5.1.Chướng ngại
Nếu như những chướng ngại trong phần nhân cách tôn giáo đã làm trì trệ đời sống các tín hữu thì những cản trở trong phần này càng phức tạp hơn vì bao gồm những trở ngại trên và những phát sinh từ đời tu.
5.1.1.Không trung thực
Như chúng ta đã biết nhân cách bao gồm toàn bộ đời sống con người được nhập thể trong một hoàn cảnh cụ thể. Như thế, một nhân cách đích thực đòi hỏi chủ thể phải hội nhập thực sự vào trong từng cảnh huống cuộc sống. Nhưng thực tế, con người vốn yếu đuối nên thường tránh né cách nào đó khi phải đảm nhận đời sống mình. Qua cung cách sống của nhóm tu sĩ này chúng ta dễ nhận ra mặt nạ của họ, rằng với bề trên thì cung phụng, luồng cúi còn với anh em thì kiêu căng, hống hách… Thái độ sống không trung thực này làm cản trở quá trình hình thành nhân cách đích thực. Chắc hẳn, tính đích thực của nhân cách này không hệ tại ở việc nói năng lỗ mãng hay hành động ngông cuồng nhưng tùy thuộc động lực thiêng liêng thúc đẩy họ ứng xử. Xét cho cùng, động lực thúc đẩy nhóm tu sĩ này hành động hoàn toàn mang tính nhân loại. Vì nếu thực tâm tìm Chúa trong đời tu thì họ đã đón nhận những người anh em khác trong cộng đoàn như hồng ân Chúa ban và qua những người này, họ tiến gần đến Chúa. Trái lại, một đàng họ không dám đối diện với bản thân, đàng khác còn coi tha nhân như phương tiện giúp họ thăng tiến. Tắt một lời, khi không dám sống thực với bản thân và tha nhân thì họ tự tạo một rào cản vô hình trong tương quan với Thiên Chúa.
5.1.2.Lệ thuộc
Nếu hiểu nhân cách là một thái độ tự do chọn cho mình một “linh đạo” riêng thì người lệ thuộc lại thoái thác cuộc đời mình cho người khác. Thay vì lý tưởng đời tu hướng dẫn họ xác tín chỉ lệ thuộc vào Chúa, họ lại chạy theo tiếng khen của người đời. Đó là cách người lệ thuộc tìm cách tránh né thế giới nội tâm, con người đích thực của mình. Bù lại, họ hoạt động không ngừng vì tha nhân và cảm thấy hài lòng vì mình là người có giá trị khi làm ích cho người khác. Họ thích được khen mình là người tốt và cố giữ mãi danh hiệu ấy trước mặt người đời. Vấn đề cốt lõi của họ chính là đời sống tâm linh, vì họ không biết mình và yêu mến mình một cách tích cực.(
[2])
Nếu như nhân cách được đặt trên nền tảng là tính cá vị của mỗi người thì việc người lệ thuộc đi tìm căn tính mình nơi người khác là điều dễ hiểu. Vì họ chưa bao giờ thực sự sống cho mình trong việc đọc ra những nhu cầu bản thân. Thay vào đó, họ phục vụ quên mình đến nỗi sẵn sàng đánh mất bản thân. Chính khi tìm những đánh giá tốt của người khác mà họ sẵn sàng đánh đổi tất cả. Họ ví như người Chúa Giêsu đã cảnh báo:
kẻ tìm lời lãi thế gian mà mất mạng sống mình. 5.1.3.Cầu toàn
Nếu hiểu được ước muốn lớn lao của người cầu toàn là tìm kiếm sự tròn đầy ở đời này thì chúng ta dễ nhận ra thái độ sống thiếu thực tế của họ. Họ có tham vọng xếp đặt mọi sự theo một trật tự chủ quan. Điều này có thể hiểu như việc họ giải một bài toán và có sẵn đáp số. Nhưng họ quên một chân lý này
con người là một huyền nhiệm. Người ta không thể ngồi yên để tìm đặt ra mọi tình huống trong cuộc sống, rồi tự trả lời bằng những chữ viết vô hồn (kỹ năng sống). Cuộc sống là một cuộc hội nhập từng ngày giữa hiện hữu của mình và hoàn cảnh sống. Kinh nghiệm này người ta phải mua bằng giá máu chứ không phải bằng sự dễ dãi như một đáp số bài toán. Sự giản lược và đóng khung con người trong những khuôn có sẵn chẳng khác gì những người tin vào thuyết tất định. Đó là một sai lầm !
Một tu sĩ cầu toàn không bao giờ chấp nhận tình trạng hiện tại của bản thân. Họ phấn đấu và phấn đấu mà không ý thức sự mỏng giòn của thân phận con người. Một khi chỉ dựa vào sức mình mà không cậy vào Chúa, họ mất đi nguồn trợ lực giúp họ sống tròn đầy trong giây phút hiện tại. Họ chỉ chăm chú vào cái bể chứa vĩ đại chứ không để ý từng gáo nước đầy được đổ vào bể ấy. Bể chứa vĩ đại ấy là biểu tượng của một cuộc đời, còn gáo múc nước là phút sống hiện tại. Thay vì sống tràn đầy phút sống hiện tại, người cầu toàn cứ phấn đấu tìm cách đổ đầy bể chứa vô hình. Họ quên một qui tắc vàng:
từng phút sống tròn đầy sẽ tạo nên một cuộc sống tròn đầy. Cuối cùng, họ chỉ nhận ra sự bất lực của bản thân mà không ghi nhận những nỗ lực trong từng phút sống. Bởi đó, họ luôn sống trong tình trạng căng thẳng và đầy áp lực. Tác phong lúng túng không giúp họ kiên định trong nhân cách. Hãy múc đầy gáo nước trong từng phút sống của bạn !
Khuynh hướng cầu toàn này lại được hậu thuẫn từ lời mời gọi
anh em hãy nên hoàn thiện. Tuy nhiên, họ quên rằng người ta chỉ thực sự trở nên hoàn thiện khi chấp nhận và dám sống với thực trạng con người mình trong từng giây phút. Khi người cầu toàn không biết mình đủ, lại đề ra những dự phóng vượt quá tầm với, họ sẽ sống trong ảo tưởng về những khuôn mẫu hoàn thiện (thần tượng và ngẫu tượng) hơn là dấn thân triệt để sống tròn đầy giây phút hiện tại với tất cả tình yêu.
5.1.4.Ghen tị
Khi so sánh mình với người khác về một điểm nào đó, con người thường bị cám dỗ ghen tị. Có nhiều hình thức ghen tị khác nhau: qua lời nói điêu ngoa hay bằng hành vi lỗ mãng thiếu tế nhị…
Có hai đối tượng cần khảo sát: người ghen tị và nạn nhân. Trước tiên, người ghen tị được hiểu là người cảm thấy đau đớn, khi thấy người khác có được những gì bản thân thèm muốn. Đồng thời, họ muốn chiếm đoạt điều tốt lành ấy nơi người khác và một khi không đạt được ước nguyện, họ phá bĩnh mọi sự.(
[3])
Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đặt để ước muốn nên hoàn thiện trong lòng mọi người. Nghĩa là con người có khuynh hướng nghiêng chiều về sự thiện. Điều này được thánh Augustinô ghi lại trong một lời nguyện: “
Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa và lòng con vẫn còn thao thức cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa”. Như thế, đích đến của nỗi khát vọng nơi lòng người là Thiên Chúa, Sự Thiện Tuyệt Đối.
Có thể nói, lòng khát khao ấy là một đòi hỏi chính đáng ! Nhưng thay vì chiếm hữu sự thiện trong mức độ năng lực của bản thân, người ghen tị lại quay sang thèm muốn điều tốt lành nơi người khác. Thật vậy, họ tìm thỏa mãn trong sự vô vọng của con tim. Sự ảo tưởng này làm băng hoại nhân cách của họ.Nhân cách ấy chịu ảnh hưởng của hình ảnh tốt đẹp nơi người kia.
Trong khi đó, nạn nhân chịu sự ghen tị ấy, chuỗi tâm lý diễn ra phức tạp hơn. Đầu tiên, họ chỉ là đối tượng bị ghen tị nhưng sau đó, họ trở thành nạn nhân của lòng ghen tị. Do không được ưu thế như người kia mà kẻ ghen tị quay sang tìm cách hạ nhục họ. Một khi bị công kích kịch liệt, nạn nhân dần dà cũng nghiêng theo mà nghĩ rằng những điều tốt lành nơi mình chẳng đáng gì. Cuối cùng, họ phủ nhận hoàn toàn những cấu tố trong nhân cách của mình, điều đã khiến cho người khác tỏ lòng ghen tị.(
[4])
Tóm lại, dù là kẻ ghen tị hay nạn nhân, nếu không tỉnh thức đủ cũng dễ bị nghiêng chiều theo sự dữ, tình trạng này sẽ làm ảnh hưởng cách nào đó trên nhân cách mỗi người. Ngoài ra, thói xấu này còn vương hại đến sự hiệp nhất của cộng đoàn dòng tu.
Nhìn chung, những chướng ngại trên đều phát xuất từ chính bản thân. Nếu mỗi người thường xuyên phản tỉnh về những hành vi trong vô thức của mình, dần dà sẽ làm chủ được tình thế và ý thức sống đời dấn thân với tất cả sự tự do và yêu thương.
5.2.Những giai đoạn đời tu
Để thấy được tầm quan trọng của đời sống cộng đoàn như là môi trường, nơi các ứng sinh sẽ sống, sinh hoạt…đến khi trở thành một thành viên thực thụ của một dòng tu nào đó, chúng ta cần xét qua từng giai đoạn với những yêu sách của nó.
5.2.1.Bước đầu đời tu
Thông thường, các dòng đều nhận ứng sinh vào khoảng độ tuổi từ 18 đến 25. Xét về thể lý, đây là giai đoạn trưởng thành của các cơ cấu chức năng trong toàn bộ cơ thể. Tuy nhiên, xét về mặt tâm lý, nghĩa là cảm xúc, ý thức…luôn chịu sự biến động. Khi mới được nhận vào một cộng đoàn tu, ứng sinh như “một trẻ sơ sinh” vừa ra khỏi “bào thai” của gia đình, và được đặt trong một môi trường mới. Như thế, nếu nhân cách được hình thành từ những năm đầu đời thì giai đoạn đầu của đời tu sẽ mang một tầm quan trọng không thể thiếu trong việc hình thành nhân cách một tu sĩ. Những dấu ấn trong giai đoạn này sẽ ăn sâu trong ký ức của họ.
Họ trở nên lạ lẫm với mọi sinh hoạt dòng tu và những tương giao với những người chưa hề quen biết. Với những ứng sinh linh hoạt, đây có thể là môi trường thuận lợi giúp họ thiết lập những tương quan mới. Còn những người thụ động, đó là một cản trở lớn khiến họ sống kép kín hơn. Nhưng đây chỉ là cảm giác ban đầu. Vì nếu ứng sinh thiết tha với ơn gọi, Người sẽ ban cho họ đủ ơn hầu sống triển nở trong mức độ hợp tác với những tác động của Chúa.
Trong giai đoạn này, các nhà đào tạo cần lưu ý hai việc phải giải quyết cách triệt để nếu không, đời tu của ứng sinh khó triển nở và tích cực. Đó là xét lại
động lực ơn gọi và
làm hòa với quá khứ. Thật vậy, mỗi ứng sinh đều được Chúa gọi trong một khoảnh khắc khác nhau và những điều kiện thực tế của mỗi người, thế nên, cũng bao hàm một động lực khác nhau trong việc đáp trả. Theo tác giả Philomena Agudo trong cuốn
Ta đã chọn con, chúng ta có thể chia làm 3 động cơ khác nhau (
[5]):
Động cơ vô thức
Động cơ ý thức
Động cơ siêu nhiên.
Việc xét đến những động cơ này không có nghĩa là các vị đào tạo sẽ dùng đấy để đánh giá tình trạng tâm hồn mỗi ứng sinh. Nhưng là giúp chuyển hướng cho ứng sinh trong hành trình đời tu sau này.
+Động cơ vô thức:
Như chúng ta đã biết, ơn gọi đời sống thánh hiến là ơn gọi siêu nhiên, nghĩa là khởi từ tác động của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Người có thể dùng các biến cố nhân loại, ước muốn vô thức, hoàn cảnh gia đình, môi trường sống cũng như các kinh nghiệm cảm xúc, trí thức và thiêng liêng như phương tiện tác động đến ứng sinh.
Khi coi đây là động cơ vô thức, nghĩa là giả thiết chủ thể không ý thức đủ về việc chọn lựa của mình. Chẳng hạn, do sợ trách nhiệm của đời sống hôn nhân khi mục kích từ những gia đình rối mà đương sự quyết định đi tu. Điều này phải được ứng sinh đối diện trong giai đoạn đầu của việc đào tạo; từ đó, tự thanh luyện và chuyển hướng hầu giúp đương sự sống đời tu ý nghĩa hơn.
Cũng cần xét đến kinh nghiệm ấu thơ của đương sự và phẩm chất mối tương quan liên vị trong gia đình họ. Có thể do hoàn cảnh gia đình bất hạnh, họ đã từng bị đánh đập…và muốn tìm đến tu viện như chốn an toàn để náu thân. Nếu cảm xúc này không được họ đón nhận và hóa giải thì khi không còn cảm nhận sự an toàn trong đời sống cộng đoàn, họ sẽ dễ dàng bỏ ơn gọi hoặc bám vào thế giá những người có quyền hành trong cộng đoàn.(
[6]) Đây là một nét lệch lạc của nhân cách. Ngoài ra, những kinh nghiệm bất hạnh thời thơ ấu thường làm cho ứng sinh có thái độ tự vệ và tiêu cực.
Thiết tưởng, chúng ta cần bàn thêm về tiến trình hình thành của vô thức để giúp mỗi người nhận ra những tinh tế trong lòng người mà do thói quen nào đó khiến chủ thể đánh mất sự nhạy bén khi đánh giá thực tại này.
Theo Amadeo Cencini (
[7]) có 4 giai đoạn:
-Sự tìm kiếm một thỏa mãn nhỏ
-Sự mập mờ
-Thói quen
-Tự động
(1) Một điều dễ nhận ra nơi những ứng sinh mới vào nhà dòng, họ rất “sốt sắng” như những vị thánh sống vậy ! Đó là dấu hiệu của giai đoạn
uống sữa, nghĩa là mọi sự xem ra rất dễ dàng và đơn giản. Trong khi đó, họ vẫn mang nhiều “chất đời”, thực tế này có thể bị họ lãng quên. Trong mức độ nào đó, họ dồn nén và không dám đối diện với những khó khăn.
Theo nhà tâm lý học Maslow, mỗi người luôn có nhu cầu được nhìn nhận và quan tâm, yêu và được yêu. Điều này xem ra khó cảm nhận, do họ mới thay đổi một môi trường mới. Mặc dù, được sự nâng đỡ của mọi người trong cộng đoàn họ đang sống, nhưng không phải lúc nào cũng cảm thấy thoải mái như ở nhà. Từ đó, khiến họ đi tìm những không gian riêng với một ai đó mà mình cảm nhận dễ gần gũi hơn. Đây là bước đầu được A. Cencini gọi là
sự tìm kiếm một thỏa mãn nhỏ. Thoạt tiên, tương giao ấy hoàn toàn siêu nhiên vì chúng nhân danh tình huynh đệ. Nhưng dần dà, nó trở nên một sự “gắn kết” không thể tách rời, họ bên nhau như bóng với hình. Đó là dấu chỉ của tình yêu chiếm hữu. Cũng từ đây, họ tìm những không gian riêng vượt khỏi sinh hoạt cộng đoàn.
Sự mập mờ cũng phát sinh từ đây.
(2) Chúng ta dễ nhận ra
sự mập mờ trong nếp sinh hoạt và cách cư xử của họ. Với thói quen không trực diện vấn đề của mình, họ có thể dùng nhiều cách lý luận để biện hộ cho cách hành xử của mình. Chẳng hạn, họ cho rằng việc nâng đỡ trong bước đầu của đời tu là một việc hệ trọng, hoặc nhu cầu bộc bạch những quan tâm, yêu thương là nhu cầu chính đáng… Những suy nghĩ đại loại như thế càng làm cho họ mất cảnh giác và sẽ dễ dàng dung túng cho chính mình. Chính những lúc ngụy biện như thế và một khi sự kiện ấy được người khác nhắc nhở và cảnh báo, họ sẽ cố gắng tìm
sự thỏa mãn này trong sự mập mờ của lương tâm; rằng việc này chẳng có gì xấu xa và một khi không được chấp nhận công khai, họ sẽ sống trong tính trạng núp né và nơm nớp, sợ người khác phát hiện. Bởi đó, tình hình càng thêm nặng nề do bị họ dồn nén từ bên trong.
(3) Theo Đức Đà Lai Lạt Ma,
suy tư thường xuyên dẫn đến hành động, hành động liên lỉ dẫn đến thói quen. Chính khi nó trở thành
thói quen,thì chủ thể mất dần ý thức. Cụ thể trong trường hợp trên, họ mất dần sự tự do chọn lựa để gặp gỡ nhau mà nó biến thành một sự ràng buộc không có không được. Quả thật, nơi đâu có thói quen thì mất dần tự do hành động. Điều này kéo theo sự mất kiểm soát những gì đang xảy ra, ngay cả những gì xảy ra sâu kín trong tâm hồn.
(4) Dần dà, mọi sự diễn ra như
tự động, nghĩa là theo quán tính tự nhiên. Nếu tập quán tốt tự động sẽ giúp hình thành nhân đức thì sự dồn nén thường xuyên tự động sẽ tạo nên một nếp hằn sâu trong ký ức đến một lúc nào đó, nó không còn được chủ thể tự chủ được nữa. Và một khi tự do và ý thức nhường chỗ cho tính tự động, sẽ dẫn đến sự sa đà như một chiếc xe trượt dốc không người lái.
Nhìn chung, bốn giai đoạn trên bao gồm một chuỗi tâm lý mà chỉ những ai dám thực sự đối diện mới tránh được thái độ dồn nén. Chính khi vạch mặt chỉ tên thực tại này, mỗi người sẽ được chữa lành, nghĩa là theo Freud, vô thức được trồi lên khỏi ý thức.
+Động cơ ý thức:
Điều này giả thiết ứng sinh có một đời sống trưởng thành nhất định về trí thức và cảm xúc. Họ tỏ ra là người chín chắn trong khi quyết định với ý thức ơn gọi là một việc hệ trọng liên quan đến định mệnh đời đời. Dù vậy, họ chỉ mới dừng lại yếu tố bề mặt, nghĩa là nhận thấy những thành quả của cá nhân tu sĩ nào đó đã phục vụ. Họ có thể chịu tác động của những nghĩa cử và cung cách phục vụ quên mình của vài dì phước. Có giai thoại kể rằng: một bé gái đến xin vào dòng của chân phước Têrêsa Calcutta.
Mẹ hỏi: “
Con đến đây làm gì ?”-Con muốn phục vụ người nghèo như mẹ
Dòng này không phục vụ người nghèo mà chỉ dấn thân phục vụ Chúa trong người nghèo.
Như thế, mẹ đã chuyển ý hướng của thỉnh sinh từ động cơ ý thức đến động cơ siêu nhiên. Thật vậy, mục đích của đời tu là tìm kiếm Thiên Chúa; còn phục vụ người nghèo…chỉ là đối tượng phục vụ giúp mình đạt đến mục đích trên.
Xét cho cùng, động cơ này vẫn còn qui về bản thân.
+Động cơ siêu nhiên:
Chúng ta dễ nhận ra động lực siêu nhiên nơi ứng sinh qua cung cách khiêm tốn khát khao tìm ý Chúa trong mọi sự. Qua đó, chúng ta có thể phân định phần nào về đời sống nội tâm của đương sự ngang qua việc cầu nguyện và tìm ra ý Chúa. Thật vậy, chỉ những ai có một tương giao thực sự với Chúa mới có thể khao khát tìm thi hành ý Người.
Với những ứng sinh được thúc đẩy bằng động lực siêu nhiên, họ tiến mau trên đường hoàn thiện và cộng đoàn là môi trường rất thuận lợi giúp họ dễ dàng vượt qua mọi khó khăn hầu tìm được vị thế của mình trong cung cách phục vụ.
Tóm lại, cả ba động cơ này đều chỉ là cách Chúa dùng hầu giúp đương sự nhận ra tiếng Chúa mời gọi. Và một khi đã vào dòng, họ bắt đầu một cuộc sống mới trong một môi trường mới với những con người mới. Cần tránh thái độ mặc cảm vì mình đã sống thiếu chân thành trên đường tìm Chúa; trái lại, cần sống tâm tình thống hối vì những bất xứng trong quá khứ và quyết tâm sống dấn thân trọn vẹn trong phút hiện tại và phó thác hoàn toàn tương lai trong tay Chúa, Đấng hướng dẫn đời ta.
Nếu những động cơ thúc đẩy các ứng sinh tìm đến một dòng tu nào đó là bước đầu trong cuộc hành trình tìm Chúa thì
việc làm hòa với quá khứ lại là một tiêu chuẩn đánh giá phẩm tính và thiện chí của các ứng sinh. Thật vậy, lúc trước, sống trong một gia đình luôn còn đó những khó khăn, điều này giả thiết họ mang trong mình những tổn thương của tuổi thơ không sao tránh khỏi. Vì thế, trong giai đoạn này, họ cần thanh luyện và làm hòa với chúng. Chúng ta có thể nhận ra những tổn thương đó qua thái độ hoặc phản ứng tiêu cực của mình. Một nữ tu thường có thái độ chống đối bề trên vì có thể chưa giải tỏa những oán hận, giận dữ… đối với mẹ mình. Hoặc một nam tu thường hay càm ràm, oán trách vì có thể khi xưa họ sống với người cha người mẹ cầu toàn, không bao giờ biết tán thưởng con cái…Những cảm xúc tiêu cực còn tồn đọng nếu không được họ nhìn nhận và làm hòa, sẽ quay trở lại trong giai đoạn sau và như thế, nó có thể mặc một hình thức mới tinh vi hơn; càng dồn nén và tránh né, người ta càng tạo thêm sức ảnh hưởng của nó. Không những nó ảnh hưởng tiêu cực trên đời sống tâm lý mà còn chi phối mạnh mẽ trên đời sống tâm linh; họ khó thiết lập tương giao liên vị với Thiên Chúa tình yêu, vì trong lòng vẫn còn mang thù hận.
Ngoài ra, một trong những yếu tố mà các thỉnh sinh thường gặp khó khăn trong đời sống cộng đoàn:
kỷ luật. Kỷ luật thường tạo cho mọi người cảm giác gò bó và nặng nề. Nhưng thật ra, nó là những hướng dẫn cụ thể giúp các tu sĩ tìm ra ý Chúa. Nếu không có một thái độ đúng đắn khi tiếp xúc với kỷ luật, chữ viết sẽ giết chết; chỉ có tinh thần mới làm cho sống. Thật vậy, khi chấp vào chữ viết, con người có thể nhân danh lề luật mà đè ép một người anh em. Còn nếu sống tinh thần của lề luật, họ dễ dàng thông cảm với những giới hạn của người khác vì chính họ nhận ra những giới hạn của bản thân. Thông thường, luật giúp con người tiến đúng và tiến nhanh trên đường hoàn thiện; tuy nhiên, chỉ có luật của con tim mới có thể giúp chữa lành những tâm hồn đau yếu và lầm lạc. Bởi đó, kỷ luật được hiểu đúng nghĩa nhất là phương tiện phục vụ phần rỗi mọi người.(
[8])
Kỷ luật thường được đề cao trong đời sống tập thể. Điều này không tránh những lạm dụng, vì có người nhân danh lề luật để đồng nhất hóa tập thể. Nói cách khác, họ gián tiếp phủ nhận những khác biệt độc đáo của mỗi cá nhân. Mà chính yếu tố này mới giúp nhân cách được định hình để phân biệt với các nhân vị khác.
Tưởng cũng cần nhắc đến kỷ luật trong đời sống cá nhân, nó giúp cá nhân rèn luyện ý chí và ý thức trong đời sống tập thể. Một người sống kỷ luật giúp kiến tạo một cộng đoàn kỷ luật. Trong đó, mỗi thành viên chuyên chăm chu toàn phần vụ của mình sẽ giúp cộng đoàn tiến mạnh trong sự an hòa. Tất nhiên, tránh thái độ nệ luật thái quá mà bỏ qua tình huynh đệ; lề luật có thể là rào chắn giúp người ta tránh những dịp tội nhưng cũng có thể là rào cản họ đến với anh em. Người ta có thể nhân danh luật ô uế để tránh cứu sống một người anh em gặp đau thương.
Những gì vừa trình bày chỉ mới nêu vài nét khái quát liên quan đến giai đoạn đầu của đời tu. Thiết tưởng, chúng ta cần ghi nhận những gợi ý của Cha A. Cencini, chuyên gia tâm lý học và đạo tạo người Ý. Ngài chia làm 3 giai đoạn:
thỉnh sinh, tập sinh và
khấn tạm.([9])(1) Thỉnh sinh
Thông thường, một thỉnh sinh vừa gia nhập cộng đoàn, họ ấp ủ một ước mơ hoàn thiện nào đó, cả những tham vọng thiêng liêng; rồi khi được ơn Chúa nâng đỡ, họ ảo tưởng mình đã thánh thiện và tốt lành đáng được Chúa yêu thương…Trong giai đoạn này, họ cần phải tiễu trừ những suy nghĩ ấy. Nói như Cha A. Cencini, họ phải đối mặt với cái chết. Đó là cách biết mình một cách sâu xa từ những động lực bên trong; đó là cái chết của con người cũ. Chỉ khi chấp nhận khám phá ra những quái gở và tổn thương của mình, đương sự mới thực sự sẵn sàng tiếp nhận những mặc khải mới trong một môi trường mới là cộng đoàn dòng tu. Một điều duy nhất thúc đẩy khiến họ dễ dàng chấp nhận tiến trình lột xác này là niềm khát khao tìm Chúa và phụng sự Người trong một cộng đoàn; nếu không, đó chỉ là một sự thay đổi ngoại diện mang tính tức thời. Như thế, họ có nguy cơ vẫn còn mang những thói đời ấy bên mình và ảnh hưởng đến toàn bộ hành trình tiếp theo.
Sau khi phân tích sơ bộ về động lực vô thức, chúng ta nhận ra những giới hạn của một ứng sinh hoàn toàn tự do để thực sự đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa là một điều bất khả. Bởi đó, chỉ khi ứng sinh khiêm tốn nhìn nhận những ấu trĩ, yếu đuối, lầm lỡ…của mình mà sẽ được Chúa ban ơn giúp sức để có thể tiến bước trong hy vọng.
(2) Tập sinh
Khi mặc áo tập sinh, đồng nghĩa với việc đương sự chết đi với con người cũ và mặc lấy con người mới. Từ đây, tập sinh tập sống theo khuôn mẫu của Chúa Kitô, nói theo thánh Phaolô, họ mặc lấy tâm tình của chính Đức Kitô hay nên đồng hình đồng dạng với Người (tất nhiên, chúng ta không loại trừ những yếu đuối của thân phận con người). Nếu như trong giai đoạn thỉnh sinh, đời sống thiêng liêng được xây trên nền của cái tôi vị kỷ thì bước sang giai đoạn này, cái tôi ấy đã mặc lấy chính Đức Kitô – là căn tính đích thực của hiện hữu mình. Như thế, việc chuyển hướng vị trí trung tâm có thể là một cuộc khủng hoảng tinh thần, nhưng đây lại là dịp thuận lợi giúp đương sự bám vào Chúa hơn. Sự tùy thuộc vào Chúa như thế, lại là cách tập sinh sống thật sự tự do. Thật vậy, tự do đích thực là tự do trong Chúa, Đấng đã ban cho con người hồng ân cao cả này để có thể tự do yêu mến và đáp trả tiếng mời gọi đến từ Người.
Với bản tính yếu đuối và mỏng giòn, mỗi tu sĩ cần thường xuyên sống lại “tình yêu thưở ban đầu”. Đó là lý do mà các nhà đạo đức thường khuyên một tu sĩ:
luôn luôn ý thức mình là một tập sinh trong trường phụng sự Chúa.(3) Khấn tạm
Căn nhà đã được tái cấu trúc nhưng còn trống trải, nó cần phải được trang trí bằng những việc lành với những nhân đức trổi vượt dựa trên ba lời khấn. Họ chấp nhận sống nghèo như Đức Kitô nghèo; họ khiết tịnh như Đức Kitô hằng qui hướng về Chúa Cha; họ vâng phục như chính Đức Kitô lấy ý Cha làm lương thực cho đời sống mình. Đó là cách biểu hiện đẹp nhất về sự tự do trong Chúa.
Nhìn chung, đây chỉ là giai đoạn đầu trong tiến trình đào tạo để chuẩn bị tư thế sẵn sàng cho giai đoạn khấn trọn trong việc
tự đào tạo và
thường huấn.