 10% trong GDP 82 nghìn tỷ NDT. Việc Mỹ tăng thuế có ảnh hưởng lớn một chút với cá biệt vùng ven biển Trung Quốc, nhưng ảnh hưởng không lớn với đa số các vùng. Tôi có đến điều tra một vùng ở Chiết Giang, thuế Mỹ áp vào 60 tỷ USD hàng Trung Quốc có ảnh hưởng 1% tới GDP vùng đó, tăng thuế áp lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc thì ảnh hưởng tới 3%.
  2. Ảnh hưởng vô cùng lớn về mặt tinh thần. Chiến tranh thương mại nâng cấp cũng có ảnh hưởng lớn đối với mặt tinh thần của nước Mỹ, làm tăng thái độ thù địch Trung Quốc của các giới trong và ngoài chính quyền, của dân chúng. Không loại trừ khả năng Mỹ điều chỉnh chính sách đối với lưu học sinh Trung Quốc và gây sự trên vấn đề Đài Loan.
  3. Ảnh hưởng lớn đối với cơ cấu sản nghiệp thế giới. Mỹ đề xuất: đồng dollar trở về Mỹ, ngành chế tạo trở về Mỹ. Phần lớn chi tiết trong điện thoại di động Apple sản xuất tại Trung Quốc, sự phân công quốc tế trong ngành chế tạo và chuỗi sản nghiệp sẽ bị phá hoại.

Bước sau Trung Quốc nên làm gì?

Sau khi tăng áp thuế lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, Mỹ còn dọa nếu Trung Quốc chống lại thì sẽ tăng áp thuế lên 260 tỷ USD. Trung Quốc chỉ nhập có 130 tỷ USD hàng Mỹ.

Vậy TQ làm thế nào? Hết đạn rồi thì làm gì?

Trung Quốc sẽ làm 4 việc sau:

Một là mở cửa toàn diện, dùng mở cửa để chống chủ nghĩa cô lập của Mỹ. Trung Quốc có 1,4 tỷ người, là thị trường lớn nhất toàn cầu. Tôi đã nghiên cứu lịch sử Anh, Mỹ, đã là nước lớn thì nhất định phải mở cửa, nhất định phải xảy ra nhập siêu, thâm hụt tài chính. Lần toàn cầu hóa thứ nhất, Anh là nước lớn. Lần toàn cầu hóa thứ hai, Mỹ là nước lớn. Họ đều là thị trường mở, có nhập siêu và thâm hụt tài chính. Lần toàn cầu hóa thứ ba sẽ bắt đầu trong bối cảnh chống toàn cầu hóa, tuân theo quy luật.

Cần mở cửa thị trường sản phẩm vật chất. Hạ thấp điều kiện tiến vào thị trường, hạ thuế quan, Khu buôn bán tự do Hải Nam hủy bỏ thuế quan. Hội chợ thương mại nhập khẩu Thượng Hải có quy mô rất lớn. Giá cả các sản phẩm chất lượng tốt của nước ngoài nhập vào sẽ hạ thấp nhiều, kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước. Ai muốn mua hàng xa xỉ hãy chờ đấy, dự kiến cuối năm nay giá sẽ hạ nhiều. Sản phẩm chất lượng tốt của nước ngoài nhập vào sẽ kích thích nâng cao năng lực cung cấp trong nước. Chuỗi sản nghiệp của Trung Quốc đầy đủ, có năng lực chế tạo rất mạnh.

Mở thị trường dịch vụ. Các ngành dịch vụ tiền tệ, giáo dục, y tế nên tăng độ mở. Hạt nhân của ngành dịch vụ là con người. Người ta sẽ di cư vào, cho nên phải lập Cục Di dân quốc gia. Trên Diễn đàn Bác Ngao, Tổng thống Philippines nói Trung Quốc thiếu giáo viên dạy trẻ chất lượng cao, nước ông có thể cung cấp 100 nghìn giáo viên dạy tiếng Anh.

Mở cửa thị trường đầu tư. Năm nay sửa lại danh sách đầu tư tiêu cực của thương gia ngoại, các điều cấm từ 69 giảm còn 42. Mục đích mở toàn diện là để biến Trung Quốc từ nước lớn ngành chế tạo thành nước lớn thị trường.

Hai là cần kiên định đẩy mạnh sáng kiến “Một vành đai, một con đường”. Cần đưa vốn và hàng hóa ra nước ngoài, dịch vụ tiền tệ phải bám theo, xây dựng Ngân hàng Đầu tư châu Á; xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng xây dựng chuỗi cung ứng, đường sắt cao tốc Trung Quốc-châu Âu, đường sắt cao tốc Trung Quốc tới Nam Á tuy có trục trặc nhưng có thể thành công.

Dịch vụ pháp lý phải bám theo, xây dựng Tòa án “Một vành đai, một con đường” và Viện Trọng tài Thương mại nhà nước “Một vành đai, một con đường”. Then chốt thành công của sáng kiến “Một vành đai, một con đường” là vốn to vốn nhỏ đều đi ra nước ngoài, phải phát huy tác dụng của các doanh nghiệp dân gian. Tôi ra nước ngoài khảo sát thấy vốn của hai tỉnh Giang Tây-Chiết Giang đã có quy mô nhất định ở Trung Á, vốn của tỉnh Phúc Kiến đã có quy mô nhất định ở châu Phi, đều vượt quá dự kiến của tôi.

Ba là nhất định phải kiểm soát tốt ngoại tệ. Cần rút kinh nghiệm bài học của Thổ Nhĩ Kỳ. Không được liên tục giảm giá đồng Nhân dân tệ; theo tôi không được dưới mức 7 tệ đổi 1 USD. Không được liên tục giảm dự trữ ngoại tệ; theo tôi không được dưới mức 3000 tỷ USD. Trong chiến tranh thương mại, lượng ngoại tệ chảy vào Trung Quốc giảm dần; tháng 8 vừa qua giảm 8,7 tỷ USD. Tôi thấy không có gì đáng lo. Nguồn ngoại tệ không chỉ đến từ buôn bán mà còn từ vốn đầu tư chảy vào. Dùng cách mở cửa thị trường mà dẫn nguồn vốn chảy vào, phát hành công trái đồng NDT, cá nhân và cơ quan nước ngoài dùng USD mua công trái NDT; rất nhiều cơ quan tài chính nước ngoài coi trọng nền kinh tế Trung Quốc.

Nhìn chung nguồn ngoại tệ buôn bán sẽ giảm, nguồn ngoại tệ đầu tư sẽ tăng, một tăng một giảm, triệt tiêu lẫn nhau.

Bốn là phải giữ ổn định nền kinh tế. Chính sách tài chính phải kích thích kinh tế tăng trưởng. Phải giảm thuế, giảm phí. Phải để mọi người cảm thấy tài sản của mình được an toàn. Việc thu thuế nhà đất phải chọn đúng thời cơ. Ở Nhật xuất hiện nhiều nhà vô chủ, do thu thuế nhà đất nên nhiều người bỏ nhà. Về tổng thể, cần để mọi người hiểu rõ kinh tế Trung Quốc đã tiến vào thời kỳ điều chỉnh, có thể cần 3 năm. Điều chỉnh xong kinh tế Trung Quốc sẽ tiến sang chu kỳ tăng trưởng mới.

23/09/2018.


Tác giả bài viết: Nguyễn Hải Hoành lược dịch từ Thời báo Hoàn cầu 关于中美贸易摩擦,你需要知道的几个问题,

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập38
  • Hôm nay6,163
  • Tháng hiện tại347,150
  • Tổng lượt truy cập36,401,705
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây