Công giáo và Chính thống giáo khác nhau ra sao?

Thứ tư - 10/01/2018 09:22

Công giáo và Chính thống giáo khác nhau ra sao?

Đối với một người không phải là Ki-tô hữu, thậm chí với một tín hữu Ki-tô giáo mong muốn tối giản giáo lý và việc thờ phụng, thì giáo hội Công giáo và Chính thống giáo có thể rất giống nhau

Posted on 03/03/2016 by The Observer

Print Friendly, PDF & Email

20160213_blp533

Nguồn: “The differences between the Catholic and Orthodox churches”, The Economist, 12/02/2016.

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Đối với một người không phải là Ki-tô hữu, thậm chí với một tín hữu Ki-tô giáo mong muốn tối giản giáo lý và việc thờ phụng, thì giáo hội Công giáo và Chính thống giáo có thể rất giống nhau. Cả hai đều sử dụng những nghi lễ phức tạp với nguồn gốc xa xưa và có nhiều hàng ngũ tu sĩ mặc áo choàng dài; cả hai bên đều cho rằng họ duy trì tính liên tục từ buổi bình minh của thời đại Ki-tô, cả hai đều có truyền thống thần học và học thuật phong phú, và nói chung là có ký ức tổ chức lâu dài. Chỉ có một khác biệt dường như rất nhỏ phân biệt các phiên bản kinh tin kính của họ, qua đó đặt ra những đức tin cơ bản về Chúa ba ngôi Cha, Con và Thánh Thần. Như vậy thì tại sao hai nhóm tôn giáo không thống nhất với nhau? Vào ngày 12/2, Giáo Hoàng Francis và Thượng Phụ Kirill của Moskva, lãnh đạo Giáo hội Chính thống giáo Nga, sẽ gặp nhau ở Cuba. Dù sự kiện này không phải là không có tiền lệ trong 10 thế kỷ qua, nhưng cuộc gặp như thế vẫn rất bất thường. Tại sao?

Một phần của câu trả lời là bởi vì cả hai giáo hội đều có ký ức lâu dài, vì thế những khác biệt nổi lên nhiều thế kỷ trước vẫn còn quan trọng. Sự chia rẽ chính thức giữa Ki-tô phương Đông và Ki-tô phương Tây diễn ra vào năm 1054, và ở một mức độ nào đó phản ánh sự cạnh tranh về văn hóa và địa chính trị giữa đế chế Đông La Mã nói tiếng Hy Lạp, còn gọi là Đế chế Byzantium, và khu vực Tây Âu nói tiếng Latinh, nơi mà uy quyền của Đế chế (Tây) La Mã đã sụp đổ vào thế kỷ thứ năm, nhưng những trung tâm quyền lực mới đã xuất hiện. Những căng thẳng bắt đầu tăng lên vào đầu thế kỷ thứ 11 khi những người Normandy theo Công Giáo tràn qua khu vực nói tiếng Hy Lạp ở miền nam Ý và áp đặt những lề lối Latinh vào các nhà thờ ở những khu vực trên. Thượng phụ Constantinople đã đáp trả bằng cách ngăn chặn những nơi thờ phụng theo kiểu Latinh tại thành phố của ngài, và Giáo Hoàng đã gửi một phái đoàn đến Constantinople để giải quyết vấn đề. Lãnh đạo phái đoàn, Hồng Y Humbert, đã tuyên vạ tuyệt thông với Thượng Phụ, và Thượng Phụ cũng làm điều tương tự với vị khách của mình ngay sau đó.

Trong những sự kiện dẫn đến sự chia rẽ cuối cùng, đã có những khác biệt ngày càng lớn giữa tuyên bố của Giáo Hoàng về thẩm quyền của ngài đối với thế giới Ki-tô giáo, trái với quan điểm của Chính thống giáo rằng tất cả các trung tâm cổ xưa của thế giới Ki-tô giáo (Antioch, Alexandria, và Jerusalem cũng như Rome và Constantinople) gần như là ngang bằng nhau về tầm quan trọng. Bên Chính thống giáo phản đối việc Giáo Hoàng ủng hộ một phiên bản của kinh tin kính mà theo quan điểm của họ tương đương với việc ngầm hạ thấp vai trò của Chúa Thánh Thần (Holy Spirit).

Thêm vào khác biệt về thần học này là những mâu thuẫn địa chính trị lớn: vào năm 1204 quân đội Latinh đã cướp bóc Constantinople – nơi lúc đó vẫn là trung tâm lớn nhất của thế giới Ki-tô giáo về văn hóa và thương mại – và áp đặt một chế độ Latinh trong 6 thập kỷ. Trong ký ức tập thể của Chính thống giáo, sự phản bội này bởi những người anh em Ki-tô hữu đã làm thành phố vĩ đại này suy yếu dần và khiến việc nó bị chinh phục bởi những người Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1453 trở nên không thể tránh được.

Sau khi hai bên tách ra, thế giới Ki-tô phương Đông và phương Tây sản sinh ra những truyền thống thần học khác nhau. Phương Tây phát triển ý niệm về luyện ngục (purgatory) và về việc “trừng phạt thế” (tư tưởng cho rằng việc Chúa Ki-tô tự hiến thân là cái giá phải trả cho Chúa Cha khắc nghiệt). Cả hai tư tưởng trên không hấp dẫn những người Ki-tô hữu Chính thống giáo. Phương Đông, với thiên hướng pha trộn tri thức và mầu nhiệm, đã đi theo tư tưởng rằng Thiên Chúa là không thể hiểu được bởi lý trí con người nhưng có thể tiếp cận được thông qua trái tim.

Đối với tín hữu Chính thống giáo, thần học Công Giáo dường như quá phạm trù và lề luật; còn đối với người Công giáo, tư tưởng của Chính thống giáo về mầu nhiệm dường như quá mơ hồ và không rõ ràng. Trong cuộc thảo luận được định trước trong vài tiếng tại sân bay Havana vào ngày 12/2, Đức Giáo Hoàng và vị Thượng Phụ sẽ không thể hòa giải những khác biệt đã kéo dài hàng thế kỷ trên. Nhưng ít ra họ có thể hiểu nhau hơn một chút.

Tác giả bài viết: Tru Vũ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập989
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm987
  • Hôm nay14,092
  • Tháng hiện tại283,989
  • Tổng lượt truy cập36,338,544
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây